Những khoảng trống về giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam

 22:04 | Chủ nhật, 21/05/2023  0
Nhằm kết nối công chúng đến những khía cạnh đa dạng của nhiếp ảnh, Viện Pháp tại Việt Nam đã tổ chức tọa đàm ‘Nhiếp ảnh nghệ thuật trong giáo dục bậc cao’ với mong muốn chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến công tác đào tạo các nhiếp ảnh gia cũng như gợi mở các đường hướng phát triển trong việc giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam.

Thực trạng giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam

Tại buổi thảo luận, các diễn giả đã đưa ra những quan điểm về nhiếp ảnh nghệ thuật và nhiếp ảnh sáng tạo - một vấn đề vốn đang tồn tại nhiều cách lý giải khác nhau.

Ông Nguyễn Xuân Khánh, nguyên giảng viên khoa Nhiếp ảnh, Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, đặt vấn đề về việc phân biệt nhiếp ảnh nghệ thuật hay nhiếp ảnh sáng tạo.

Ông quan niệm nhiếp ảnh nghệ thuật là một cuộc đối thoại giữa ba thành phần: chủ đề chụp, người chụp và người xem. Nếu thoả mãn được cuộc đối thoại của ba thành phần này thì ta đạt được ý định của tác giả, nếu không có ý định của tác giả thì không gọi là ảnh nghệ thuật hay ảnh sáng tạo được.

Quang cảnh toạ đàm Nhiếp ảnh nghệ thuật trong giáo dục bậc cao.


Nghệ sĩ Bert Danckaert lại cho rằng nhiếp ảnh là một "con quái vật" có rất nhiều mặt. Trong đó, việc sáng tạo là rất quan trọng, có sự khác biệt giữa nghệ thuật và sáng tạo bởi một điều hiển nhiên, không phải ai sáng tạo thì cũng làm trong ngành nghệ thuật.

Nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, giảng viên Nguyễn Thế Sơn (Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội) lại mang tới cách phân loại nhiếp ảnh về đào tạo phổ biến ở thế giới với ba xu hướng chính là: nhiếp ảnh thương mại, nhiếp ảnh tài liệu, nhiếp ảnh nghệ thuật.

Anh cho biết, nhiếp ảnh là một ngành có vị thế trong việc đào tạo bậc cao của nhiều nước trên thế giới nên tại các trường, các cơ sở đào tạo nhiếp ảnh họ phân biệt rất rõ vấn đề này.

Ngày nay, việc tiếp cận với nhiều tài liệu nhiếp ảnh là không khó, với nhiều khoá học ngắn hạn được mở ở nhiều nơi giúp người học có thể làm chủ kỹ năng thực hành nhiếp ảnh ở mức độ cơ bản. Đây cũng là lý do khiến người ta thường đặt ra những câu hỏi đầy hoài nghi rằng vì sao nhiếp ảnh cần phải học ở bậc đại học?

Chia sẻ về sự nghi hoặc này, nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu cho biết: “Điều này khiến tôi liên tưởng đến việc ai trong chúng ta cũng có thể sử dụng được chữ viết, nhưng chỉ số ít trong chúng ta có thể trở thành nhà văn. Ở đây, tôi muốn nói đến tính mục đích của việc thực hành nhiếp ảnh, nếu chúng ta thực hành nhiếp ảnh như một thú vui, hoặc chúng ta thích thú với quá trình thực hành nhiếp ảnh tạo ra bức ảnh đẹp để thoả mãn nhu cầu cá nhân thì rất đơn giản.

Nhưng, khi chúng ta nhìn nhận nhiếp ảnh từ góc độ là một bộ môn nghệ thuật, thì việc đào tạo nhiếp ảnh ở trình độ đại học và sau đại học là hết sức cần thiết. Bởi lẽ, để thực hành nhiếp ảnh nghệ thuật, ngoài việc dùng năng khiếu để sáng tạo nghệ thuật bằng ngôn ngữ nhiếp ảnh, thì chúng ta cần phải xây dựng cho mình một khối kiến thức nền tảng và chuyên sâu về nghệ thuật về nhiếp ảnh nghệ thuật”.

Buổi thảo luận tạo diễn đàn cho các khách mời là giảng viên, nhà nghiên cứu, cùng các đại diện của các cơ quan giáo dục, đào tạo có thể phân tích và thảo luận về lịch sử, hiện trạng, và các giải pháp tương lai cho đào tạo nhiếp ảnh nghệ thuật tại Việt Nam.


Ở Việt Nam, trong giáo dục bậc cao, ngành nhiếp ảnh được đưa vào giảng dạy trong một số trường như Trường đại học Sân khấu - Điện ảnh hay như ngành báo ảnh thuộc khoa Báo chí của Học viện Báo chí và tuyên truyền, điều này có nghĩa là quan niệm về nhiếp ảnh ở nước ta chưa hoàn toàn vượt ra khỏi những khuôn khổ cũ.

Hệ quả tất yếu của thực trạng này là mặc dù trên danh nghĩa đã xuất hiện một cộng đồng thực hành đông đảo nhưng các sản phẩm được giới thiệu cho thấy tính chất vẫn chủ yếu được dừng lại ở ảnh tư liệu và ảnh thương mại hơn là ảnh nghệ thuật. Đây cũng chính là một trong những nhân tố cơ bản cản trở một thị trường ảnh nghệ thuật đúng nghĩa, cũng như sự phát triển của một ngành nghiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam trên thực tế.

Về thực trạng giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật trong giáo dục bậc cao ở nước ta, toạ đàm đã ghi nhận những chia sẻ từ một số diễn giả hiện đang thực hành nhiếp ảnh, đã và đang tham gia công tác đào tạo nhiếp ảnh tại Việt Nam.

Là một trong những người đầu tiên xây dựng chương trình giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật cho Việt Nam, ông Nguyễn Xuân Khánh cho biết, trước đây khi mới mở các chuyên ngành về nhiếp ảnh tại các trường cao đẳng, đại học thì gặp rất nhiều khó khăn vì đa số sinh viên đầu vào chưa có hiểu biết về nhiếp ảnh nói chung và nhiếp ảnh nghệ thuật nói riêng.

TS. Phan Lê Chung cũng chia sẻ thực trạng giảng dạy bộ môn nhiếp ảnh tại Trường đại học Nghệ thuật, Đại học Huế hiện nay. Theo đó, sinh viên sẽ học hội hoạ trong hai năm đầu để học được các kiến thức cơ bản của hội hoạ, sau đó, từ năm thứ ba trở đi sinh viên sẽ được lựa chọn học nhiếp ảnh.

"Chính vì vậy sinh viên đã có nền tảng hội hoạ cơ bản, khi đó cầm máy lên có ý thức hơn về bố cục, biết cách xây dựng, lựa chọn bố cục chính, phụ, xây dựng các chủ đề", TS. Phan Lê Chung cho biết.

Các diễn giả chia sẻ các kinh nghiệm liên quan đến công tác đào tạo các nhiếp ảnh gia trong giáo dục bậc cao.


Thực tế sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hoá ở nước ta trong thời gian qua đã cho thấy nhiếp ảnh dưới nhiều hình thức đã thực sự len lỏi vào rất nhiều lĩnh vực của kinh tế và trở thành một mắt xích không thể tách rời các hoạt động xã hội đương đại.

Tuy nhiên, không thể phủ nhận có một sự tồn tại của một khoảng cách tương đối lớn trong nhận thức và hành động để nhiếp ảnh như là một lĩnh vực nghệ thuật từ hệ thống các cơ quan đào tạo quản lý nhà nước cho đến các cá nhân nghệ sĩ thực hành.

Những thách thức này không phải là câu chuyện riêng lẻ đối với từng tổ chức, quản lý, hay cá nhân thực hành nào mà đây là một vấn đề có tính chất tổng thể, toàn bộ hệ thống quản lý, đào tạo, liên quan đến lĩnh vực nhiếp ảnh.

Nó cũng đặt ra những trách nhiệm với hệ thống giáo dục bậc cao ở Việt Nam, không chỉ ở việc phát triển số lượng đội ngũ thực hành, mà còn cần nhấn mạnh đến sự thay đổi về định hướng tư duy trong việc phát triển các sản phẩm nhiếp ảnh gắn với việc tạo ra các giá trị mới trong quan niệm thẩm mỹ cũng như hướng tới cộng đồng.

Các khách mời, khán giả tham dự toạ đàm.


Gợi mở về giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam

Theo ông Nguyễn Xuân Khánh, trong quá trình giảng dạy, các giảng viên nên cố gắng góp ý cho sinh viên qua những thực hành của họ để họ làm tốt hơn và không nên đưa cái chủ quan của người giảng dạy, kinh nghiệm của người giảng dạy để góp ý cho sinh viên.

Lấy dẫn chứng từ chính môi trường mình đã được đào tạo tại Trung Quốc, nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn cho rằng, dù là học nhiếp ảnh nghệ thuật nhưng vẫn phải học đầy đủ về các vấn đề kỹ thuật, mô hình theo xưởng.

Nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu cho rằng, chúng ta cần có môi trường học tập chuyên sâu, có môi trường để thực hành thực tế, được học hỏi kinh nghiệm của các chuyên gia, nghệ sĩ thành danh và cùng với nhiều yếu tố khác nữa.

Như vậy, cần một chương trình đào tạo tổng thể về nhiếp ảnh nghệ thuật, một khoảng thời gian đủ dài để những người học có thể thẩm thấu những kiến thức đó và cần đội ngũ giảng viên chuyên môn sâu để thực hiện công tác đào tạo này.

Buổi thảo luận tạo diễn đàn cho các khách mời là giảng viên, nhà giáo dục, nhà nghiên cứu hay đại diện của các cơ sở văn hóa, giáo dục để phân tích, thảo luận về bối cảnh, hiện trạng của giảng dạy nhiếp ảnh nghệ thuật ở Việt Nam.

Các diễn giả tham gia toạ đàm là: Pascal Beausse, giám đốc phụ trách các bộ sưu tập nhiếp ảnh của Trung tâm Quốc gia về nghệ thuật thị giác (CNAP) của Pháp; Bert Danckaert, nghệ sĩ nhiếp ảnh người Bỉ; Nhiếp ảnh gia Nguyễn Thế Sơn; Nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu; TS. Phạm Lê Chung; Nhiếp ảnh gia Nguyễn Xuân Khánh.

Bài và ảnh: Tùng Lâm

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.