Bộ Tài chính: Đánh thuế nhà, đất thứ 2 ở TP.HCM 'không đảm bảo tính công bằng'

 11:48 | Thứ năm, 09/03/2023  0
Theo Bộ Tài chính, giá trị nhà ở, đất ở có sự chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế đối với nhà, đất ở thứ 2 thì sẽ có trường hợp nhà, đất có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế và nhà, đất có giá trị lớn lại không thuộc đối tượng chịu thuế.

Viêc đánh thuế đối với nhà ở, đất ở thứ 2 trở lên có thể không đảm bảo tính công bằng trong nhiều trường hợp. Đó là góp ý của Bộ Tài chính gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc xây dựng Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết, TP.HCM đề xuất một số cơ chế, chính sách về lĩnh vực tài chính ngân sách, trong đó đề xuất thí điểm thu thuế đối với nhà ở và đất ở, mà người có quyền sử dụng đất hoặc sở hữu nhà ở không trực tiếp sử dụng để ở cho cá nhân và gia đình (gọi tắt là nhà, đất thứ 2 trở lên) trên địa bàn TP.HCM.

TP.HCM đề xuất phương án thu thuế nhà, đất thứ hai. Ảnh: Hoàng Triều

Góp ý về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết đây là chính sách mới do với Nghị quyết 54 hiện hành. Việc đánh thuế vào nhà ở, đất ở thứ 2 sẽ điều tiết mạnh đối với tổ chức, cá nhân có nhiều nhà, đất, góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất tiết kiệm, hiệu quả, cũng như góp phần hạn chế đầu cơ bất động sản, khuyến khích phát triển thị trường bất động sản lành lạnh.

Tuy nhiên, trên thực tế, giá trị nhà ở, đất ở có sự chênh lệch rất lớn, nếu đánh thuế đối với nhà, đất ở thứ 2 thì sẽ có trường hợp nhà, đất có giá trị không lớn lại thuộc đối tượng chịu thuế và nhà, đất có giá trị lớn lại không thuộc đối tượng chịu thuế.

Hoặc trường hợp người chỉ có một nhà ở, đất ở diện tích lớn hoặc giá trị lớn thì không bị đánh thuế, trong khi người có 2 nhà ở, đất ở đều có diện tích hoặc giá trị nhỏ lại bị đánh thuế. "Điều này không đảm bảo công bằng xã hội, không đáp ứng được mục tiêu ban hành của chính sách thuế là nhằm điều tiết hợp lý thu nhập của một bộ phận tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu, quyền sử dụng đất có giá trị lớn hoặc có nhiều nhà, đất"- Bộ Tài chính nêu rõ.

Bộ Tài chính cũng cho rằng việc đánh thuế này là chưa phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam hiện nay. Bởi tại Việt Nam, các giao dịch mua bán bất động sản chủ yếu thực hiện trên hệ thống văn bản, giấy tờ, việc áp dụng công nghệ thông tin vẫn còn hạn chế, do đó, việc xác định sở hữu nhà, đất ở thứ 2 trở đi của tổ chức, cá nhân là phức tạp.

Cơ quan này cũng lo ngại người nộp thuế sẽ tìm cách lách thuế bằng cách cho người khác đứng tên, hoặc thỏa thuận tài sản thuộc quyền sở hữu riêng của từng thành viên trong gia đình.

Về tác động đến thị trường bất động sản, Bộ Tài chính cho rằng, việc đánh thuế đối với nhà ở, đất ở thứ 2 trở lên tác động đến thị trường nhà cho thuê, chưa phù hợp với chủ trương của Nhà nước về phát triển nhà ở.

Đặc biệt, đánh thuế đối với nhà cho thuê sẽ làm giảm cả cung - cầu nhà ở cho thuê, có khả năng ảnh hưởng tới người có thu nhập thấp do phần lớn đối tượng thuê nhà là người có thu nhập thấp.

Ngoài ra, việc đánh thuế này chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy hiện chỉ có rất ít quốc gia trên thế giới đánh thuế đối với việc sở hữu nhà thứ 2 trở lên (như Pháp, Croatia). Do đó, Bộ Tài chính đề nghị cân nhắc bỏ nội dung này trong dự thảo Nghị quyết.

Minh Chiến

Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.