Nỗi niềm người chăn vịt
Một lần tình cờ tôi thấy đàn vịt trên cánh đồng mênh mông nước (thuộc địa phận phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, tỉnh An Giang). Hỏi ra mới biết đàn vịt của vợ chồng anh Nguyễn Văn Tâm (ngụ xã Phú Thuận, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) về đây chạy đồng hơn nửa tháng nay.
Hớp ngụm trà, nhìn ra đồng nước mênh mông, anh Tâm cho biết đợt chạy đồng lần này đàn vịt nhà anh cả thảy 2.000 con.
Lùa vịt trên đồng. Ảnh: Duy An
Thấy chúng tôi tò mò về cuộc mưu sinh, anh Tâm chia sẻ: “Nghề nuôi và chăn vịt chạy đồng phải di chuyển khắp nơi, nay đây, mốt nơi khác. Hiện đàn vịt đẻ của tôi mỗi đêm cũng cho hơn 1.000 quả trứng. Nghề này tuy vất vả, đồng ruộng, liếp vườn là nhà, bầy vịt là tài sản… cứ thế mà theo nó, nhưng có thu nhập đều đặn, tôi cảm thấy vui và mãn nguyện lắm rồi”.
Theo anh Tâm, thức ăn chính của đàn vịt là các loại ốc bươu vàng, trứng ốc, cá, tôm, tép và lúa... chỉ có ở ngoài đồng nên người nuôi cứ phải theo con vịt ra đồng. Mặc cho mưa to gió lớn, giông sét hay trời nắng, người chăn vịt không dám rời mắt khỏi đàn vịt. Suốt ngày lội bùn lầy, ngâm mình dưới nước. Tối đến, người chăn vịt nằm ngủ dưới đất, mùa nắng còn đỡ, mưa đến nền ẩm ướt càng lạnh hơn.
Khu nhốt vịt được dựng từ vài cây tre làm khung, một bạt ni lông làm nóc. Ảnh: Thanh Vân
Căn lều nhốt vịt của anh Tâm được dựng từ mấy cây tre để làm khung, một tấm bạt ni lông làm nóc, nằm trên bờ đê cao ráo. Bên trong lều treo vài bộ quần áo, bếp, xoong nồi, chén đũa, ít gạo, cá khô để sinh hoạt ăn uống hằng ngày.
Khi lùa đàn vịt vô trại xong, anh Tâm kể: “Tôi gắn bó với nghề nuôi vịt chạy đồng đã hơn 10 năm nay. Làm nghề này phải chấp nhận sống rày đây mai đó, ăn bờ ngủ bụi, sống xa nhà thời gian dài, kể cả rủi ro nhưng theo riết rồi quen”.
Cũng theo anh Tâm, nghề này vất vả lắm, nhất là thời điểm vận chuyển vịt đi liên tỉnh hoặc địa phương khác tìm đồng cho chúng ăn, gặp đồng trúng còn nhiều lúa, ốc, cá thì chúng ăn no nê, đẻ nhiều trứng, còn không đủ thức ăn thì thất thu.
Nghề chăn vịt chạy đồng tuy vất vả nhưng có thu nhập đều. Ảnh: Tô Văn
“Ðồng nghiệp” với anh Tâm là hai mẹ con bà Hồ Kim Loan (ngụ H.Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) mới đến đây chừng 1 tuần. Bà Loan có tới 5.000 con vịt, con trai cho đàn vịt chạy cánh đồng kế bên nên dựng cái lều gần đó làm hàng xóm hủ hỉ.
Bà Loan tâm sự: “Nghề này vất vả lắm, nhất là lúc đi tìm đồng cho vịt ăn, phải vận chuyển vịt đi đồng này qua đồng khác, có khi trong tỉnh, có khi liên tỉnh. Mỗi lần chuyển đàn vịt đi nơi khác tìm đồng, lượng trứng cũng hụt theo, mất khoảng 1 tuần vịt mới đẻ lại bình thường. Cứ vài ba ngày thương lái đến tận nơi thu mua trứng một lần. Mỗi năm trừ chi phí cũng lời, đủ tiền nuôi con cái ăn học”.
Đặc sản miền sông nước
Người nuôi gia cầm ở tỉnh An Giang chủ yếu là chăn nuôi nhỏ lẻ theo hộ gia đình. Riêng đàn vịt thì chăn nuôi theo hình thức chạy đồng là chính.
Người chăn nuôi thường tập trung phát triển đàn vịt theo mùa vụ, đến khi có đồng trống (đã cắt lúa) là họ cho chạy đồng, tận dụng nguồn thức ăn còn sót lại sau thu hoạch.
Đặc biệt là vịt đẻ, người chăn nuôi thường cho vịt chạy đồng liên tục, cứ ăn ở ruộng này khoảng 1 tháng là hết mùa, lại phải chuyển đi tìm đồng mới. Vì vậy, họ không chỉ chạy đồng trong tỉnh mà còn đi sang cả các tỉnh lân cận. Nếu nuôi ít thì người nhà tự trông coi, còn nuôi nhiều thì mướn người ngoài, hình thành nghề giữ vịt thuê.
Ở An Giang cũng như các tỉnh thành khác vùng đồng bằng sông Cửu Long, người nuôi vịt đẻ thường chọn giống vịt cỏ để phát triển đàn. Đây là giống vịt có tập tính theo đàn, di chuyển nhanh, tìm kiếm mồi giỏi, rất thích hợp với việc chăn thả trên đồng để mò cua, bắt ốc, ăn lúa rơi vãi... Giống vịt này nuôi nhốt sẽ không hiệu quả, tỷ lệ đẻ trứng giảm. Hơn nữa, đồng bằng sông Cửu Long có diện tích rộng, rất phù hợp cho nuôi vịt chạy đồng sau mỗi kỳ thu hoạch lúa.
Tô Văn