ThS-BS. Phạm Đức Thắng (Khoa Y học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM) cho biết, chuối tiêu là một loại trái cây thân thảo, thuộc họ Chuối, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á và Australia. Ngày nay, chuối được trồng khắp vùng nhiệt đới, trở thành một trong những loại trái cây được tiêu thụ rộng rãi nhất trên thế giới.
Cây chuối có thân to, cao từ 2 đến 8 mét, không có cành. Lá chuối to, dài, hình bầu dục, có màu xanh đậm. Chuối ra hoa thành cụm, mỗi cụm có thể có từ 10 đến 20 trái. Trái chuối có hình trụ, dài từ 10 đến 20 cm, có màu xanh khi chưa chín và chuyển sang màu vàng khi chín.
Chuối tiêu là một loại trái cây thân thảo, có nguồn gốc từ vùng nhiệt đới ở Đông Nam Á và Australia, được trồng khắp vùng nhiệt đới. Ảnh: Nguyễn Điện Ngọc
Có hàng chục loại chuối khác nhau, trong đó một số loại chuối sau đây phổ biến ở Việt Nam: Chuối tiêu (Là loại chuối phổ biến nhất, có vị ngọt, chín đều, thịt quả mềm và cũng là dược liệu dùng làm thuốc nhiều nhất); Chuối ngự (Có vị ngọt thanh, thịt quả dẻo, thơm); Chuối sáp (Có vị ngọt đậm, thịt quả chắc, dẻo); Chuối hột (Có vị chát, thịt quả dai, có tác dụng chữa bệnh)...
Theo chia sẻ chuyên môn của BS. Thắng, quả chuối tiêu chứa nhiều tinh bột. Khi chuối chín, tinh bột chuyển hóa thành đường (glucose, fructose và sucrose), từ 1-2% trong chuối xanh đến 15-20% trong chuối chín. Chuối tiêu cũng chứa các protein, bao gồm albumin và globulin, được tạo thành từ các axit amin thiết yếu (arginine, histidine, leucine, lysine, methionine, phenylalanine, tryptophan và valine). Lượng chất béo ít và ít thay đổi khi quả chín.
Chuối tiêu vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc. Ảnh: CTV
Bên cạnh đó, chuối tiêu còn chứa nhiều vitamin thiết yếu như caroten, thiamin, riboflavin, niacin, vitamin C, acid pantothenic, pyridoxin, biotin, inositol, acid folic. Nhiều khoáng chất cần thiết cũng được tìm thấy trong chuối như calci, sắt, magie, kali, natri, phốt pho, iod, nhôm, kẽm... Một phần các chất này có thể bị mất đi khi nấu hoặc quả chín. Ngoài ra, chuối tiêu còn chứa các hợp chất phenolic, serotonin, norepinephrin, dopamin… 100g chuối chín cung cấp 100 calo.
BS. Thắng cho biết y học cổ truyền ghi nhận quả chuối tiêu vị ngọt, tính bình, có tác dụng tư âm, nhuận tràng, nhuận phế, thanh nhiệt, giải độc, dùng tốt cho người bị táo bón, sốt nóng khát nước, mụn nhọt, trĩ xuất huyết, tăng huyết áp, bệnh mạch vành. Vỏ quả chín vị ngọt, chát, tính ôn, tác dụng sát trùng, chỉ tả. Củ vị ngọt, lạnh, tác dụng thanh nhiệt giải độc. Dịch nhựa chảy ra từ thân hay củ chuối có vị ngọt, chát, tính hàn, tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc.
BS. Thắng tư vấn một số bài thuốc từ chuối tiêu:
- Chuối tiêu xanh thái lát, phơi hay sấy ở nhiệt độ dưới 500C, tán bột. Ngày uống 20 - 30g trước mỗi bữa ăn, giúp phòng và chữa viêm loét dạ dày - tá tràng.
- Chuối chín 1 quả, nghiền nhuyễn, trộn với 1 - 2 muỗng canh mật ong. Uống hỗn hợp này hai lần mỗi ngày để giảm ho và viêm họng.
- Chuối chín 2 - 3 quả, đường phèn 50 - 100g. Chuối cắt đoạn, thêm đường phèn, đun cách thủy cho chín. Ngày ăn 1 - 2 lần. Dùng tốt cho người bị viêm khí phế quản, ho khan đờm ít dính, táo bón.
- Chuối chín 2 - 3 quả, để cả vỏ luộc chín, ăn cả vỏ. Dùng tốt cho người bị táo bón, trĩ nội ngoại xuất huyết.
- Củ chuối tươi 120g, cỏ nhọ nồi 30g. Sắc lấy nước, uống trong ngày. Chữa tiểu ra máu.
- Củ chuối tươi 60g, rau sam 30g. Hai thứ giã nát ép lấy nước, đun ấm để uống. Chữa phế nhiệt, đàm suyễn.
- Củ chuối hay rễ chuối, giã nát đắp chỗ đau. Chữa mụn nhọt ở sống lưng, viêm cơ.
Hữu Đức