Vào hồi 17 giờ 39 giờ địa phương (tức 21 giờ 39 phút ngày 16.9.2023 giờ Việt Nam), tại Saudi Arabia, Kỳ họp lần thứ 45 của Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO đã gõ búa thông qua hồ sơ đề cử, công nhận quần thể Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà thuộc địa bàn tỉnh Quảng Ninh và thành phố Hải Phòng, là Di sản Thiên nhiên Thế giới.
Như vậy, đến nay, Việt Nam đã có 9 di sản được UNESCO công nhận là Di sản Thiên nhiên và Văn hóa Thế giới; trong đó, có 5 Di sản Văn hóa, 3 Di sản Thiên nhiên và 1 Di sản hỗn hợp.
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà được UNESCO công nhận Di sản Thế giới bởi nơi đây có các khu vực với vẻ đẹp thiên nhiên bao gồm đảo đá vôi có thảm thực vật che phủ; đỉnh nhọn núi đá vôi nhô lên trên mặt biển cùng với đặc điểm karst liên quan như các mái vòm, hang động.
Với 1.133 hòn đảo đá vôi muôn hình, muôn vẻ (775 đảo đá vôi thuộc Vịnh Hạ Long và 358 đảo đá vôi thuộc Quần đảo Cá Bà) được bao phủ bởi thảm thực vật phong phú trên mặt nước lấp lánh màu ngọc bích, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà hiện lên như một bàn cờ bằng đá quý; nước non trùng điệp, thanh bình; những bãi cát trắng mịn, tinh khôi.
Với sự giao thoa của núi rừng và biển đảo, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà có mức độ đa dạng cao của châu Á khi sở hữu 7 hệ sinh thái biển-đảo, nhiệt đới, cận nhiệt đới liền kề, kế tiếp nhau phát triển.
Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà còn là môi trường sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Sở hữu khu rừng trên biển lớn nhất Việt Nam với diện tích hơn 17.000ha cùng các hệ sinh thái đa dạng, Vịnh Hạ Long-Quần đảo Cát Bà là điểm cư ngụ của 4.910 loài động thực vật trên cạn và dưới biển, trong số này có tới 198 loài thuộc Danh mục Đỏ của Hiệp hội Bảo tồn Thiên nhiên Thế giới (IUCN), 51 loài đặc hữu.
Vịnh Hạ Long được UNESCO hai lần công nhận là Di sản Thiên nhiên Thế giới vào năm 1994 và năm 2000 theo tiêu chí vii và tiêu chí viii.
Năm 2013, hồ sơ đề cử Quần đảo Cát Bà là Di sản Thiên nhiên Thế giới theo tiêu chí đa dạng sinh học và hệ sinh thái (tiêu chí ix và x) được gửi tới Trung tâm Di sản Thế giới.