Cần chính sách “giải ngũ” cho đất quốc phòng - an ninh

 10:22 | Thứ ba, 04/07/2017  0
Những tranh luận sôi nổi xung quanh việc yêu cầu quân đội bàn giao lại đất sân golf là cơ hội tốt để đánh giá lại một chủ đề rộng hơn, vốn đã được quan tâm nhưng chưa từng được giải quyết thấu đáo: đất quốc phòng đang được sử dụng vào mục đích dân sự.

Cần phải nhấn mạnh rằng, sân golf ở Tân Sơn Nhất không phải là ví dụ duy nhất về việc đất quốc phòng đang được quân đội quản lý cho các tổ chức dân sự thuê để sử dụng cho mục đích kinh tế. Tại Đà Nẵng, cũng trong khu vực nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng, vào giữa tháng 4.2017, Báo Đà Nẵng điện tử đã chạy loạt bài ba kỳ phản ảnh tình trạng phân lô, xây hàng loạt nhà xưởng cho thuê buôn bán vật liệu xây dựng.

Khu vực này là đất do Sư đoàn 372 Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân quản lý, thuộc địa bàn phường Hòa Thuận Tây (quận Hải Châu) có diện tích 745 ha chiếm đến 88,35% tổng diện tích của phường. Sau khi được phân lô, đã hình thành nên một “ốc đảo” tách biệt với các khu dân cư. Chính quyền địa phương thừa nhận muốn kiểm tra các công trình xây dựng không phép là hết sức khó khăn...

Không chỉ là phân lô, thời gian qua tại nhiều địa phương như Hà Tĩnh, Hải Phòng... báo chí cũng phản ảnh phía bên trong hàng rào nhiều khu vực quốc phòng, tình trạng khai thác tài nguyên trái phép vẫn diễn ra, khiến chính quyền các địa phương gặp ít nhiều lúng túng trong xử lý.

Mới đây, Thanh tra Chính phủ đã công bố kế hoạch quí 2.2017 tiến hành thanh tra việc chuyển đổi sử dụng đất từ đất quốc phòng, an ninh sang mục đích khác tại TP. Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng và Khánh Hòa.

Nhà hàng kinh doanh trên đất quốc phòng. Ảnh TL

Chưa rõ đã có một cuộc tổng kiểm kê trên toàn quốc về tổng diện tích đất do quân đội quản lý không sử dụng hết và cho các tổ chức dân sự thuê lại hay chưa. Nhưng con số, nếu được thống kê, chắc chắn là một diện tích không nhỏ đã và đang được các đơn vị chuyển quyền sử dụng đất hay thay đổi mục đích sử dụng. Trong thời chiến, trưng dụng đất đai cho mục đích quốc phòng là không cần bàn cãi. Nhưng lẽ ra, khi kết thúc chiến tranh, hòa bình lập lại, những phần đất bị trưng dụng cho mục đích quốc phòng phải trả lại phục vụ đời sống dân sự.

Vấn đề đặt ra là, trong bối cảnh chiến tranh đã lùi xa, nhu cầu đất đai cho phát triển kinh tế lẫn phục vụ mục đích công cộng là rất lớn, đặc biệt ở các thành phố lớn. Trong khi đó, tại khu vực trung tâm, khu vực nội đô, khi nhu cầu sử dụng cho mục đích quốc phòng là không hết, như các ví dụ đã dẫn, quân đội vẫn giữ và quản lý một diện tích đất không nhỏ. Nếu quỹ đất dư này - sử dụng không hết vì mục đích quốc phòng, được chuyển giao lại cho địa phương để sử dụng cho mục đích phát triển kinh tế hoặc mục đích xã hội, lợi ích sẽ rất lớn.

Đơn cử, trong bối cảnh ngân sách khó khăn như hiện nay, nguồn tài chính phục vụ cho mục tiêu đầu tư phát triển hạ tầng cho địa phương ngân sách không đáp ứng được. Nếu quân đội bàn giao lại đất, địa phương có thể tổ chức bán đấu giá quyền sử dụng đất. Nguồn thu từ bán đấu giá “đất vàng” chắc chắn không nhỏ, bổ sung đáng kể cho ngân sách địa phương tái đầu tư vào xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Như vậy, ngân sách và người dân địa phương vừa được hưởng lợi, hiệu quả kinh tế khi đất đai thuộc về quyền khai thác của tư nhân cũng hứa hẹn khả năng sinh lời nhiều hơn.

Do đó, cần sớm chấm dứt hiện tượng để các đơn vị quân đội “dân sự hóa” quỹ đất không sử dụng của đơn vị mình - dù là dưới hình thức cho thuê như sân golf Tân Sơn Nhất, hay ở nhà máy nước Sân bay Đà Nẵng... hay chuyển nhượng lại cho các doanh nghiệp làm kinh tế, như trường hợp đất Ba Son ở TP.HCM như hiện nay. Thay vào đó, trên toàn quốc cần có một chính sách nhất quán để xử lý vấn đề đất quốc phòng. Chính sách này có thể cân nhắc dựa trên một số nguyên tắc.

Trước hết, Quốc hội cần có nghị quyết yêu cầu tổng kiểm kê đất quốc phòng chưa sử dụng, hoặc sử dụng không hết và đang cho tổ chức, cá nhân dân sự thuê lại để làm kinh doanh. Sau khi thống kê đất, phần nào quân đội cần cho mục tiêu quốc phòng, Nhà nước phải đáp ứng và giao đầy đủ cho quân đội; phần nào không sử dụng đến, các đơn vị quân đội bàn giao lại cho địa phương. Hội đồng nhân dân ở các địa phương sẽ quyết định nên bán đấu giá phần đất này hay chuyển đổi mục đích sử dụng cho các mục tiêu xã hội - công cộng khác.

Khách sạn được xây dựng để kinh doanh trên đất quốc phòng. Ảnh TL

Cần lưu ý, những lập luận cho rằng nếu lấy đất quốc phòng để phục vụ dân sự sẽ ảnh hưởng đến tổ chức hệ thống quốc phòng là không hợp lý. Hiến pháp đã nhấn mạnh rằng, trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng tài sản (và có bồi thường theo giá thị trường tài sản đó), của người dân để sử dụng cho mục đích quốc phòng. Điều đó đồng nghĩa, khi quân đội có nhu cầu, hoàn toàn có thể trưng mua hoặc trưng dụng đất đai để phục vụ yêu cầu của mình.

Thêm nữa, đối với chính sách hỗ trợ nhà ở cho quân nhân, cũng cần có những nguyên tắc và quy định rõ ràng. Theo đó, thay vì chia đất đai quốc phòng cho quân nhân, cần có khu dân binh là nhà công vụ, cung cấp cho gia đình quân nhân trong thời gian tại ngũ. Hết thời gian tại ngũ, người được sử dụng nhà công vụ phải bàn giao lại. Đối với nhà riêng của quân nhân, có thể áp dụng các chính sách ưu đãi (hỗ trợ lãi suất vay mua nhà). Điều này sẽ giúp đảm bảo công bằng cho ngay chính những quân nhân, tránh tình trạng quỹ đất có hạn, trong khi phân chia đất đai có thể không công bằng.

Sự việc sân golf Tân Sơn Nhất vì vậy là điểm khởi đầu tốt để xem xét lại toàn bộ chính sách đất đai liên quan đến các đơn vị quân đội nói riêng, các cơ quan công quyền khác nói chung. Thay vì những nhà hàng, sân golf, sân bóng đằng sau tường rào “quốc phòng” vốn chỉ phục vụ lợi ích riêng của một số đơn vị, đất đai quốc phòng dôi dư cần được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và phục vụ lợi ích người dân địa phương.

Nguyễn Quang Đồng - Chuyên gia độc lập về chính sách công

» Cổ phần hóa DNNN: Để thu đúng thu đủ “đất vàng”

» Chuyên gia: 'Lấy đất sân golf mở rộng Tân Sơn Nhất là tốt nhất'

» Thứ trưởng Bộ Quốc phòng: Quân đội xem xét không làm kinh tế nữa

» TP.HCM đang có 500 dự án 'trùm mền'

» Thanh tra việc quản lý quy hoạch, xây dựng đất đai tại UBND TP.HCM

» Chủ tịch TP.HCM điểm mặt 3 dự án 'đất vàng’ làm xấu thành phố

» Chặn thất thoát từ chuyển đổi 'đất vàng'

» Bộ Tài chính kiến nghị thanh tra một loạt dự án bất động sản

» Doanh nghiệp sau cổ phần hoá hết thời “ôm” đất vàng

» Khởi động lại dự án đất vàng sau 10 năm bất động ở Sài Gòn

» TP.HCM: tranh nhau cải tạo chung cư cũ trên đất vàng

» Cuộc đua đầu tư vào đất vàng bến Bạch Đằng

» TP.HCM: “Xẻ” đất thư viện khoa học tổng hợp làm cao ốc văn phòng?

» Thoái vốn nhà nước còn nhiều vướng mắc

» Bán những “con bò sữa” của nền kinh tế

» “Không để dư luận không tốt chuyện sân golf trong sân bay”

» Chủ sân golf Tân Sơn Nhất là ai?

» Dừng các công trình trong sân golf sân bay Tân Sơn Nhất

» Kết luận của Thủ tướng về mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
bài viết cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

#đô thị loại II
#Người Ai Cập – quyền lực và tình yêu
*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.