Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Tồn dư 1 triệu tỉ đồng là nguồn "nhàn rỗi tạm thời"

 22:40 | Thứ năm, 01/06/2023  0
Tồn dư ngân quỹ 1 triệu tỉ đồng là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn bố trí vào các dự án đầu tư công, chương trình mục tiêu quốc gia.

Tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng 1.6, đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) đã nêu quan điểm xung quanh vấn đề tồn dư ngân quỹ 1 triệu tỉ đồng. Đây cũng là nội dung mà vị đại biểu tỉnh Quảng Trị băn khoăn tại buổi thảo luận tổ trước đó.

Đại biểu Quốc hội Hà Sỹ Đồng băn khoăn về tồn dư ngân quỹ 1 triệu tỉ đồng. Ảnh: Phạm Thắng


Liên quan đến tồn dư ngân quỹ 1 triệu tỉ đồng, chiều 31.5 trước Quốc hội, đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) đề xuất có thể linh hoạt bố trí, hỗ trợ ngay cho người lao động, người mất việc; hoặc xây nhà ở cho thuê tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và đào tạo, chuyển nghề cho công nhân. Theo ông Trần Anh Tuấn, giải pháp này sẽ kích cầu ngay cho nền kinh tế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng chia sẻ với đại biểu Trần Anh Tuấn về sự sốt ruột khi tồn dư ngân quỹ 1 triệu tỉ đồng, cũng như cần linh hoạt trong sử dụng. Tuy nhiên, đại biểu Đồng nêu rõ linh hoạt cần đặt trong sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tài khóa, tháo gỡ các thủ tục hành chính để đưa tiền vào những công trình quan trọng, tạo sức bật cho nền kinh tế. Hơn nữa, với những công trình phân kỳ đầu tư cần nguồn vốn này mà không có thì sẽ gây nên hệ lụy lãng phí khác.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng nêu rõ cơ chế hiện hành cho phép Kho bạc Nhà nước được tối ưu hóa nguồn vốn tạm thời nhàn rỗi. Do đó, đại biểu bày tỏ băn khoăn liệu chính sách tài khóa có phối hợp tốt với chính sách tiền tệ trong việc thực hiện mục tiêu ưu tiên hiện nay là việc giảm mặt bằng lãi suất trong nền kinh tế hay không? Đại biểu đề nghị các thành viên Chính phủ có câu trả lời thỏa đáng để gỡ khó cho nền kinh tế.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận về kinh tế - xã hội. Ảnh: Phạm Thắng


Giải trình, làm rõ nội dung này ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết số tiền 1 triệu tỉ đồng này đã gắn với nhiệm vụ chi cụ thể, tức là nguồn nhàn rỗi tạm thời, đã có trong dự toán được Quốc hội phê chuẩn bố trí vào các dự án đầu tư công, dự án về chương trình mục tiêu quốc gia...

Như vậy, theo ông Hồ Đức Phớc, đây là nguồn đã có nhiệm vụ chi chi tiết, tồn đọng là vì chưa giải ngân hết, không phải là nguồn để phân bổ vào việc khác. Số tiền 1 triệu tỉ đồng này hiện đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước với mức lãi suất 0,8%/năm.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu hai lý do "khiến chúng ta phải chấp nhận lãi suất cao hơn"

Sáng 1.6, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2023.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã giải trình, làm rõ một số nội dung các đại biểu Quốc hội nêu về lĩnh vực ngân hàng.

Về điều hành lãi suất và tín dụng, Thống đốc NHNN cho biết tình hình có nhiều diễn biến mới, phức tạp, khó lường, nhiều khó khăn thách thức, các nhiệm vụ khó có thể đạt được cùng lúc. NHNN đã kiên trì giữ đại cục, ổn định kinh tế vĩ mô, tiền tệ, theo dõi sát diễn biến, tình hình để quyết định những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng thời điểm nhằm ứng phó linh hoạt.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu. Ảnh: Phạm Thắng

Về điều hành lãi suất, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, nhu cầu giảm lãi suất là mong muốn của doanh nghiệp khi vay vốn từ trước tới nay. Quốc hội, Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo, NHNN cũng rất mong muốn, quan tâm nội dung này. 

Tuy nhiên, điều hành lãi suất cần được thực hiện trong tổng thể điều hành chính sách kinh tế vĩ mô về đảm bảo đại cục về kinh tế vĩ mô ổn định, bảo đảm an toàn cho hệ thống ngân hàng.

Thống đốc NHNN cho biết năm 2022, có hai lý do khiến chúng ta phải chấp nhận mặt bằng lãi suất cao hơn, đó là lãi suất quốc tế đồng loạt tăng nhanh và mạnh, trong nước lạm phát vẫn ở mức cao hơn so với năm 2021. Bên cạnh đó, áp lực mất giá của đồng Việt Nam là lớn khi các nước thắt chặt chính sách tiền tệ và đồng đôla tăng giá mạnh.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cũng cho rằng cần có giải pháp linh hoạt, đồng bộ để giải quyết những khó khăn này, tránh mất giá đồng tiền, khiến chi phí đầu vào tăng cao, lạm phát tăng cao. Khi ổn định được tỉ giá trở lại, với điều kiện lạm phát tăng chậm lại, trong những tháng đầu năm, NHNN đã rất quyết liệt, điều chỉnh 3 lần mức điều hành lãi suất, đưa mặt bằng lãi suất của các khoản cho vay mới giảm 0,9% bình quân so với năm 2021.

Về việc điều hành tín dụng, Thống đốc NHNN cho hay tháng 10.2022, đã diễn ra sự kiện rút tiền hàng loạt ở Ngân hàng SCB (Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn), gây nguy cơ tác động lan truyền tới hệ thống ngân hàng. Trong bối cảnh đó, NHNN đã tập trung ưu tiên vừa ổn định thị trường ngoại hối và đặc biệt là bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng, đảm bảo chi trả cho người dân. Vì vậy, không thể điều chỉnh room (hạn mức) tín dụng vào thời điểm đó, sau khi thanh khoản ổn định trở lại thì NHNN mới điều chỉnh tăng trưởng tín dụng.

Về những biến động của các ngân hàng Mỹ trong thời gian vừa qua, Thống đốc NHNN cho rằng ưu tiên bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống ngân hàng của NHNN và Chính phủ là lựa chọn đúng đắn. Những giải pháp, liều lượng và thời điểm của chính sách đã được NHNN cân nhắc kỹ lưỡng để tập trung hướng đến ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn hệ thống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

B.H.Thanh - Minh Chiến

Minh Chiến - Huy Thanh

Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.