Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030:

Gỡ “điểm nghẽn” chính sách văn hóa

 11:17 | Thứ năm, 28/09/2023  0
Tại Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” vừa diễn ra tại Hà Nội, những bất cập cùng giải pháp “gỡ khó” đã được các chuyên gia, nhà nghiên cứu đưa ra bàn luận.

Sau gần hai năm triển khai, việc thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 đã đạt được những thành tựu đáng kể như các địa phương đã tăng cường nguồn lực đầu tư cho văn hóa; nhiều di sản văn hóa được ghi danh, xếp hạng, tu bổ gắn kết với phát triển du lịch; các thiết chế văn hóa được tăng cường; công tác xây dựng môi trường văn hóa cơ sở được triển khai sâu rộng… Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, cũng đã xuất hiện những hạn chế, bất cập, về nhận thức, nguồn lực, chính sách, đào tạo… Những vấn đề đặt ra của văn hóa và phát triển hiện nay đang đòi hỏi cần phải được phân tích, giải quyết thấu đáo trên cơ sở mối tương quan, biện chứng với phát triển kinh tế, xã hội.

Diễn ra trong bối cảnh trên, Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn” đã ghi nhận nhiều ý kiến của các nhà quản lý, các nhà nghiên cứu khoa học, những người thực hành văn hóa, về những vấn đề đặt ra từ thực tiễn của quá trình thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030, nổi bật như: việc huy động nguồn lực xã hội cho văn hóa; những bất cập trong quy hoạch nhìn từ bức tranh di sản; đánh thức các không gian công cộng bị lãng quên…

Toàn cảnh Hội thảo “Thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 - Những vấn đề đặt ra từ thực tiễn”.


Thúc đẩy đầu tư công - quản trị tư cho văn hóa

Theo PGS-TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa xã hội Quốc hội, thì trong quá trình triển khai thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa, tồn tại một trong những "điểm nghẽn" chưa tháo gỡ tốt, đó là chưa khai thông được nguồn lực xã hội cho văn hóa.

Ông Sơn lý giải, do chính sách huy động nguồn lực cho văn hóa chưa đủ thông thoáng, trong đó có nhận thức về cách huy động nguồn lực xã hội chưa thật phù hợp với bối cảnh nền kinh tế thị trường, ở đó lợi ích là yếu tố cốt lõi, quan trọng nhất để huy động sự quan tâm của mọi người, trong khi văn hóa là một lĩnh vực ít thấy lợi ích kinh tế trước mắt, đầu tư lớn, thu hồi vốn lâu, nhiều khi bị xem là một hình thức đầu tư mạo hiểm, chưa biết thắng - thua thế nào.

PGS-TS. Bùi Hoài Sơn cho rằng, cần có một cách tiếp cận mới để giải quyết những vấn đề khó khăn mang tính muôn thủa của văn hóa. Đầu tư công - quản trị tư có thể được xem là một giải pháp đáp ứng được yêu cầu như vậy. 

Dẫn chứng từ kinh nghiệm về đầu tư công - quản trị tư ở một số nước trên thế giới, ông đưa ra ví dụ về mô hình quản lý cánh tay nối dài (arm’s length) của Anh và ở nhiều nước phát triển khác, ở đó, trong lĩnh vực văn hóa, đây là một nguyên tắc nhằm bảo đảm sự độc lập và tự chủ của các tổ chức văn hóa, nghệ thuật, nhờ đó, Nhà nước tránh được sự chất vấn của người dân về sự lãng phí, tính đúng đắn, hợp lý của các chi tiêu công cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Hay một ví dụ khác từ Hoa Kỳ, hầu hết các bảo tàng đều là các tổ chức phi lợi nhuận. Không giống như mô hình tại hầu hết các nước khác trên thế giới, nơi mà bảo tàng chủ yếu được chính phủ hỗ trợ, các bảo tàng Hoa Kỳ duy trì hoạt động bằng cách kết hợp nhận tài trợ từ nhiều nguồn, từ chính phủ, khu vực tư nhân và ngày càng nhiều từ thu nhập tự kiếm được…

Từ những dẫn chứng trên, PGS-TS. Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh việc cần tạo môi trường thúc đẩy đầu tư tư nhân cho đầu tư công - quản trị tư ở Việt Nam. Trong đó, tập trung xây dựng chiến lược quảng bá và truyền thông để thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của doanh nghiệp và cá nhân vào các dự án văn hóa. Bên cạnh đó, tổ chức các sự kiện hợp tác công-tư như hội thảo, triển lãm, buổi trình diễn để gắn kết các nguồn tài chính tư nhân với các hoạt động văn hóa.

Ông cũng cho rằng, Nhà nước cần phát triển chính sách và khung pháp lý rõ ràng và linh hoạt để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết hợp đầu tư công và quản trị tư trong lĩnh vực văn hóa, chẳng hạn sửa đổi các luật về đầu tư công, đối tác công tư, quản lý, sử dụng tài sản công... hay xây dựng luật về hiến tặng và tài trợ cho lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật.

Đồng thời, thiết lập các quy định về khuyến khích tài trợ tư nhân, ưu đãi thuế và các cơ chế khác để tạo động lực cho các doanh nghiệp và cá nhân tham gia đầu tư vào văn hóa…

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND - UBND TP.HCM - điểm tham quan thu hút đông đảo du khách dịp lễ Quốc khánh 2.9 vừa qua. Ảnh: Người Lao Động 


Đánh thức giá trị di sản, không gian công cộng

Nhìn từ bức tranh di sản văn hóa Việt Nam để suy ngẫm, TS. Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia, chỉ ra nhiều điểm còn bộc lộ những bất cập về quy hoạch, về ô nhiễm, về sự phát triển bền vững - vốn là những điểm yếu của bước đi đầu tiên, không chỉ có ở Việt Nam, mà ở bất cứ quốc gia nào.

Theo TS. Phạm Quốc Quân, quy hoạch là một trong những vấn đề lớn và quan trọng, để xây dựng một môi trường văn hóa, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa một cách có hiệu quả. Ở nước ta, việc quy hoạch mới chỉ dừng lại ở di tích, chưa quan tâm tới thực tiễn phát triển vùng - miền, chưa quan tâm tới đời sống cộng đồng, thiếu đi sự phát triển bền vững, chưa lưu ý tới quá trình biến đổi khí hậu và sự thích ứng của chúng đối với hiện tượng này.

Di tích quốc gia Lò gốm Hưng Lợi sau khi bị người dân thuê máy ủi san phẳng. Ảnh tư liệu: Trung Dũng


“Chúng ta cũng chưa thực sự quan tâm đến mối quan hệ giữa di sản vật thể với sự phát triển trong tương lai của mỗi địa phương, có cảnh quan văn hóa xung quanh các di sản trong quy hoạch, tạo nên sự bất cập trong quá trình bảo tồn, phát huy di sản.

Quy hoạch phải được nhìn nhận rộng hơn, qua môi trường văn hóa và môi trường ấy được coi là một tổng thể, bao gồm toàn bộ cảnh quan, các di sản khảo cổ và môi trường xây dựng. Quy hoạch của chúng ta chưa thực sự lưu ý tới những di sản khảo cổ, theo đó, phải di dời, phải xóa sổ trước sức ép của phát triển”, ông Quân nhấn mạnh.

Bên cạnh vấn đề phát huy di sản, câu chuyện cải tạo không gian công cộng xuống cấp thông qua những dự án nghệ thuật cũng nhận được nhiều sự quan tâm. Những không gian công cộng trước những nguy cơ bị chiếm dụng, lấn chiếm hay bị bỏ hoang, trở thành nơi đổ phế liệu phế thải đã thay hình đổi dạng, thay da đổi thịt, dưới "phép màu" nghệ thuật.

Dự án Nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân biến bãi rác trở thành điểm đến nghệ thuật. Ảnh: TL

Một số không gian công cộng ở Hà Nội. Ảnh: TL


Từ những dẫn chứng cụ thể về một vài dự án nghệ thuật đã góp phần đánh thức giá trị của các không gian công cộng, TS. Trần Hậu Yên Thế (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã khẳng định những đóng góp không hề nhỏ bé của nghệ thuật đối với chất lượng sống cộng đồng.

Điển hình như Dự án Nghệ thuật công cộng bờ vở Phúc Tân từ ý tưởng của KTS. Phạm Tuấn Long và giám tuyển Nguyễn Thế Sơn đã đánh thức mảnh đất bờ vở bị bỏ quên. Hay những khu tập thể từng là niềm tự hào của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, sau bao thập kỷ bị bỏ quên sẽ tìm được những tiếng nói chung, tìm lại được giá trị cốt lõi, những lý tưởng cao đẹp của mình thông qua những dự án nghệ thuật.

“Mặc dù các dự án nghệ thuật tham gia kiến tạo chất lượng sống, đánh thức các không gian bị quên lãng ở Hà Nội chưa nhiều, nhưng đó là những thành công đầu tiên. Hy vọng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền, của người dân sở tại, người nghệ sĩ sẽ thực sự là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, góp phần kiến tạo nên những không gian sống nhân văn”, TS. Trần Hậu Yên Thế bày tỏ.

Bài và ảnh: Thạch Thảo

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.