Làng tôi rồi sẽ ra sao?

 20:24 | Thứ bảy, 14/09/2024  0
Tôi trở về làng vừa thấy quen vừa thấy lạ. Vừa thấy thân thương vừa thấy ngơ ngác, cô độc. Tôi cảm nhận rõ ràng, mạnh mẽ và sâu sắc hơn cả vẻ đẹp của làng lẫn những gì bất ổn của nó. Những thứ làng đã và đang mất đi không thể nào cứu vãn.

Tôi sinh ra ở làng Sấu(*). Tôi sống ở làng cho tới hết trung học phổ thông rồi ra thành phố học đại học. Từ đó, tôi cứ đi xa mãi, đến tận nước ngoài trong nhiều năm và khi trở về cũng chủ yếu sống ở thành phố. 

Trước kia, khi còn sống ở nước ngoài, lúc nhớ nhung gia đình và những kỷ niệm tôi cứ tưởng rồi khi trở về mình sẽ sống ở làng thật nhiều, thật nhiều để bù đắp! Nhưng không phải vậy. Luôn có một hố cách ngăn, một bức tường cao giữa tình yêu nơi tâm tưởng và hành động trong hiện thực.

Khi trở về tôi sống ở thành phố, thi thoảng vẫn trở về làng nhưng nhiều lắm tôi chỉ ở được một tuần. Hơn một tuần là tôi cảm thấy buồn vô cớ. Cái cảm giác ấy thật là kỳ lạ. Đi thì nhớ thương, trở về thì buồn thương day dứt. Tôi không lý giải được rõ ràng lắm sự mâu thuẫn lạ lùng này nhưng tôi nghĩ có lẽ một phần vì tôi bị kẹt giữa bầu trời kỷ niệm của tuổi thơ gắn với làng xưa và sự thay đổi của làng bây giờ. 

Cổng nhà tác giả hiện tại ở đầu làng Sấu, gần nơi sẽ làm khu đô thị. Ảnh: Quốc Vương


Làng của ngày xưa

Làng tôi là ngôi làng không có truyền thống văn chương khoa bảng. Trong làng không có ai đỗ đạt gì thời phong kiến. Hiện tại cũng không thể tìm được văn bản nào viết bằng chữ Hán Nôm còn lưu trữ trong làng. Nghe nói tất cả những giấy tờ sắc phong liên quan đến nghè, miếu, đình, chùa đều bị phá hủy vào quãng những năm 1956 - 1957. 

Lạ một điều nữa là rất ít người biết đến lịch sử lập làng, đến những người đầu tiên lập ra làng. Cũng không có ai ghi chép. Các di tích xung quanh, trong đó có những ngôi chùa, đình có lịch sử hơn 300 năm cho thấy làng cũng đã có từ lâu nhưng không ai rõ những người lập làng từ đâu đến, gốc gác ở đâu.

Ngay cả dòng họ nhà tôi cũng chỉ biết đến cụ tổ là người sinh ra cụ nội tôi, tức là rất gần. Người trong họ bao gồm cả ông trưởng họ cũng không biết gì hơn một cái tên để thờ và một thông tin mang máng rằng hình như cụ có một người anh hay em trai.

Tôi không rõ sự mờ mịt thông tin này là vô tình, hệ quả của trăm cuộc bể dâu hay là một chủ ý khi làng tôi nằm không xa căn cứ Phồn Xương của cụ Đề Thám và ở trong xã có một vài người tham gia khởi nghĩa Yên Thế. Sau khi cụ Đề Thám chết, khởi nghĩa tan rã, họ trở về làng giấu vũ khí và trở thành nông dân. 

Nghè của làng Sấu nhìn ra con ngòi, mới được trùng tu đầu năm 2024. Ảnh: Quốc Đôn


Nghe người già và bố tôi kể thì làng tôi ngày xưa rất khác làng khi tôi sinh ra. Cho dẫu thế thì ở thời điểm này, sau khi đã đứng ở rất xa nhìn làng, tôi thấy làng của tôi bây giờ thật khác làng khi tôi còn là học sinh. 

Làng của tôi ngày đó có đủ: rừng, ngòi, sông, lũy tre, bến nước, bờ đê… Làng cũng có không khí và sinh hoạt thôn quê.

Tre hồi đó vây kín làng. Dọc từ nhà tôi vào đến cuối làng, ở hai bên đường đi nhất là ở những nơi có ao, tre mọc dày thành lũy. Ngày đi trên đường thì mát, tối đi dưới vòm lá thì tha hồ ngắm đom đóm bay như sao. Ếch nhái dưới ao kênh ôm oam, cáo cầy trong lũy tre kêu “cáo! cáo!”. Dưới các ao, thi thoảng bọn trẻ chúng tôi còn nhìn thấy cả rái cá đùa nghịch với cái đầu và thân hình đen bóng. Con ngòi chảy quanh làng nước rất sạch.

Mùa lụt nước từ sông và khắp nơi dồn về con ngòi, tràn lên cả cánh đồng. Nước lúc đầu đục sau vài ngày thì lắng xuống trong xanh. Quanh làng là một biển nước mênh mang. Những đêm có trăng, đấy là một biển vàng. Người lớn, trẻ con đều tắm dưới ánh trăng. 

Cánh đồng đầu làng Sấu vào mùa lũ (trước khi nơi đây biến thành khu đô thị). Ảnh: Quốc Đôn


Ngòi đổ nước ra sông qua cống Chuông do người Pháp xây vào những năm đầu thế kỷ XX. Họ thiết kế khéo đến nỗi nước chảy trong lòng cống kêu “đinh đoong” như tiếng chuông. Tên của cống từ đó mà ra. Cuối mùa lụt, khi nước chảy qua cống ra sông làm cạn con ngòi, cả làng đổ ra bắt cá bằng đủ thứ dụng cụ: nơm, vó, chài, lưới… Người quê tôi gọi là “đổ ngòi”. Cả làng đi bắt cá suốt đêm. Ngòi cạn rồi thì nhà nào có chuôm đều tát nước, bắt cá. Nhà tôi có cái chuôm lớn, năm nào may có khi bắt được cả tạ cá. 

Ngoài sông, tre mọc dày xen lẫn những cây gạo lớn. Mùa xuân, hoa gạo bung đỏ rực. Nước sông thật trong, nhìn thấy rõ những cây tóc tiên lòa xòa bên dưới. Người làng ra đây tắm, giặt, rửa lá bánh… mỗi ngày. 

Cả làng làm ruộng, một hai nhà làm thêm nghề phụ như thợ xây, thợ mộc, thợ đóng cối hoặc sản xuất những mặt hàng nho nhỏ mang ra chợ xã bán như bún, mì, bánh rán, bánh đa… Trừ một vài người bỏ làng vào Nam sinh sống, không có mấy ai đi làm xa hay ra thành phố. 

Cầu Chẹm bắc qua con ngòi được dân làng làm thay cho cầu gỗ. Cây cầu này hiện đã được thay bằng cầu bê tông, lớn hơn và có lan can. Ảnh: Quốc Đôn


Cứ quãng 2 giờ chiều, dưới bóng mát của cây lớn đầu làng, già trẻ trai gái sắp ra đồng ngồi hóng mát la liệt. Đông nhất là đội quân đi cắt cỏ và chăn trâu. Cả làng có đến trăm con trâu, bò. Người đi chăn chủ yếu là trẻ con. Chúng tôi lùa trâu bò ra đê, ra bãi sông, tới các bãi cỏ. Chăn trâu bò đa số là con trai. Con gái sẽ quảy đôi quang, cầm liềm đi cắt cỏ.

Chiều tối về, trong lúc bọn con trai cởi trần tắm cho trâu bò thì con gái xắn quần rửa cỏ ở gần ngay đó. Ngày nông nhàn, người lớn trẻ con chơi diều, đánh quay, đánh đáo… Đường làng một trăm phần trăm đường đất; có đám cưới, đám ma cả đoàn người lội bùn bì bõm nếu trời mưa. 

Làng bây giờ thật khác

Sau gần 30 năm, làng bây giờ bỗng lạ lẫm vô cùng. Toàn bộ đường làng trải bê tông, cả những con ngõ nhỏ rộng chưa đầy 2m. Những cây cầu tre bắc qua con ngòi thay bằng cầu bê tông. 

Những ngôi nhà khang trang, to lớn mọc lên thay cho những ngôi nhà lợp ngói, lợp rạ, lợp mái tôn. Những nhà đẹp nhất, sang nhất thường là của những người cai xây dựng, buôn bán ngoài chợ (bán thịt lợn, bán tạp hóa…) hoặc là đi xuất khẩu lao động. 

Thanh niên không đi học thì đi làm công ty nên hầu như chỉ có người già làm ruộng. Người ta thuê máy cày nên cả làng chỉ còn mấy con bò, không còn ai nuôi trâu nữa. Bờ đê sông Thương cũng được kè bằng đá từ mặt đê xuống tận mặt sông. Tre bị chặt gần hết, các cây gạo cũng không còn. 

Thay vào đó, dọc sông mọc rất nhiều loài cây dại lạ lùng mà ngày xưa tôi chưa từng thấy. Nước sông và ngòi luôn cạn kể cả mùa mưa. Tất nhiên, không còn phù sa. Con ngòi nước vẫn chảy nhưng chỉ còn cá rô phi và vài loài cá chịu được ô nhiễm cao. Không ai còn dám tắm sông, ngòi nữa.

Con ngòi chảy qua làng Sấu hiện tại. Nước đã cạn và không còn sạch như xưa. Ảnh: Quốc Đôn


Công trình xây dựng khắp nơi, mọi thứ đều được di chuyển hoặc xây mới từ trụ sở ủy ban xã tới trường học, đình, chùa… Cách nhà tôi không xa, cánh đồng trước kia luôn bị ngập lụt và là bãi thả trâu giờ được đổ đất cao lên ngang mặt đê, phân lô hóa thân thành khu đô thị. 

Sinh hoạt của làng cũng thay đổi. Người dân không còn nhặt củi, vơ lá về đun nấu. Họ dùng bếp ga, bếp điện. Cũng chẳng còn ai đi xem tivi nhờ nữa. Rỗi thì thanh niên tụ tập hát karaoke và ăn nhậu. Cái không thay đổi duy nhất là đám ma, đám cưới vẫn đông và ăn uống linh đình. 

Tôi trở về làng vừa thấy quen vừa thấy lạ. Vừa thấy thân thương vừa thấy ngơ ngác, cô độc. Dường như khi đi xa tôi cảm nhận rõ ràng, mạnh mẽ và sâu sắc hơn cả vẻ đẹp của làng lẫn những gì bất ổn của nó. 

Ủy ban nhân dân xã được xây mới. Cánh đồng trước mặt hiện tại đã trở thành khu đất ở giãn dân. Ảnh: Quốc Đôn


Sau gần 30 năm, dù đang bê tông hóa và “phố hóa” tối đa, tôi vẫn nhận ra những vẻ đẹp nông thôn còn sót lại: ngọn núi xanh mướt, đồng lúa xanh, tán cây trùm kín mái đình, những đoạn đường làng còn sót lại lũy tre…

Chỉ một vài bức ảnh của một nghệ sĩ chụp rặng tre làng tôi đăng trên tạp chí Heritage cũng làm cho dư luận xôn xao. Nhưng những người như tôi biết rằng so với lũy tre xưa của làng thì cái cảnh đó chẳng là gì cả. Những thứ làng đã và đang mất đi không thể nào cứu vãn. Từ sông, ngòi tới đầm ao đều ô nhiễm. Nước thay màu, bốc mùi. Chuồn chuồn, đom đóm, cá tôm biến mất, thay vào đó là sự sinh sôi của nhiều cây cỏ lạ, của ốc bươu vàng và cá dọn bể. 

Cánh đồng đầu làng Sấu hiện đã phân lô bán nền sắp thành khu đô thị. Ảnh: Quốc Đôn


Làng bây giờ khó có thể gọi là làng nhưng cũng không là phố. Người ở làng chẳng phải thị dân, cũng chẳng còn là nông dân. Làng tôi vốn nổi tiếng chăm chỉ mà đất ruộng bỏ hoang ngày một nhiều. Những thứ được coi là thời thượng và người ta nói ra rả trên tivi, báo đài như “học tập suốt đời”, “văn hóa đọc”, “cộng đồng học tập”, “đời sống văn hóa” vẫn là những thứ xa lạ. 

Năm, mười, mười lăm năm nữa, làng tôi sẽ thế nào?

Đấy là câu hỏi thật khó trả lời. 

Nguyễn Quốc Vương

_________________

(*) Làng Sấu thuộc xã Liên Chung, huyện Tân Yên, Bắc Giang. Một làng nhỏ nằm gần sông Thương, cách thành phố Bắc Giang 25km. 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.