Doanh nghiệp “đau đầu” vì thiếu đơn hàng
Theo khảo sát của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban 4), có 82,3% doanh nghiệp dự kiến giảm quy mô, tạm ngừng kinh doanh hoặc ngừng kinh doanh trong các tháng còn lại của năm 2023.
Các doanh nghiệp cho biết khó khăn lớn nhất là khó khăn về đơn hàng (59,2%). Tiếp đến là khó khăn trong tiếp cận vốn vay (51,1%), thực hiện thủ tục hành chính và đáp ứng các quy định của pháp luật (45,3%), nguy cơ hình sự hóa các giao dịch kinh tế (31,1%).
Xuất khẩu suy giảm, doanh nghiệp thiếu đơn hàng.
Thực tế, câu chuyện thiếu đơn hàng nghiêm trọng đã được các doanh nghiệp chia sẻ liên tục trong thời gian qua. Tại tọa đàm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh mới đây, các doanh nghiệp dệt may cho biết họ đang đối diện với những thách thức lớn từ sự suy giảm của thị trường, nhất là ở các thị trường chủ lực như Mỹ, EU.
Ông Trần Như Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam (VITAS), kiến nghị: Trong ngắn hạn, cần tăng cường xúc tiến thương mại, chương trình làm việc giữa Việt Nam và các quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu thông qua Tham tán thương mại; trong đó tập trung vào các quốc gia trong khối CPTPP và EU - những nơi mà Việt Nam đã ký những Hiệp định thương mại song phương. Đồng thời, có gói vay với lãi suất ưu đãi 0% để trả lương cho người lao động.
“Trong khi Việt Nam đang thiếu đơn hàng thì Bangladesh "làm không kịp nghỉ". Nguyên nhân, do doanh nghiệp nước này chuyển đổi ngành hàng theo các tiêu chuẩn xanh, bền vững với môi trường kịp lúc nên hiện vẫn nhận được rất nhiều đơn hàng từ các nước phương Tây. Ngoài ra là phát triển nguyên liệu cho ngành này để tận dụng các hiệp định thương mại tự do; đẩy mạnh xúc tiến thương mại ở các thị trường có nhiều tiềm năng như Úc, Canada và các sản phẩm có tiềm năng như hàng quân trang quân dụng…”, ông Tùng nói.
Hay với ngành hàng thủy sản, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết: Trong 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản giảm 27,5% - tương đương mức giảm trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát nặng nhất. Dự báo xuất khẩu thủy sản tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn trong năm nay bởi các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản đều suy giảm mạnh.
Ông Diệp Thành Kiệt, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam (LEFASO), cho hay, các doanh nghiệp từng dự đoán kịch bản xấu nhất là kim ngạch xuất khẩu của cả năm 2023 có thể giảm đến 10%. Nhưng với bối cảnh hiện tại, kịch bản đó giờ đã trở nên xấu hơn và mức độ kim ngạch xuất khẩu phải giảm trên 10% trong năm nay.
“Chính vì vậy, các kế hoạch ứng phó, thích nghi phải tính đến tương lai 2024 vì mùa xuân - hè sắp tới rơi vào quý III.2023 không còn cứu kịp", ông Kiệt nêu quan điểm.
Doanh nghiệp dệt may thiếu đơn hàng.
Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng bức tranh kinh tế quý I.2023 khá u ám có nhiều nguyên nhân, một trong số đó là động lực cầu suy giảm nghiêm trọng, đặc biệt là đơn hàng xuất khẩu từ các bạn hàng chủ lực (thường là các quốc gia phát triển) do suy thoái kinh tế trên nền lạm phát vẫn neo cao, cầu tiêu dùng trong nước cũng chưa thực sự phục hồi như kỳ vọng.
Ngoài ra, nền lãi suất tăng cao cuối 2022 cộng với chi phí sản xuất đầu vào vẫn ở mức cao đã bào mòn biên lợi nhuận và đẩy nhiều ngành/doanh nghiệp vào thua lỗ, phá sản và buộc phải tạm dừng hoạt động.
“Một yếu tố khác cần phải chú ý là cạnh tranh quốc tế của các quốc gia trong khu vực dẫn đến nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt, thậm chí một số lĩnh vực hàng hóa/dịch vụ bị cạnh tranh ngay trên sân nhà, từ đó khiến cho năng lực sản xuất và tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế bị ảnh hưởng”, ông Việt nêu.
Triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, VEPR cho rằng Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm và hàng đầu trong thời gian tới là vừa cân bằng giữa mục tiêu duy trì “ổn định kinh tế vĩ mô” nhưng đồng thời tìm kiếm các giải pháp chính sách nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế/phục hồi sản suất kinh doanh của doanh nghiệp một cách nhanh chóng và mạnh mẽ.
“Các chính sách cần được phối hợp một cách nhịp nhàng và có sự điều phối tổng hợp, cũng như tham vấn của các bên liên quan, qua đó từ khâu hoạch địch, thực thi đều thông suốt và không giật cục, dựa tối đa vào các giải pháp thị trường, thay vì mệnh lệnh hành chính”, VEPR nêu.
Các chuyên gia của VEPR nhấn mạnh rằng cần có những chính sách thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu, thậm chí triển khai “ngoại giao đơn hàng” như đã từng làm “ngoại giao vắc xin”, tháo gỡ ách tắc đầu ra xuất khẩu.
TS. Nguyễn Quốc Việt, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách.
Thêm vào đó, cần rà soát, đánh giá các rào cản thương mại và đầu tư cũng như các yêu cầu kỹ thuật đối với hàng hóa/dịch vụ của các Hiệp định tự do về Thương mại và Đầu tư mà Việt Nam đã ký kết, của các đối tác thương mại/đầu tư quan trọng và tiềm năng của Việt Nam (ví dụ chiến lược thương mại và đầu tư mới của EU).
Trên cơ sở đó, cần có chiến lược và chính sách cụ thể nhằm tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do (nhất là các hiệp định thương mại tự do mới) mà Việt Nam đã ký kết/tham gia như hiệp định thương mại tự do EU- Việt Nam EVFTA.
TS. Nguyễn Quốc Việt kỳ vọng gói giãn hoãn thuế vẫn bao gồm hỗ trợ giảm 2% thuế giá trị gia tăng (VAT) sớm được phê duyệt, thực hiện nhanh và mạnh mẽ hơn nhằm kích cầu tiêu dùng hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp.
“Chúng ta có 13 triệu lao động chính thức, dù thu nhập nhích lên nhưng vẫn thấp so với mức tăng chi tiêu. Sức ép tiêu dùng, chi tiêu của người lao động là rất lớn. Do đó chính sách giảm 2% VAT rất cần kéo dài. Chính sách nên duy trì như năm ngoái, hoặc ít nhất 6-9 tháng mới đủ tác động tới doanh nghiệp”, ông Việt nêu.
Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng cần triển khai các hỗ trợ chính sách với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, một mặt, đương nhiên phần nào khơi thông dòng vốn cho doanh nghiệp, mặt khác, hỗ trợ bình ổn giá cả, ổn định kinh tế vĩ mô. Để hỗ trợ giảm khó khăn của người dân và doanh nghiệp, cần có những giải pháp giúp người dân phục hồi lòng tin, kích thích tiêu dùng nhưng không bị chi phối bởi các nhóm lợi ích.
Một giải pháp nữa, VEPR cho rằng cần tiếp tục cải cách thể chế nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, thống nhất cho doanh nghiệp là quan trọng nhất; công tác dự báo và đánh giá chính sách cần làm thường xuyên, liên tục và có sự công khai, minh bạch và kịp thời hơn nữa…
Lam Thanh