Vẽ tranh tường dọc đất nước kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã

 10:10 | Thứ sáu, 28/06/2019  0
Ngày cuối cùng trong chuỗi ngày từ ngày 6.5 đến ngày 27.6 của “Chuyến xe nghệ thuật hoang dã": vẽ tranh tường kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã vẫn sôi động tại những nơi công cộng ở 8 thành phố, gồm: Cà Mau, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế, Vinh, Hạ Long, Móng Cái và TP.HCM.

Hoạt động tại TP.HCM.

“Chuyến xe nghệ thuật hoang dã" là sự kết hợp sáng tạo giữa nghệ thuật đường phố và hoạt động tương tác, giao lưu với các địa phương. Hoạt động nhằm truyền cảm hứng cho cộng đồng, lãnh đạo địa phương, đặc biệt là giới trẻ về việc ngừng tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, và cam kết bảo vệ những loài này khỏi nguy cơ tuyệt chủng, chú trọng vào ba loài voi, tê giác và tê tê.

Vì những lời đồn vô căn cứ về tác dụng y học cũng như niềm tin của con người vào các sản phẩm của động vật hoang dã mà hằng năm, có khoảng 1.000 con tê giác bị giết để lấy sừng, 33.000 con voi bị giết để lấy ngà và 100.000 con tê tê bị giết để lấy vảy và thịt.

Hoạt động tại Đà Nẵng.

Chuyến xe có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ bao gồm Bùi Ngọc Trang (nghệ danh Trang Suby), Nguyễn Hoàng Hiệp, An Chea, Lukas Harrer, Lee Kyui Young và Jack Clayton. Trang Suby là nghệ sỹ chính, đi xuyên suốt hành trình cùng nghệ sỹ quay phim Brice Godard và nghệ sỹ nhiếp ảnh Đặng Vinh Quang.

Nghệ sỹ Trang Suby chia sẻ: “Những nghệ sỹ đường phố như chúng tôi rất quan tâm đến những công tác cộng đồng. Dù phải xa gia đình, xa vợ và con gái mới sinh trong vòng gần một tháng để thực hiện chương trình, tôi cũng rất hào hứng tham gia.”

“Chúng tôi rất ủng hộ việc sử dụng màu sắc để truyền tải những thông điệp về phát triển bền vững và đây cũng chính là trọng tâm trong mọi việc chúng tôi làm. Chúng tôi cam kết chung tay cùng cộng đồng địa phương với nhiệm vụ giữ gìn môi trường cho thế hệ tương lai’ - Bà Pamela Phua, Giám đốc điều hành AkzoNobel Vietnam, phát biểu.

Hoạt động tại Nha Trang.

“Chuyến xe nghệ thuật hoang dã" do WildAid phối hợp cùng CHANGE tổ chức. Đây là sự tiếp nối sự thành công của chương trình “Vẽ tranh tường nghệ thuật bảo vệ động vật hoang dã" được tổ chức trong tháng 2.2017 và tháng 3.2017 tại TP.HCM.

Thực tế, cho dù lệnh cấm toàn cầu đã được ban bố, việc buôn bán trái phép động vật hoang dã đã gây ra nạn săn bắn tràn lan như hiện nay. Cần nhiều nỗ lực hơn nữa để chấm dứt cuộc khủng hoảng này. Tại nhiều quốc gia, một nỗ lực toàn cầu đang được tiến hành, tấn công trực tiếp vào vấn nạn này, tập trung vào ba giai đoạn: chấm dứt sự tàn sát, chấm dứt sự buôn bán trái phép và chấm dứt nhu cầu.

Người Đô Thị giới thiệu một số hình ảnh của chương trình tại các tỉnh:

Trái Đất chỉ còn khoảng 28.000 con tê giác  với một số loài gần tuyệt chủng (Javan và Sumatran). Nam Phi có khoảng 20.000 con tê giác trắng phương Nam nhưng khoảng 1.000 con bị giết mỗi năm vì sừng của chúng. Ảnh tại Huế. 

Ước tính số lượng tê giác hiện tại theo loài/phân loài: Tê giác Javan: ít hơn 70; Tê giác Sumatran: ít hơn 100; Tê giác Ấn Độ một sừng: 3.500; Tê giác đen: 5.200; Tê giác trắng phương Bắc: 2. Tê giác trắng phương Nam:  20.000. Ảnh tại Cà Mau. 

Tê Tê là loài động vật sống về đêm và có tập tính cuộn tròn thành một quả bóng khi bị đe dọa. Chúng hiếm khi được nhìn thấy trong tự nhiên và rất khó để nuôi nhốt. Tuy nhiên, tê tê đã trở thành động vật có vú bị buôn bán nhiều nhất trên thế giới, ước tính với 100.000 cá thể mỗi năm trên khắp châu Phi và châu Á. Ảnh tại thành phố Vinh. 

Thịt tê tê được coi là một món ăn nhậu ở Trung Quốc và Việt Nam, trong khi đó, vảy và bào thai của chúng được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc để điều trị một loạt các bệnh từ viêm khớp đến ung thư. Ngoài ra, tê tê cũng được sử dụng trong y học truyền thống của châu Phi. Ảnh tại Đà Nẵng.

Trong 10 năm vừa qua, thế giới đã mất đi hàng trăm ngàn con voi, đẩy quần thể voi hiện tại xuống chỉ còn 420.000 con, chỉ bằng 1/3 con số 1,2 triệu con vào năm 1979. Ảnh tại Hạ Long. 

Chỉ riêng Tanzania đã mất đi 65.000 con voi trong 5 năm từ 2009 - 2015, sụt giảm 60% quần thể. Những con voi rừng ở Trung Phi bị sụt giảm mạnh đến 65% do nạn săn trộm từ năm 2002 đến 2013, dẫn đến 95% rừng của Cộng hòa Dân chủ Congo không có voi. Ảnh tại Nha Trang. 

Ảnh hoạt động tại Hạ Long.

L.Quỳnh

Ảnh: CWCC

 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.