Bãi đỗ xe lăng Khải Định nằm trong vùng bảo vệ di tích: Phớt lờ cảnh báo từ UNESCO?!

 00:27 | Thứ sáu, 01/09/2017  0
Việc xây dựng bãi đỗ xe làm công trình dịch vụ quy mô 5.000m2 nằm trong khoanh vùng bảo vệ của lăng Khải Định – một di sản thế giới đã được Tổ chức UNESCO công nhận trong mấy ngày gần đây, dư luận và những người yêu Huế đã rất nhiều lo ngại những vấn đề sẽ ảnh hưởng và tác động xấu đến di sản thế giới.

Như báo chí đã thông tin việc xây dựng bãi đỗ xe bên trái lăng vua Khải Định trong thời gian gần đây, dư luận đang đặt ra nhiều vấn đề về sự ảnh hưởng tới di sản: Khu vực bảo vệ lăng Khải Định, yếu tố phong thủy và tính địa chất…

Vài nét về yếu tố phong thủy của lăng Khải Định

Lăng Khải Định, còn gọi là Ứng Lăng.  Đây là vị vua thứ 12 của triều Nguyễn(1885-1925). Toạ lạc trên triền núi Châu Chữ (còn gọi là Châu Ê) bên ngoài kinh thành Huế, nay thuộc xã Thủy Bằng, thị xã Hương Thủy.

Lăng khởi công ngày 4 tháng 9 năm 1920 do Tiền quân Đô thống phủ Lê Văn Bá là người chỉ huy và kéo dài suốt 11 năm mới hoàn tất. Tham gia xây dựng lăng có rất nhiều thợ nghề và nghệ nhân nổi tiếng khắp cả nước như Phan Văn Tánh, Nguyễn Văn Khả, Ký Duyệt, Cửu Sừng...

Mặc dù đã sẵn sàng ­tiếp nhận phong cách kiến trúc mỹ thuật mới mẻ đến từ phương Tây nhưng vua Khải Định vẫn giữ gìn và tuân thủ truyền thống, ứng dụng dịch lý và phong thủy vào việc xây lăng cho mình, như các đời vua trước đã làm. Điều đó thể hiện rất rõ qua việc vua Khải Định sai các thầy địa lý cùng các quan chuyên trách đương thời khảo sát kỹ lưỡng địa thế và đặc điểm sơn thủy ở nhiều nơi trong vùng Nam sông Hương (hữu ngạn). Và họ đã tìm được một thế đất nằm cách kinh thành Huế khoảng 10km về phía tây nam, trên một sườn núi có độ dốc vừa phải. Ngọn núi này có tên là Châu Chữ.

Núi có tên Châu Chữ mà theo Đại Nam nhất thống chí nằm về phía tây bắc của huyện Hương Thủy, có một con suối kề cận từ phía nam chảy về, đó là suối Châu Ê. Núi không cao lắm song nằm giữa khung cảnh thiên nhiên thoáng đãng, có dòng nước uốn mình qua chân núi, có các dãy đồi nhấp nhô xa xa dưới tầm nhìn và một rừng cây xanh bao bọc.

Người có công rất lớn trong việc tìm ra khu vực này đó là thầy địa Nguyễn Đình Hiến. Ông đã mất rất nhiều thời gian và công sức để phát hiện ra khu vực lăng vua Khải Định vào năm 1920.

Tọa lạc ở vị trí này, Ứng Lăng lấy một quả đồi thấp ở phía trước làm “Tiền án”, có khe suối Châu Ê chảy từ trái qua làm nơi “Thủy tụ”, núi Chóp Vung ở bên Tả và Kim Sơn ở bên Hữu làm Tả Thanh Long và Hữu Bạch Hổ (Rồng, Cọp chầu Ứng Lăng). Nhà vua đã cho đổi tên núi Châu Chữ là nơi khu lăng tọa lạc thành Ứng Sơn và khu lăng được gọi tên là Ứng Lăng.

Lăng Khải Định nhìn từ trên cao

Yếu tố nước (thủy) và núi (sơn) kết hợp cùng các chi tiết cát tường về mặt phong thủy đã làm nên một lăng Khải Định hòa hợp về mặt phong thủy, tinh xảo về mặt kiến trúc. Đây là một công trình có giá trị về mặt nghệ thuật và kiến trúc, góp phần làm phong phú và đa dạng quần thể lăng tẩm ở di sản Huế, xứng đáng câu đối đề trước Tả Trực Phòng trong lăng:

“Tứ diện hiến kỳ quan, phong cảnh biệt khai vũ trụ
Ức niên chung vượng khí, giang sơn trường hộ trừ tư.”
(Bốn mặt đều là kỳ quan, phong cảnh mở ra một vũ trụ biệt lập
Muôn năm hun đúc nên vượng khí, núi sông giúp đỡ mãi hoài)

Với những yếu tố đặc trưng, lăng Khải Định - thuộc quần thể di tích Cố Đô Huế là khu di tích đầu tiên của Việt Nam được UNESCO quyết định đưa vào Danh mục Di sản Văn hoá Thế giới vào tháng 12.1993.

Bãi đỗ xe 5.000m2 trong vùng cấm bảo vệ lăng Khải Định và những ảnh hưởng đến di sản

Việc quy hoạch bãi đỗ xe 5.000m2 hiện nay tại lăng Khải Định mà Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố Đô Huế là chủ đầu tư, mặc dù nằm ngoài khu vực lăng nhưng vẫn còn ở trong khu vực vùng cấm bảo vệ di tích. Đây là một việc vi phạm đến di sản và phớt lờ các cảnh báo từ UNESCO trước đây.

Hình ảnh hiện trường làm bãi đỗ xe trước lăng Khải Định

Trước đó, GS.TS William Logan, chủ tịch Ban di sản và đô thị của UNESCO tại Đại học Deakin - Úc, tỏ ra “quan ngại sâu sắc” về nhiều vấn đề đang tồn tại của di tích Huế: khu di sản Huế mới chỉ có vùng lõi mà chưa có vùng đệm (xung quanh di sản), nên không bảo vệ được các di tích trước những diễn biến phát triển không mong muốn, mà theo nhận định của đoàn công tác hỗn hợp UNESCO - ICOMOS, là đã gây tổn hại lớn đối với các yếu tố phong thủy, vốn là một phần trong giá trị nổi bật của di sản này. Cụ thể việc mở mới tuyến đường (quốc lộ 1 tránh Huế) cắt ngang ngọn núi “tả thanh long” vốn là yếu tố phong thủy của lăng Khải Định, cùng với tiếng ồn xe cộ và ô nhiễm không khí làm mất đi tính toàn vẹn của di tích này. Lăng Minh Mạng cũng bị tiếng ồn không dứt của các xe tải hạng nặng đã ảnh hưởng lớn đến không gian tĩnh lặng của di tích này.

Tuyến đường tránh Huế

Dòng khe Châu Ê chảy từ trái sang phải, trước lăng Khải Định là một yếu tố phong thủy cực kỳ quan trọng trong lăng Khải Định cũng bị ảnh hưởng khi bãi đỗ xe nằm trong khu vực tiền án “Minh đường Thủy tụ” – vùng cấm theo phong thủy, thì việc xây dựng bồi đắp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính phong thủy của di sản này. Dòng chảy của khe Châu Ê có nguy cơ thành một kênh thoát nước. Dù có trồng cây dày đặc thế nào cũng không thể hài hòa với thiên nhiên vốn có của lăng Khải Định gần 100 năm qua. Trong khu vực này, vẫn còn một một di tích nữa đó là chiếc giếng cổ - vốn là giếng được đào để cung cấp nước sinh hoạt cho lính, thợ ngày xưa khi xây dựng lăng Khải Định.

Khu vực bãi đỗ xe nhìn từ lăng Khải Định

Dòng khe Châu Ê

Nhu cầu cần một bãi đỗ xe và nhìn nhận của người ngoài cuộc…

Trong mấy năm vừa qua, báo chí cũng đã nhắc đến việc lộn xộn của bãi xe trước lăng Khải Định. Vì vậy, việc xây dựng một bãi đỗ xe cho nhu cầu khách tham quan là vấn đề vần thiết. Tuy nhiên, không vì thế mà ảnh hưởng đến khu vực di tích và cảnh quan thiên nhiên.

Trả lời báo chí, TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết: “Chúng tôi cũng đã hỏi ý kiến của thầy phong thủy Vĩnh Cao thì đây là vị trí phù hợp”. Đó là một cách lý giải hoàn toàn mang tính cá nhân, thiếu trách nhiệm khi chưa lấy ý kiến các thành viên của Hội đồng tham vấn và phớt lờ những cảnh bảo về di sản của UNESCO. Di sản là tài sản chung của dân tộc chứ không phải của cá nhân ai!

Vào ngày 27.7.2017, nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đã có bức thư gởi cho TS. Phan Thanh Hải và đề cập đến vấn đề này. Cụ thể, ông đề nghị xây dựng bãi xe tại khu vực ruộng lang Châu Chữ đối xứng với công trường xây dựng bãi đổ xe trước lăng Khải Định – nằm ngoài khu vực bảo vệ lăng, vừa đảm bảo hài hòa về thiên nhiên. Tuy nhiên, ý kiến tâm huyết này đã bị bỏ qua.

Ruộng lang Châu Chữ - Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân đề xuất xây dựng bãi đỗ xe ở đây

UNESCO có quyền công nhận và cũng có quyền tước bỏ danh hiệu. Nếu trong quá trình thực hiện, các di sản không còn đáp ứng được yêu cầu thì sẽ xem xét khả năng tước bỏ danh hiệu. Thế giới đã chứng kiến năm 2007, khu bảo tồn Arabian Oryx của Oman bị tước danh hiệu khi để tình trạng khai thác dầu mỏ, săn bắn trộm và nạn ô nhiễm môi trường khiến các loài vật quý hiếm ở đây suy giảm mạnh. Năm 2009, UNESSCO tiếp tục gạch tên Thung lũng Elbe của Đức ra khỏi danh sách di sản thế giới do các dự án xây dựng làm ảnh hưởng đến cảnh quan vốn có của thung lũng.

Quang Long 

Theo một Thế Giới

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.