‘Xem tranh’ và cách để thưởng ngoạn nghệ thuật

 11:11 | Thứ bảy, 30/09/2023  0
LTS: Thưởng ngoạn một tác phẩm nghệ thuật không đơn thuần chỉ là chiêm ngưỡng diện mạo bề ngoài bằng thị giác. Điều khiến cho một tác phẩm trở nên sâu sắc hơn, chính là ở sự cắt nghĩa, diễn giải của công chúng. "Xem tranh" (Omega+ và Nxb Thế giới, 2023) của Susan Woodford là một tác phẩm dẫn nhập về nghệ thuật thú vị, gợi mở bạn đọc các cách để thưởng ngoạn nghệ thuật.

Nhân dịp cuốn sách vừa ra mắt, Người Đô Thị giới thiệu bài viết của Phó Viện trưởng Viện Nhân học Văn hóa Phạm Minh Quân - người đã chuyển ngữ cuốn sách này ra tiếng Việt, để cung cấp thêm cho bạn đọc những thông tin thú vị khác xung quanh cuốn sách đặc biệt này.

*   *   *

Sự tiếp nhận của người thụ hưởng nghệ thuật đã được khẳng định có một vai trò quan trọng, mà như nhà lý luận văn học Pháp Roland Barthes đã gửi đi một thông điệp qua nhan đề của tiểu luận Cái chết của tác giả (1967): sự sống của tác phẩm không phụ thuộc vào tác giả, tác giả không phỉa là người duy nhất quyết định ý nghĩa của tác phẩm, thay vào đó là nhờ vào nhiều cách đọc và diễn giải khác nhau.

Là người quan tâm nghiên cứu về lý luận và lịch sử nghệ thuật, tôi đã đụng đến và dịch những tác phẩm kinh điển của chuyên ngành này, và nhìn chung đều là những cuốn “khó nhằn” như Lịch sử nghệ thuật cổ đại (Johann Joachim Winckelmann, 1764), Những nguyên lý của lịch sử nghệ thuật (Heinrich Wolfflin, 1915), Mùa thu trung cổ Người chơi (Johan Huizinga, 1919/1938), Hoàng hôn phương Tây (Oswald Spengler, 1918-1922), Ý niệm: Một khái niệm của lý thuyết nghệ thuật (Erwin Panofsky, 1924),…

Xem tranh (Susan Woodford, Phạm Minh Quân dịch, Omega+ và Nxb Thế Giới, 2023).


Tuy nhiên, kể từ khi bắt đầu giảng dạy môn Lịch sử nghệ thuật cho sinh viên, tôi nhận ra rằng, song song với những công trình lớn, thì cũng rất cần những công trình mang tính chất sơ khởi, tạo nền tảng cho người mới bước vào thế giới nghệ thuật. Trước hết, ngoài khơi gợi cảm thụ nghệ thuật, còn cung cấp thêm các cách thức tiếp cận một tác phẩm nghệ thuật, để hiểu, nhận diện và định vị giá trị của nó.

Trong quá trình khảo cứu tư liệu, tôi đã bắt gặp cuốn Xem tranh (tựa gốc: Looking at Pictures) của nữ tác giả Susan Woodford, do Nxb Đại học Cambridge, Anh xuất bản lần đầu năm 1983. Mặc dù chỉ bao chứa lịch sử nghệ thuật phương Tây tiền hiện đại, nhưng tác giả cuốn sách đã tập hợp và hệ thống thành các chủ đề rất phổ quát. Như một tình cờ ngẫu nhiên nữa, gần đây khi Omega+ mua bản quyền phiên bản mới nhất của cuốn sách dành cho Bộ sách Công cụ giúp hiểu nghệ thuật và có lời mời dịch, tôi đã lập tức nhận lời. 

Để thâu tóm một lịch sử nghệ thuật đa tuyến, đa quốc gia – đa văn hóa, đa trường phái–chủ nghĩa, chỉ ở châu Âu nói riêng chứ chưa nói là thế giới phổ quát nói chung, dường như đã là bất khả. Bởi vậy, nên mới có nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ góc độ chủ thể sáng tạo/người nghệ sĩ (tiểu sử học và giai thoại, phân tâm học, tâm lý học), cho tới tác phẩm (hình thức, phong cách, thẩm mỹ, biểu tượng) rồi bối cảnh (lịch sử, văn hóa, xã hội), lựa chọn một khía cạnh bộ phận để tìm sâu nghiên cứu lý giải.

Hình ảnh bên trong sách Xem tranh.


Susan Woodford, do đó, từ định đề cơ bản là Xem tranh (như thế nào?) đã tìm chọn những chủ đề phổ biến nhất trong nghệ thuật, như phong cảnh, chân dung, đời sống thường nhật, lịch sử, thần thoại và tôn giáo. Bản thân trong mỗi chủ đề này đều chứa đựng những vấn đề về nguồn gốc, chức năng, nội dung, hình thức, phong cách và cách thức nghệ sĩ xử lý tác phẩm.

Tác giả không đi vào mô tả hay liệt kê thuần túy theo trình tự tuyến tính thời gian, nhưng vẫn cho thấy được sự chuyển động trong nội tại từng chủ đề. Ví dụ, đối với tranh chân dung, Woodford cho thấy sự vận động từ tranh chân dung tập thể nhằm ghi lại và kỷ niệm sự kiện, sang tranh chân dung cá nhân lúc này đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật; mặt khác, họa sĩ từ vẽ cái mình thấy, trực họa và tả thực, chuyển sang vẽ từ hình dung tâm tưởng, lúc này phóng chiếu cá nhân mình vào hình tượng được vẽ.

Hình ảnh bên trong sách Xem tranh.


Hay một chủ đề khác, đó là mối quan hệ của họa sĩ đối với truyền thống. Ngay cả những họa sĩ cách tân nhất, cũng là nhờ phản ứng lại đối với truyền thống, vốn là cả một nền nghệ thuật tiền thân đã phát triển và đúc kết thành giáo dục hàn lâm học viện. Không một chiếc cây nào ly khai khỏi gốc rễ của nó, thay vào đó là trổ thêm nhiều cành nhánh, và giao cành chen bóng với những đại thụ khác.

Woodford minh chứng bằng việc Pablo Picasso quay trở lại suối nguồn của truyền thống để tự làm mới mình. Ông tìm đến tác phẩm Bữa trưa trên cỏ (Le Déjeuner sur l'herbe, 1863) của danh họa Ấn tượng thế kỷ XIX Éduardo Manet để lấy cảm hứng và làm chất liệu, thổi vào đó phong cách đặc trưng của mình, cùng với đó là những bối cảnh đầy hơi thở đương đại. Hay Roy Lichtenstein giễu nhại phong cách Hội họa hành động bằng một tác phẩm tưởng như là tự do, ngẫu nhiên và biểu cảm, nhưng thực chất bằng những đường nét chi li và chính xác nhất.

Hình ảnh bên trong sách Xem tranh.


Một ưu điểm, nhưng đồng thời cũng là hạn chế, là Woodford chủ yếu sử dụng các kiệt tác kinh điển của hội họa châu Âu và Kitô giáo, đặc biệt của các danh họa bậc thầy xưa, với số lượng hơn 100 tác phẩm, làm dẫn liệu phân tích. Đối với bạn đọc mới tìm hiểu nghệ thuật, đây là những dẫn chứng tốt vì chúng đã quá nổi tiếng tới mức phổ thông. Song có lẽ bạn đọc vẫn mong muốn các chủ đề được mở rộng thêm và áp dụng vào nghệ thuật hiện đại hoặc đương đại sau 1960. Hoặc đây có thể là dụng ý của chính tác giả, bởi cuốn sách là một dẫn nhập, nên hiển nhiên có sự mời gọi bạn đọc tìm tòi đọc thêm để mở mang tri kiến.

Xem tranh là một tài liệu trực quan, dễ tiếp cận dành cho khóa học nhập môn nghệ thuật và những người thích tham quan các bảo tàng, triển lãm. Dẫn dắt và hướng dẫn người đọc qua một loạt các ví dụ, Woodford đưa ra lời giải thích ngắn gọn, dễ hiểu về những nguyên tắc mà người đọc có thể vận dụng để nghiên cứu các bức tranh thuộc nhiều thể loại khác nhau. Bên cạnh đó, tác giả còn đưa ra một hệ thống thuật ngữ nghệ thuật và chú giải chi tiết phục vụ cho việc tra cứu, tìm hiểu.

Đối với một cộng đồng yêu nghệ thuật đang ngày một phát triển và trẻ hóa ở Việt Nam, đây là một cuốn sách phù hợp. Xem tranh là một bước đi khởi đầu tốt để có thể thâm nhập và khám phá sâu hơn thế giới đa sắc của nghệ thuật.

Phạm Minh Quân (Viện Nhân học Văn hóa)

Susan Woodford sinh ra và được đào tạo ở Mỹ, nơi bà nhận bằng cử nhân của Đại học Harvard và bằng thạc sĩ, tiến sĩ của Đại học Columbia. Hiện bà đang sinh sống và làm việc tại Anh, dạy về lịch sử nghệ thuật cũng như có các chuỗi bài giảng ở Bảo tàng Anh.

Ngoài các bài báo nghiên cứu học thuật, bà cũng là tác giả của nhiều đầu sách khác dành cho độc giả phổ thông, và là người đã đoạt giải Criticos Prize năm 2003.

Một số công trình nghiên cứu nghệ thuật khác của bà có thể kể đến như: Nghệ thuật Hy Lạp và La Mã (1982), Dẫn nhập nghệ thuật Hy Lạp (1986), Hình ảnh thần thoại trong nghệ thuật Cổ đại-Cổ điển (2002)… đều đã được tái bản hơn 10 lần.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.