Theo người dân địa phương, làng chài cổ Nhơn Lý được hình thành cách đây hàng trăm năm. Bao đời nay, phần lớn người dân ở đây sinh sống bằng nghề đánh cá. Cũng như những làng chài ven biển khác trong nước, làng chài này mang kiến trúc đặc trưng với nhiều ngôi nhà nhỏ nằm sát nhau, tường thấp, tạo nên không gian sống chật chội, cảm giác ẩm thấp.
Khoảng gần một tháng trở lại đây, làng chài cổ Nhơn Lý như "lột xác" khi khoác lên mình rất nhiều tranh bích họa rực rỡ sắc màu. Nhiều ngôi nhà trở nên lung linh; các bức tường, bậc đá dẫn vào nhà người dân đều được phủ bởi những hình ảnh sống động.
Các bức bích họa trong làng chài cổ Nhơn Lý đều được họa sĩ thể hiện một cách tỉ mỉ với các nội dung về đời sống người dân biển, chung tay bảo vệ môi trường và cảnh sắc thiên nhiên, khiến nơi đây toát lên vẻ vui tươi.
Tranh bích họa ở làng chài cổ Nhơn Lý.
"Lần đầu đến làng chài cổ Nhơn Lý, tôi thấy không gian nơi này vừa bình yên vừa cổ xưa. Làng chài hiện lên trong mắt tôi đẹp đẽ, rực rỡ hơn với những con đường tranh bích họa đầy sắc màu" - chị Trần Thị Thu (du khách đến từ TP.HCM) bày tỏ.
Ông Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch UBND xã Nhơn Lý, cho biết việc vẽ tranh bích họa lên các con đường ở làng chài Nhơn Lý xuất phát từ ý tưởng của sư Giác Ty, trụ trì tịnh xá Ngọc Hòa ở xã Nhơn Lý. Lúc đầu, sư Giác Ty chỉ đề xuất ý tưởng vẽ tranh bích họa lên những tường nhà dọc đường Dốc Quán ở thôn Lý Lương để trang trí lại cảnh quan, thu hút nhiều người đến chiêm ngưỡng.
Sau đó, địa phương thấy ý tưởng này hay, thu hút được nhiều du khách đến tham quan và mang lại hiệu quả cho phát triển du lịch nên tiếp tục vận động người dân cùng các doanh nghiệp chung tay thực hiện. Nguồn vốn xây dựng được xã hội hóa.
Hiện địa phương đã thuê các họa sĩ vẽ bích họa, lát gạch đá xanh, trang trí đèn điện tại ba con đường Dốc Quán (thôn Lý Lương), xóm Chùa (thôn Lý Hưng) và đường liên hai thôn này. Cả ba con đường này đều hướng ra biển với tổng chiều dài gần 1 km. Đây là những con đường có lịch sử lâu đời với nhiều hộ dân sinh sống, gắn bó, mang nét cổ kính, mộc mạc.
"Xã chọn các đề tài làng xưa, đời sống của bà con ngư dân, cảnh vật thiên nhiên... để vẽ tranh bích họa. Nó đã làm thay đổi cảnh sắc trong làng và đời sống của người dân địa phương. Từ ngày có những tuyến đường này, khách du lịch đến tham quan khá nhiều; người dân cũng rất phấn khởi" - ông Dũng hào hứng.
Theo ông Phan Tuấn Hoàng, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin TP Quy Nhơn, từ sự đổi thay không gian sống ở xã Nhơn Lý, chính quyền TP Quy Nhơn đã chỉ đạo nhân rộng việc thực hiện ý tưởng này trên toàn thành phố.
Bài và ảnh: Đức Anh