TP.HCM:

Quy trình 10 bước xử lý tranh chấp tại dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên

 10:19 | Thứ tư, 14/08/2024  0
Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ liên quan việc thành lập Ban xử lý tranh chấp (DAB) và giải quyết khiếu nại, bất đồng thông qua DAB tại tuyến đường sắt đô thị metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo đó, Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM (chủ đầu tư) và nhà thầu đã thống nhất các bước thực hiện gồm 10 bước.

Cụ thể, bước 1: Chủ đầu tư phát hành Thông báo về ý định thành lập DAB đến nhà thầu.

Bước 2: Nhà thầu đồng thuận giải quyết các vấn đề thông qua DAB.

Bước 3: Ký kết “Thỏa thuận DAB” với điều khoản: Thỏa thuận sẽ có hiệu lực sau khi nhận được sự chấp thuận của UBND Thành phố.

Bước 4: Báo cáo UBND Thành phố về nội dung “Thỏa thuận DAB” và xin ý kiến chấp thuận.

Bước 5: UBND Thành phố có ý kiến chấp thuận “Thỏa thuận DAB” và cho phép chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo.

Bước 6: Tìm kiếm và đề xuất thành viên cho DAB, số lượng thành viên DAB là số lẻ (dự kiến 3 thành viên).

Bước 7: Đồng thuận về chi phí chi trả cho 3 thành viên DAB, chi phí này sẽ được chia đều cho mỗi bên.

Bước 8: Ký kết thỏa thuận thành lập DAB giữa Ban Quản lý Đường sắt đô thị, nhà thầu Hitachi và 3 thành viên DAB.

Bước 9: Thông báo nội dung được gửi đến DAB và hoàn thành quá trình thanh toán chi phí cho thành viên DAB. Bước 10: Bắt đầu quá trình DAB.

Dự án tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang xảy ra tranh chấp với nhà thầu Hitachi.


Nhằm đẩy nhanh quá trình xử lý, song song quá trình thực hiện bước 3 đang được luật sư của hai bên thống nhất, Ban Quản lý Đường sắt đô thị đã đề xuất Lệnh phát sinh tạm (Temporary Variation Order) để thanh toán 80% và các vấn đề bất đồng sẽ được giải quyết ở Trọng tài thương mại (Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam - VIAC). Nhà thầu cũng đã thống nhất hướng xử lý này để thúc đẩy quá trình đào tạo vận hành và vận hành thử (trial run).

UBND TP.HCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đối với Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, với vai trò là cơ quan đại diện của Chính phủ Nhật Bản trao đổi làm việc với Lãnh đạo Tập đoàn Hitachi, nhà thầu gói thầu CP3, nhà thầu các gói xây dựng và liên danh NJPT triển khai một số nội dung. Trong đó có việc tập trung nguồn lực và phối hợp với liên danh NJPT hoàn thành công tác đào tạo vận hành vào bảo dưỡng cho nhân sự vận hành sau khi nhận được các thiết bị từ nhà thầu CP3 và các tiện ích liên quan đến đào tạo của nhà thầu xây dựng để đảm bảo tiến độ dự án. Yêu cầu Nhà thầu Hitachi có phản hồi chính thức về Hợp đồng 5 năm vận hành và bảo dưỡng theo các giải pháp phù hợp.

Các nhà thầu, tư vấn tích cực phối hợp với chủ đầu tư và đơn vị vận hành, tư vấn đánh giá chứng nhận an toàn hệ thống về công tác vận hành thử. Sau khi nhận được kết quả vận hành thử, tiến tới hoàn thành thẩm duyệt, nghiệm thu phòng cháy, chữa cháy; hoàn thành đánh giá và cấp chứng nhận an toàn hệ thống; công tác hoàn công; kết thúc dự án.

Trước đó ngày 27.5.2024 Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM có Văn bản số 1476 gửi Sở Nội vụ TP.HCM, cho biết trong giai đoạn cuối của dự án vẫn còn một số vướng mắc, chủ yếu liên quan đến đào tạo, chạy thử, vận hành; đề xuất dự thảo và tiến đến hoàn thiện, ký kết hợp đồng 5 năm cho công tác vận hành và bảo dưỡng; những điều kiện, đòi hỏi của nhà thầu Hitachi; điều chỉnh thời gian thực hiện dự án; thỏa thuận vay VN22-P1…

Đáng chú ý là khó khăn trong việc giải quyết tranh chấp của các nhà thầu khi có 3 vụ kiện tranh chấp giữa chủ đầu tư với các nhà thầu chính với 300 khiếu nại có tổng giá trị khiếu nại hơn 30.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% giá trị tổng mức đầu tư điều chỉnh (hơn 43.757 tỷ đồng). Trong đó, riêng nhà thầu Hitachi đã đơn phương yêu cầu các chi phí phát sinh cho việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án với chi phí gần 4.000 tỷ đồng.

Dự án metro số 1 do Ban Quản lý đường sắt đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) là nhà tài trợ, Hitachi là nhà thầu chính. Năm 2006 dự án được phê duyệt vốn đầu tư ban đầu là 17.000 tỷ đồng, về sau duyệt điều chỉnh hơn 43.757 tỷ đồng; trong đó vốn vay ODA từ JICA là hơn 38.265 tỷ đồng còn lại là vốn đối ứng từ ngân sách TP.HCM.

Về quy mô, tuyến metro số 1 dài 19,7 km (trong đó đoạn đi ngầm dài 2,6 km, đoạn đi trên cao dài 17,1 km); gồm 11 ga trên cao, 3 ga ngầm và 1 depot; đầu máy, toa xe, các hệ thống cơ điện, thông tin, tín hiệu, kiểm soát, bán vé tự động... Về lộ trình, tuyến mero số 1 đi qua địa bàn các quận 1, Bình Thạnh, thành phố Thủ Đức (TP.HCM) và thành phố Dĩ An (Bình Dương).

Về thời gian thi công, tuyến metro số 1 được thực hiện từ tháng 3.2007, dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác năm 2018. Sau đó lần lượt dự án được điều chỉnh thời gian hoàn thành vào quý IV.2021, quý IV.2022, quý IV.2023. Lần gần nhất, dự án được lùi thời gian hoàn thành và đưa vào khai thác thương mại vào tháng 7.2024. Sau đó, dự án lại được thông báo sẽ hoàn thành thi công và đưa vào vận hành trong năm 2024.

Xuân Tình

Nguồn laodongthudo.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.