Đón Tết Nhâm Dần, Long An dựng nêu tống trừ dịch bệnh

 15:54 | Thứ tư, 26/01/2022  0
Ngày hôm qua (25.1), nhằm ngày 23 tháng chạp âm lịch, tại Huỳnh Phủ Gia Trang, làng Khánh Hậu (TP. Tân An, tỉnh Long An) đã diễn ra Lễ dựng nêu tống trừ dịch bệnh.

Huỳnh Phủ gia trang vốn nằm trên đất hương hỏa thờ tự của gia tộc Nguyễn Huỳnh của Đức Kiến xương Quận công Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức - một trong những đệ nhất công thần khai quốc của triều Nguyễn, từng hai lần là Tổng trấn Bắc thành, Tổng trấn Gia Định Thành. Huỳnh Phủ chính là nơi đặt phủ thờ đầu tiên của Kiến xương Quận công mãi đến thập kỷ 1950-1970 mới chuyển về gần lăng mộ hiện nay.

Ông Nguyễn Huỳnh Long trước Huỳnh Phủ nơi từng là Phủ đệ đầu tiên thờ Kiến Xương Quận Công.

Về đia lý, Huỳnh Phủ nằm ở trung tâm đất Ba Giồng là nơi những lưu dân đầu tiên đến khai hoang đất Nam Kỳ.

Theo truyền thống hàng trăm năm qua, mỗi độ xuân về, Huỳnh Phủ đều dựng nêu báo hiệu mừng xuân đồng thời tái hiện ý nghĩa phong tục tập quán thể hiện niềm tin, sự liên thông giữa con người và thế giới tâm linh, theo đó thần phật, những biểu tượng tâm linh thiện lành, tích cực luôn sát cánh hỗ trợ con người chống lại tà ma quỷ quái.

Trong huyền tích dân gian thì Phật đã giúp con người chống lại quỷ dữ trong cuộc chiến tranh giành đất đai, nông sản. Quỷ dữ không canh tác mà cứ đòi chia phần. Phật dạy loài người giao ước chia ngọn, lấy gốc và trồng mía giao cho quỷ ngọn mía. Quỷ đòi ăn gốc, Phật dạy con người trồng lúa cho quỷ ăn gốc ra. Quỷ đòi ăn cả gốc lẫn ngọn, Phật dạy con người trồng bắp. Cuối cùng Phật cho con người chiếc áo cà sa mắc lên ngọn cây tre, bóng cây dài tới đâu đất của người dài tới đó. Cây tre cứ cao mãi, bóng cà sa cứ xa dần đẩy quỷ dữ ra tận Biển Đông. Cây Nêu ra đời từ đó.

Với người Nam bộ, cây nêu là sự liên thông, là sự tạ ơn của con người với đất trời, với tổ tiên. Tùy theo mỗi vùng miền mà trên cây nêu treo các sản vật của địa phương và những hiện vật khác thể hiện mong muốn của con người. Với Huỳnh Phủ, cây nêu truyền thống treo quả bầu, nhánh lúa, bắp, các loại nhạc khí là thổ đặc sản và văn hóa đặc trưng của Long An. Giờ đây có thêm trái Thanh Long.

Các thành viên CLB Thư pháp Hồn Chữ Việt thắp hương chuẩn bị lễ cúng tên sư.

Các thành viên CLB cúng Tiên sư.

Ông Nguyễn Huỳnh Triều đọc văn tế cáo, ông Nguyễn Huỳnh Long và cô Tuyết Vân khi bút viết thư pháp cung thỉnh Tiên Sư.

Do hai năm qua dịch bệnh hoành hành, gây chết chóc bệnh tật khó khăn cho sinh hoạt người dân nên cây nêu và lễ dựng nêu của Huỳnh Phủ năm nay tập trung và chủ đề Tống Trừ Dịch Bệnh từ nội dung đến nghi tiết.

Để tiêu trừ dịch bệnh, trái bầu năm nay là bầu hồ lô vốn và vật chứa linh đan, linh dược, thêm hai lồng đèn đỏ (hồng đăng) cũng là khí cụ thế giới thần tiên chống trừ yêu quái.

Ông Nguyễn Huỳnh Triều trình cáo thư pháp cung thỉnh Tiên sư.

Ông Nguyễn Huỳnh Triều kiểm tra các loại vật cúng trên cây nẹu gồm trái bầu, thanh long, lúa, bắp, sáo trúc, hồng đăng...

Ấn tượng nhất của cây nêu tống trừ dịch bệnh năm nay là lá phướn dài hơn 5 mét có biểu tượng Thái Cực, Lưỡng Nghi, Bát Quái là biểu tượng đặc trưng của Thái Thượng Lão Quân - vị tiên ông râu dài bạc trắng chuyên luyện linh đơn cho thượng giới. Trên phướn có hàng chữ Mừng Xuân Nhâm Dần viết theo Thư Pháp Việt do nghệ nhân Thư pháp Nguyễn Huỳnh Long - người từng đạt nhiều giải thưởng Thư pháp quốc gia, đề bút.

Cuộc dựng nêu của Huỳnh Phủ lần này còn kết hợp với lễ khai bút đầu xuân của Câu lạc bộ (CLB) Thư pháp Hồn Chữ Việt do ông Nguyễn Huỳnh Triều - dòng đích đời thứ 7 của Đức Tiền quân, làm chủ nhiệm.

Các thanh niên đưa cây tre vào Huỳnh Phủ chuẩn bị dựng nêu.

Treo các vật cúng vào cây nêu.

Đúng ngọ ngày 23, khi các vật cúng trên cây nêu tống trừ dịch bệnh được bày biện xong thì một hương án giữa trời được bày ra. Ông Nguyễn Huỳnh Triều và các đại diện Câu lạc bộ thắp hương, nguyện hương. Ông Triều đọc văn tế cáo khai bút với chư vị tiên sư, tổ sư còn hai thành viên thâm niên nhất và trẻ nhất của Câu lạc bộ là Nguyễn Huỳnh Long và Nguyễn Thị Tuyết Vân khởi thảo hai bức thư pháp với dòng chữ “Cung Thỉnh Tiên Sư”, “Cung Thỉnh Tổ Sư”.

Nội dung văn tế cáo, ngoài các yêu cầu theo cổ lệ cũng gửi lời khấn nguyện Chư vị Tiên sư ban ân đức tiêu trừ dịch bệnh. Văn tế cáo đọc xong thì thư pháp cũng hoàn thành và được ông Nguyễn Huỳnh Triều trình cáo và thượng dâng lên bàn thờ Tiên sư.

Sau lễ khai bút và là lễ dựng nêu. Một đoàn trai tráng được tuyển chọn trước đã ra vườn nhà đốn cây tre cổ cao nhất trên 15m đưa đến cổng Huỳnh Phủ gắn phướn và vật cúng. Do xuất thân và gia thế của Huỳnh Phủ nên trong số thanh niên này phải có người từng xuất thân quân ngũ. Ông Nguyễn Huỳnh Triều đọc tiếp bài văn tế cáo với đất trời và các thanh niên đã tiến hành dựng nêu.

Cây nêu cao hơn 10m vượt trên những tàng cây.

Ngọn nêu với các vật cúng và lá phướng dài 5 m có biểu tượng thái cực, lưỡng nghi, bát quái và hàng chữ Mừng Xuân Nhâm Dần.

Cây nêu đã dựng xong vượt qua mọi tàng cây cối trong vườn, lừng lững giữa trời xanh. Lá phướn màu đỏ rực tung bay trong gió. Các chuông gió, sáo trúc trên cây nêu bắt đầu phát nhưng giai điệu du dương báo hiệu mùa xuân tràn đầy sức sống bắt đầu lan tỏa.

Do điều kiện dịch bệnh nên thành phần quan khách tham dự lễ dựng nêu chỉ hạn chế trong các đại diện Hội Văn nghệ Dân gian, Hội Sinh Vật Cảnh, Câu lạc bộ Đờn ca tài tử. Ngoài ra, các Đài Truyền hình Long An và Vĩnh Long cũng đã có mặt để ghi hình buổi lễ.

Đại Anh Kiệt

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.