Neo trên bến thiện:

Thiên đường và phía bên kia...

 23:15 | Thứ bảy, 08/02/2025  0
"Phía bên kia thiên đường" (The Other Side of Heaven) là tựa đề một tuyển tập truyện ngắn có nội dung liên quan đến chiến tranh Việt Nam do nhà xuất bản Curbstone Press ở Connecticut - Hoa Kỳ xuất bản tháng 9.1995.

Các tác giả trong tuyển tập gồm 18 nhà văn Mỹ, 12 nhà văn Việt Nam trong nước và 8 nhà văn Việt Nam hải ngoại. Ban biên tập gồm Wayne Karlin, Lê Minh Khuê và Trương Vũ. 

Công trình này khởi đầu từ sáng kiến của nhà văn Wayne Karlin, một cựu binh Mỹ tham chiến ở Việt Nam. Wayne Karlin đã gặp Lê Minh Khuê cùng với hai nhà văn Hữu Thỉnh và Nguyễn Quang Thiều, tại Boston vào tháng 6.1993, khi các nhà văn này thăm Mỹ theo chương trình được bảo trợ bởi trung tâm William Joiner. Nhà văn Lê Minh Khuê tham dự công trình này với sự ủy nhiệm chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam.

Chúng tôi đã gặp ông Trương Vũ, một trong ba đồng chủ biên cuốn sách vào dịp ông về Việt Nam. Nhà văn Trương Vũ tên thật là Trương Hồng Sơn, một khoa học gia của NASA, nay đã về hưu. Ông Vũ yêu văn chương và hội họa, tham gia nhiều hoạt động văn học nghệ thuật ở Mỹ hàng chục năm qua.

Nhà văn Trương Vũ.

Ông Trương Vũ kể lại: Wayne Karlin đến thăm tôi vào mùa hè 1993. Chúng tôi chia sẻ với nhau những ý nghĩ cá nhân về cuộc chiến, như một nhà văn, một trí thức. Wayne Karlin đề xuất chủ trương tập hợp một cuốn sách viết về chiến tranh Việt Nam nhìn từ nhiều phía. Tuy nhiên ban đầu, người Mỹ quan niệm, phía Việt Nam là một, miền Nam với Mỹ là một, thành ra chỉ có hai bên. Nhưng tôi không đồng ý, bởi cuộc chiến đó phức tạp hơn nhiều.

Ở khía cạnh văn chương, tâm trạng của người lính miền Nam, người lính Bắc Việt và người Mỹ là hoàn toàn khác nhau. Ngay như những người không tham chiến, nhưng sống trong thời chiến ở cả hai miền cũng có tâm trạng riêng.

Cuối cùng, chúng tôi đồng ý với nhau về thành phần tác giả và tiêu chuẩn chính để lựa chọn tác phẩm: “Giá trị văn chương và nội dung thích hợp với đề tài chiến tranh Việt Nam”. Chúng tôi phân chia cùng nhau thực hiện. Tôi có trách nhiệm tuyển lựa các tác phẩm văn học hải ngoại (gồm các nhà văn miền Nam cũ và các cây bút hậu chiến), Lê Minh Khuê đảm nhận phần tác phẩm trong nước, Wayne Karlin tập hợp các cây bút Mỹ và chịu trách nhiệm tổng quát. Chúng tôi làm việc độc lập, không gây ảnh hưởng vào phần việc của người khác. Trừ một trường hợp, Wayne Karlin đã trích một đoạn trong tác phẩm của Dương Thu Hương đưa vào tuyển tập, thì phía Việt Nam phản đối, Wayne Karlin dừng lại. 

Với tôi, tinh thần của tuyển tập Phía bên kia thiên đường, nó liên hệ đến ước mơ đã có từ lâu. Đúng ra không chỉ là một ước mơ mà còn là sự bức xúc, không chỉ riêng tôi mà cho rất nhiều, rất nhiều trí thức và văn nghệ sĩ Việt Nam, trong hàng chục năm qua.

Tôi say mê với công việc này, tôi quý trọng tình bạn giữa tôi và Wayne, tôi cũng xem Lê Minh Khuê là một người bạn tốt, mặc dầu tôi chỉ gặp chị ấy trong một thời gian rất ngắn vào mùa hè năm 1993. 

Góp mặt trong tuyển tập này là 18 nhà văn Mỹ, 12 nhà văn Việt Nam trong nước và 8 nhà văn hải ngoại.


Xin ông lý giải tựa đề tuyển tập: Phía bên kia thiên đường?

Ý niệm này, xuất phát từ cảm niệm về những đồng đội tham chiến đã hy sinh và lên thiên đường. Mỗi bên đều có thiên đường, không ở bên này thì ở bên kia thiên đường...Thông điệp hòa giải, chia sẻ này được hình thành từ những cuộc thảo luận vui vui, rồi đi đến đồng thuận. 

Ông có nhớ những kỷ niệm về lần đầu tiên tiếp xúc với các nhà văn trong nước? 

Tôi thực sự không nhớ rõ một lý do nào. Lúc đó tôi tham dự vào hai tờ Văn họcHợp lưu (ở hải ngoại). Tôi chủ trương lấy bài viết của nhiều nhà văn trong nước, để phổ biến trên hai diễn đàn văn học này. Tôi quan niệm cái đẹp của văn chương dù ở đâu, cũng cần được chia sẻ rộng rãi cho độc giả. Tuy nhiên, thời điểm đó, việc làm này cũng gây cho tôi những khó khăn trong cộng đồng hải ngoại. 

Lê Minh Khuê và Wayne Karlin tại bức tường tưởng niệm chiến tranh Việt Nam ở Washington - D.C, 1993. Nguồn ảnh: 2sidesproject.com


Tôi không ngại gặp gỡ các nhà văn trong nước. Có lẽ vì lý do đó, nhiều nhà văn trong nước khi sang Mỹ đã được bạn bè trong giới đại học đưa đến gặp tôi tại nhà riêng ở Maryland, như Hoàng Ngọc Hiến, Nguyên Ngọc, Lê Minh Khuê, Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp, Trần Văn Thủy, Nguyễn Huệ Chi, Phạm Xuân Nguyên... Tôi có nhiều kỷ niệm đẹp với họ.

Trong tuyển tập này, ngoài các nhà văn Mỹ như Wayne Karlin, George Evans, Ward Just, Tim O'Brien, Robert Olen Butler... các tác giả Việt Nam trong nước gồm: Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, Nguyễn Quang Thiều, Xuân Thiều, Lê Lựu, Vũ Bảo, Lê Minh Khuê, Ngô Tự Lập, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn hải ngoại thì có: Nguyễn Mộng Giác, Phan Huy Đường, Nguyễn Xuân Hoàng,  Võ Phiến, Hoàng Khởi Phong, Trần Vũ, Lại Thanh Hà, Andrew Lâm (con trai tướng VNCH Lâm Quang Thi).

Tuyển tập bằng tiếng Anh này được sự giúp đỡ dịch thuật của cô Thái Tuyết Quân, Nguyễn Quí Đức và Lê Thọ Giáo. Tôi tiếc là dự định xuất bản bằng tiếng Việt không thành. 

Duy Thông - Quốc Ngọc thực hiện

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.