Quy hoạch giao thông bỏ sót khu vực bảo vệ di tích
Tại chương trình lắng nghe và trao đổi tháng 12.2019 với chủ đề “Bảo tồn di sản văn hóa – Thực trạng và giải pháp” do HĐND TP.HCM phối hợp Đài Truyền hình TP.HCM tổ chức, ông Võ Trọng Nam (Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP.HCM) cho biết:
Tính đến nay, TP.HCM có 172 di tích đã xếp hạng, trong đó 2 di tích quốc gia đặc biệt, 56 di tích quốc gia, 114 di tích cấp TP.HCM. Mặc dù TP.HCM tiên phong trong công tác bảo tồn cảnh quan kiến trúc đô thị, nhưng công tác này thực tế cũng còn nhiều bất cập, rào cản, thách thức. Hiện nay, 18 di tích, công trình kiến trúc lâu đời bị xoá sổ. Nguyên nhân, trong quá trình quy hoạch giao thông đô thị TP.HCM đã bỏ sót khu vực bảo vệ di tích, quá trình phân loại di tích, di sản chậm, dẫn đến việc nhiều di tích lại nằm trong khu vực quy hoạch.
Ụ tàu Ba Son - một di tích quí hiếm của Sài Gòn đã bị xóa sổ năm 2016 cùng với nhà máy Ba Son - xưởng thủy 225 năm, cái nôi của công nghiệp hàng hải, để giao đất cho Tập đoàn Vingroup xây dựng Khu trung tâm phức hợp Sài Gòn Ba Son. Ảnh: TL
10 năm qua, TP.HCM đã bố trí kinh phí hơn 500 tỷ đồng để tu bổ, tôn tạo 32 di tích. Đặc biệt, từ năm 2016 đến nay, TP.HCM đã tập trung nguồn vốn hơn 200 tỷ đồng hoàn thành tu bổ, tôn tạo nhiều công trình, kiến trúc có giá trị.
Cùng với các di tích, TP.HCM còn có 13 bảo tàng. Công tác trưng bày, triển lãm của các bảo tàng ngày càng được hiện đại hóa bằng việc ứng dụng khoa học công nghệ vào các hoạt động trưng bày, vừa là nơi giáo dục truyền thống, vừa là điểm nhấn thu hút khách du lịch.
Tại chương trình, đa số các đại biểu cho rằng TP.HCM đã và đang đối mặt với các vấn đề nan giải trong quá trình phát triển đô thị của một đô thị lớn. Do đó, vấn đề bảo tồn di sản và cảnh quan kiến trúc đô thị ngày càng nhiều khó khăn, phức tạp. Các di sản văn hóa, không gian kiến trúc đô thị có phần bị biến dạng, biến mất hoặc đang bị đe dọa trước áp lực về quá trình đô thị hóa, sức ép về tăng dân số, áp lực về quỹ đất để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM.
Bên cạnh đó, việc xây dựng các quy định về công tác bảo tồn di sản còn chậm so với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; vận động các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý các công trình, địa điểm trong danh mục lập hồ sơ xếp hạng di tích còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là các cơ sở tôn giáo, cơ sở tín ngưỡng.
Theo ông Nguyễn Văn Đạt (Phó Ban Văn hóa, Xã hội HĐND TP.HCM), bất cập lớn nhất là Luật Di sản chưa đưa ra đầy đủ các giải pháp định lượng, trách nhiệm cụ thể của cơ quan quản lý nhà nước, chủ sở hữu di tích, cơ sở pháp lý và quy trình thực hiện cho việc bảo tồn di sản; cơ quan quản lý di sản còn thiếu nhân lực và điều kiện thực hiện bảo tồn di sản; quy hoạch và nhận diện di sản, di tích chưa thực hiện triệt để đến nơi, đến chốn dẫn đến một số di sản, di tích xuống cấp biến dạng không kịp thời phục dựng…
Di tích Lò gốm cổ Hưng Lợi 300 tuổi thuộc phường 16 (quận 8, TP.HCM) bị ngang nhiên san phẳng, tháng 7.2019. Ảnh: Trung Dũng
Lò gốm khi được khai quật năm 1998. Ảnh Tư liệu
Nhiều di tích mới là tài nguyên nhưng chưa là điểm đến
Tại chương trình, các đại biểu cũng cho rằng điều quan trọng nhất để bảo vệ di sản chính là quy hoạch. Vì trong quy hoạch, đã quy định cụ thể hệ số sử dụng đất, thì không thể chuyển đổi một cái biệt thự cổ thành một công trình mới được.
Bên cạnh đó, bảo tồn không phải cản trở sự phát triển mà để nhận diện bản sắc đô thị để người ta đến nhiều hơn, mang lại lợi ích nhiều hơn. Nếu chỉ phát triển cho cao ốc, thì người ta sẽ đến Singapore, New York… chứ không đến Việt Nam. Bởi vì bản sắc của Việt Nam hay TP.HCM là những di sản đô thị.
Bà Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội di sản văn hóa TP.HCM) cho rằng, di sản văn hóa là một ngành có thể khai thác để thu hút được tiền. Cụ thể, bây giờ du khách đến tham quan Bảo tàng Chứng tích chiến tranh đông nhất nước. Nếu được đầu tư đúng, thì di sản sẽ giúp thu về tiền.
Theo bà Võ Thị Ngọc Thúy (Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM), khi phát triển du lịch di sản thì có nguồn thu để bảo tồn. Nhưng như vậy chưa đủ. Nhiều di tích mới là tài nguyên mà chưa là điểm đến. Sở Du lịch TP.HCM đang biến những tài nguyên này thành điểm du lịch.
Bà Bùi Thị Diễm Thu (Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM) cho rằng hiện nay, một số trường quan tâm đưa các em đến các bảo tàng, các di tích lịch sử góp phần giáo dục truyền thống, bảo tồn các khu di tích của địa phương. Trong thời gian tới, bà Thu mong muốn ngành giáo dục và đào tạo cần có kế hoạch, chương trình chính khóa để các trường có cơ sở xây dựng, kế hoạch, tiết học cụ thể hơn; cần tôn tạo các khu di tích lịch sử. Chính quyền các cấp cần quảng bá rộng rãi các di tích lịch sử của địa phương để các học sinh đến tìm hiểu nhiều hơn.
Kết luận tại chương trình, ông Phạm Đức Hải (Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM) đề nghị các ngành chức năng liên quan tăng cường quản lý nhằm ngăn chặn ngay tình trạng xuống cấp và lấn chiếm di tích, di sản; nâng cao vai trò của cộng đồng ở khu dân cư, phường, quận, huyện để cùng nhau bảo quản, phát huy di tích, di sản.
Bên cạnh đó, cần đẩy nhanh việc lập hồ sơ khoa học cho các di tích, di sản. Từ đó, đề ra các giải pháp tổng thể để bảo quản, phát huy từng di tích, di sản; đầu tư ngân sách và xã hội hóa nhiều hơn; tăng cường bảo quản và phát huy di tích, di sản.
Long Hồ