Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) đã cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng, song theo ông Đỗ Đức Duy, Bộ trưởng Bộ TN-MT, công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí cho đến nay vẫn còn nhiều thách thức, khó khăn.
"Thực tế trên đòi hỏi các bộ, ngành liên quan và các địa phương cần phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí để giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển," ông Duy nhấn mạnh.
Ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại
Phát biểu tại Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn tại Việt Nam” do Bộ TN-MT tổ chức chiều nay, 14.11, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế-xã hội và đô thị hóa.
Điều đáng nói là mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn, như Hà Nội và TP.HCM. Trong đó thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn PM2.5 (những hạt bụi li ti có trong không khí với kích thước 2,5 micromet trở xuống).
Cũng theo ông Duy, mặc dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết (hàng năm ô nhiễm tập trung từ tháng Mười của năm trước đến tháng Ba của năm tiếp theo; trong ngày ô nhiễm tập trung từ nửa đêm đến sáng), tuy nhiên dữ liệu quan trắc của Bộ TN-MT cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt là từ khi các hoạt động kinh tế-xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch COVID-19.
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng thẳng thắn cho hay thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN-MT đã cùng với các bộ, ngành, địa phương, đặc biệt là thành phố Hà Nội triển khai nhiều hoạt động về bảo vệ môi trường nói chung và bảo vệ môi trường không khí nói riêng; song công tác kiểm soát, quản lý chất lượng không khí hiện vẫn còn nhiều thách thức.
Vì thế, thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, Bộ TN-MT tổ chức Hội nghị “Thúc đẩy thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm không khí tại các đô thị lớn của Việt Nam” để cùng với các bộ, ngành và địa phương phân tích những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý; từ đó đề xuất các giải pháp, huy động các nguồn lực để giải quyết vấn đề cấp bách là tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng hiện nay, đặc biệt ở các đô thị lớn.
Hội nghị này có sự tham gia của đại diện 12 bộ, ngành; 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM; 13 địa phương là các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc; cùng với sự tham gia của gần 20 chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề ô nhiễm không khí ở các địa phương trong nước và quốc tế.
Hướng đến một bầu trời xanh, không khí sạch
Tại hội nghị, đại diện các bộ, ngành, địa phương, các nhà khoa học và giới chuyên gia môi trường cũng đã chia sẻ các nội dung liên quan đến quản lý chất lượng không khí đồng thời, trao đổi, nhìn nhận, đánh giá thẳng thắn vào các vấn đề cụ thể như: Hiện trạng, nguyên nhân chính gây nên tình trạng ô nhiễm không khí tại Việt Nam.
Theo đó, tình trạng ô nhiễm không khí trong thời gian qua xảy ra phổ biến tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận. Nguyên nhân chủ yếu là do các hoạt động trên chưa đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường cùng với ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết giao mùa có nhiều biến động bất lợi; chênh lệch ngày, đêm về nhiệt độ, độ ẩm, hướng và tốc độ gió, bức xạ nhiệt trong không khí rất lớn đã ảnh hưởng khả năng khuếch tán các chất ô nhiễm trong không khí.
Bên cạnh đó là tình trạng đốt rác thải, đốt rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp ngoài cánh đồng (đốt mở và phân tán) vẫn diễn ra nếu không có biện pháp xử lý hữu hiệu để ngăn chặn, làm tăng thêm tình trạng ô nhiễm không khí, khói mù.
Ngoài ra, các đại biểu cũng chia sẻ một số bài học kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới về quản lý, cải thiện, phục hồi ô nhiễm không khí; những khó khăn, vướng mắc thực tế và thách thức khi thực hiện các hoạt động quản lý chất lượng không khí và đề xuất các giải pháp mang tính đột phá, khả thi để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, từng bước cải thiện chất lượng không khí tại một số đô thị lớn của Việt Nam...
Lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường cho rằng quan điểm của Đảng và Nhà nước đã rất rõ ràng và kiên định là “không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế.” Do vậy, công tác bảo vệ môi trường không khí cần phải có sự chung tay và xác định đây là công việc chung của toàn xã hội.
“Từ những nhận định, đánh giá, kết luận, kiến nghị của ngày hôm nay, các bộ, ngành, địa phương cần xác định lại nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên của mình và tập trung nguồn lực triển khai thực hiện quyết liệt giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường không khí như hiện nay; chủ động sáng tạo, biến thách thức thành cơ hội, đổi mới, quyết liệt triển khai các hành động, giải pháp, mô hình quản lý nhằm cải thiện chất lượng không khí theo nguyên tắc tập trung (kiểm soát nguồn thải lớn; hạn chế nguồn thải phân tán), đặc biệt là giúp các đô thị lớn hướng tới mục tiêu bầu trời xanh - không khí sạch,” lãnh đạo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường nhấn mạnh.
Hùng Võ