Nhân kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (10.10.1954 - 10.10.2024), kỷ niệm 300 năm ngày sinh Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1724 - 2024), hướng đến sự kiện UNESCO vinh danh Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác được phê chuẩn trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2023 – 2024” với công lao đóng góp, cống hiến cho nền y học của dân tộc Việt Nam, UBND phường Hàng Bồ phối hợp với các đơn vị, cá nhân, tổ chức hoạt động trưng bày giới thiệu phố nghề Đông Nam dược Lãn Ông.
Trưng bày nhằm giới thiệu về lịch sử hình thành tuyến phố, những kết quả, thành tựu phát triển dược liệu và các sản phẩm y dược cổ truyền trong nước và tiềm năng thế mạnh của y dược cổ truyền trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Thông qua đó cũng tái hiện không gian hoạt động của phố nghề đông y truyền thống qua việc trưng bày tranh ảnh, tư liệu về lịch sử phố nghề đông nam dược, với sự tham gia của các gian hàng giới thiệu sản phẩm dược liệu, các bài thuốc quý, trình diễn bắt mạch, xoa bóp, bấm huyệt, tư vấn sức khỏe cho nhân dân.
Một số hình ảnh tư liệu được trưng bày.
Phố Phúc Kiến nhìn sang Hàng Buồm đầu thế kỷ 20.
Phố Thuốc Bắc đầu thế kỷ 20.
Phố Thuốc Bắc trước 1954.
Tác phẩm Làm thuốc được chụp vào đầu thế kỷ 20.
Tác phẩm Hai anh em của tác giả Nguyễn Duy Kiên.
Ông Nguyễn Ngọc Thiết (79 tuổi) và bà Nguyễn Kim Thoa (77 tuổi) – hai nhân vật trong bức ảnh “Hai anh em” đến tham quan triển lãm.
Chia sẻ với phóng viên, bà Nguyễn Kim Thoa cho biết, bức ảnh là do người cha Nguyễn Duy Kiên của bà chụp với hy vọng các con sau này sẽ nối nghiệp nghề thuốc của gia đình. Bức ảnh cũng đã được giải thưởng triển lãm quốc tế tại Bỉ - tặng bằng danh dự Bội Tinh năm 1949.
Tác phẩm Nam Quốc xuân quang của tác giả Nguyễn Duy Kiên, ông chụp người vợ mình bên hoa cúc.
Một số sách, ấn phẩm, tài liệu nghề thuốc Đông Nam Dược.
Một số dụng cụ, phương tiện dùng để bào chế thuốc Đông Nam Dược.
Triển lãm còn giới thiệu các loại thuốc, khu vực điều chế thuốc Đông y cổ truyền và vườn dược liệu,...
Trưng bày không chỉ là dịp giới thiệu tới công chúng, du khách trong và ngoài nước biết đến các giá trị đặc sắc của nghề mà còn là những đóng góp thiết thực trong việc nâng cao nhận thức của cộng đồng, về bảo tồn, phát huy các giá trị nghề truyền thống.
Theo nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, trưng bày cũng là một điểm nối tiếp theo trong hành trình phát triển của dự án nghệ thuật “Chuyện Đình trong Phố” thành một bản đồ nghệ thuật đi bộ trong Phố cổ. Trước đó, dự án đã được các nghệ sĩ thực hiện và tạo được nhiều điểm nhấn tại các Đình: Hà Vĩ, Tú Thi, Yên Thái, Nam Hương,…
Ban Tổ chức cho biết, hoạt động trưng bày giới thiệu nghề Đông Nam dược Lãn Ông sẽ là hoạt động dài hạn, diễn ra vào các ngày thứ 7, Chủ nhật hằng tuần.
Trưng bày diễn ra tại Hội quán Phúc Kiến – 40 Lãn Ông, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Hội quán Phúc Kiến là di tích mang giá trị lịch sử, có ý nghĩa trong việc nghiên cứu lịch sử Thủ đô, đặc biệt là về kinh thành Thăng Long và khu phố cổ Hà Nội. Hội quán đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia ngày 27.8.2007.
Phố Lãn Ông nổi tiếng là nơi tập trung của nghề đông y, buôn bán thuốc nam, thuốc bắc - những loại thuốc y học cổ truyền. Phố chuyên doanh về Đông Nam dược, với các biển hiệu bằng gỗ, bằng đồng cổ kính ghi tên các nhà thuốc đã tồn tại hàng trăm năm. Năm 2014 - 2015, UBND quận Hoàn Kiếm đã triển khai dự án trùng tu và chỉnh trạng phố Lãn Ông để bảo tồn và phát huy giá trị của phố nghề truyền thống trong khu Phố cổ.
Hiện nay, Phố Lãn Ông không chỉ là nơi chuyên doanh thuốc Đông Nam dược mà còn là nơi thu hút đông đảo nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước tham quan, góp phần phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố Hà Nội nói chung.
Tùng Lâm thực hiện