Chiếc hộp “dệt kim” từ gỗ
Sau nhiều năm nghiên cứu, Peter Zumthor quyết định ứng dụng kỹ thuật Strickbau, một kiểu xây nhà gỗ điển hình của vùng Appenzell từ đầu thế kỷ 18 cho ngôi nhà gỗ trong mơ của vợ mình. Nhờ dầm gỗ nhiều lớp đan cài vào nhau, sau đó “khóa chặt” tại khớp nối mà tòa nhà “neo đậu” một cách chắc chắn.
Unterhus nói không với việc xây gạch hay tô trát xi măng mà thành hình bằng cách “lắp ráp” các thanh gỗ, “hộp gỗ” một cách sáng tạo, chuyên nghiệp. Để những thanh gỗ “đo ni đóng giày” với mục đích thiết kế, Peter Zumthor đã kỹ lưỡng trong khâu lựa chọn nguyên liệu đầu vào: gỗ đặc, chắc, kích thước trung bình (dài x rộng x cao - tính là 660x11x20cm, gia công tỉ mỉ trước khi chuyển đến công trình…
Ông cũng tính toán kích thước từng mối nối khi ứng dụng kỹ thuật ghép gỗ mộng (ghép mộng dương và mộng âm với nhau). Bởi kỹ thuật này nếu được tính toán một cách chính xác sẽ tạo độ gắn kết hoàn hảo, chắc chắn cho các thanh gỗ mà không cần đinh vít hay keo dính.
Chính sự tôn trọng kỹ thuật xây nhà gỗ truyền thống mà Unterhus dù được xây dựng ở thời hiện đại vẫn gợi được cảm giác “xưa cũ”, mang tới nhiều giá trị cảm xúc cho người dân bản địa.
“Đài quan sát” đầy đủ tiện nghi sở hữu tầm nhìn 360 độ
Trên tổng diện tích 130m2, Unterhus chia thành 3 tầng: tầng trệt là sảnh đón, phòng tiện ích và khu vực thư giãn; tầng 2 là hai phòng ngủ rộng có cửa dẫn ra phòng tắm bằng gỗ Tếch, phòng thay đồ và nhà vệ sinh; tầng 3 là phòng khách đồng thời là không gian sinh hoạt chung của gia đình.
Ngoài cách bố trí công năng khoa học hay hầu hết đồ nội thất do chính Peter Zumthor thiết kế, điều đặc biệt giúp Unterhus được nhiều người “săn đón” chính là cách thiết kế xóa nhòa ranh giới trong ngoài thông qua những ô cửa kính lớn. Cộng với lợi thế độ cao 1.500m, khung cảnh những sườn núi phủ đầy tuyết trắng vào mùa đông hay thung lũng xanh mượt khi xuân đến, bầu trời cao rộng với một vài gợn mây hay những ngôi nhà nhỏ thấp thoáng trên sườn đồi đều được thu trọn dễ dàng.
Có lẽ vì vậy mà dù khối dáng, công năng ngôi nhà khá đơn giản nhưng lại mang tới nhiều trải nghiệm đặc biệt: một sự lửng lơ giữa trong nhà-ngoài trời, giữa không gian ấm cúng gia đình-khung cảnh thiên nhiên rộng lớn. Và thật khó để phân tách rạch ròi xem cảnh quan là nội thất của căn nhà hay căn nhà là một phần giúp bức tranh vùng cao nguyên Thụy Sĩ yên bình thêm trọn vẹn.
Thanh Ngân