Dự kiến vận hành ngày 9.8, tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội (Metro Nhổn-Ga Hà Nội) đoạn trên cao dài 8,5km sẽ vận hành thương mại. Tuyến metro này được kỳ vọng sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông cho Thủ đô.
Giá vé thấp nhất 8.000 đồng
Là đơn vị sẽ quản lý, khai thác và vận hành, lãnh đạo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Đường sắt Hà Nội (HMC) cho biết đến nay, 353 lái tàu đã được đào tạo và toàn bộ nhân sự trực tiếp điều hành tuyến, dưới sự hỗ trợ của nhà thầu và tư vấn.
Theo thiết kế kỹ thuật tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội đoạn trên cao, mỗi đoàn tàu cấu tạo gồm 4 toa, mỗi toa chở được 236 hành khách, mỗi chuyến chở được 944 hành khách. HMC dự kiến vận hành 4-6 đoàn tàu, giãn cách chạy tàu giờ cao điểm 6 phút/chuyến (bình quân vào giờ cao điểm có 10 chuyến/giờ/hướng vào ga đón trả khách). Như vậy, năng lực vận chuyển của tuyến tối đa đạt mức 9.440 hành khách/giờ/hướng.
Dự kiến trong 15 ngày đầu khai thác, hành khách đi tàu sẽ được miễn phí. Giá vé tháng phổ thông là 200.000 đồng, vé ưu tiên giảm 50% cho hành khách là học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp; mua theo hình thức tập thể từ 30 người trở lên có giá 140.000 đồng. Vé ngày 24.000 đồng, có thể đi toàn tuyến trong ngày. Vé qua các ga dọc đường từ 8.000-12.000 đồng.
Khác với tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông, khách mua vé lượt sẽ được cấp vé dạng hình tròn, giống như đồng xu. Khi qua cửa soát vé, dùng vé quét để mở cổng, đến ga xuống thì nhét vào máy soát vé để mở cửa. Vé sau khi mua chỉ có giá trị trong 20 phút, nếu khách không lên tàu phải đến quầy vé để cập nhật lại.
“Trước mắt, đoạn tuyến trên cao của Metro Nhổn-Ga Hà Nội sẽ áp dụng đơn giá định mức tạm tính cả về vé và bảo trì, vận hành như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông. Đến nay toàn bộ công tác chuẩn bị về nhân sự, quy trình vận hành đã đầy đủ,” ông Vũ Hồng Trường, Tổng Giám đốc HMC khẳng định.
Phương án tăng cường kết nối, trung chuyển hành khách bằng xe buýt cũng đã được Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội hoàn thiện. Theo đó, dọc trục tuyến metro có 36 tuyến buýt đang hoạt động.
Hai điểm trung chuyển (Cầu Giấy và Nhổn) có 32 điểm dừng xe buýt (16 điểm có nhà chờ). Hiện 8 ga kết nối với điểm dừng xe buýt gần nhất với khoảng cách từ 0-50m.
Đặc biệt, 2 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội được kết nối với nhau bởi 9 tuyến buýt, đủ khả năng đáp ứng khoảng 15-30% tổng nhu cầu đi lại của người dân trên tuyến.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội (MRB), việc hoàn thành và đưa vào sử dụng đoạn trên cao tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội là một sự kiện quan trọng, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư vào tiềm năng phát triển hạ tầng giao thông của Thủ đô, thu hút nguồn vốn đầu tư cho các dự án tiếp theo.
Lên các phương án kết nối
Các chuyên gia giao thông đều nhận định việc đưa dự án Metro Nhổn-Ga Hà Nội sẽ góp phần giảm ùn tắc giao thông
Ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng Metro Nhổn-Ga Hà Nội sẽ có giá trị lớn trong chuyên chở hành khách trên các tuyến đường mà tàu đi qua, từ đó, giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường cho Thủ đô Hà Nội.
“Cơ quan quản lý cần bổ sung các điểm xe buýt nằm sát các ga tàu tạo thuận lợi cho việc trung chuyển người dân đến ga và gom khách từ ga đi các nơi khác trong thành phố; bổ sung thêm các tuyến xe buýt khác kết nối với các nhà ga, đặc biệt là các tuyến xe buýt kết nối nhà ga của hai tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông và Nhổn-Ga Hà Nội để từ đó phát huy hiệu quả tối đa trong vận hành khi cả hai tuyến đều đưa vào hoạt động,” ông Tạo nói.
Để vận hành tuyến Metro Nhổn-Ga Hà Nội một cách hiệu quả, ông Tạo lưu ý cần chú trọng bố trí các điểm đỗ xe cá nhân (ôtô, môtô, xe máy, xe đạp) ở khu vực các ga tàu điện để người dân chuyển đổi phương tiện. Phương án phải có lộ trình trong trung hạn, dài hạn, có sự tính toán về mức độ tăng trưởng nhu cầu hành khách trong các năm tới.
Theo ông Phan Lê Bình, Trưởng đại diện Văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản, cách thức bán vé, soát vé của 2 tuyến đường sắt đô thị Nhổn-Ga Hà Nội và Cát Linh-Hà Đông sẽ khác nhau, điều này có thể làm khó hành khách trong thời gian đầu.
“Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam có thể nghiên cứu giải pháp này, sao cho có được phương án thanh toán liên thông giữa các phương thức giao thông công cộng tạo thuận lợi nhất để người dân sử dụng nhanh chóng và an toàn,” ông Bình chia sẻ.
Ông Bình cũng kiến nghị về lâu dài thành phố Hà Nội cũng cần dành quỹ đất, bố trí không gian cho các điểm đón trả khách cho xe taxi, xe buýt, grab, xe ôm, tách khỏi dòng giao thông thông thường để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông.
Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn-Ga Hà Nội dài 12,5km, trong đó đoạn đi trên cao (Nhổn-Cầu Giấy) dài 8,5km và đoạn đi ngầm (Cầu Giấy-Ga Hà Nội) dài 4km.
Lộ trình của tuyến: điểm đầu Nhổn-theo Quốc lộ 32-Cầu Diễn-Mai Dịch-nút giao với đường Vành đai 3-Cầu Giấy (nút giao với đường Vành đai 2)-Kim Mã-Cát Linh-Quốc Tử Giám-điểm cuối Ga Hà Nội (trên đường Trần Hưng Đạo, trước ga Hà Nội).
Đường sắt khổ đôi 1.435mm, ray/ghi tiêu chuẩn châu Âu; hệ thống nhà ga gồm 8 ga trên cao (ga S1 đến ga S8), 4 ga ngầm (ga S9 đến ga S12), trong đó có 2 ga kết nối trung chuyển; chiều dài đoàn tàu 78,3m (4 toa); khu Depot diện tích 15,05ha, đặt tại các phường Tây Tựu và Minh Khai, quận Bắc Từ Liêm.
Việt Hùng