Các đại biểu thực hiện nghi thức khai mạc Ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ 1.
Vai trò của văn hóa trong kinh doanh toàn cầu
Văn hóa doanh nghiệp là một yếu tố cốt lõi trong quá trình xây dựng và phát triển của bất kỳ tổ chức nào. Tại Diễn đàn, các diễn giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc doanh nghiệp không chỉ hiểu rõ văn hóa bản địa mà còn phải biết cách hòa nhập và thích nghi với văn hóa nước ngoài khi mở rộng hoạt động kinh doanh. Tiến sĩ Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), khẳng định: "Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, và văn hóa doanh nghiệp sẽ là 'tấm thẻ căn cước' để định vị mỗi doanh nghiệp trên thị trường quốc tế."
Một trong những thách thức lớn mà doanh nghiệp Việt Nam khi thâm nhập vào thị trường châu Âu là sự khác biệt trong quy chuẩn kinh doanh, tiêu chuẩn an toàn, và cả niềm tin đối tác. Ông Stéphane Torrez, Chủ tịch Viện Nghiên cứu công nghệ Railenium của Pháp, chia sẻ: “Để doanh nghiệp thành công, cần xây dựng nét văn hóa riêng, tiếp thu văn hóa của đối tác và tạo ra kết nối chung." Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của việc phát triển những chiến lược kinh doanh dựa trên sự hiểu biết sâu sắc về văn hóa doanh nghiệp của từng quốc gia.
Một điểm nổi bật của diễn đàn là sự so sánh giữa văn hóa kinh doanh Việt Nam và châu Âu. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp thường có phong cách quản lý linh hoạt, nhanh nhạy với tình hình thay đổi, nhưng hạn chế mà không ít doanh nghiệp mắc phải đó là lại thiếu sự chuẩn bị dài hạn và tính hệ thống. Bất cập lớn nhất lúc là sự tuỳ tiện thay đổi đột xuất các kế hoạch, chương trình. Trong khi đó, doanh nghiệp châu Âu lại có xu hướng lên kế hoạch chặt chẽ, coi trọng sự ổn định và lâu dài. Ông Hồ Anh Tuấn, Trưởng Ban tổ chức chương trình Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam, nhấn mạnh: “Văn hóa doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện tầm nhìn dài hạn và tăng cường tính đoàn kết, linh hoạt, nhưng không được tuỳ tiện.”
Ông Jean-Noel Poirier, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển tại Việt Nam Và Singapore, chia sẻ tại sự kiện.
Cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt và châu Âu
Ông Jean-Noel Poirier, nguyên Đại sứ Pháp tại Việt Nam, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn đầu tư và Phát triển tại Việt Nam Và Singapore, cho biết theo tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan, thì tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam – EU năm 2023 là hơn 58,6 triệu EUR. Trong đó xuất siêu hơn 28,7 triệu EUR.
Năm 2024, sau 7 tháng, Việt Nam xuất siêu sang EU gần 20,26 tỷ USD, tăng 20,08% so với 7 tháng năm 2023. Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường EU vào Việt Nam đạt trên 9,31 tỷ USD, tăng 10,08% so với cùng kỳ năm 2023. Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam làm tốt hơn các doanh nghiệp Pháp, bởi Việt Nam đang xuất khẩu lớn hơn nhập khẩu rất nhiều. Ngoài ra, doanh nghiệp Việt Nam vẫn có tiềm năng và lợi thế lớn khi đầu tư vào Pháp và EU, bởi các không ít doanh nghiệp và người dân Pháp vẫn có tâm lý e dè với doanh nghiệp Trung Quốc và chào đón doanh nghiệp Việt Nam hơn. Ông cũng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp Pháp sẽ tăng cường hợp tác, đầu tư vào thị trường Việt Nam.
Diễn đàn lần này mở ra nhiều cơ hội hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và châu Âu. Đại sứ Việt Nam tại Pháp, ông Đinh Toàn Thắng, cho biết có khoảng 300 doanh nghiệp Pháp đang kinh doanh tại Việt Nam, trong khi các tập đoàn lớn của Việt Nam như Vietnam Airlines, FPT... cũng đã hiện diện tại Pháp. Điều này phản ánh sự gắn kết và phát triển mạnh mẽ giữa hai nền kinh tế.
Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary (áo dài đỏ), chia sẻ tại sự kiện.
Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng dễ dàng thâm nhập và phát triển tại thị trường quốc tế. Tiến sĩ Phan Bích Thiện, Phó Chủ tịch Hiệp hội người Việt Nam tại Hungary, cho rằng: “Trong thế giới đa văn hóa, để lập nghiệp tại nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam cần hiểu sâu sắc văn hóa, quy định và luật pháp của nước sở tại, đồng thời tận dụng những đặc trưng văn hóa Việt Nam để tạo nét riêng cho doanh nghiệp.”
Sự kiện kết thúc với bài phát biểu ấn tượng của ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam. Ông Lê Doãn Hợp khẳng định rằng văn hóa doanh nghiệp chỉ có thể phát triển nếu người đứng đầu doanh nghiệp có đạo đức và tài năng. Ông nói: “Doanh nghiệp không thể có văn hóa nếu người đứng đầu không có văn hóa, không có đạo đức và tài năng. Để có nhiều doanh nghiệp có văn hóa, cần phải đào tạo nhiều người đứng đầu doanh nghiệp có đủ ba yếu tố: đạo đức, tài trí và sự quyết đoán.”
Ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, phát biểu tại sự kiện.
Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhấn mạnh rằng, để doanh nghiệp thành công và bền vững, người lãnh đạo phải có bản lĩnh, dám quyết định và chịu trách nhiệm trước mọi thử thách. Đây cũng là bài học mà các doanh nghiệp Việt Nam nên học hỏi để có thể phát triển mạnh mẽ trong môi trường kinh doanh toàn cầu.
Diễn đàn "Văn hóa Kinh doanh Việt Nam và châu Âu: Góc nhìn đan xen" không chỉ là cơ hội để thảo luận về những khác biệt và tương đồng trong văn hóa kinh doanh mà còn là nền tảng giúp doanh nghiệp hai khu vực tìm kiếm những giải pháp hợp tác bền vững. Sự kiện này hứa hẹn sẽ mở ra nhiều cơ hội và thúc đẩy sự phát triển lâu dài trong tương lai.
Văn hoá doanh nghiệp không chỉ tập trung vào lợi nhuận, mà là tạo sự thịnh vượng chung
Tham gia cả hai phiên thảo luận, Thạc sĩ Sunny Lan, CEO & Founder của SUN Innovation Hub đặc biệt tâm đắc với phát biểu của ông Lê Doãn Hợp, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp với câu nói “khó nhất là làm doanh nghiệp tử tế, làm giàu tử tế”. CEO của SUN Innovation Hub đã có những chia sẻ về triết lý hoạt động và giá trị cốt lõi của hệ sinh thái khởi nghiệp và Đổi mới sáng tạo này. Bà nhấn mạnh rằng hệ sinh thái của họ không chỉ tập trung vào lợi nhuận mà còn coi trọng con người, môi trường và sự thịnh vượng chung của các bên liên quan và các loài chúng sinh. “Chúng tôi muốn tạo ra một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo bền vững, nơi mà mọi bên liên quan đều được hưởng lợi. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là lợi nhuận, mà còn là trách nhiệm với con người (People), hành tinh (Planet), và thịnh vượng chung (Prosperity)”, bà nói.
Thạc sĩ Sunny Lan, CEO & Founder của SUN Innovation Hub (bìa trái), chụp hình cùng các diễn giả sau sự kiện.
Giá trị cốt lõi của hệ sinh thái này là Open Innovation Resources – Khai mở nguồn lực đổi mới Sáng tạo mở, và thông qua đó, họ triển khai các dịch vụ, hoạt động hỗ trợ tạo giá trị chia sẻ chung cao cho tất cả các bên liên quan, từ startups, doanh nghiệp, chính phủ, tổ chức phi chính phủ đến các quỹ đầu tư và trường đại học.
Hệ sinh thái này ưu tiên bốn mảng chính: 1) Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo liên châu Âu – Á, với trọng tâm là giáo dục, công nghệ AI & Blockchain, và nông nghiệp xanh; 2) Với mô hình đổi mới sáng tạo độc đáo, SUN Innovation Hub cũng là tổ chức tiên phong đầu tiên trên thế giới đưa ra ý tưởng dịch vụ tư vấn đồng thời ở cả 4 mảng, gồm: tư vấn đổi mới sáng tạo, ươm tạo doanh nghiệp, chuyển đổi số và marketing sáng tạo: 3) Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo riêng cho từng startup và SMEs; 4) Tăng cường xuất nhập khẩu và trao đổi sản phẩm đặc sản giữa Việt Nam và Pháp, góp phần vào sự phát triển bền vững, bảo tồn giống/loài bản địa của cả hai quốc gia.
SUN Innovation Hub là sự kết hợp vừa độc đáo vừa đa dạng của các stakeholders trong các hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo của Pháp, Việt và các quốc gia Âu-Á khác, tạo ra những vòng tròn tác động xã hội ở các cấp độ và phạm vi khác nhau. SUN Innovation Hub theo đuổi sứ mệnh kết nối các bên liên quan và làm giàu nguồn lực của Hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới liên châu Âu – Á để “Nâng tầm đổi mới sáng tạo của hệ sinh thái” và “tạo-vòng-tròn-tác-động-xã-hội-đổi-mới-sáng-tạo-tích-cựcTM” (enhance ecosystem innovation and create a positive-innovative-social-impact-circleTM).
Đan Linh
______________________
(*) Diễn đàn diễn ra ngày 13.9.2024 tại Paris, thu hút gần 150 đại diện doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp Pháp, nghiệp đoàn giới chủ Pháp (Medef) cùng nhiều chuyên gia các lĩnh vực khác nhau từ các nước châu Âu. Chương trình do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp với Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức.
Chương trình “Ngày văn hoá doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất” được Hiệp hội Phát triển Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức, nhằm mục đích góp phần hiện thực hóa và lan tỏa tinh thần Nghị quyết của Đảng và Chính phủ, về xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam được khởi xướng từ năm 2016 theo Quyết định Số 1846/QĐ-TTg ngày 26.9.2016 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam và Quyết định Số 248/QĐ-TTg ngày 28.2.2018 của Thủ tướng Chính phủ Thành lập Ban Tổ chức triển khai Cuộc vận động “Xây dựng văn hoá doanh nghiệp Việt Nam”.