Trong hai ngày 5 và 6.12, tại Hà Nội đã diễn ra hội thảo về quy hoạch hành lang xanh và thiết kế công viên ven biển Cửa Đại (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam) thuộc dự án “Tăng cường bảo vệ bờ biển Cửa Đại khỏi xói lở bằng cây xanh và không gian công cộng xanh”. Dự án do Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị chủ nhiệm với sự tài trợ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Cộng hòa Liên bang Đức (GIZ).
Tại hội thảo, các chuyên gia đóng các góp ý kiến nhằm hoàn thiện giải pháp cải tạo hành lang xanh và công viên ven biển, góp phần nâng cao không gian cộng đồng của người dân địa phương.
Quy hoạch cây xanh ven biển Cửa Đại
Theo báo cáo dự án, tình trạng xói lở đất ven biển Cửa Đại diễn ra nghiêm trọng. Cụ thể, gần 70% diện tích rừng phòng hộ của bãi biển Cửa Đại bị xói mòn do mực nước biển dâng cao; biển xâm thực vào bờ lan rộng 5 - 6km về phía Tây Bắc, tiến sâu vào đất liền. Để khắc phục tình trạng trên, tỉnh Quảng Nam đã xây kè bê tông cốt thép, kè mềm hay đê ngầm âm nửa mét so với mặt nước biển nhưng vẫn chưa giải quyết được toàn diện.
KTS. Nguyễn Thanh Tâm, Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị, trình bày dự án nghiên cứu.
Để khu vực ven biển phát triển bền vững, trong Quy hoạch chung thành phố Hội An đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, khu vực ven biển phường Cửa Đại được định hướng phát triển theo hệ thống công viên chuyên đề và bảo tồn không gian biển. Theo dự án, hành lang xanh ven biển Cửa Đại được quy hoạch với chiều dài 3,2 km, chiều rộng 8m – 100m, bao gồm công viên cộng đồng có tổng diện tích 10.000 m2.
Trình bày tham luận, KTS. Nguyễn Thanh Tâm, đại diện Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị đã giới thiệu 5 khu chức năng chính trong khu vực quy hoạch hành lang xanh Cửa Đại, gồm: Bãi tắm Cửa Đại 2, vườn dược liệu, công viên sinh hoạt cộng đồng trung tâm, vùng đệm công viên sinh thái đa dạng sinh học, đầm lầy đất ngập nước và khu bảo tồn chim.
“Trong quá trình thực địa, chúng tôi phát hiện tại khu vực cửa sông Thu Bồn (thuộc vùng đệm của khu vực bảo tồn thiên nhiên Cù lao Chàm, thành phố Hội An) rất nhiều chim di cư tới một khoảng bãi cát trũng đẻ trứng, ấp nở con rồi bay đi. Đây là nội dung mới trong nghiên cứu, có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học trong bối cảnh biến đổi khí hậu”, KTS. Nguyễn Thanh Tâm chia sẻ.
Phân khu chức năng Hành lang xanh ven biển Cửa Đại. Chú thích: HLX: Hành lang xanh, CVST: Công viên sinh thái, BVC: Bảo vệ chim hoang dã. Ảnh: Tài liệu hội thảo.
Với giải pháp tái sinh tự nhiên khu vực bờ biển Cửa Đại, các cây chịu gió tốt được trồng ở vùng đệm tiếp giáp biển (cây dừa…), các loại cây bụi, phi lao con trồng ở bên trong. Tiếp đó, dành một vài khu vực tấp ủ lá cây hoặc cành và rào một số khu vực hạn chế qua lại để bảo vệ đất từ 1-2 năm.
Khu vực trồng cây được chia thành nhiều tầng tán, giúp đảm bảo đa dạng sinh học.
Phân bố các khu vực trồng cây. Ảnh: Tài liệu hội thảo.
Nhận xét dự án “Tăng cường bảo vệ bờ biển Cửa Đại khỏi xói lở bằng cây xanh và không gian công cộng xanh”, PGS-TS. Vũ Thị Vinh, nguyên Tổng thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, đánh giá nhóm nghiên cứu đã tìm hiểu kỹ lưỡng đặc điểm hiện trạng tự nhiên, xã hội của phường Cửa Đại cũng như tình trạng xói lở bờ biển ở đây, đặc biệt là các cây trồng bản địa.
Trong khi đó, đề xuất cải thiện dự án, PGS-TS.KTS. Đỗ Tú Lan, nguyên Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng nên mở rộng tới nhóm doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng ngoài cộng đồng dân cư. “Bởi khu vực Cửa Đại là vùng phát triển du lịch nhưng những năm gần đây, do tác động của bão tố nên nhiều khách sạn ven biển bị xói lở vào tận móng nhà, gây thiệt hại đáng kể. Mở rộng tới nhóm doanh nghiệp hưởng lợi dự án đồng nghĩa với việc có thêm nguồn lực lớn, góp phần duy trì phát triển dự án lâu dài”, PGS-TS.KTS. Đỗ Tú Lan lý giải.
Tuy nhiên, có một thực tế là các chủ đầu tư tại phường Cửa An chưa quan tâm nhiều tới dự án: “Ngay từ buổi đầu phối hợp với chính quyền địa phương, chúng tôi mời gần 10 doanh nghiệp tới cùng họp trao đổi trên địa bàn phường Cửa Đại, nhưng chỉ có một doanh nghiệp đến dự”, TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Xây dựng và Đô thị, phản hồi ý kiến.
TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị, phát biểu tại hội thảo.
Góp ý về hiệu quả của dự án, TS. Trần Thị Lâm Hà, Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), đề xuất cần đo lường mức độ giảm thiểu tình trạng xói lở của hệ thống cây xanh, từ đó giúp cụ thể hóa hiệu quả giải pháp trồng cây bản địa nhiều tầng tán.
Về chăm sóc cây trồng và bảo dưỡng thiết bị công viên sinh thái, TS. Nguyễn Hồng Hạnh cho biết, đầu năm 2025, UBND phường Cửa Đại sẽ hoàn thiện báo cáo hiệu suất, quá trình thực hiện công tác trên: “Chúng tôi đã làm việc với người dân địa phương, hướng dẫn cộng đồng chăm sóc cây trồng, bảo dưỡng thiết bị. UBND phường Cửa Đại ban hành quy chế, cho lập hai hội chuyên chăm sóc hành lang xanh và hội phụ nữ đảm nhiệm bảo dưỡng thiết bị công viên”.
Tái sinh vùng đất hoang hóa
Qua khảo sát thực địa, KTS. Chu Kim Đức, Giám đốc Doanh nghiệp xã hội Think Playgrounds, đơn vị thiết kế xây dựng công viên cộng đồng Cửa Đại, chia sẻ: “Trước đây, khu vực trên chỉ có bờ kè bê tông dài và rất ít cây xanh vì chịu ảnh hưởng của xói lở đất. Vị trí này là một bài toán khó về vấn đề thiết kế công trình. Chính quyền thành phố đã đề xuất tìm giải pháp cho khu vực này nhằm khôi phục không gian cộng đồng”.
Công viên cộng đồng Cửa Đại gồm 4 khu chức năng: Khu tiện ích công cộng (nhà vệ sinh, bãi đỗ xe, thu gom rác, đường xe đạp, ghế ngồi, thiết bị thể dục); Khu ghế ngồi (bàn ghế picnic, đèn năng lượng mặt trời); Khu thể thao (bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông); Khu sân chơi (không gian cho người đi bộ, sân chơi chim Nhàn Xumatra).
Ý tưởng sơ bộ thiết kế công viên cộng đồng.
Thiết kế sơ bộ tổng mặt bằng công viên sinh thái cộng đồng.
Thiết kế sơ bộ tổng mặt bằng công viên sinh thái cộng đồng.
Trong quá trình khảo sát, KTS. Chu Kim Đức và cộng sự nhận thấy tại khu vực hành lang xanh, thực vật mọc tự nhiên và phát triển thành hệ sinh thái bản địa. Theo thống kê của các chuyên gia khảo sát khu vực ven biển Cửa Đại, có 74 loài thực vật bậc cao thuộc 39 họ của 25 bộ; 99 loài chim thuộc 12 bộ của 33 họ, trong đó có một số loài nằm trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới. Thế nhưng rất ít người dân địa phương biết đến chúng.
“Việc xây dựng công viên không chỉ tạo không gian gắn kết xã hội mà còn kết nối với thiên nhiên. Công viên có các bảng thông tin về thực vật, sinh vật, trang bị kiến thức hữu ích cho người dân địa phương, góp phần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường. Từ đó, tạo điều kiện cho cây bản địa phát triển, cung cấp chuỗi thức ăn cho loài chim di cư, thúc đẩy hệ sinh thái phát triển trở lại”, KTS. Chu Kim Đức chia sẻ.
Về tính bản địa của Công viên cộng đồng Cửa Đại, KTS. Chu Kim Đức nêu ba khía cạnh chủ yếu: Sự đóng góp ý tưởng của cộng đồng địa phương (người già, phụ nữ, trẻ em); đưa văn hóa địa phương vào thiết kế công trình (hoa văn nghệ thuật bài chòi trên nền sân chơi); thiết kế, tạo hình thiết bị vui chơi gần gũi với tự nhiên.
Theo KTS. Trần Xuân Hiếu, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, nhóm tác giả mới vận dụng giá trị bản địa ở hình thức như hình vẽ, màu nền, thiết kế tạo hình thiết bị vui chơi: “Qua hình thức (hình vẽ) cần lồng ghép nội dung để nâng cao nhận thức cho trẻ em”.
KTS. Trần Xuân Hiếu đánh giá cao dự án, kỳ vọng công viên cộng đồng trở thành dự án mẫu, nhân rộng lên khu vực ven biển thành phố Đà Nẵng do ảnh hưởng của xói lở. Theo ông Hiếu, nhóm nghiên cứu đã dựa trên hệ thống tự nhiên, từ đó thúc đẩy khả năng thích ứng của khu vực này, bảo tồn hệ sinh thái động, thực vật cũng như tăng cường nhận thức cộng đồng về rủi ro thiên tai và hệ sinh thái, tái kết nối với cộng đồng, phát triển du lịch nhưng không tác động tới thiên nhiên. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng cần chú ý tới nhóm khách du lịch, bổ sung song ngữ trên biển hiệu, tăng tính nhận diện cho công viên bằng lựa chọn màu sắc đặc trưng ngoài màu trắng.
Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo ngày 5.12.
Các đại biểu, khách mời chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo ngày 6.12.
Đề xuất mở rộng phạm vi sân chơi, PGS-TS. Nguyễn Hữu Dũng, Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam (VSA), cho rằng cần tổ chức công viên trên bờ biển chứ không chỉ trên đất liền, nhấn mạnh vào yếu tố “nuôi biển” để thu hút người dân địa phương cũng như khách du lịch. Để trở thành công viên sinh thái, chuyên gia này cho rằng cần thiết lập sự liên kết giữa công viên cộng đồng và khu vực đầm lầy đất ngập nước và khu bảo tồn chim. Đặc biệt, cần có giải pháp thu hút chim tới khu vực trung tâm của công viên.
Hội thảo còn một số ý kiến đóng góp về mua bán tín chỉ carbon, không trồng cây chắn gió trước công viên vì đặc thù biển động tại khu vực, tham khảo hệ tiêu chí biện pháp bảo tồn khu vực hiệu quả khác (OECM) nhằm bảo tồn đa dạng sinh học đối với nơi không phải khu bảo vệ… Thông qua hội thảo về quy hoạch hành lang xanh và thiết kế công viên ven biển Cửa Đại, các chuyên gia đã đề xuất những giải pháp thiết thực giúp nâng cao tính hiệu quả của dự án.
Hành lang xanh là hành lang không gian đan xen bên trong và bao bọc bên ngoài đô thị trung tâm. Ý tưởng quy hoạch hành lang xanh có loại hình cấu trúc vành đai xanh gắn với mục tiêu hạn chế sự phát triển lan tỏa được khởi xướng đầu tiên từ lý thuyết Thành phố vườn của Ebenezier Howard (1889).
Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1970, xuất hiện nhiều quan điểm mới về hành lang xanh, chức năng hành lang xanh không chỉ thuần về khía cạnh môi trường mà có sự tham ra của các chức năng phát triển kinh tế như nông nghiệp, du lịch và vui chơi giải trí. Giai đoạn này đã hình thành nhiều loại hình cấu trúc hành lang xanh mới như: vành đai xanh một lớp hay nhiều lớp, mạng xanh, nêm xanh, tuyến xanh...
Từ năm 1970 đến nay, các cấu trúc hành lang xanh đã được áp dụng phổ biến trong quy hoạch đô thị tại các quốc gia châu Á.
Hành lang xanh là hệ thống không gian xanh dạng tuyến liên kết khu ở với khu trung tâm, không gian công cộng hoặc nơi làm việc, người dân có thể đi bộ hoặc đi xe đạp trong đô thị (Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn nước Anh năm 1990).
Theo Jongman at el (2004), hành lang xanh là tuyến không gian xanh dọc theo con đường, sông suối hay thung lũng nhằm phục vụ mục đích giải trí, sinh thái và văn hóa.
Bài và ảnh: Minh Trang