Trong cuộc Họp báo cung cấp thông tin về các vấn đề kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM diễn ra chiều nay (ngày 22.5), đại diện Sở Xây dựng TP.HCM cho hay, trong số 2.221 xe buýt tham gia hoạt động trên 138 tuyến tại thành phố, đã có 19 tuyến xe buýt điện (với 160 xe) và 18 tuyến xe buýt sử dụng khí CNG (với 528 xe), đạt 31% đang sử dụng điện, nhiên liệu sạch thân thiện với môi trường.
Ông Ngô Hải Đường, Trưởng Phòng Quản lý vận tải đường bộ, Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết trong lộ trình chuyển đổi, phát triển giao thông xanh thành phố đặt mục tiêu 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh đến năm 2030.
Tuyến xe buýt điện D4 (Vinhomes Grand Park – Bến xe buýt Sài Gòn) là tuyến xe buýt có trợ giá sử dụng năng lượng điện thí điểm đầu tiên đưa vào hoạt động trên địa bàn TP.HCM từ ngày 9.3.2023. Ảnh: T.L.V
Ông Đường cho hay, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 3998/QĐ-UBND ngày 17.10. 2020 về phê duyệt Đề án Tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn TP.HCM. Đề án này bao gồm 27 nhóm giải pháp triển khai trong giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có giải pháp: Xây dựng và triển khai kế hoạch đầu tư phương tiện xe buýt theo từng giai đoạn, phù hợp với hạ tầng cung ứng nhiên liệu và ưu tiên phương tiện sử dụng nhiên liệu sạch và thân thiện với môi trường (CNG, LPG, năng lượng điện hoặc nhiên liệu thay thế khác phù hợp với xu hướng phát triển của các nước trên thế giới), thời gian triển khai từ năm 2021 – 2030.
Kết hợp triển khai Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm cơ chể, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM, UBND Thành phố giao Sở Giao thông vận tải (nay là Sở Xây dựng) triển khai xây dựng Đề án kiểm soát khí thải phương tiện giao thông theo hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là xây dựng và tham mưu nhằm ban hành Quy định về lộ trình thực hiện chuyển đổi và chính sách hỗ trợ chuyển đổi phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh để áp dụng kể từ năm 2025; Giai đoạn 2 sẽ xây dựng Đề án và tham mưu nhằm ban hành chính sách giảm khí thải các phương tiện giao thông đường bộ còn lại trên địa bàn Thành phố.
Các ưu tiên được tập trung bao gồm xây dựng chính sách khuyến khích, ưu đãi và lộ trình đối với các cá nhân, hộ gia đình, các tổ chức chuyển đổi phương tiện giao thông từ sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng năng lượng sạch, năng lượng xanh và lộ trình thực hiện như xe taxi, xe công nghệ, xe hợp đồng, xe khách và xe tải, xe hơi và phương tiện cá nhân.
Ngoài ra còn có chính sách thu mua, đổi phương tiện giao thông cũ sang phương tiện giao thông mới sử dụng điện, năng lượng xanh để giảm ô nhiễm môi trường.
Sở cũng có nhiệm vụ đề xuất các giải pháp kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP.HCM đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, bao gồm các biện pháp phân vùng, ưu tiên cho phương tiện sử dụng năng lượng xanh, hạn chế hoạt động phương tiện giao thông cơ giới đường bộ sử dụng nhiên liệu hóa thạch khu vực như trung tâm TP.HCM, huyện Cần Giờ, huyện Côn Đảo (sau khi sáp nhập). Sở chịu trách nhiệm xây dựng tiêu chí, trình tự và thủ tục thực hiện các chính sách trên.
Ông Đường cho biết thêm, Sở Xây dựng đã hoàn thành chuyên đề giai đoạn 1 và trình lên thành phố trong tháng 3.2025, hiện đang chờ đánh giá, chỉ đạo. Theo đó, có đưa ra lộ trình chuyển đổi đối với xe buýt trên địa bàn thành phố với mục tiêu đến năm 2030, 100% xe buýt của TP.HCM sử dụng điện, năng lượng xanh. Kèm theo đó là ban hành các chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi phương tiện xe buýt sang sử dụng điện, năng lượng xanh và hỗ trợ xây dựng trạm sạc điện; cùng với lộ trình đầu tư phát triển các trạm sạc điện theo lộ trình chuyển đổi xe buýt.
Sở Xây dựng đang phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan nghiên cứu, tham mưu hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết theo chỉ đạo của UBND Thành phố theo hướng bổ sung đánh giá tác động sau khi TP.HCM thực hiện hoàn thành việc tinh gọn bộ máy và sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh trong năm 2025, dự kiến hoàn chỉnh và trình UBND thành phố trong quý IV.2025.
Đối với giai đoạn 2, mục tiêu đưa các phương tiện giao thông công cộng sang sử dụng nhiên liệu sạch, sở hoàn thành việc lựa chọn đơn vị tư vấn xây dựng Đề án và đang triển khai thực hiện, dự kiến hoàn thành Đề án và trình UBND thành phố trong quý IV.2025.
Hiện TP.HCM có 14.000 xe điện đang sử dụng làm taxi, chiếm hơn 71% tổng phương tiện taxi. Ảnh: CTV
Bên cạnh đó, Sở Xây dựng đã và đang triển khai các công việc liên quan đến công tác chuyển đổi xanh trong giao thông như: xây dựng các bộ định mức, đơn giá cho xe buýt điện; tạo điều kiện và phối hợp với các đơn vị để phát triển hệ thống trạm sạc điện, taxi điện; đưa vào hoạt động xe đạp công cộng, xe điện 4 bánh có gắn động cơ, hệ thống vé điện tử liên thông cho giao thông công cộng. Thành phố đã thống kê và ghi nhận hiện có 14.000 xe điện đang sử dụng làm taxi, chiếm hơn 71% tổng phương tiện taxi.
Cũng trong buổi họp báo, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM cũng trình bày tóm tắt đề xuất chuyển đổi khoảng 400.000 xe ôm xe máy giao hàng thành xe máy điện hoàn toàn. Dự kiến, sang tháng 6.2025, Viện sẽ sẽ có bản dự thảo chính sách để tham vấn chuyên gia, nhà khoa học và các cơ quan quản lý sau đó sẽ tổng hợp và trình UBND TP.HCM vào tháng 7.2025.
Ông Lê Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Tư vấn ứng dụng kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho hay: “Nếu chính sách đi vào thực tế, chúng tôi hy vọng trong vòng hai năm, sẽ chuyển đổi được khoảng 80% phương tiện của tài xế công nghệ và giao hàng sử dụng xe hai bánh và đạt tỷ lệ 100% trong vòng 3-5 năm”.
Theo khảo sát, việc chuyển đổi này ngoài việc giúp tăng cường các phương tiện xanh, thân thiện môi trường trên đường phố, còn giúp các tài xế tiết kiệm được tiền cho nhiên liệu do chi phí tiền điện rẻ hơn xăng từ 3-4 lần.
Lan Chi