Tiến độ khởi công 2 tuyến metro của Hà Nội trong năm 2025

 13:42 | Thứ bảy, 19/07/2025  0
Thành phố Hà Nội yêu cầu đảm bảo tiến độ khởi công tuyến metro số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào ngày 10.10 và tuyến metro số 5 Văn Cao - Hòa Lạc vào ngày 19.12.

Văn phòng Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn về việc khẩn trương tổ chức, triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ của các dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị (metro) khởi công năm nay.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố yêu cầu các cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương, nghiêm túc triển khai thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo thành phố, đảm bảo tiến độ khởi công tuyến số 2 Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào ngày 10.10 và tuyến số 5 Văn Cao - Hòa Lạc vào ngày 19.12.

Ảnh minh họa.

Tuyến metro số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo dài 11,5km, với 8,9km đi ngầm và 2,6km đi trên cao. Tuyến metro này có 7 ga ngầm và 3 ga trên cao với tổng mức đầu tư dự án gần 35.600 tỷ đồng, tăng thêm hơn 16.000 tỷ đồng so với chủ trương đầu tư được phê duyệt lần đầu năm 2008.

Tuyến metro số 5 có tổng mức đầu tư khoảng hơn 61.900 tỷ đồng. Tổng chiều dài dự án hơn 38km theo hướng Văn Cao - Ngọc Khánh - Đại lộ Thăng Long - Vành đai 4 - Hòa Lạc (khoảng hơn 6km đi ngầm, khoảng 2km đi trên cao và khoảng 30km đi bằng). Tuyến này có 21 nhà ga gồm 6 ga ngầm, 15 ga nổi.

Hà Nội có 2 tuyến metro đang hoạt động gồm tuyến số 2A, ga Cát Linh - Hà Đông và metro đoạn Nhổn - ga Cầu Giấy.

Theo Quyết định số 1569 ngày 12.12.2024 của Thủ tướng phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, thành phố sẽ đầu tư xây dựng thêm 14 tuyến metro.

Bên cạnh đẩy nhanh các tuyến đường sắt, Hà Nội sẽ đẩy nhanh tiến độ 6 cầu lớn qua sông Hồng gồm Hồng Hà, Mễ Sở, Thượng Cát, Ngọc Hồi, Trần Hưng Đạo, Vân Phúc.

Thành phố cũng sẽ tập trung xử lý ô nhiễm bụi, nước thải, rác thải, từng bước tạo môi trường trong lành, đáng sống trên địa bàn thủ đô, trong đó đưa vào vận hành nhà máy xử lý nước thải Yên Xá trong quý III, đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý nước thải Việt Hưng, Nam An Khánh.

Cùng với đó, Thành phố sẽ tập trung triển khai chương trình cải tạo sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét, giảm 50% mức độ ô nhiễm vào cuối năm. Đồng thời, nâng công suất xử lý rác thải lên 8.000 tấn/ngày, đáp ứng 90% nhu cầu xử lý rác thải đô thị.

Thời gian tới, Hà Nội sẽ chủ trì, phối hợp với các ban, bộ, ngành của Trung ương tổ chức thành công đợt cao điểm kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.

Ngân Phương

Hà Nội lấy ý kiến cộng đồng về phương án tuyến đường sắt đô thị số 5

Ban Quản lý Dự án đường sắt đô thị Hà Nội thông tin, đơn vị vừa phối hợp với Ủy ban nhân dân xã Quốc Oai tổ chức hội nghị lấy ý kiến người dân về phương án tuyến, vị trí và các hạng mục công trình thuộc Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 5, đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hòa Lạc.

Đây là một trong 12 tuyến đường sắt đô thị nằm trong quy hoạch giao thông chiến lược của Thủ đô. Tuyến số 5 có điểm đầu tại nút giao Văn Cao - Hoàng Hoa Thám - Ngọc Khánh, điểm cuối tại xã Yên Bài. Tuyến đi qua 9 phường và 10 xã, trong đó có địa bàn xã Quốc Oai.

Thiết kế chi tiết các nhà ga thuộc địa phận xã Quốc Oai.

Theo phương án đang được lấy ý kiến, toàn tuyến có chiều dài khoảng 41,9km, bao gồm 21 nhà ga và 2 khu depot. Tuyến kết hợp cả hình thức đi ngầm và đi trên mặt đất. Riêng đoạn qua xã Quốc Oai dài 2,84km, có 2 nhà ga là ga Sài Sơn (S13) và ga Quốc Oai (S14), sử dụng khoảng 7,03 ha đất, phần lớn là đất giao thông và thủy lợi.

Mục tiêu của dự án là hình thành một trục giao thông hiện đại kết nối đô thị trung tâm Hà Nội với khu đô thị vệ tinh Hòa Lạc, góp phần tái cơ cấu giao thông đô thị, giảm áp lực cho các tuyến đường bộ như đại lộ Thăng Long, đồng thời hoàn thiện mạng lưới giao thông công cộng khối lượng lớn.

Bên cạnh đó, việc đầu tư tuyến đường này sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế - xã hội cho các khu vực tuyến đi qua, đặc biệt là các địa bàn ngoại thành.

Được biết, Tuyến số 5 cũng là một trong những tuyến được ưu tiên triển khai trong giai đoạn đến năm 2030. Sau khi hoàn thành và đưa vào vận hành, tuyến đường không chỉ góp phần cải thiện chất lượng giao thông đô thị mà còn tạo thêm động lực thu hút đầu tư, nâng cao đời sống và kết nối hiệu quả giữa trung tâm và vùng ven của Thủ đô.

Đinh Luyện

Nguồn laodongthudo.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.