Ai cần bổ sung sắt?

 19:57 | Thứ sáu, 27/12/2024  0
Đối với người Việt Nam, thiếu máu, thiếu sắt diễn tiến chậm và không phải là bệnh có thể nhận thấy ngay, vì vậy mọi người ít quan tâm hơn. Chỉ khi đi khám hoặc làm xét nghiệm phát hiện thiếu máu, thiếu sắt mới bắt đầu chú ý đến.

Thiếu máu có nhiều nguyên nhân. Chủ yếu có khoảng 70% thiếu máu là do thiếu sắt, 30% do các nguyên nhân khác. Trong đó, nguyên nhân thiếu máu nhưng thừa sắt rất được quan tâm.

Máu là nguồn nhựa sống của cơ thể, không có máu sẽ chết, các cơ quan sẽ không phát triển được. Trong đó, quan trọng nhất là trí não, nếu thiếu máu não 5 phút, não sẽ không phát triển, ngừng hoạt động. Thiếu máu có thể gây mất ngủ, tổn thương thần kinh, đặc biệt là giảm sức đề kháng, giảm miễn dịch. Nhiều người thường nghĩ khi thiếu máu sẽ chóng mặt, khó chịu,… tuy nhiên còn vấn đề quan trọng hơn là tình trạng giảm sức đề kháng, cơ thể sẽ yếu và dễ mắc các bệnh thông thường như nhiễm virus, vi khuẩn và mắc các bệnh từ bên ngoài.

Trước khi muốn bổ sung sắt phải xét nghiệm để xác định thiếu bao nhiêu và bù đủ số lượng. Ảnh: TL


Khi thiếu máu sẽ xảy ra rất nhiều bệnh, một trong những bệnh gây nguy hiểm nhất là suy tim. Nếu thiếu máu quả tim phải đập rất nhiều. Bình thường đủ máu tim chỉ đập 70 - 80 lần nhưng khi thiếu máu tim phải đập 90 - 100 lần, dẫn đến suy tim. Khi đó cả cơ thể sẽ rất yếu. Đặc biệt là phụ nữ mang thai, khi mẹ thiếu máu, em bé sẽ không thể đủ máu và không phát triển khỏe mạnh. Vì vậy, thiếu máu ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống, sinh hoạt và sức khỏe của mọi người.

Khi thiếu máu có triệu chứng như da xanh nhiều, tim có tiếng thổi hoặc khó chịu, khó thở khi gắng sức, lên cầu thang bị mệt thì tình trạng đã nặng. Nếu thiếu máu não, khi đứng lên ngồi xuống sẽ có cảm giác hoa mắt, chóng mặt. Vì vậy, cơ bản nhất là phụ nữ mang thai hoặc người bình thường tự nhiên cảm thấy người mệt mỏi, da xanh, hoa mắt, chóng mặt là những dấu hiệu cơ bản của thiếu máu.

Với y học thực chứng hiện nay, phụ nữ mang thai khi cảm thấy cơ thể có vấn đề sẽ làm xét nghiệm máu, xét nghiệm sắt để bù đủ máu và sắt. Người bình thường đủ máu tim đập 70 lần. Thiếu máu sẽ đập 80 lần hoặc 90, 100 lần nên có cảm giác tim đập nhanh. Khi làm gắng sức, lên cầu thang, đi nhanh tim sẽ đập rất nhanh và có cảm giác hụt hơi nhưng chúng ta thường không chú ý, cứ cho rằng khi lao động sẽ bị mệt và xuất hiện tình trạng này.

Các bác sĩ, nhân viên y tế thường cho rằng khi bệnh nhân xanh xao, thiếu máu sẽ thiếu sắt. Tuy nhiên, vấn đề thiếu máu nhưng thừa sắt cũng khá nghiêm trọng.

Điển hình là một bệnh nhân ở Kom Tum thiếu máu rất nhiều nhưng sắt khá cao nên trước khi mổ phải chuyển sang huyết học để xử lý sắt mới có thể mổ được. Trong quá trình đó vẫn phải truyền máu nhưng không được để thừa sắt.

Khi đứng trước một trường hợp thiếu máu bắt buộc phải xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Có hai loại thiếu máu: Thiếu máu hồng cầu nhỏ do thiếu sắt và thiếu máu hồng cầu lớn do thiếu B12. Từ đó, bác sĩ sẽ có hướng điều trị hợp lý, không nên tự ý dùng thuốc dẫn đến tình trạng thiếu máu, thừa sắt.

Đối với phụ nữ mang thai, trước khi bổ sung phải biết chắc tình trạng hiện tại của cơ thể. Do đó, trong 3 tháng đầu nên xét nghiệm đồng loạt, xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm sắt, huyết thanh,… Trước khi muốn bổ sung phải xét nghiệm để xác định thiếu bao nhiêu và bù đủ số lượng. Hai đối tượng thường sử dụng là phụ nữ mang thai, cho con bú và trẻ vị thành niên đang phát triển.

Bệnh nhân mang thai trong lần đầu đến xét nghiệm nếu thiếu máu, thiếu sắt sẽ bổ sung trong suốt thai kỳ. Lúc đầu, bệnh nhân thiếu nhiều sẽ cho bù lượng lớn và giảm dần đến liều cơ bản hằng ngày từ 30 - 60mg và sử dụng đến 6 tuần sau sinh. Khác với canxi, phụ nữ cho con bú không cần dùng sắt trong suốt thời gian cho con bú. Tuy nhiên, khi sinh mổ sẽ mất khoảng 300 - 500ml máu nên cần sử dụng sắt để bù lại.

Tác dụng phụ của sắt là vấn đề rất lớn đối với bác sĩ. Phụ nữ mang thai rất sợ táo bón vì đường tiêu hóa là đường duy nhất duy nhất để đào thải chất độc. Khi bị táo bón chất độc sẽ hấp thu dẫn đến trầm cảm, khó chịu và nhiều hệ lụy khác. Một nguyên nhân khác gây táo bón là thừa sắt. Có thể loại sắt đó hấp thu không tốt dẫn đến táo bón hoặc đang thừa sắt mà bổ sung thêm sắt sẽ gây táo bón. Vì vậy, tốt nhất nên xét nghiệm để bổ sung phù hợp.

Trên thị trường hiện nay có vô số loại, ví dụ sắt sunfat là sắt vô cơ. Trước đây, viên sắt rất rẻ và nhiều. Hiện nay, có nhiều loại sắt hữu cơ, ngoài ra còn có sắt sinh học hấp thu tốt hơn và không có nhiều trên thị trường. Cần lưu ý, mọi thứ đều có cơ chế, cơ thể hấp thu sắt II. Sắt III khi vào cơ thể không hấp thu ở dạ dày mà hấp thu ở ruột. Khi vào đến ruột với tác dụng men, sắt III sẽ tách ra thành sắt II để hấp thu.

Sắt II hay sắt III chỉ khác tỷ lệ hấp thu. Tuy nhiên tỷ lệ hấp thu của sắt trong cơ thể rất thấp. Ví dụ, 1 viên sắt 60mg chỉ hấp thu khoảng 15 - 20% hoặc 1 viên canxi 500mg chỉ hấp thu 20 - 25%. Bệnh nhân thường nghĩ uống sắt hàm lượng cao sẽ hấp thu được nhiều tuy nhiên chỉ hấp thu vừa phải và phần còn lại sẽ bị đào thải.

ThS-BS-CK2. Diêm Thị Thanh Thủy

(Trưởng khoa khám Tự nguyện II, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội)

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.