Người Nhật kiên nhẫn xếp hàng dài từng cây số mua xăng và mỗi người chỉ mua một số lượng nhất định để dành cơ hội và chia sẻ cơ hội cho người khác giữa thiên tai
Thú thật, cho đến giờ này tôi vẫn chưa hết bàng hoàng trước hiện tượng nhiều nhà thuốc đồng loạt tăng giá “khủng” đối với khẩu trang khi thấy người dân đổ xô đi mua để đối phó với căn bệnh viêm phổi do vi rút corona mới đang lan truyền đáng sợ.
Không chỉ bán tăng giá gấp nhiều lần thậm chí cả vài chục lần, sau khi bị nhắc nhở, xử lý bởi cơ quan quản lý và bị dư luận phản ứng, nhiều nhà thuốc còn cho nhân viết viết lên những tấm bìa các tông những dòng chữ nguệch ngoạc bằng một thứ tiếng Việt méo mó, xiên xẹo kiểu “ 0 bán khẩu trang. Đừng hỏi”. Điều ấy khiến tôi suy nghĩ mãi. Đáng suy nghĩ hơn nữa, đáng mất ngủ hơn nữa là khi tôi chia sẻ tấm ảnh chụp các tấm bảng đó lên Facebook cá nhân kèm theo mấy lời bình, thì ngay lập tức bạn bè đã cung cấp thêm cho nhiều tấm ảnh khác chụp những dòng chữ rất phản cảm của những người có vẻ như đã từng bán khẩu trang trục lợi trong nạn dịch.
Đáng chú ý hơn nữa là có rất nhiều người vào bình luận biện hộ cho hành động nâng giá của người bán với lý luận “kinh doanh ai chẳng một vốn bốn lời”, “đấy là quy luật thị trường”, “không thích mua thì thôi”.
Chuyện thường ngày ở huyện
Thật ra, nếu suy ngẫm kĩ thì cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi có những người có ý kiến bênh vực người bán ở trên, trong đó có cả một người xưng là “làm trong lĩnh vực y tế”. Đơn giản vì trong cuộc sống hàng ngày suốt một thời gian dài người Việt đã quá quen khi chung sống với những hành vi mua bán kiểu “con buôn” ấy.
Chúng ta hãy thử nhớ lại xem có phải là chuyện “chặt chém” trong đời sống người Việt có phải quá phổ biến không? Khách hàng là người lạ: chém! Khách hàng có vẻ có tiền: chém! Khách hàng ngu ngơ: chém! Khách hàng là người nước ngoài: chém! Báo chí đã từng nêu không ít sự việc khách du lịch nước ngoài sang Việt Nam bị chặt chém không thương tiếc khi mua hàng thậm chí là trả tiền nhà hàng, khách sạn. Bản thân người Việt mua gì vẫn phải cẩn thận trả giá trước nếu không sẽ bị “hớ”. Sống sung sướng mãi cũng thành quen và sống…khổ sở, sống cuộc sống không thật sự là người, sống cuộc sống thiếu niềm tin mãi cũng thành quen. Lâu dần con người đâm ra chai sạn coi những bất công, bất hợp lý quanh mình trở thành nhỏ nhặt thậm chí coi nó là phổ biến khi suy diễn rằng “nơi nào chẳng thế”, “nước nào chẳng thế”.
Câu chuyện chặt chém khẩu trang chỉ bùng lên mạnh mẽ, thu hút dư luận và bị công kích dữ dội khi người dân cả nước đang phải đối phó với đại dịch vi rút viêm phổi Vũ Hán đang lan tràn. Con người cho dù có ù lì đến mấy, an phận thủ thường đến mấy, khi bị đẩy vào tình thế nguy hiểm đến sinh mạng, phải lựa chọn của sinh tồn cũng sẽ giật mình choàng tỉnh.
Hiện tượng nhỏ, tín hiệu lớn
Mới chớm dịch, nhà nước chưa ban bố tình trạng khẩn cấp nhưng “khẩu trang” - một mặt hàng phục vụ phòng dịch và vốn rất thông dịch đã được bán với giá khủng khiếp kèm theo thái độ bán hàng rất phi nhân văn như trên nói lên điều gì?
Suy ngẫm một chút ta sẽ thấy câu chuyện không chỉ là chuyện chặt chém! Nó là một tín hiệu rất lớn báo hiệu nguy cơ chúng ta sẽ phải đối mặt với tình trạng xấu. Đó là tình trạng tranh giành, dẫm đạp lên nhau mà sống trong lúc nguy cấp mà lẽ ra cần phải rất lý trí và tương trợ lẫn nhau.
Trong các vụ thiên tai hay dịch bệnh, thiệt hại thứ phát gây ra bởi chính các nạn nhân trong cơn hoảng loạn cũng rất lớn. Những người bị thương sẽ bị chết nếu như không được giúp đỡ cứu chữa kịp thời. Những người bị cô lập sẽ chết khi không được cung ứng thuốc men, nhu yếu phẩm. Những hoạt động thường ngày sẽ bị gián đoạn làm tê liệt xã hội vì các cá nhân không hợp tác…
Ở Nhật sau các vụ thiên tai như động đất, sóng thần hay nhân tai như hỏa hoạn, người Nhật đều đặc biệt chú ý ngăn ngừa thiệt hại thứ phát. Hãy tưởng tượng với tư duy “khó khăn của người là cơ hội kiếm tiền của ta” như chúng ta đã và đang trải nghiệm lộ rõ trong vụ bán khẩu trang, sự thể sẽ ra sao khi cả cộng đồng bị đặt trong một tình thế nguy hiểm, khó khăn “ngàn cân treo sợi tóc”? Khi đó, ai dám chắc không diễn ra tình trạng “người ăn thịt người?” theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng?
“Lòng tốt là thứ không vì người khác”
Khi học tiếng Nhật tôi gặp một câu châm ngôn của người Nhật mà ban đầu tôi cảm thấy rất khó hiểu: “Lòng tốt là thứ không vì người khác”.
Lòng tốt tại sao lại không phải là thứ vì người khác? Ví dụ tôi có lòng tốt tôi cho tiền người ăn mày thì đó phải là vì người ăn mày chứ! Tôi có lòng tốt tôi ủng hộ tiền giúp người ở vùng bị bão lụt thì đấy là vì các nạn nhân chứ! Tuy nhiên, sau khi trải nghiệm 8 năm sống ở Nhật trong đó có hẳn một năm sống cùng một sinh viên Nhật trong một căn phòng 20m2 và trải nghiệm đời sống nước Nhật trong “thảm họa kép” khi bị động đất, sóng thần tấn công tháng 3.2011 cùng sự cố rò rỉ phóng xạ, tôi đã dần dần hiểu ra ý nghĩa sâu xa của câu châm ngôn trên.
Số phận của con người trong xã hội có mối quan hệ gắn bó mật thiết với nhau cho dù trong cuộc sống thường ngày nếu không suy nghĩ người ta không nhận ra. Số phận của người khác cũng là số phận của mình. Những mối quan hệ chằng chịt, dọc ngang giữa các cá nhân có thể gần gũi, có thể xa lạ dệt nên xã hội. Bởi thế xã hội ổn định, tốt đẹp, những cá nhân khác hạnh phúc thì bản thân mình cũng an toàn, hạnh phúc. Vì thế, giúp đỡ người khác cũng chính là giúp chính mình, làm cho xã hội tốt đẹp lên cũng chính là nỗ lực cho cuộc sống của chính mình.
Có lẽ tư duy đó rất phổ biến ở Nhật cho nên trong thảm họa tôi đã trực tiếp chứng kiến những hành xử rất đúng mực và bình tĩnh của người Nhật. Cho dù bị sóng thần, động đất tấn công làm thiệt hại nặng, phóng xạ nhiễm cả vào nước máy Tokyo và nông sản trong vùng nhiễm xạ bị tiêu hủy, các mặt hàng ở siêu thị nơi tôi sống vẫn không tăng giá. Người Nhật vẫn kiên nhẫn xếp hàng dài từng cây số mua xăng và mỗi người chỉ mua một số lượng nhất định để dành cơ hội và chia sẻ cơ hội cho người khác.
Họ làm vậy không phải chỉ vì họ tốt, có đạo đức (cả người bán và người mua) mà còn vì họ lý trí và tỉnh táo. Nhờ giáo dục, nhờ được rèn luyện và trải nghiệm sự hợp lý trong cuộc sống thường ngày họ hiểu rằng trong tình thế nguy nan thì việc hành động hợp lý, giúp người khác cũng là giúp mình vì xảy ra tình trạng hỗn loạn thì ai cũng có thể là nạn nhân.
Khi soi xét dưới tư duy ấy, ta cũng sẽ thấy chính những ông chủ sở hữu các nhà thuốc bán khẩu trang với giá cắt cổ kia đã không chỉ không “tốt bụng”, “thiếu nhân văn” mà còn thiếu lý trí. Nếu nhiều người không thể mua khẩu trang để phòng bệnh thì dịch bệnh sẽ lan tràn, lân nhiễm trên diện rộng và khi đó thì chính họ, người thân của họ cũng có thể là nạn nhân.
Cùng với những biện pháp điều chỉnh có tính chất vĩ mô, hơn lúc nào hết, trong lúc này, người Việt cần suy ngẫm thật sâu về những lời dạy của ông cha: “thương người như thể thương thân”, “ăn mày là ai? Ăn mày là ta/Đói cơm rách áo hóa ra ăn mày”, “nhiễu điều phủ lấy giá gương/người trong một nước phải thương nhau cùng”…
Người Việt thường nghĩ đấy đơn giản chỉ là lời răn đạo đức. Nhưng tham khảo tư duy trên của người Nhật ta sẽ thấy ông cha ta rất sâu sắc. Đó không chỉ là lời giáo huấn mà đấy là lời dạy về quy luật sinh tồn. Con người mạnh hơn loài khác là ở khả năng trí tuệ và tổ chức. Trong tình thế khó khăn, con người cần lý trí để sử dụng tốt hai thứ ấy.
Nguyễn Quốc Vương