Việt Nam đang trong quá trình phát triển đô thị hóa mạnh mẽ, đối mặt với những cơ hội lớn nhưng cũng không thiếu thách thức về quản lý và quy hoạch. Trong bối cảnh đó, việc hoàn thiện và ban hành Luật Quản lý phát triển đô thị là một yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững và hiệu quả. Luật này không chỉ giúp định hình các tiêu chí và quy định cho từng loại hình đô thị đặc thù, mà còn tạo ra hành lang pháp lý vững chắc, bảo vệ quyền lợi của các chủ thể tham gia và đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn di sản văn hóa. Điều này góp phần quan trọng trong việc xây dựng các đô thị Việt Nam vừa hiện đại vừa giữ gìn bản sắc.
Vì vậy tọa đàm góp ý kiến cho Dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị do Tổng hội Xây dựng Việt Nam tổ chức ngày 5.11 vừa qua, đã thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và giới chuyên môn hữu quan.
TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: Hoàng Lực
Phát biểu khai mạc tọa đàm, TS. Đặng Việt Dũng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhận định thực tế quy hoạch, xây dựng, quản lý đô thị đặt ra nhiều yêu cầu, trong đó có yêu cầu xây dựng hệ thống pháp luật về quản lý phát triển đô thị. Tuy nhiên, Luật Quản lý phát triển đô thị là luật mới, nên rất khó và có phạm vi rộng, do đó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội phát huy tinh thần trách nhiệm, tích cực góp ý để Ban soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị tiếp tục hoàn thiện trước khi trình cấp cơ thẩm quyền.
Đồng thời, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam bày tỏ niềm vui khi bên cạnh sự tham dự của các chuyên gia, tọa đàm còn vinh dự có sự tham gia và đóng góp ý kiến của lãnh đạo Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng). Điều này cho thấy sự cầu thị, tinh thần lắng nghe của cơ quan soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị.
Trình bày tham luận tại tọa đàm, ông Trần Trung Chính, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), nhận định nước ta có trên 900 đô thị nhưng tất cả vẫn nằm dưới sự điều hành của một luật chung. Thay vào đó, cần điều hành trên những mô hình khác nhau dựa vào sự đặc thù của từng đô thị, chẳng hạn như đô thị sinh thái, đô thị sông nước, đô thị di sản, đô thị khoa học,… Tuy nhiên, trong dự thảo Luật lần này, ông Chính chưa ghi nhận nội dung liên quan xuất hiện.
Tọa đàm diễn ra với hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia trình bày ý kiến nhằm hoàn thiện hơn cho dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị. Ảnh: Hoàng Lực
Nhân năm nay vừa tròn kỷ niệm 25 năm Hội An (tỉnh Quảng Nam) được ghi danh là Di sản Văn hóa Thế giới (4.12.1999 – 4.12.2024), ông Chính nhận thấy, 25 năm đủ dài để ta thấy rằng đô thị di sản đó phát triển ra sao. Song, ông ghi nhận ở Hội An xuất hiện một số hiện tượng gây ảnh hưởng tiêu cực đến một đô thị di sản như sau: 80% di tích ở Hội An là nhà ở tư nhân – tài sản đặc thù của người dân đều có xu hướng xuống giá. Giá giảm xuống tới mức khoảng 30-40%. Cho nên, 30-40% người có nhà ở Hội An muốn cho thuê lại, khiến cho di sản có nguy cơ đánh mất chủ nhân thực sự.
Cùng với đó, di tích ngày một xuống cấp, song cả chính quyền địa phương và người dân chưa có đủ điều kiện tu sửa. Vì vậy, ông Chính đề xuất nghiên cứu chính sách chuyển nhượng quyền phát triển, nhằm giành lại công bằng cho chủ tài sản, chủ di tích.
Tiếp nối quan điểm trên, PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng Ban soạn thảo Luật Quản lý phát triển đô thị cần làm nổi lên hai vế của Luật là “quản lý” và “phát triển đô thị”. Ông Hải đặc biệt lưu ý cần làm sáng tỏ các khái niệm về các đô thị đặc thù như: đô thị di sản, đô thị biển, đô thị núi, đô thị sinh thái…
PGS-TS. Lưu Đức Hải, Viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng, cho rằng cần lưu ý tới việc làm sáng tỏ các khái niệm về các đô thị đặc thù như: đô thị di sản, đô thị biển, đô thị núi, đô thị sinh thái… Ảnh: Hoàng Lực
TS. Nguyễn Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế xây dựng và Đô thị (Tổng hội Xây dựng Việt Nam), đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu kỹ hơn đề xuất các nội hàm mang trính quản lý nhà nước như trách nhiệm và quyền hạn của các đối tượng áp dụng. Đồng thời, làm rõ nội hàm của các chỉ tiêu về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội của đô thị. Bà Hạnh cũng đề nghị, dự thảo Luật cần bổ sung nguồn tài chính để nghiên cứu và lập chương trình phát triển đô thị thuộc nguồn đầu tư công, để việc tổ chức lập chương trình phát triển đô thị đến tổ chức triển khai thực hiện các dự án ưu tiên đầu tư theo các giai đoạn ngắn hạn và dài hạn của chương trình được xuyên suốt theo nguồn lực tài chính của ngân sách.
Sau khi đọc dự thảo Luật, TS. Lê Văn Cư, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), chỉ ra điểm còn thiếu đầu tiên là về đối tượng điều chỉnh luật. Đối tượng điều chỉnh luật trên dự thảo được thể hiện chưa rõ. Ông cũng cho rằng dự thảo luật chưa thực sự quan tâm sát sao tới đối tượng chủ thể nước ngoài hoạt động với Việt Nam.
Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng chỉ ra, hiện nhiều tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài đang tham gia, hoạt động liên quan tới phạm vi phát triển đô thị ở Việt Nam. Vậy nên, đối tượng nước ngoài cũng cần được xem xét đưa vào luật. Theo ông Cư nên chỉnh sửa thuật ngữ “tái thiết đô thị” thành “chỉnh trang, cải tạo đô thị”. Bởi từ “tái thiết” là xây dựng lại sau cuộc tàn phá, và là từ có yếu tố vay mượn nước ngoài. Nên thuật ngữ này cần được cân nhắc lại để sửa đổi, hạn chế sử dụng trong văn bản pháp luật.
TS. Lê Văn Cư, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), đề xuất thay đổi thuật ngữ, nhận được sự tán thành từ các chuyên gia tham dự. Ảnh: Hoàng Lực
Bên cạnh các ý kiến nêu trên, một số chủ đề khác cũng được trình bày và thảo luận như: Cải tạo chỉnh trang phát triển đô thị gắn kết với Luật Đất đai; Xây dựng tiêu chí đô thị xanh, thông minh để có cơ sở chỉ đạo chủ đầu tư thực hiện; Quan tâm phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn, cá thể hoá trách nhiệm quản lý đô thị; Tập trung vào chính sách cụ thể để địa phương quản lý phát triển đô thị,…
Trân trọng và tiếp thu các ý kiến góp ý dự thảo Luật Quản lý phát triển đô thị của các chuyên gia Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS-KTS. Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), mong tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học của Tổng hội trong việc xây dựng tiêu chí đô thị, các chính sách cụ thể để quản lý phát triển đô thị… Ông cũng cho biết các ý kiến góp ý của chuyên gia, nhà khoa học trong tọa đàm sẽ được ghi chép đầy đủ trên cơ sở đó tổng hợp để bổ sung vào dự thảo Luật.
TS-KTS. Trần Quốc Thái, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị cảm ơn Tổng hội Xây dựng Việt Nam vì đã tổ chức thành công buổi tọa đàm lấy ý kiến, góp ý cho dự thảo luật lần này. Ảnh: Hoàng Lực
Cũng theo Cục trưởng Cục Phát triển đô thị, ngày 8.6.2024, Quốc hội thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025 và thông qua đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị. Việc hoàn thiện Luật Quản lý phát triển đô thị là một bước tiến quan trọng giúp Việt Nam quản lý đô thị một cách minh bạch và hiệu quả hơn, đảm bảo sự phát triển bền vững. Một hệ thống pháp lý chặt chẽ không chỉ tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án đô thị có tính khả thi cao mà còn đảm bảo hướng tới sự hài hòa và bền vững.
Mặt khác, sự phát triển đô thị ngày càng phức tạp, luật này cần phản ánh được nhu cầu của các đô thị hiện đại và những thách thức thực tiễn để hỗ trợ các cấp quản lý và các bên liên quan trong việc tạo dựng môi trường sống chất lượng, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn di sản...
Bộ Xây dựng đang đề nghị xây dựng Luật Quản lý phát triển đô thị nhằm tạo điều kiện, tiền đề để từng bước phát triển các đô thị theo hướng đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và dịch bệnh, với 3 chính sách sau:
Chính sách 1. Phân loại đô thị và quản lý phát triển hệ thống đô thị với mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công cụ phân loại đô thị trong quản lý phát triển các đô thị, chú trọng chất lượng đô thị, khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chuẩn.
Chính sách 2. Quản lý phát triển các khu vực, không gian đô thị và cung cấp hạ tầng đô thị đồng bộ. Mục tiêu của chính sách nhằm quản lý phát triển đô thị, cung cấp hạ tầng đô thị và phát triển hệ thống đô thị có trật tự, theo quy hoạch và có kế hoạch, từng bước hướng tới mục tiêu phát triển đô thị bền vững; bảo đảm quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị; bảo đảm kết hợp đồng bộ và hài hoà giữa cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị với phát triển các đô thị mới.
Chính sách 3. Nâng cao năng lực quản lý phát triển đô thị bền vững với mục tiêu hoàn thiện chức năng quản lý nhà nước về đô thị từ Trung ương đến các cấp chính quyền địa phương, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước đầu mối về phát triển đô thị các cấp; nâng cao năng lực, tăng cường hiệu quả và tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đẩy nhanh chuyển đổi số trong quản lý phát triển đô thị, xây dựng chính quyền điện tử tiến tới chính quyền số ở đô thị gắn kết chặt chẽ với phát triển đô thị thông minh.
(Theo Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Đoan Túc