“Các Mô thức Văn hóa” của Ruth Benedict

 17:36 | Thứ tư, 20/03/2019  0
LTS: “Các Mô thức Văn hóa” - tác phẩm nổi tiếng của Ruth Benedict, vừa được NXB Tri Thức phát hành, bởi bản dịch của nhà nghiên cứu - dịch giả Phạm Minh Quân. Người Đô Thị chuyển đến bạn đọc bài viết giới thiệu tác phẩm này của PGS-TS Đỗ Lai Thúy(nhà nghiên cứu, phê bình văn học hiện đại).

Trong giới nhân học Mỹ, ngay từ đầu, đã xuất hiện hai học giả nữ nổi tiếng là Margaret Mead (1901 – 1978), tác giả của Tuổi Trưởng thành ở Samoa (Coming of Age in Samoa, 1928), và Ruth Benedict (1887 – 1948), tác giả của Các Mô thức Văn hóa (Patterns of Culture, 1934). Họ đều là học trò của Franz Boas, ông tổ của nền nhân học Mỹ và là những nhà nhân học văn hóa Mỹ tiêu biểu nhất của thế kỷ XX.

Ruth Benedict nhận học vị tiến sĩ và trở thành giáo sư nhân học tại Đại học Columbia, đồng thời nắm giữ vị trí chủ tịch Hội Nhân học Mỹ. Các công trình nghiên cứu của bà góp phần xây dựng nền móng cho ngành nhân học văn hóa, đặc biệt là trường phái Văn hóa và Nhân cách. Và, mặc dù các tác phẩm của bà về mô thức văn hóa chỉ dừng ở cấp độ cá nhân, hoặc rộng hơn, tộc người, nhưng Benedict đã đưa nhân học văn hóa tới các lĩnh vực chuyên sâu hơn của nhân học như tâm lý học, phân tâm học, thần kinh học.

Bạn đọc Việt Nam mới đây đã biết đến bà qua tác phẩm Hoa cúc và Gươm (The Chrysanthemum and the Sword, NXB. Hồng Đức, 2014), nghiên cứu tính cách người Nhật dựa trên mô hình lý thuyết được bà xây dựng trong tác phẩm Các Mô thức Văn hóa.

Tác phẩm này bao gồm ba vấn đề quan trọng của Nhân học – Văn hóa – Ruth Benedict. Trước hết đó là quan niệm Văn hóa thực chất là Nhân cách. Như vậy, văn hóa gắn liền với sự phát triển cá nhân con người. Sự phát triển này không phụ thuộc vào các yếu tố sinh học, mà chủ yếu vào các yếu tố địa lý nhân văn đặc thù.

Như vậy, văn hóa là một tổng thể. Một văn hóa có thể nhìn nhận như một nhân cách cá nhân và mỗi cá nhân trong một văn hóa có thể được nhân thực trong mối liên hệ với mô thức, các kiểu loại, những đặc điểm tiêu biểu cho văn hóa đó.

Thứ nữa, những nghiên cứu so sánh giữa các văn hóa khác nhau có thể làm sáng tỏ những hành vì văn hóa và xã hội của những người phương Tây hiện đại. Cuối cùng, nhân cách văn hóa là một biến thể và khác biệt văn hóa, nên không thể đánh giá nó bằng những tiêu chuẩn duy nhất và tuyệt đối.

Để làm sáng tỏ những luận điểm trên, Ruth Benedict lựa chọn ba trường hợp nghiên cứu cụ thể về ba tộc người nguyên thủy.

Ở trường hợp thứ nhất, bà áp dụng sự phân loại của Nietzsche để nhận diện hai văn hóa điển hình là Apollonian (hài hòa) của người Pueblo và Dionysian (phóng túng) ở người da đỏ Bình nguyên Mỹ. Sự tương phản trong tính cách và quan điểm về tồn tại của họ.

Trong trường hợp thứ hai, bà chỉ ra sự hoang tưởng ở người Dobu ở quần đảo d’Entrecasteaux Thái Bình Dương, thể hiện qua sự thù địch, ác tâm và ngờ vực của họ trong đời sống.

Trong trường hợp thứ ba, bà làm sáng tỏ bản chất vĩ cuồng của người Kwakiutl ở bờ biển Tây Bắc nước Mỹ, thể hiện qua tục trao đổi quà tặng và tham vọng chi phối người khác.

Với mỗi văn hóa, Ruth Benedict đều nghiên cứu thông qua nhiều cạnh khía quan trọng của cuộc sống như sản xuất kinh tế, hôn nhân, tình dục, cấu trúc gia đình, nghi lễ tín ngưỡng tôn giáo, bạo lực chiến tranh… và đặt chúng trong tương quan so sánh với nhau.

Ruth Benedict (1887 – 1948). Ảnh: TL


Là một người nghiên cứu thực địa đầy trực giác, Ruth Benedict không áp đặt các mô hình nghiên cứu từ ngoài vào, mà bao giờ cũng xuất phát từ một thực tại văn hóa cụ thể. Có thể thấy điều này qua Hoa cúc và Gươm.

Trước hết, bà nhận diện văn hóa Nhật Bản bằng hai hình tượng tiêu biểu và đối lập trong tính cách người Nhật là thanh gươm và bông hoa cúc. Thanh gươm, là biểu trưng cho tinh thần võ sĩ đạo, của những phẩm chất như nghĩa, dũng, nhân, lễ, danh dự, trung nghĩa, khắc kỷ… vốn chảy sâu trong huyết quản của con người Nhật Bản kể từ thời Trung đại.

Còn bông hoa cúc, bên cạnh là biểu tượng của hoàng tộc, tượng trưng cho Thiên hoàng và xuất hiện trên quốc huy của Nhật, còn là biểu tượng của sự thanh khiết và hoàn hảo, mỹ cảm thanh cao của người Nhật Bản. 

Cả hai hình tượng này đều có vị trí quan trọng không thể bị thay thế trong đời sống cũng như tính cách của con người Nhật Bản. Rồi từ đó, bà đưa ra một đối lập lớn hơn là văn hóa xấu hổ của phương Đông Nho giáo mang tính cộng đồng và văn hóa tội lỗi của phương Tây Kitô giáo mang tính cá nhân.

Cũng là một người thích nghiên cứu theo phương pháp xây dựng mô hình và cũng đã hơn một lần đưa ra khái niệm – chìa khóa “mẫu người văn hóa” để nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tôi trân trọng giới thiệu công trình Các Mô thức Văn hóa của Ruth Benedict qua bản dịch của nhà nghiên cứu, dịch giả Phạm Minh Quân, trong tủ sách Văn hóa học đến với đông đảo bạn đọc.

Đỗ Lai Thúy

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

#đô thị loại II
#Người Ai Cập – quyền lực và tình yêu
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.