Lê Lợi - đại lộ của khát khao vui sống

 11:46 | Chủ nhật, 27/07/2025  0
Từng là con đường đẹp và đông vui nhất nhì Sài Gòn, nhưng khi tôi còn nhỏ ở thập niên 1960, tính chất sang trọng của đại lộ Lê Lợi không so được với đường Tự Do (nay là Đồng Khởi), Thống Nhứt (nay là Lê Duẩn) hay Nguyễn Huệ. Nó rất đời, nghĩa là bên cạnh những đoạn đường tráng lệ còn có những đoạn đường xô bồ, bề bộn. Dù vậy, nó có sức cuốn hút một cách kỳ lạ.

Nhớ hoài những tháng năm đầu thập niên 1970, ở đâu chiến tranh xảy ra không biết nhưng trên đường này, dù ngoài trời đang nóng hay mát, người ta diện những bộ đồ đẹp để đi mua sắm, xem xi nê, vào tiệm chụp hình làm vài pô ảnh trước tấm phông vải vẽ cảnh biệt thự, lầu tạ. Dưới hàng cổ thụ dọc hai bên đường, hàng ngàn người di chuyển từ phía trụ sở Hạ viện Việt Nam Cộng hòa (nay là nhà hát TP.HCM) lũ lượt đi về phía chợ Bến Thành. Áo dài bông, áo dài tay raglan, mini jupe của các bà các cô. Áo sơ mi bỏ vào quần hay để thong thả ra ngoài, vài ông thắt cravate… Mùi dầu thơm, mùi brillantine thoang thoảng trong nắng trong gió.

Đoàn diễu hành mùa hè (lúc nào Sài Gòn cũng như đang trong mùa hè) đầy háo hức, từ những chàng trai trẻ non tơ bồn chồn vào nhà sách Lê Lợi săn tìm sách mới, tìm sách từ điển hay đi lấy báo Thế giới tự do miễn phí ở thư viện Abraham Lincoln, hay như anh chàng thủy thủ tàu biển nước ngoài từ cảng mới đi lên, trố mắt nhìn mọi phía, xoay tứ phía ống kính máy ảnh.

Đường Lê Lợi nhìn từ trụ sở Hạ viện Việt Nam Cộng hòa đầu thập niên 1960. Ảnh: TL


Đọc đoạn văn viết của Hà Cẩm Tâm trên trang Gió O, cảm thấy rạo rực vì họa sĩ này viết như nói giùm người khác: “Buổi chiều. Từ chợ mới Sài Gòn đầu đường Lê Lợi hay từ nhà thờ Đức Bà đầu đường Tự Do trai thanh gái lịch kéo nhau từng cặp từng nhóm từng đoàn về bờ sông Sài Gòn. Gió hây hây từ sông Sài Gòn lùa vào mát rượi cả thành phố hoàng hôn. Những bước chân líu lo, những tâm hồn rộn rã, những hứng thú hàn huyên, những tiếng cười giòn tan...  là những ấn dấu của một thời nhàn du thư thả không thể nào xóa mờ trong tâm trí. Những nhà sách đồ sộ. Những góc phố hằng hà sách bán xôn. Những nhà hàng sang trọng. Những bữa cơm vỉa hè. Những dancing lừng lẫy. Vài quán nhỏ nhâm nhi. Những ca sĩ áo dài má phấn môi son. Một hát dạo xàng xê vệ đường (…) Lưu lạc giang hồ trăm nơi ngàn chốn, tình cảnh đủ điều văn minh vật chất, siêu đẳng như lai thoát vùng hệ lụy, lạnh thấu tủy xương, nóng ran sa mạc, buồn hơn mẹ chết, sướng tợ tiên ông, tự do như gió, stress thường xuyên, chết lên sống xuống, muốn gì được nấy... mà chẳng thấy ở đâu sống “đã” bằng ở Sài Gòn ngày ấy...”.

Những năm 1920 - 1930 thịnh vượng trước khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, đường mang tên Bonard đã có sức cuốn hút với trung tâm thương mại góc Bonard - Charner, mang tên Grands Magasins Charner de Saigon (viết tắt là SGMC) mở từ cuối thế kỷ XIX và đến năm 1924 được tái thiết theo phong cách art deco đón tiếp khách hàng thượng lưu Sài Gòn, lục tỉnh và cả Phnom Penh sang. Tuy vậy, Bonard còn hãnh diện với những tiệm quán sang trọng kéo dài cho đến nhiều năm sau này, trải qua bao biến thiên vẫn phồn thịnh (trừ giai đoạn bao cấp sau năm 1975).

Tiệm dệt Au Tisseur số 82 bán satin bông và thêu, cẩm nhung, nhiễu, lãnh tây, tussor trắng. Tiệm còn dệt lụa lèo dùng may áo sơ mi và pyjamas cùng đồ mát, tự hào loại lụa này không thua vải lục soạn Tàu, Nhật và hàng vải Bombay (Ấn Độ). Chủ nhân tiệm là ông Nguyễn Khắc Trương, tốt nghiệp trường thêu và dệt thành phố Lyon, là nhà tạo mẫu cho nhà dệt Lê Phát Vĩnh ở Cầu Kho.

Thập niên 1930, ông Viên Đoàn từ làng nhiếp ảnh Lai Xá đã vào đây mở hiệu ảnh Mỹ Lai ở số nhà 48 Lê Lợi tồn tại đến ngày nay. Ông Tăng Khánh Long ở số 84 bán loại áo đi mưa tân thời bằng lụa Huê Kỳ, trong lót cao su, dùng qua cơn mưa có thể xếp lại bỏ vô túi, tiện lợi và thanh nhã... 

Bồn Kèn tại giao lộ Lê Lợi - Nguyễn Huệ là vòng xoay đầu tiên của Sài Gòn, năm 1968. Ảnh: TL 


Trong một bài tùy bút, nhà văn Bình Nguyên Lộc kể câu chuyện về một nhân vật liên quan đến con đường này. Theo ông, vài năm sau Thế chiến thứ nhất, nước Nhật nghiễm nhiên là một đại cường quốc, nhưng chỉ có một thương gia của họ đến Sài Gòn lập nghiệp. Đó là một thương gia rất kỳ dị. Ông mô tả: “Y mướn một căn nhà lầu đồ sộ tại đường Bonard tức Lê Lợi ngày nay, nhưng chỉ bán có mỗi một món hàng rất là buồn cười, một thứ bánh mà người Sài Gòn quen gọi là bánh Nhựt Bổn! Bánh ấy ngang ba phân tây, dài độ 6 phân, dày cỡ 7 li, ăn lờ lợ chớ không ngọt lắm mà cũng chẳng ngon lành gì. Hiệu bánh chỉ bày lưa thưa vài thố pha lê đựng loại bánh tả trên, mà khách mua mỗi tháng có thể đếm được trên đầu ngón tay, vì những kẻ hiếu kỳ mua ăn thử, chê đè, nên bánh không được quảng cáo cho, hàng ế, hiệu vắng như chùa bà Đanh… Vậy mà hiệu buôn ấy (nếu gọi được cái quán xép đó là hiệu buôn), lại đứng vững từ năm nầy sang năm khác”.

Ở một làng hẻo lánh cách Sài Gòn 40 cây số, 60 cây số hay thấy một người da vàng mặc âu phục hẳn hòi, xách một chiếc va li lang thang từ lộ nầy đến lộ khác, mồ hôi nhễ nhại, vì y đi bộ, ngay cả dưới nắng trưa hè. Đó là người đi bán dạo do hiệu buôn nói kia đặc phái về thôn quê. Tới xóm nào đông đúc, y tìm cái nhà có vẻ khá giả nhứt, chào rất lễ phép rồi ngồi nơi thềm mở va li ra: trong ấy chỉ vỏn vẹn có một bộ bình trà và chén là loại bình dân. Hỏi giá bằng cách ra bộ, y đáp lại bằng cách ra bộ và cho một giá cao bằng mười giá thật của bộ bình trà. Thế là người ta từ chối và y vui vẻ ra đi. Tác giả viết: “Thuở ấy ta có biết gián điệp là cái thá gì nhưng công an Pháp thì biết, nên họ theo dõi bọn nầy ráo riết. Có lẽ đó là những sĩ quan chuyên môn vẽ dư đồ tham mưu cũng nên”. 

Sau năm 1954, đồng bào miền Bắc di cư vào Nam góp phần tạo nên vẻ sầm uất, vui tươi và lịch lãm của các khu phố trung tâm Sài Gòn, nhất là trên đường Lê Lợi. Đường bỗng dưng được đặt tên là “con đường mỹ nhân” trên bài báo của tác giả Lê Trần (bài Con đường Lê - Lợi mệnh danh “con đường Mỹ Nhân” trên tuần báo Bình Minh, số 17 ra trung tuần tháng 7.1964). Tác giả mô tả: “Trong 5 phút ở bùng binh, trước mặt chúng ta đã hiển hiện có đến mấy trăm người đẹp… mỗi người mỗi vẻ mười phân vẹn mười. Trên gương mặt cô nào cô nấy đều lộ vẻ vui tươi, chừng như các cô chưa biết âu lo một chuyện gì. Năm phút đã qua, chúng ta hãy theo chân khách nhàn du đi dài con đường Lê Lợi xuống Nguyễn Huệ rồi vòng qua Tự Do”.

Ông khuyên trước hết nên tạt vào nhà hàng Kim Sơn “chọn cái bàn ngoài ngồi tréo chân chữ ngũ để bắt đầu công việc rửa con mắt. Nếu có tiền sẵn, chúng ta có quyền gọi rượu mạnh, yếu vốn một chút có thể uống 33 (bia chai nhỏ của hãng BGI - phụ chú PCL), “kẹt” nữa thì uống cà phê đá, mỗi ly mất 6 tì. Chúng ta ngồi trầm ngâm, im lặng như một bậc đạo đức giả dày công luyện tập, vừa nhâm nhi cà phê vừa thưởng thức dung nhan kiều mị của hàng trăm người đẹp của hậu bán thế kỷ XX. Trước mắt chúng ta hiển hiện năm cô, ba cô, chục cô áo hoa trăm sắc, ngực nở lưng ong nhịp nhàng qua lại, lui tới không ngừng. Các cô đi đâu, mua sắm món gì, thật tình rất khó mà hiểu nổi”.

Phụ nữ bận áo dài đến công sở làm việc tại Sở thông tin Hoa Kỳ (thư viện Abraham Lincoln), sát bên Rex Hotel (Sài Gòn 1965). Ảnh: TL


Cho đến sau năm 1974, tòa nhà lâu đời nhìn ra ngã tư Lê Lợi - Pasteur là Ty Bưu điện quận Nhứt còn tồn tại một thời gian mới bị đập bỏ. Những năm thời bao cấp sau 1975, không gian thương xá Tax lưu giữ vẻ tráng lệ của một thời trong kiến trúc và trang trí nội thất. Bên ngoài bức tường của Bộ Công chánh Việt Nam Cộng hòa, chợ sách chiếm trọn cả vỉa hè với các gian hàng nối nhau với cột gỗ mái tôn. Nơi này tuy có vẻ không phù hợp với một đại lộ đại diện cho một đô thị lớn nhưng là điểm đến thân thương dễ chịu của giới trí thức và học sinh - sinh viên miền Nam vì giá rẻ hơn các tiệm sách bên kia đường. Có người kể vào những năm 1960 - 1970, một sạp sách ở đây với chủ nhân là một người trung niên, khét tiếng vì thuộc lòng các loại sách, tên sách, tên tác giả kể cả sách Pháp, nên rất tiện cho khách mua. Không biết thân phận của ông này ra sao sau năm 1975, ông ra chợ sách Đặng Thị Nhu, Trần Nhân Tôn, Nguyễn Thị Minh Khai để tiếp tục bán sách cũ hay là bỏ nghề?

Sau năm 1975, nhiều cửa tiệm dần thu hẹp rồi đóng cửa hẳn do không còn nguồn hàng. Biến động nhất vẫn là thị trường sách trên con đường này. Sách xuất bản trước 1975 tại miền Nam di dời từ nhà sách ra vỉa hè. Báo Tuổi Trẻ số 41, ngày 12.10.1979 tường thuật: “Trên đường Lê Lợi sau 1975, sách được bày bán trên vỉa hè. Trong đó có truyện gián điệp Z.28, thuyết lý siêu hình của Nguyễn Mạnh Côn, các bộ báo Tuổi Ngọc, truyện Lệ Hằng, Nguyễn Thị Thụy Vũ, sách coi chỉ tay của Huỳnh Liên. Sách chưởng như Anh hùng xạ điêu, đặt thế chân 40 đồng, mỗi ngày trả 2 đồng”.

Không khí làm ăn đìu hiu, nhất là sau đợt cải tạo tư sản thương nghiệp năm 1978. Một số tiệm đóng cửa, chủ nhà đi vượt biên, biến thành công sở. Nhà thơ Bùi Chí Vinh là nhân chứng cảnh đời lúc đó. Trên Facebook cá nhân năm 2023, anh viết khi nhà thơ Mặc Tuyền từ trần: “Tôi và Mặc Tuyền quen nhau từ sau khi tôi rời khỏi bộ đội có thời gian đạp xích lô vài tháng. Một lãnh đạo Thành phố thấy cảnh đó “chịu không thấu” nên gửi tôi vào làm xưởng Huy hiệu Thành Đoàn nằm trên đường Lê Lợi. Trước cửa xưởng 66 Ter Lê Lợi, quận 1 với vỉa hè rộng là “phao cứu sinh” đối với rất nhiều người buôn bán nhỏ, trong đó có anh Mặc Tuyền. 

Mặc Tuyền lúc đó đang sống sót qua ngày bằng cách bán đủ các loại ống tiêu, ống sáo ngay trước cơ quan tôi. Trước đó tôi đã biết anh đoạt giải nhất truyện ngắn của báo Văn Nghệ Thành phố. Anh hoàn toàn bất ngờ khi hay tin tôi cởi áo lính làm công nhân dập máy xưởng Huy hiệu. Đêm đầu tiên hạnh ngộ, hai anh em ngồi quán cóc vỉa hè, anh kể rằng chỗ buôn bán của anh hiện nay cũng chính là chỗ thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên từng đứng bán chợ trời trước khi vượt biên sang Mỹ. Tôi còn biết nói gì hơn với anh bằng cách nhìn dòng người qua lại với bốn câu ứng khẩu Buồn gì đâu:

Uống rượu chiều nay trong quán cóc
Ngẩng đầu lên và ngó ra đường 
Các em thất tiết nhiều hơn trước 
Bộ ngực nào cũng nhuốm phong sương”

Có ai ngờ con đường Lê Lợi hào nhoáng có lúc tạo nên bối cảnh buồn với quán cóc vỉa hè và cái nhìn bi quan của nhà thơ trong thời kỳ đi xuống nhất của đời sống kinh tế đô thị Sài Gòn. 

Đoạn đường bán sách cũ gần nhà thương Sài Gòn trên đường Lê Lợi. Ảnh: TL


Tôi đã viết về con đường này với một góc nhìn khác, nhắc đến những cuộc biểu tình kéo dài từ trụ sở Hạ viện rồi giải tán trước chợ Bến Thành, về những đường sắt xe điện còn chôn dưới đất thời đầu thập niên 1970, về nhà sách Khai Trí và những người con ông Nguyễn Hùng Trương mỗi ngày đi học về ra phụ cha, về quán cà phê Givral đầu thập niên 2000…

Nhớ hồi má tôi còn sống, có lần đi đám giỗ cùng các con bằng taxi qua quận 4, bà ngoái nhìn về phía bệnh viện Sài Gòn, hồi xưa bà gọi là nhà thương Chú Hỏa. Bà thì thầm gọi tên ông anh ruột, cậu Linh của tôi, mới hơn 20 tuổi năm 1945, có bệnh vào nằm đúng lúc quân đồng minh thả bom xuống khu phố gần đó khiến ông bị sức ép mà mất. Chỉ có má giữ kỷ niệm buồn như vậy, còn anh em tôi lại tìm thấy những điều kỳ thú ở đây khi được mua vài cuốn sách dù ở nhà sách Khai Trí hay bên dãy sách cũ, được vào rạp xi nê Rex xem phim Chân trời tím hay phim giả tưởng Barbarella, ăn gỏi khô bò chỗ nước mía Viễn Đông của ông già áo đen, ăn bánh mì gà Thanh Bạch… Quá nhiều điều ghi dấu ấn ở con đường này nơi mỗi người Sài Gòn - Gia Định, kể ra bao nhiêu điều thì vẫn có ai đó cho là thiếu sót. 

Đường Lê Lợi, con đường mỹ nhân, con đường của tuổi trẻ và một thuở hào hoa của những chàng trai Sài Gòn, vui một ngày cuối tuần phố thị để hôm sau ra chốn tiền đồn mịt mù khói súng. 

Con đường của mode mới nhất và mùi nước hoa Pháp. 

Con đường chứng kiến những khát vọng dữ dội qua một cuộc biểu tình và nỗi mê đắm tri thức qua sách vở. 

Con đường chứng kiến sự vắng lặng rợn người trong dịch Covid-19 và những tháng năm rào kín để xây đường tàu điện. Là nơi lưu giữ kỷ niệm của hàng triệu người sống ở thành phố này và những ai từng qua đây để thấy nỗi khát khao vui sống của một thời miền Nam, kéo dài đến tận bây giờ.   

Phạm Công Luận

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.