Nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng, bên cạnh là hàng quán cà phê, quán ốc mọc lên vô cùng nhếch nhác, ít ai biết rằng ngôi nhà này từng là nơi ở của vị học giả nổi tiếng Vương Hồng Sển.
Ngôi nhà cổ có 5 gian, 2 chái, ngang 15 m, sâu 20 m, tọa lạc trên diện tích 750 m2. Bước vào bên trong nhà xộc lên mũi là một mùi ẩm thấp, ngột ngạt do các hạng mục hầu như đều xuống cấp, cũ kỹ.
Bà Võ Ngọc Liên (con dâu của cụ Vương Hồng Sển) kể lại, năm 1952, cụ Vương mua xác nhà từ Phú Xuân, huyện Nhà Bè về dựng lại gần khu vực chợ Bà Chiểu. Lúc đó, ngôi nhà đã được 100 tuổi.
Đến nay, các phần đầu cột chống đỡ nhà, đầu kèo tiếp giáp với cột cái trong gian chính đều bị mối đục.
Mặt trước và bên trong nhà cổ là vô số cấu trúc, hoa văn chạm trổ công phu mang đậm dấu ấn thời gian.
Ngày 9.12.1996, cụ Vương từ trần, linh cữu của cụ được quàn tại đây. Hiện, trong gian nhà chính treo nhiều di ảnh của cố học giả.
Không gian bên trong đặc biệt với những chiếc cột lớn chắc chắn, vững chãi vẫn còn nguyên vẹn, kèm theo đó là nhiều ô lấy ánh sáng từ trên các mái.
Các gian nhà đều được lợp ngói đỏ cổ kính, nhiều phần mái ngói cũng đã bị hư hỏng dần theo thời gian. Nhiều người chung sống trong căn nhà, trời mưa, trong nhà dột chẳng kém ngoài trời.
Những viên gạch âm dương màu ngọc bích là “đồ quý hiếm” trong số những ngôi nhà cổ xưa tại Sài Gòn được gắn dọc dưới mái hiên.
Gian phụ ngôi nhà, phòng đọc sách và làm việc của cụ Vương Hồng Sển lúc sinh thời được các con cháu dùng làm nơi sinh hoạt.
Căn nhà ngổn ngang đồ đạc của các con cháu cụ cùng chung sống.
Để trang trải cuộc sống, các cháu cụ ngăn nhà ra cho nhiều người vào thuê ở.
Các ô lấy ánh sáng từ hai bên hông vào nhà nay đều đã bị người thuê nhà bịt kín lại.
Khu giếng trời phía sau ngôi nhà là bể cá mà trước đây cụ Vương Hồng Sển nuôi nay đã không còn, thay vào đó là nơi dùng để phơi quần áo.
Bên hông gian nhà chính được các con cháu cụ cho người vào thuê ở.
Khuôn viên trước đây cụ Vương dùng để trồng lan, cây cảnh nay được các con cháu cho người thuê buôn bán.
Trước khi mất, cụ Vương đã có di chúc hiến Vân Đường phủ và bộ sưu tập đồ cổ cho Nhà nước, với 849 cổ vật và hy vọng thành lập một bảo tàng mang tên ông. Tuy nhiên, hơn 20 năm sau, phía gia đình cụ Vương và chính quyền vẫn chưa thống nhất được phương án đền bù, tôn tạo, trong khi căn nhà thì càng trở nên xuống cấp, hư hại nghiêm trọng.
Đại biểu HĐND TP.HCM lo di sản bị lãng quên
Năm 2003, UBND TP.HCM đã ban hành quyết định xếp hạng di tích cấp thành phố đối với ngôi nhà này và nghiêm cấm mọi hoạt động xây dựng, khai thác trong những khu vực di tích đã khoanh vùng bảo vệ.
Nhiều tạp chí danh tiếng trên thế giới như Time, Newsweek từng đến tìm hiểu, giới thiệu về ngôi nhà chứa đựng nhiều giá trị văn hóa của cụ Vương Hồng Sển.
Tại kỳ họp thứ 17 HĐND TP.HCM khóa IX vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng cần có sự quyết liệt trong bảo quản, bảo tồn di sản văn hóa của TP.HCM. Trong đó có ngôi nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển.
Giải trình về vấn đề liên quan đến nhà cổ của cụ Vương Hồng Sển, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Huỳnh Thanh Nhân cho biết: "Đây là câu chuyện khá dài và hiện nay công việc này đang chờ tòa án để giải quyết về mặt pháp lý. Cụ Vương Hồng Sển có di chúc hiến tặng ngôi nhà cho Nhà nước nhưng hiện nay có sự tranh chấp của gia đình và tòa án đang giải quyết".
Hoàng Giang