Kỳ 2:

Nội Mông kỳ thú: Cuộc chiến thảo nguyên hóa sa mạc và đời sống khoáng đạt trên lưng ngựa

 11:10 | Thứ ba, 16/07/2019  0
Sa mạc thì nơi nào cũng giống nhau bởi trập trùng cát, cả màu sắc lẫn địa hình. Ai cũng nghĩ sa mạc là nóng, nắng và gió, nhiệt độ chênh lệch ngày và đêm rất lớn. Sa mạc Nội Mông thì khác, không nóng rát như mọi người hình dung. Mùa hè nhiệt độ ngoài trời cao nhất chỉ 30 độ. Do độ ẩm rất thấp, có bóng râm là xuống thêm 4 - 5 độ. Ngày đêm chỉ chênh nhau 10 - 15 độ, nhưng chênh lệch lớn giữa mùa hè mát mẻ và mùa đông buốt giá, có thể tới - 50 độ.

Trái với suy nghĩ của mọi người, thảo nguyên Nội Mông không mượt mà xanh như trong phim ảnh. Thay vào đó là màu cỏ úa. Những loài cỏ kiên cường thích nghi với khí hậu khắc nghiệt. Các loại cây ở sa mạc thường là họ thực vật mọng nước như xương rồng,  các loại cây bụi hoặc lá kim như thông hai lá hay lá dẹt như dã liễu… Một số cây đặc thù có lá bình thường, nhiều nhất là cây mà người Nội Mông gọi là susu. Thân cây trắng tựa bạch dương. Lá một mặt xanh thẫm, một mặt bạc xám. Gió thổi, mắt lá bạc lấp lánh như hoa nắng.

Chỉ có vùng ẩm ướt quanh các sông hồ hoặc được tưới tiêu chủ động mới có màu xanh sân golf.

Thảo nguyên hóa sa mạc, nghe giản đơn nhưng cực kỳ gian nan. Còn hơn cả đại trường chinh sinh tồn giữa tự nhiên và con người. Để chặn đứng thảm họa sa mạc hóa, người dân và chính quyền Nội Mông đã chiến đấu thật sự. Từ việc “đan lưới sa mạc”, trồng cỏ, trồng cây; bền bỉ, dũng cảm và kiên trì bám trụ. Thời gian được tính hàng chục năm. Tố chất kỷ luật và tính cộng đồng của loài kiến là tiêu chí của công cuộc thảo nguyên hóa sa mạc. Có những rừng cây mang tên loài kiến.

Cây thần Ebo này có từ hơn 800 năm. Tương truyền Thành Cát Tư Hãn từng ghé làm lễ xuất quân.

Cây thần Ovoo, còn được gọi là Novoo và phổ biến nhất là Ebo, thường được tìm thấy ở đồng cỏ, trên đỉnh núi và ở những nơi cao như đèo núi.

Ban đầu là các cây thật được dùng làm cột mốc để xác định phương hướng, đường xá và ranh giới trên hoang mạc. Dần dần được thần hóa, thành nơi thờ phụng Thần núi hoặc Thần đường sá. Bên cạnh là các đài thờ cúng hình tháp được xếp bằng đá hoặc xây bằng các vật liệu khác.

Đây là nơi các Đại Hãn làm lễ xuất quân và tạ ơn mừng chiến thắng. Mỗi lần đến viếng, người dân thường nhặt đá chồng lên Ebo và đi ba vòng ngược chiều kim đồng hồ và buộc những chiếc khăn nguyện ước chung quanh cây thần. Giữa hoang mạc khắc nghiệt, cây thần Obo vẫn kiên cường và ngạo nghễ, trở thành đức tin của những người dân du mục. Ngoài cây xanh tự nhiên, cây thần Obo còn được dựng từ các phiến đá, thanh gỗ.

Cạnh cây thần Ebo luôn có đài nghi lễ hình tháp xếp bằng đá hoặc xây bằng các vật liệu khác.

Loài vật gắn với sa mạc là lạc đà, còn thảo nguyên là ngựa. Có ngựa hoang và ngựa nhà thuần hóa. Ngựa Mông Cổ chỉ cao chừng 1m5 nhưng là ngựa chiến, dáng đẹp không chê vào đâu được. Chúng chỉ ăn cỏ, dễ nuôi, dẻo dai, biết cào tuyết tìm cỏ… Đặc biệt có thể phi nước kiệu 10 giờ liền nên được gọi là “thiên lý mã”.

Người Mông Cổ dùng gần 300 từ khác nhau để phân biệt màu sắc của ngựa. Khi phi, ngựa nhoài đầu về phía trước, tiện lợi cho chủ sử dụng cung, kiếm và các loại vũ khí. Trẻ con Mông Cổ tập cưỡi ngựa từ lúc 3 tuổi. Các chiến binh có thể sống cả tháng trên lưng ngựa, kể cả ăn, ngủ; chỉ xuống khi đi vệ sinh. Tháng 7 hàng năm có lễ hội Nadaam tưng bừng với các cuộc thi đua ngựa, bắn cung và đấu vật.

Phi ngựa đứng.

Thời xưa, mỗi chiến binh Mông Cổ có hàng chục ngựa chiến đồng hành, thay phiên và phân công nhau hỗ trợ. Ngựa chiến là ngựa đực bị thiến để không bị ngựa cái làm phân tâm. Chỉ khi hết sạch lương thực, để tránh chết đói, kỵ binh Mông Cổ mới dùng thịt ngựa cứu nguy.

Đầu ngựa bị thịt được mang lên các đỉnh núi hoặc điểm cao để thờ. Ngựa cái nuôi để lấy sữa uống, làm yaour và rượu ngựa. Ở Mông Cổ, ngựa nhiều như xe gắn máy ở Sài Gòn nhưng không có tình trạng "kẹt ngựa" vì thảo nguyên mênh mông. Du khách muốn học cưỡi ngựa phải mất cả tuần tìm hiểu, học hỏi, huấn luyện và chỉ thực hành với ngựa non vài tuổi. Thảo nguyên bát ngát, lại chuyên sống trên lưng ngựa nên người Mông Cổ mạnh mẽ, khoáng đạt, tự do, độc lập, bình đẳng, ít nói nhưng hiếu khách.

Loài gia súc đông nhất ở Nội Mông là cừu, ước tính hơn 80 triệu con. Sau đó là bò, khoảng 9 triệu con (số liệu năm 2011). Một số vùng còn nuôi tuần lộc. Đại bàng vàng được thuần hóa để chăn nuôi gia súc và săn bắt thú nhỏ.  Đại bàng Mông Cổ có đôi mắt rực sáng, bộ móng vuốt và chiếc mỏ sắc như dao nhọn, có khả năng lao nhanh như tên bắn. Việc huấn luyện chim săn mồi từ chim non là cả quá trình khó khăn, tốn kém.

Từ việc ép cân, huấn luyện chim lúc đói đến việc nghe theo hiệu lệnh của chủ nhân. Chỉ có chim mái được chọn lựa. Chim ưng Saker được nuôi để xuất khẩu. Ngoài ra còn có các loài thú hoang như sói, lừa, chuột nhảy… và đông nhất là linh dương.

Cừu là loài gia súc nhiều nhất ở Nội Mông.

Thảo nguyên Ordos có hồ Thất Tinh (Seven Star Lakes - 7 vì sao), nhìn từ trên không có hình như sao Bắc đầu. Hồ Thiên Nga, rộng 270 ha, là hồ lớn thứ hai trong 7 hồ. Tháng 3 và tháng 10 hàng năm, là điểm dừng chân của chim lưu trú trên đường di cư viễn xứ. Hàng chục ngàn cư dân tạm trú, làm náo nhiệt cả không gian thảo nguyên hoang mạc vốn trầm lắng. Hồ gắn liền với câu chuyện tình lãng mạn của cặp đôi yêu nhau say đắm nhưng bị ngăn cấm đủ bề, đành hóa thành thiên nga để trọn tình chung thủy.

Trên thảo nguyên Ordos, ngoài các loài côn trùng, như: bướm, bọ, sâu, châu chấu... còn có còn chuột, rắn, thằn lằn… Đặc biệt có cả một cặp sếu, hình như chúng trốn bầy rong chơi như kiểu dân du lịch đi phượt theo cặp!?

Buổi trưa, thảo nguyên đãi khách chương trình xiếc đặc sắc. Buổi chiều có show diễn “Ngựa Mông Cổ” trên cả tuyệt vời. Những chàng trai, cô gái Mông Cổ đẹp như người mẫu, nhanh nhẹn và dũng mãnh như chiến binh xưa biểu diễn với ngựa hơn cả xiếc. Chỉ có “mục sở thị” mới cảm nhận được phần nào những tố chất người Mông Cổ thời xưa. Mới hiểu vì sao vó ngựa Mông Cổ đi tới đâu thì cỏ không mọc nổi.

Buổi tối là “Trá Mã Yến” - Dạ Yến tiệc, tái hiện tiệc chiêu đãi quan quân của các Đại Hãn với đủ món ngon Mông Cổ. Các thành viên tham gia phải hóa thân với trang phục hoàng tộc Mông Cổ. Vừa ăn vừa uống rượu sữa ngựa và thưởng ngoạn các tiết mục văn nghệ cung đình và truyền thuyết về hồ Thiên Nga...

Cặp sếu trốn bầy đi phượt giữa hoang mạc.

Song mã tam nhân, 3 người xếp hình tháp và cầm cơ trên song mã đang phi nước đại.

Bắn cung bách phát bách trúng du ngựa đang phi nước đại.

Sau cuộc chiến, ngựa giả chết còn hơn thật.

Dù chưa phải là mùa di cư hay sinh sản, chim vẫn ríu rít cạnh những trảng nước nhỏ.

Khu vực Thế giới khủng long sắp hoàn thiện. Khu vực này từng phát hiện nghĩa địa khủng long với hàng trăm bộ xương hóa thạch.

Một góc bảo tàng "Tri thức" giới thiệu về công cuộc thảo nguyên hóa sa mạc buổi đầu.

Nhà kính trưng bày hàng trăm loài xương rồng đặc hữu của thảo nguyên hoang mạc.

Đạo sĩ ban phép và chúc phúc cho du khách trước cây thần Ebo, chung quanh treo hàng ngàn khăn nguyện ước.

Những trụ bơm khí hóa lỏng tự động tại một bãi xe trên thảo nguyên.

Một góc hồ Thiên Nga, hồ lớn thứ 2 trong cụm hồ Thất Tinh (Seven Star Lakes).

Thảo nguyên mênh mông màu cỏ úa.

Một trong những cây vũ khí của người Mông Cổ, biểu tượng của ngọn lửa bất tử, cờ ngũ sắc tượng trưng cho ngũ hành.

Đặc sản rượu sữa ngựa. Vỏ bằng da bò, có hình Thành Cát Tư Hãn và cặp sừng dê.

Bale "Sự tích hồ Thiên Nga" trong  yến tiệc cung đình Đại Hãn.

Một tiết mục trong show văn nghệ Mông Cổ sau bữa trưa.

Loài cây lá thường rất phổ biến ở Nội Mông, có tên bản địa là susu.

Một chiếc "Mong Co Bao", chỗ ở truyền thống của người Mông Cổ.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Mỹ 

 

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.