Theo UBND tỉnh Đồng Nai, TP.HCM và Đồng Nai có khoảng 40 km đường sông tiếp giáp. Trong đó, sông Đồng Nai là một phần ranh giới tự nhiên giữa hai địa phương. Chính vì vậy, khu vực ven sông Đồng Nai được hai địa phương xác định để "bắt tay" nhau trong việc phát triển các chuỗi đô thị ven sông.
Chỉ rõ những vị trí đầy tiềm năng
Để hiện thực hóa kế hoạch trên, về phía TP.HCM, trong định hướng quy hoạch đường ven sông Đồng Nai, địa phương này đã đặt tiêu chí bảo đảm tính khả thi, đồng bộ và tính liên tục theo tuyến để hình thành cảnh quan ven sông. Đồng thời, phát triển mạnh các hoạt động kinh tế ven sông, trong đó nổi bật là hoạt động khai thác cảng và một số địa điểm du lịch, khu tâm linh kết hợp ẩm thực như khu cảng Long Bình, cảng Cát Lái - Bến Nghé - Phú Hữu, khu đô thị Vinhomes Grand Park, miếu Ông, cù lao Bà Sang, chùa Hội Sơn, khu du lịch sinh thái Long Phước. Đặc biệt, TP.HCM đang gấp rút lập phương án khai thác các tuyến du lịch đường sông như Bạch Đằng - Cát Lái - chùa Hội Sơn - cù lao Phố.
Một góc đô thị Biên Hòa ven sông Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Về phía Đồng Nai, lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh này cho hay trong định hướng quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc hình thành các đô thị - dịch vụ - du lịch sinh thái và các quần thể vui chơi, giải trí đẳng cấp được xác định là một trong những đột phá chiến lược của tỉnh. Trong dự thảo báo cáo giữa kỳ quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, liên danh đơn vị tư vấn đã đưa ra 8 mô hình phát triển đô thị khác nhau đối với 8 đoạn sông Đồng Nai chảy qua địa bàn tỉnh.
Trên thực tế hiện nay, tại một số khu vực ven sông Đồng Nai, các đô thị ven sông cũng đã bắt đầu hình thành như ở khu vực TP Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, Long Thành… Đáng chú ý, từ nay đến năm 2030, TP Biên Hòa sẽ triển khai thực hiện hơn 100 dự án khu dân cư, trong đó sẽ khai thác tiềm năng của vùng ven sông để hình thành những đô thị thông minh, đô thị xanh hiện đại của vùng Đông Nam Bộ, tạo điểm nhấn cho thành phố.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, sau khi hoàn thành dự án đường ven sông Đồng Nai, tỉnh sẽ quy hoạch và đưa ra đấu giá quỹ đất dọc tuyến đường để có thêm tiềm lực hình thành các đô thị ven sông.
Tương tự, để hiện thực hóa cam kết giữa Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh về việc phát triển đô thị dọc sông Sài Gòn, những ngày qua các địa phương của tỉnh Bình Dương cũng như TP.HCM đang đẩy mạnh thúc đẩy việc hình thành những khu đô thị xanh ven sông. Chủ tịch UBND TP Thuận An (tỉnh Bình Dương) Nguyễn Thanh Tâm khẳng định Thuận An là một đô thị nén, mật độ dân số rất cao. Do đó, việc triển khai xây dựng đô thị ven sông Sài Gòn là xu thế, là việc nhất thiết phải làm để phát triển biền vững.
"Qua rà soát, nhận thấy ven sông Sài Gòn còn rất nhiều dư địa phát triển. Chúng tôi đang gấp rút cùng đơn vị tư vấn tính toán phát triển đô thị một cách hợp lý nhất và nhanh nhất" - ông Tâm nhấn mạnh.
Sớm thông cầu, đường để bứt tốc
Theo ông Tâm, để các đô thị ven sông sớm hình thành, Bình Dương đang gấp rút với quy hoạch tuyến đường ven sông Sài Gòn, từ cầu Bà Lụa (TP Thủ Dầu Một) đến cầu Vĩnh Bình (giáp TP.HCM), tổng chiều dài toàn tuyến trên 13 km.
Hành lang ven sông Sài Gòn từ cầu Vĩnh Bình, phường Vĩnh Phú tới cảng An Sơn được quy hoạch là trục cảnh quan quan trọng của thành phố, kết nối với các trục đường chính đô thị và kết nối với TP.HCM. Đồng thời, dọc hành lang sẽ hình thành 6 bến thủy nội địa, tại các bến sẽ hình thành các trung tâm dịch vụ cộng đồng... Đây là tiền đề quan trọng để xây dựng các khu đô thị sinh thái, cao cấp ven sông trong thời gian tới.
Thi công dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Nguyễn Tuấn
Trong khi đó, theo lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai, trong định hướng phát triển các chuỗi đô thị dọc sông Đồng Nai giữa Đồng Nai và TP.HCM, vấn đề kết nối giao thông được xem là mắt xích quan trọng hàng đầu. Hiện nay, giữa Đồng Nai và TP.HCM đã có các tuyến kết nối thông qua cầu Đồng Nai, cầu Long Thành (trên tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) cũng như các cây cầu đang được xây dựng gồm: cầu Nhơn Trạch (thuộc dự án đường Vành đai 3 - TP.HCM); cầu Phước Khánh (thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức - Long Thành). Ngoài ra, giữa 2 địa phương cũng đã thống nhất đồng bộ quy hoạch 2 vị trí đề xuất cầu kết nối gồm: cầu Đồng Nai 2 (giữa huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai với TP Thủ Đức, TP.HCM) và cầu Phú Mỹ 2 (giữa huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai và khu Nam TP.HCM).
Về giao thông nội tỉnh, theo ông Nguyễn Tôn Trọng, Giám đốc Ban Quản lý dự án TP Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), từ cuối năm 2021, dự án đường ven sông Đồng Nai đoạn từ cầu Hóa An đến giáp ranh huyện Vĩnh Cửu chính thức được khởi công xây dựng. Để thực hiện dự án này, UBND TP Biên Hòa phải thu hồi diện tích 17,6 ha đất của 587 hộ dân, trong đó 302 hộ dân trong diện phải giải tỏa trắng, được bố trí tái định cư.
Theo ông Trọng, đây là tuyến đường có chiều dài 5,2 km nằm hoàn toàn trên địa bàn phường Bửu Long, TP Biên Hòa. Điểm đầu của dự án tại mố A cầu Hóa An và điểm cuối tại khu vực giáp ranh huyện Vĩnh Cửu. Dự án có tổng vốn đầu tư gần 1.300 tỉ đồng. "Trong quý IV.2023, thành phố sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng. Quý I.2024, dự kiến sẽ hoàn thành dự án" - ông Trọng nói. Ông Trọng kỳ vọng tuyến đường và hệ thống công viên dọc sông của dự án khi hoàn thành sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về diện mạo cho đô thị Biên Hòa, nhất là kích thích hình thành các khu đô thị sinh thái, cao cấp ven sông Đồng Nai.
TP Biên Hòa sẽ là đô thị xanh
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai đến năm 2045. Mục tiêu của việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch là chuyển đổi dần từ mô hình cấu trúc "đô thị công nghiệp" sang mô hình cấu trúc "đô thị dịch vụ và công nghiệp".
Theo đó, tạo lập không gian đô thị có cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu; hạ tầng xã hội hiện đại, tiện nghi, đáp ứng nhu cầu của người dân thành phố; hướng tới phát triển đô thị có chất lượng sống tốt và môi trường làm việc hấp dẫn; giữ gìn, bảo vệ môi trường sinh thái và bản sắc văn hóa, lịch sử đặc trưng...
Nguyễn Tuấn - Nguyên Thảo