Bộ Kế hoạch và Đầu tư: 'Thế giới chưa có tuyến đường sắt nào 350km/h chở khách và hàng'

 23:37 | Thứ tư, 29/11/2023  0
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), trên thế giới hiện nay chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có cấp tốc độ thiết kế 350km/h có thể vận tải hỗn hợp (hành khách và hàng hóa).

Bộ GTVT đưa ra 3 kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Ảnh minh họa.


Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có văn bản đóng góp ý kiến gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam.

3 kịch bản đường sắt tốc độ cao

Theo tờ trình của Bộ GTVT, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam đang tập trung vào 3 kịch bản chính.

Kịch bản 1, đầu tư xây dựng mới tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 17 tấn mỗi trục, chỉ khai thác tàu khách. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư kịch bản này khoảng 67,32 tỷ USD.

Kịch bản 2, xây dựng mới tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 200-250km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục, khai thác chung tàu khách và hàng. Tuyến đường sắt Bắc Nam hiện hữu được hiện đại hóa để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư khoảng 72,02 tỷ USD.

Kịch bản 3, đầu tư tuyến đường sắt Bắc - Nam đường đôi, khổ ray 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn mỗi trục, khai thác tàu chở khách và dự phòng cho chở hàng khi có nhu cầu. Tuyến đường sắt hiện hữu nâng cấp để chuyên chở hàng, chở khách du lịch và khách chặng ngắn. Tổng vốn đầu tư dự án 68,98 tỷ USD. Nếu đầu tư hạ tầng, thiết bị, phương tiện để khai thác tàu hàng chạy Bắc - Nam thì vốn đầu tư dự án khoảng 71,60 tỷ USD.

Bộ GTVT đánh giá và lựa chọn kịch bản 3 nêu trên để đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam và kiến nghị ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để rút ngắn tiến độ, thực hiện thành công dự án.

Kịch bản 3 bất hợp lý

Góp ý về kịch bản đầu tư dự án, Bộ KH&ĐT đánh giá kịch bản 1 và 3 của Bộ GTVT đưa ra không đáp ứng được yêu cầu, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng Chính phủ và Bộ Chính trị. Chỉ có kịch bản 2 đáp ứng được yêu cầu, nhưng nội dung kịch bản 2 lại chưa đúng với phương án kiến nghị của hội đồng thẩm định nhà nước.

Bộ KH&ĐT đánh giá kịch bản 3 của dự án đường sắt tốc độ cao mà Bộ GTVT đưa ra có sự bất hợp lý.


Với kịch bản 3, Bộ KH&ĐT cho rằng sự bất hợp lý ở việc phương án đầu tư dự án có tốc độ thiết kế 350km/h nhưng tổng mức đầu tư dự án lại thấp hơn kịch bản 2 có tốc độ thiết kế 250km/h; chưa có nội dung liên quan phương án vận tải hàng hóa...

"Liên hệ thực tiễn với kinh nghiệm quốc tế thì hiện nay trên thế giới chưa có tuyến đường sắt tốc độ cao nào có tốc độ thiết kế 350km/h có thể vận tải hỗn hợp (hành khách và hàng hóa)", văn bản của Bộ KH&ĐT nêu.

Bộ KH&ĐT đánh giá các thông tin về kịch bản đầu tư để xem xét lựa chọn còn chưa đầy đủ, đặc biệt là các kịch bản nêu trên đều chưa đề cập đến việc xây dựng ngành công nghiệp đường sắt phát triển bền vững, tiến tới làm chủ công nghệ. Do đó, chưa có đủ cơ sở để đánh giá sự đúng đắn của việc lựa chọn kịch bản đầu tư.

Về lựa chọn tốc độ, Bộ KH&ĐT cho rằng cần phải liên hệ thực tiễn với các nước đi trước để xác định cấp tốc độ cho phù hợp và bảo đảm hiệu quả đầu tư, cũng như bảo đảm các yếu tố về kỹ thuật.

Khác với quan điểm của Bộ KH&ĐT, trong văn bản góp ý của Bộ Xây dựng mới đây, cơ quan này đã thống nhất đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo kịch bản 3 và đề nghị đề nghị Bộ GTVT phối hợp các địa phương có dự án chạy qua giữ nguyên thỏa thuận hướng tuyến khi làm quy hoạch tỉnh, tránh điều chỉnh làm phát sinh chi phí đầu tư. Bộ này cũng lưu ý chi phí đầu tư dự án lên tới hàng chục tỷ USD nên để đảm bảo tính khả thi, Bộ GTVT cần bổ sung căn cứ pháp lý để đề xuất sơ bộ tổng vốn đầu tư.

Chí Bình

 

Nguồn vietnamfinance.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.