Nhưng triết lý giáo dục Việt Nam dường như đang chú trọng nhiều hơn về mặt tinh thần. Còn ngay cả trong khía cạnh thể chất, chúng ta vẫn quan tâm đến đầu vào, tức dinh dưỡng, nhưng đầu ra – một không gian nơi học sinh có thể được “đốt calo” và chuyển hóa năng lượng – thì chưa được bàn tới nhiều?
Một thế hệ học sinh thiếu vận động
Một hiện thực dễ thấy trong hệ thống giáo dục Việt Nam là học sinh đang được “tập thể dục” cho trí óc nhiều hơn rất nhiều so với thể chất. Các em phải đối mặt với khối lượng chương trình học "khổng lồ", với các bài kiểm tra liên tục và sách giáo khoa thường xuyên được thay đổi cải cách. Mục tiêu của hệ thống này là chuẩn bị học sinh cho các kỳ thi cam go như thi chuyển cấp và thi đại học, nhưng vô hình trungđã tạo ra áp lực nặng nề lên trí óc của các em, dẫn đến tình trạng mệt mỏi và căng thẳng về tinh thần, trong khi thời gian dành cho hoạt động thể chất lại rất hạn chế, thậm chí bị xem nhẹ.
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tình trạng học sinh thừa cân, béo phì tại thành phố chiếm tỷ lệ 28,96% (tỷ lệ cao nhất trong số các bệnh tật học đường). Nguồn: Báo Thanh niên
Nhìn ở phương diện khác, tỷ lệ thừa cân, béo phì ở trẻ em có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là ở khu vực thành thị, điển hình như các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Theo kết quả Tổng điều tra Dinh dưỡng toàn quốc 2019 - 2020 của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ trẻ em thừa cân, béo phì tăng gấp 2,2 lần, từ 8,5% năm 2010 lên thành 19,0% năm 2020.
Xu hướng này tiếp tục tăng cao trong những năm gần đây, do chế độ ăn uống không lành mạnh, sự bùng nổ của thức ăn nhanh, cùng với việc trẻ em ít vận động. Tình trạng này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất, như gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, tiểu đường, mà còn ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ em, đặc biệt là vấn đề tự tin và tâm lý.
Trong khi tỷ lệ béo phì gia tăng, nhiều trẻ em ở các thành phố lại không có đủ không gian để vận động. Một nghiên cứu xã hội học chỉ ra, trẻ em thành phố có xu hướng ít tham gia các hoạt động thể chất hơn so với trẻ em ở nông thôn. Thời gian chủ yếu dành cho việc sử dụng thiết bị điện tử (như điện thoại di động và máy tính) cũng đang tăng lên đáng kể, dẫn đến lối sống ít vận động và giảm khả năng phát triển thể chất.
Hiện nay, chúng ta đã có Chương trình Sữa học đường để cải thiện tình trạng dinh dưỡng, giảm tình trạng suy dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học. Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 với thông điệp “Trường học an toàn, trẻ em, học sinh khỏe mạnh,” cũng đã xác định nhóm nội dung và giải pháp hướng về tổ chức bữa ăn học đường, bảo đảm dinh dưỡng hợp lý. Nhưng vấn đề đặt ra là, việc nhận thức về tầm quan trọng của thể chất học đường song song với dinh dưỡng học đường, cũng như đến đối tượng học sinh cần vận động, đến đâu?
Thể dục học đường đang rơi vào tình trạng nhàm chán và ‘học nhưng không chơi được môn nào’. Ảnh minh họa. Nguồn: Báo Phụ nữ
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc thiếu quan tâm đến thể chất, như đã thấy, là do hệ thống giáo dục vẫn nặng về thi cử và học tập. Nhiều phụ huynh và nhà trường chỉ tập trung vào kết quả học tập, cho rằng việc vận động thể chất không quan trọng bằng điểm số văn hóa. Điều này dẫn đến việc học sinh ít có cơ hội tham gia các hoạt động ngoài trời hay thể thao, thậm chí các hoạt động này bị xem nhẹ hoặc bỏ qua trong thời khóa biểu bận rộn.
Mặc dù Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về các tiết học thể dục trong chương trình học, nhưng thời gian dành cho các hoạt động này thường rất ngắn và không đủ để đảm bảo các em có thể vận động hiệu quả. Thực chất, nhiều trường học còn xem giờ thể dục như một môn phụ, không chú trọng đầu tư, dẫn đến chất lượng giáo dục thể chất chưa đạt yêu cầu. Hơn nữa, nhiều trường thiếu cơ sở vật chất như dụng cụ thể thao hoặc sân bãi thích hợp, khiến giờ học thể dục trở nên nhàm chán và không hấp dẫn đối với học sinh.
Những tiếng vọng từ sân chơi xa xăm
Sân trường, hay sân chơi, là một trong những không gian chức năng không thể thiếu trong hợp phần “văn – thể – mỹ” của mỗi trường học. Việt Nam hiện đã có những quy định khá đầy đủ và chi tiết về khối sân chơi, thể dục thể thao tại trường học các cấp, bao gồm diện tích tối thiểu và chức năng.
Một góc sân trường THPT Phan Đình Phùng, Hà Nội. Nguồn: Humans of Phan Đình Phùng
Đầu tiên, theo khoản 5 Điều 10 Quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành kèm theo Thông tư 13/2020/TT-BGDĐT, thì khu sân chơi, thể dục thể thao của trường tiểu học phải đạt những tiêu chuẩn cơ sở vật chất tối thiểu sau: Có một sân chung của nhà trường để tổ chức các hoạt động của toàn trường; sân phải bằng phẳng, có cây xanh bóng mát; Sân thể dục thể thao bảo đảm an toàn và có dụng cụ, thiết bị vận động cho học sinh.
Còn trong Tiêu chuẩn Quốc gia Việt Nam TCVN 8793:2022 về trường Tiểu học – yêu cầu thiết kế do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành, thì diện tích sân trường đảm bảo chỉ tiêu diện tích tối thiểu 1,50 m2/học sinh, còn chỉ tiêu diện tích tối thiểu của sân tập thể dục thể thao là 0,35 m2/học sinh. C
on số này trong TCVN 8794:2011 về trường Trung học là diện tích sân trường không nhỏ hơn 25% diện tích mặt bằng của trường, còn với sân tập thể dục thể thao tiêu chuẩn diện tích từ 0,35 m2/học sinh đến 0,40 m2/học sinh nhưng không được nhỏ hơn 350 m2.
Những điểm giữ trẻ tự phát trong dãy trọ, ngõ hẻm phải chăng chỉ là những 'phòng nhốt trẻ'?Nguồn: Đời sống Pháp luật
Nhưng đây vẫn chỉ là con số lý tưởng trên lý thuyết. Tại nhiều trường học, đặc biệt là ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM, quỹ đất dành cho sân chơi rất hạn chế. Nhiều trường không có đủ không gian ngoài trời để học sinh tham gia các hoạt động thể chất, dẫn đến việc học sinh chủ yếu ngồi trong lớp học hoặc phải chơi ở các khu vực không an toàn, chẳng hạn như sân bê tông hoặc hành lang. Việc thiếu sân chơi này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn cản trở sự phát triển kỹ năng xã hội và sáng tạo của trẻ em.
Và tính chất “trên giấy” của nó hơn cả ở chỗ, đó là những diện tích không gian được quy hoạch hoàn toàn cho hoạt động sinh hoạt thể chất của học sinh, tức là, thuần túy được tính dựa trên không gian trống. Nhưng trên thực tế, không gian trống nay đã bị trưng dụng nhằm các mục đích chức năng khác như bãi đỗ xe trong trường học hoặc cho thuê mặt bằng để tổ chức sự kiện hoặc hoạt động kinh doanh sau giờ học.
Sân trường trở thành bãi gửi xe qua đêm. Nguồn: Kinh tế Đô thị
Nhiều trường học, nhất là ở các thành phố lớn, đang phải đối mặt với tình trạng quá tải về chỗ đỗ xe. Do nhu cầu đi lại của phụ huynh và cán bộ giáo viên, sân trường thường bị biến thành bãi đỗ xe, thậm chí nhận trông giữ xe cho cả đối tượng ngoài trường, chiếm mất không gian vốn được thiết kế cho học sinh chơi đùa và tập thể dục. Không gian hoạt động của học sinh không những bị tiêu giảm mà còn tạo ra mối hiểm họa khi học sinh chơi gần những khu vực có xe cộ ra vào, và thực tế gần đây đã có một số vụ việc lùi xe gây tử vong thương tâm cho học sinh trong sân trường.
Sức khỏe thể chất của học sinh Việt Nam, rõ ràng, đang chịu tác động nặng nề từ cả lối sống hiện đại và sự thiếu hụt trong cơ sở vật chất cho các hoạt động thể dục thể thao, đặc biệt là tại các trường học. Mặt khác, đặt ra yêu cầu cấp bách về việc cân đối giữa nhu cầu tài chính của nhà trường và lợi ích phát triển thể chất của học sinh, đồng thời đòi hỏi chính sách quy hoạch không gian học đường một cách hợp lý hiệu quả hơn.
Hướng tới một sân chơi “thân thiện” với học sinh
Một cái nhìn mới về không gian chơi và sinh hoạt thể chất hướng đến học sinh là tất yếu. Và không còn chỉ trong phạm vi của một trường học nữa, nó có thể gắn với một quy hoạch đô thị “thân thiện” với trẻ em và học sinh ở các thành phố.
Trước hết, cần nhìn nhận sân chơi hay sân trường không chỉ đơn thuần là một không gian vật lý, mà còn là một không gian tinh thần, một trải nghiệm học đường đối với học sinh. Nhà sư phạm học Catherine Mulryan-Kyne[1] quan niệm trải nghiệm sân chơi trường học là một phần bất di bất dịch trong đời sống học đường của trẻ em. Đối với hầu hết trẻ em, trải nghiệm này là trải nghiệm tích cực và thú vị, góp phần vào sức khỏe thể chất và xã hội của trẻ và có liên quan đến việc tăng cường sự chú ý và học tập trong lớp học.
Sân trường cũng là một không gian để học sinh có thể trải nghiệm xã hội, học tập và sáng tạo. Nguồn: THPT Lê Đức Thọ Nam Định
Song, đối với một số trẻ em, sân chơi có thể là nơi tiềm tàng đáng sợ và nguy hiểm, nơi có thể trải nghiệm và/hoặc chứng kiến hành vi bắt nạt hoặc bạo lực học đường. Việc thừa nhận thực tế này, trong một số trường hợp, đã dẫn đến việc giảm hoặc loại bỏ thời gian chơi ở sân chơi. Nhiều chương trình can thiệp nhằm thúc đẩy hành vi tích cực ở trường và ngăn ngừa hành vi tiêu cực, bao gồm bắt nạt, đã được phát triển và ứng dụng với kết quả tích cực tại trường học.
Hoạt động chơi của học viên cũng là một thực hành học tập và sáng tạo. Và thời lượng chơi (nghỉ giải lao) và không gian chơi (sân chơi) cũng là một sự thương thỏa giữa học sinh và người lớn,[2] trong đó học sinh chiếm hữu không gian riêng của mình và tự tổ chức thời gian, trong khi nhà trường và thầy cô coi đây là một không gian vừa mang tính chất giới hạn kiểm soát học sinh, đồng thời vừa hun đúc định hình hành vi. Đại đa phần sân chơi được thiết kế dựa trên quan điểm của người lớn về nhu cầu không gian của trẻ em chứ không xuất phát từ chính mong muốn các em, hay như thực tiễn Việt Nam chỉ ra, trong quá trình triển khai vận hành đôi khi còn được chuyển đổi nhằm phục vụ một số lợi ích của người lớn.
Xu hướng xanh hóa sân chơi và sân trường (Green School Ground) đang trở thành một phong trào phổ biến trên toàn thế giới,[3] với mục tiêu biến các không gian học đường thành những môi trường học tập tích cực, gần gũi với thiên nhiên và thúc đẩy sự phát triển toàn diện của trẻ em.
Dự án xanh hóa trường học tại Tây Pennsylvania, Mỹ. Nguồn: Western Pennsylvania Conservancy
Nhiều trường học trên thế giới đang tích hợp không gian xanh vào chương trình giảng dạy bằng cách biến các khu vực sân chơi thành lớp học ngoài trời. Những không gian này không chỉ giúp học sinh vận động mà còn thúc đẩy sự tương tác với thiên nhiên, từ đó kích thích sự sáng tạo và cải thiện sức khỏe tinh thần. Các trường học tại các quốc gia như Canada và Mỹ đã tiên phong trong việc thiết kế sân trường với khu vườn nhỏ, cây xanh, và các khu vực học ngoài trời, tạo ra môi trường học tập toàn diện hơn.
Các sân trường được xanh hóa thường bao gồm các khu vực trồng cây bản địa, vườn hoa, vườn rau, và thậm chí là hồ nước nhỏ. Mục tiêu là tạo ra một môi trường học đường giàu đa dạng sinh học, nơi học sinh có thể học hỏi về hệ sinh thái tự nhiên và vai trò của mình trong việc bảo vệ môi trường. Ví dụ, nhiều trường học ở châu Âu đã triển khai các dự án sinh thái trong khuôn viên trường, dạy học sinh về bảo vệ động vật, thực vật, và sự cần thiết của việc duy trì hệ sinh thái cân bằng.
Trường tiểu học Commodore Sloat, San Francisco, CA, Mỹ sau 10 năm cải tạo và xanh hóa (2006-2016). Nguồn: Green Schoolyards America
Thay vì sử dụng các sân chơi bê tông truyền thống, xu hướng hiện nay là thiết kế các khu vui chơi tự nhiên, nơi học sinh có thể chơi và khám phá môi trường xung quanh một cách sáng tạo. Những khu vực này thường bao gồm các yếu tố tự nhiên như gỗ, cát, nước, đá, giúp trẻ em phát triển kỹ năng vận động, cũng như khả năng sáng tạo. Một số trường học ở Úc và Bắc Âu đã áp dụng mô hình này, tạo ra không gian chơi đa dạng và thú vị hơn cho học sinh.
Việc xanh hóa sân trường giúp cải thiện sức khỏe thể chất và tinh thần của học sinh. Các không gian xanh giúp giảm căng thẳng, tăng cường tập trung, và thúc đẩy sự sáng tạo. Học sinh được học trong các khu vực ngoài trời xanh mát cũng thường có xu hướng năng động hơn, giúp ngăn chặn các vấn đề về béo phì và tăng cường sự phát triển thể chất. Đây là một hướng đi cần được khuyến khích và nhân rộng, đặc biệt tại những quốc gia như Việt Nam, nơi môi trường học đường vẫn còn thiếu hụt không gian xanh cho trẻ em.
Trường trung học Green School ở New Zealand ngoài cung cấp một môi trường thân thiện với thiên nhiên còn đào tạo học sinh định hướng phát triển bền vững. Ảnh: Green School NZ
Nhìn nhận không gian sân chơi học đường của trẻ em từ góc nhìn đa chiều kích, ngẫm cho cùng, là để đưa sân chơi về gần với các em, dành cho chính các em, không còn là những tiếng vọng xa xăm. Chỉ khi đó, trẻ em mới được thực sự phát triển một cách toàn diện, không chỉ về trí óc mà còn về thể chất và tinh thần.
Ở nhiều quốc gia, quy định về kích thước sân chơi thường ưu tiên cả lợi ích về an toàn và phát triển cho trẻ em. Ví dụ, tại Mỹ, Trung tâm Tài nguyên quốc gia về sức khỏe, an toàn trong chăm sóc trẻ em và Giáo dục mầm non khuyến nghị diện tích sân chơi ngoài trời tối thiểu là 75 feet vuông (gần 7 m2) cho mỗi trẻ trên hai tuổi. Đối với trẻ nhỏ hơn, yêu cầu này được thu hẹp lại, với diện tích tối thiểu là 50 feet vuông (4,6 m2) cho trẻ dưới hai tuổi và 33 feet vuông (3 m2) cho trẻ sơ sinh dưới 18 tháng tuổi. Những hướng dẫn này nhằm mục đích cung cấp đủ không gian để trẻ vui chơi an toàn và năng động, đồng thời khuyến khích tương tác xã hội và phát triển thể chất.
Ở Úc, các tiêu chuẩn thiết kế sân chơi, chẳng hạn như AS 4685, nhấn mạnh đến sự an toàn, nhưng cũng cần có không gian thích hợp để hỗ trợ hoạt động thể chất của trẻ em, thường yêu cầu các khu vực riêng biệt cho các nhóm tuổi khác nhau và đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các thiết bị.
Phạm Minh Quân (Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội)
[1] Mulryan-Kyne, C. (2014). The school playground experience: opportunities and challenges for children and school staff. Educational Studies, 40(4), 377–395.
[2] Thomson, S. (2005). ‘Territorialising’ the primary school playground: deconstructing the geography of playtime. Children’s Geographies, 3(1), 63–78.
[3] Dyment, J. E., & Bell, A. C. (2008). Grounds for movement: green school grounds as sites for promoting physical activity. Health education research, 23(6), 952-962.