30 “Thiết kế từ những hạn chế”
Với chủ đề Thiết kế từ những hạn chế (Embracing Constraints), cuộc thi Designed by VietNam lần thứ tư đã phát động từ cuối tháng 4.2023 và nhận được 150 tác phẩm dự thi.
Hội đồng chuyên môn đã lựa chọn 30 thiết kế vào giai đoạn hoàn thiện để triển lãm và chung kết, trong đó có 10 thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm ở đề bài nhánh. Triển lãm mang tên Chấm gồm TOP20+10 của cuộc thi trong không gian Nhà Tiền Đường Thái Học của Văn Miếu – Quốc Tử Giám sẽ được trưng bày đến ngày 7.10.
Triển lãm Chấm được lấy cảm hứng thiết kế từ bối cảnh thầy Chu Văn An dạy học với vật liệu giấy dó và mực Nho. Với ý niệm là đối thoại, triển lãm có tính trực tiếp và sự tương tác giữa các chủ thể: di tích, triển lãm và người xem.
Mỗi người xem sẽ có cách thức tương tác đa dạng, du khách sử dụng mã QR để có thể tương tác với các tác phẩm. Với ý tưởng “mỗi bước mỗi cảnh”, du khách ngắm các tác phẩm được treo ngược lại ở những vị trí có độ cao khác nhau sẽ tạo ra không gian ba chiều và làm nổi bật tính đối thoại giữa người xem và tác phẩm.
Không gian triển lãm “Chấm” cho phép du khách tương tác với các tác phẩm, đồng thời làm tôn lên ý niệm đối thoại của triển lãm này.
Cuộc thi Designed by VietNam nhằm thúc đẩy gia tăng giá trị sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam bằng năng lực thiết kế, hướng tới xây dựng thương hiệu “Designed by VietNam” trên thị trường quốc tế.
Dưới sự dẫn dắt của các nhà thiết kế có tầm ảnh hưởng trong 5 lĩnh vực: Thiết kế Truyền thông (Communication design), Thiết kế Trang phục (Clothing design), Thiết kế Vật dụng & trang trí (Decor & Object design), Thiết kế Đồ nội thất (Living design), Thiết kế công cộng (Public design), các thí sinh tham gia có cơ hội kết nối và hợp tác để tạo ra những sản phẩm ứng dụng có giá trị thiết kế cao.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm.
Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hoá và sáng tạo
Được tổ chức tại Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, Hội thảo “Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hoá và sáng tạo” tập trung trao đổi về hai nội dung quan trọng: Kinh nghiệm quốc tế về cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo; Cơ chế và chính sách ưu đãi về thuế đối với người làm sáng tạo và doanh nghiệp sáng tạo ở Việt Nam hiện nay.
Toàn cảnh Hội thảo “Cơ chế, chính sách ưu đãi đối với các doanh nghiệp văn hoá và sáng tạo”.
Tại Hội thảo, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, cho biết trong khoảng chục năm trở lại đây, các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo hiện đang nhanh chóng trở thành những ngành có đóng góp mạnh mẽ cho nền kinh tế quốc gia với 6,02% tổng giá trị gia tăng của các ngành kinh tế năm 2019. Sau hai năm (2020-2021) có sự suy giảm, các ngành này đã và đang có xu hướng phát triển tốt trở lại với đóng góp 4,04% tổng giá trị gia tăng vào năm 2022.
Trong giai đoạn 2018-2022, các ngành này đã thu hút lực lượng lao động trung bình khoảng 2, 9 triệu đến 3,8 triệu người (chiếm 7,1% tổng dân số có việc làm) của cả nước. Năm 2022, số lượng doanh nghiệp chiếm 3,1% tổng số doanh nghiệp của cả nước, số lượng cơ sở kinh tế thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa khoảng 70.321 cơ sở.
Theo ông Hoàng, được đánh giá là có tiềm năng trở thành ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, với một thị trường sôi động cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa sáng tạo nội địa trong những năm tới, tuy nhiên, các ngành này hiện đang gặp phải nhiều khó khăn do thiếu các cơ chế, chính sách ưu đãi chuyên biệt đối với các doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá.
Trong năm 2023, Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam và Cục Bản quyền tác giả tập trung nghiên cứu, đề xuất những đổi mới về cơ chế ưu đãi chuyên biệt đối với người thực hành và doanh nghiệp hoạt động trong các ngành công nghiệp văn hoá và sáng tạo ở Việt Nam.
Trong hơn chục năm vừa qua, kết quả của các chương trình nghiên cứu và tư vấn chính sách về phát triển văn hóa nghệ thuật nói chung, nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo ở Việt Nam nói riêng đã cho thấy thực tế rằng, các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo, trong đó có ngành thiết kế sáng tạo có nhiều tiềm năng để có thể phát triển mạnh ở phạm vi vùng và quốc tế.
Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, vừa cần sự nỗ lực của người làm sáng tạo và người kinh doanh sáng tạo, vừa phải có sự hỗ trợ về mặt cơ chế và chính sách chuyên biệt dành cho các ngành mà chúng ta xác định là công nghiệp văn hóa và sáng tạo.
Các ý kiến tại Hội thảo đã nêu những khó khăn của nghệ sĩ, người thực hành và kinh doanh trong lĩnh vực văn hoá và sáng tạo nhận diện một số khó khăn, vướng mắc về thuế và các cơ chế, biện pháp để huy động nguồn lực cho các ngành công nghiệp văn hóa sáng tạo ở Việt Nam.
Đồng thời, kinh nghiệm về một số chính sách thuế và các biện pháp, cơ chế nhằm huy động nguồn lực, thúc đẩy các ngành Công nghiệp văn hóa ở các nước trên thế giới đã được chia sẻ.
Mặt khác, điểm lại những cơ chế, chính sách ưu đãi hiện có, đồng thời đề xuất những giải pháp về cơ chế, chính sách nhằm huy động hiệu quả nguồn lực, thực thi chủ trương, chính sách về xã hội hóa cho sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa tại Việt Nam.
Triển lãm nhằm tôn vinh di sản, trao đổi thiết kế đa văn hóa giữa Anh Quốc và Việt Nam.
Khám phá chủ đề thiết kế và tính bền vững qua Thiên, Thuỷ, Thổ
Nhằm tôn vinh di sản, trao đổi thiết kế đa văn hóa giữa Anh Quốc và Việt Nam, được dẫn dắt bởi Wax Atelier (London), phối hợp với các thợ thủ công Mông Dua của bản Pà Cò (Hoà Bình) và KILOMET 109 (Hà Nội), triển lãm khám phá chủ đề thiết kế và tính bền vững thông qua các nhân tố ẩn dụ: Thiên, Thuỷ, Thổ.
Triển lãm mang đến sự khám phá sống động về nền thủ công phong phú, di sản và kiến thức chung giữa Anh Quốc và Việt Nam, thuộc chương trình UK/Viet Nam Season 2023 khởi xướng bởi Hội đồng Anh.
Dẫn dắt khán giả vào một “cuộc hành trình ngược” - triển lãm giới thiệu tính chất vật lý và sân khấu của quá trình biến thực vật thành sản phẩm, sử dụng dây thừng làm phương tiện và phép ẩn dụ để thể hiện các ý tưởng, kỹ năng đa văn hóa từ một nhóm nhà thiết kế, nghệ sĩ chất liệu, nghệ sĩ hình ảnh/âm thanh và nghệ nhân thủ công gắn bó mật thiết với nhau như thế nào.
Không gian triển lãm nhà Hữu Vu sẽ được chia thành ba phần hoặc ba cõi: Thiên, Thủy, Thổ.
Trước tiên, khách tham quan sẽ bước vào cõi Thổ, nơi trưng bày các đồ vật mang tính thực tế và nghi lễ cũng như những khám phá khác từ Hà Nội, London và Pà Cò.
Cuộc hành trình tiếp tục đến cõi Thuỷ, nơi trưng bày ấn tượng các đồ vật, mô hình và nguyên mẫu được chế tạo bằng dây thừng, cũng như các trạm bện để thu hút khách tham gia trực tiếp vào quá trình chế tạo.
Cuối cùng, khách tham quan sẽ bước vào một rạp chiếu phim nhỏ, hay còn gọi là cõi Thiên, là nơi được sắp đặt sống động và trình chiếu phim.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm.
Dự án này là kết quả của một chuyến lưu trú nghệ thuật được thực hiện bởi ba nhóm sáng tạo tại Hà Nội vào đầu năm nay, nơi họ lần đầu tiên bắt đầu khám phá chủ đề di sản chung thông qua một loạt hội thảo thử nghiệm tại Trung tâm APD ở Hà Nội và bản Pà Cò.
Cuộc lưu trú nghệ thuật đã dẫn đến một loạt các tác phẩm và đồ vật hợp tác được chế tác từ bảng chất liệu chung gồm cây gai dầu, thuốc nhuộm tự nhiên, sáp ong và sáp thực vật; và một bộ phim nghệ thuật ngắn của đạo diễn Rocio Chacon sẽ được chiếu suốt tuần.
Giám tuyển của triển lãm (đợt thực hiện tại Vương quốc Anh) Vickie Hayward nhận xét: “Triển lãm sắp đặt đi theo hành trình từ thực vật đến sản phẩm và là sự thể hiện các phương pháp đã được thiết lập cần được tôn vinh, bảo tồn và phát huy cho các thế hệ nhà thiết kế và nhà sản xuất tương lai ở Việt Nam và Vương quốc Anh”.
Tôn vinh những thiết kế góp phần cải thiện hình ảnh Thủ đô văn minh
Ngày 29.9 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám, Hà Nội, Tuần lễ Thiết kế Việt Nam - VietNam Design Week 2023 (lần thứ tư) đã chính thức bế mạc với lễ công bố kết quả và trao giải cuộc thi Designed by VietNam.
Theo đó, tác phẩm Ratla Xuan của tác giả Nguyễn Khai Tâm trong lĩnh vực thiết kế trang phục đã xuất sắc đoạt giải Nhất.
Thiết kế Ratla Xuan của tác giả Nguyễn Khai Tâm.
Với mong muốn tận dụng những nguyên liệu có sẵn, đem lại sức sống mới cho những tấm vải bỏ đi, nhà thiết kế đã tạo ra vải mới từ chỉ thừa, vải vụn, các hoa văn được khâu tay, đắp nổi tạo bề mặt, tôn vinh sáng tạo từ thủ công.
Tác giả Nguyễn Khai Tâm chia sẻ: Là người theo đuổi thời trang bền vững, nên việc tái sử dụng hoặc tái chế hàng tồn, phế thải thời trang là điều quan tâm hàng đầu của tôi. Với chủ đề năm nay Thiết kế từ những hạn chế, biết được những khó khăn chung của thế giới và các ngành công nghiệp gặp phải trong đó có thời trang, tôi muốn góp tiếng nói của mình cho phong trào thời trang bền vững, mong rằng dưới sự ảnh hưởng của cuộc thi sẽ có thêm nhiều nhà thiết kế trẻ tại Việt Nam theo đuổi và tạo nên những dấu ấn riêng cho ngành thời trang bền vững tại nước nhà và thế giới.
Giải nhì thuộc về tác phẩm Đèn trang trí Soli của nhóm tác giả Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Hồng Phúc, tận dụng vỏ trứng để tạo thành nguyên vật liệu cho sản phẩm, mang lại nhiều ưu điểm như giá thành rẻ, kết cấu vững chắc, linh hoạt và thân thiện với môi trường.
Thiết kế Đèn trang trí Soli của các tác giả: Nguyễn Hùng Cường, Nguyễn Hồng Phúc.
Tác phẩm One More Seat (chiến dịch truyền thông) của Đào Mạnh Khang, với mong muốn khơi nguồn cảm hứng từ những điều thân quen và khám phá chất liệu mới từ vỏ bọc cũ, giành giải ba.
Thiết kế One More Seat của tác giả Đào Mạnh Khang.
Ba giải khuyến khích thuộc về Viesta của Ngô Đăng Minh, Riverside Mesh của Đỗ Hà Trang, đi hanoi toilet đi của nhóm tác giả Nguyễn Huy Hoàng, Trần Trọng Hưng, Phan Anh Khôi, Trần Thị Hồng Loan.
Ba đồ án đoạt giải ở nhánh đề bài Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm gồm: đi hanoi toilet đi, V-Model Toilet Module của nhóm tác giả Nguyễn Quỳnh Nghi, Lê Tấn Đạt, và Nhà vệ sinh công cộng Hồ Gươm của tác giả Nguyễn Bích Phương.
Thiết kế đi hanoi toilet đi của các tác giả: Nguyễn Huy Hoàng, Trần Trọng Hưng, Phan Anh Khôi, Trần Thị Hồng Loan.
Chia sẻ về các tác phẩm đoạt giải, ông Lê Việt Hà, Chủ tịch VietNam Design Group, đồng trưởng ban tổ chức cho biết: “Hồ Gươm – Trái tim của thủ đô Hà Nội, là di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh của mảnh đất Hà thành. Những năm gần đây, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận đã trở thành điểm nhấn của Thủ đô, với nhiều hoạt động có sức hấp dẫn đối với người dân, du khách trong nước và quốc tế.
Trong khi đó, hệ thống nhà vệ sinh công cộng ở khu vực này hiện đang mang tính tạm thời, chưa đáp ứng được nhu cầu của người sử dụng, và chưa thực sự sạch đẹp.
Với chương trình cải tạo, chỉnh trang không gian công cộng của khu vực, UBND Quận Hoàn Kiếm phối hợp cùng Tuần lễ Thiết kế Việt Nam, dự án “HaNoi Design City – Hà Nội đẹp từng centimet” (do Ashui.com phụ trách) và Viglacera đưa ra nhánh đề bài “Thiết kế nhà vệ sinh công cộng bên Hồ Gươm” trong lĩnh vực Thiết kế công cộng của cuộc thi Designed by VietNam.
Với các phương án vừa đoạt giải, sắp tới sẽ được triển khai thực hiện, những nhà vệ sinh công cộng ở Hồ Gươm sẽ có diện mạo thiết kế mới, góp phần cải thiện hình ảnh Thủ đô văn minh – thành phố sáng tạo trong lĩnh vực Thiết kế mà UNESCO công nhận.”
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng Đoàn cán bộ Thành ủy và Sở Văn hóa & Thể thao Hà Nội đến tham quan Tuần lễ Thiết kế Việt Nam 2023 tại Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam – VietNam Design Week do VietNam Design Group, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam (VICAS), Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đồng chủ trì thực hiện nhằm tìm kiếm và tôn vinh những sản phẩm và nhà thiết kế xuất sắc, nuôi dưỡng, thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng, công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam nói chung.
Năm nay, lần đầu tiên hội chợ thiết kế Design Fair VietNam được tổ chức tại Vườn Giám, đã thu hút gần 50 đơn vị thiết kế - sản xuất trong nước và quốc tế, với hơn 100 gian hàng ở các lĩnh vực: đồ nội ngoại thất, vật dụng và trang trí, thủ công mỹ nghệ, thời trang, truyền thông, được chọn lọc trưng bày giới thiệu với các đối tác và người tiêu dùng.
Các hoạt động của chương trình nhằm nuôi dưỡng và thúc đẩy sự phát triển của ngành thiết kế nói riêng, công nghiệp văn hóa và sáng tạo của Việt Nam nói chung; đồng thời nâng cao giá trị của các sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế.
Sân chơi Sự tích Thánh Gióng trong khuôn khổ Hội chợ thiết kế (Design Fair Vietnam 2023).
Tuần lễ cũng nâng cao giá trị của các sản phẩm sáng tạo Việt Nam trên thị trường trong nước cũng như thị trường quốc tế. Đồng thời, được biết đến như một nền tảng hiệu quả để kết nối cộng đồng thiết kế đương đại với cộng đồng làng nghề truyền thống trên cả nước.
Tuần lễ Thiết kế Việt Nam năm 2023 là sự kiện quan trọng, tạo tiền đề cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa, đặc biệt là những thiết kế, sáng tạo của các thế hệ trẻ. Hy vọng Tuần lễ Thiết kế Việt Nam sẽ dần trở thành thương hiệu phát triển ngày càng mạnh, thu hút đông đảo số lượng người tham dự và có nhiều đóng góp hữu ích cho sự phát triển của ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.
Bài: Tùng Lâm - Ảnh: BTC