Diễn đàn năm nay thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu đến từ các cơ quan Trung ương và địa phương, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, tổ chức quốc tế với các diễn giả là các chuyên gia đầu ngành về phát triển đô thị và các nhà hoạch định chính sách hàng đầu. Sự kiện gồm một phiên khai mạc và toàn thể cùng 3 hội thảo chuyên đề diễn ra song song, gồm: Triển khai chính sách trọng tâm trong phát triển đô thị bền vững tại Việt Nam; Triển khai các mục tiêu phát triển bền vững và chương trình đô thị mới tại Việt Nam; Đô thị thích ứng biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 06(*).
Thách thức của quá trình đô thị hóa
Phát biểu khai mạc tại Diễn đàn, ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết: “Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam là dịp để chúng ta đánh giá thành tựu và nhận diện thách thức trong quá trình đô thị hóa, cũng như tạo cơ hội trao đổi thảo luận các vấn đề trọng tâm, giới thiệu bài học kinh nghiệm. Từ đó, thúc đẩy quá trình đô thị hóa ở Việt Nam trong giai đoạn tới”.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, phát biểu khai mạc sự kiện. Ảnh: VGP
Theo ông Hùng các đô thị Việt Nam ngày càng đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế quốc gia với tỷ lệ đô thị hóa đạt hoảng 43,1% và khoảng 902 đô thị trên toàn quốc. Nhiều đô thị ven biển đã hình thành các thương hiệu mới, chất lượng sống ngày càng được cải thiện.
"Nhờ vào sự đóng góp của đô thị, quy mô nền kinh tế Việt Nam năm 2023 đạt 430 tỷ đô, chất lượng cuộc sống đô thị tăng cao với sự cải thiện môi trường sống, cảnh quan và cơ hội phát triển cộng đồng dân cư. Nhưng đô thị hóa còn dàn trải, mật độ thấp, các tình trạng như ô nhiễm, thiếu nhà ở, thiếu không gian xanh, ngập lụt, tắc nghẽn giao thông gây khó khăn cho cư dân tại các thành phố lớn. Sự gia tăng về đất đai đô thị, mở rộng ranh giới hành chính đô thị tiếp tục tạo nên thách thức về chất lượng đô thị trong thời gian tới”, Thứ trưởng Nguyễn Việt Hùng cho biết, đồng thời nhận định Diễn đàn được tổ chức với 3 chủ đề rất sát với sự quan tâm của quốc tế và phù hợp với bối cảnh trong nước.
Định hướng cho thảo luận tại 3 hội thảo chuyên đề nêu trên, ông Hùng nêu ra một số nội dung quan trọng tác động đến phát triển đô thị Việt Nam. Đó là các định hướng tại Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cần được triển khai mạnh mẽ.
Theo ông Hùng, 6 nhiệm vụ đã được chỉ ra là kim chỉ nam cho phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn tới, từ việc hoàn thiện thể chế, chính sách, đến việc phát triển hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại và thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế khu vực đô thị. Tiếp đến, hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nhiệp, chuyên gia, cư dân đô thị và bạn bè quốc tế.
"Hoàn thiện chính sách và thể chế liên quan đến quản lý phát triển đô thị là nhiệm vụ cấp bách đòi hỏi sự tham gia tích cực của tất cả các bên, từ Trung ương đến địa phương, cộng đồng doanh nhiệp, chuyên gia, cư dân đô thị và bạn bè quốc tế, do đó, cần định hình một hành lang pháp lý thống nhất, hiệu quả, giúp đô thị hóa diễn ra lành mạnh, cạnh tranh và bền vững", ông Hùng nói.
Chia sẻ ý kiến từ xa, bà Laura Petrella, Trưởng ban Quy hoạch, Tài chính và Kinh tế, Chương trình Định cư con người Liên Hợp Quốc toàn cầu UN-Habitat đánh giá cao cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Bền vững và Chương trình Nghị sự Đô thị mới. Để hướng tới đô thị hóa bền vững và bảo đảm quá trình phát triển đô thị trong tương lai, chuyên gia này đề xuất phía Việt Nam cần tăng cường thể chế và chính sách đô thị. Đồng thời cần giải quyết các vấn đề như nhà ở giá rẻ, biến đổi khí hậu, tái thiết đô thị, phát triển giao thông công cộng và phát triển cơ sở hạ tầng, không gian công cộng. Cùng với đó cần thúc đẩy quy hoạch đô thị tích hợp với phương pháp tiếp cận có sự tham gia của tất cả các bên liên quan, tạo ra mô hình quản trị với sự phân cấp và trao quyền cho chính quyền địa phương, áp dụng các công cụ mới và sáng tạo cho quy hoạch, phát triển và quản lý đô thị…
Hướng tới giải pháp phát triển đô thị xanh bền vững
Trong hội thảo chuyên đề "Đô thị thích ứng biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững", TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), đã trình bày ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến ngành xây dựng, cụ thể xuất phát từ khí thải nhà kính của quá trình đô thị hóa, từ đó ra đời khái niệm “Kiến trúc xanh/ Công trình xanh/ Green Building”, khuynh hướng kiến trúc mới nhằm đưa con người trở lại với thiên nhiên, lấy lại sự cân bằng giữa môi trường thiên nhiên và con người.
Tuy nhiên, hiện nay các bộ tiêu chí đánh giá công trình xanh chưa thống nhất và chưa ban hành thành Luật, Nghị định để sử dụng tại Việt Nam. TS-KTS Lê Thị Bích Thuận đánh giá số lượng công trình xanh được công nhận còn khiêm tốn so với số lượng những dự án được xây dựng trong suốt thập niên vừa qua. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2022, cả nước mới chỉ có 233 công trình được chứng nhận và hơn 20 công trình khác đang được đánh giá là “Công trình xanh” với tổng diện tích khoảng trên dưới 6 triệu mét vuông sàn xây dựng.
TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, trình bày tham luận. Ảnh: BTC
Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng còn liệt kê 6 công cụ đánh giá công trình xanh mà Việt Nam đang sử dụng chính: CTX; LOTUS; LEED; Green Mark; Tiêu chí Kiến trúc xanh; Hệ thống EDGE. Tuy nhiên, hầu hết các chủ đầu tư nước ngoài và cả những chủ đầu tư Việt Nam vẫn lựa chọn các bộ công cụ quốc tế như LEED và Green Mark vì chúng mang lại giá trị quảng bá cao hơn, dù chỉ đánh giá một số lượng công trình xanh khiêm tốn. Từ thực tiễn đó, Bộ Xây dựng cần thống nhất các tiêu chí đánh giá công trình xanh và đơn vị nghiên cứu, phát triển công trình xanh tại Việt Nam.
Ngoài giải pháp về chính sách, TS-KTS. Lê Thị Bích Thuận còn đưa ra giải pháp về mặt kỹ thuật, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 có 40% công trình xanh xây bằng vốn ngân sách Nhà nước, 30% công trình xanh xây bằng vốn tư nhân. Các giải pháp về kỹ thuật bao gồm: Ứng dụng tin học trong phân tích năng lượng tòa nhà (sử dụng xây dựng mô hình thông tin điện tử để thiết lập kế hoạch và thiết kế các bước của dự án, kiểm soát vòng đời của công trình); Thiết kế tổng thể bền vững; Giải pháp sử dụng vật liệu và nguồn nguyên vật liệu bền vững, Giải pháp quản lý và vận hành công trình….
Ngoài giải pháp về xây dựng công trình xanh, các chuyên gia cũng trình bày giải pháp về hệ thống thoát nước mưa, đó là áp dụng mô hình thành phố bọt biển trong phát triển đô thị - mô hình thí điểm tại đô thị Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, lồng ghép mô hình thành phố bọt biển trong quy hoạch đô thị và xây dựng các mô hình kinh doanh bền vững. Ưu tiên sử dụng đất đã xác định trong quy hoạch để chống ngập (ao, hồ) và không gian xanh (công viên), áp dụng mô hình thoát nước đô thị bền vững, thiết kế xây dựng mạng lưới thoát nước, tăng cường thu gom nước mưa để sử dụng cho các mục đích không yêu cầu cao về chất lượng nước.
Các diễn giả chia sẻ trong phần tọa đàm tại hội thảo chuyên đề “Đô thị thích ứng biến đổi khí hậu hướng tới phát triển bền vững”. Ảnh: BTC
Chia sẻ kinh nghiệm từ địa phương, ông Đoàn Thanh Tâm, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ODA thành phố Cần Thơ, đã trình bày hệ thống quản lý thông tin rủi ro ngập (FRMIS) trên thành phố, nhằm hỗ trợ thành phố ra quyết định thực hiện các chức năng như vận hành công trình kiểm soát ngập, cảnh báo ngập sớm, giám sát lượng mưa, hỗ trợ đánh giá thiệt hại sau ngập lụt.. một cách tự động hoàn toàn.
Tương tự, bà Tạ Thanh Lan, Trung tâm Phát triển hạ tầng kỹ thuật thành phố Thủ Đức, cũng nêu vai trò, chức năng của nền tảng báo cáo ngập trực tuyến và hỗ trợ ra quyết định (FEDS), là một cơ sở cung cấp dữ liệu, quản lý và thu thập tình hình ngập lụt trên địa bàn thành phố Thủ Đức...
Qua Diễn đàn, những giải pháp của các chuyên gia sẽ góp phần giúp các Bộ, ban, ngành hoạch định chính sách hiệu quả, đồng thời cải thiện môi trường sống của người dân theo hướng phát triển xanh trong công cuộc đô thị hóa.
Diễn đàn Đô thị Việt Nam (Vietnam Urban Forum - VUF) được thành lập năm 2003 với sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ. Năm 2023 đánh dấu 20 năm hình thành và phát triển của Diễn đàn VUF.
Đây là sự kiện được Bộ Xây dựng tổ chức thường niên để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và trao đổi kiến thức giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, doanh nghiệp, các viện, trường, cơ sở nghiên cứu, giáo dục, đào tạo, các đối tác phát triển quốc tế và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến phát triển đô thị.
Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam năm 2024 được tổ chức với chủ đề chính là "Nhà là nơi bắt đầu:Tăng cường thể chế phát triển đô thị bền vững ở Việt Nam". Sự kiện năm nay nhằm hưởng ứng Ngày Đô thị hóa thế giới và hướng tới chủ đề Kỳ họp thứ 12 của Diễn đàn Đô thị Thế giới đang diễn ra tại Thủ đô Cairo - Ai Cập.
Minh Trang
________________
(*) Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24.1.2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.