Kỷ niệm 110 năm ngày sinh Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 2020):

Những duyên may của tôi với bác Ba Nghĩa

 11:43 | Thứ bảy, 15/08/2020  0
Ở trên những cương vị rất cao: Chủ tịch Quốc hội, Quyền Chủ tịch Nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông luôn chú trọng thực hiện quan điểm dân chủ của Hồ Chí Minh: quyền lực nhà nước là của dân, do dân, vì dân; cán bộ, công chức là công bộc! Một nhà nước như vậy thì phải bảo đảm dân chủ, càng xã hội chủ nghĩa thì càng phải dân chủ.

1. Từ cuối 1964, sau khi thành lập, Báo Giải Phóng đóng “trụ sở” bên cạnh cơ quan chủ quản là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (MTDTGP). MTDTGP khi ấy có sáu bộ phận, gọi là các B. B1 là cơ quan của các vị lãnh đạo Mặt trận, gồm những trí thức, nhân sĩ nổi tiếng, nhưng ai cũng được gọi bằng “bí danh”. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ là “bác Ba Nghĩa”. Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát là “bác Tám Chí”. B2 gồm bộ phận văn phòng, nghiên cứu, giao liên, thủ kho phục vụ đời sống và hoạt động hàng ngày của đơn vị. B3 có một trung đội bảo vệ, là bộ đội thứ thiệt, được đào tạo chiến đấu, có súng ống hẳn hoi. Họ tuần tra canh gác, cử chiến sĩ cận vệ cho các vị trong Ủy ban Trung ương MTDTGP. B4 là nơi sản xuất, trồng rau củ, nuôi heo gà phục vụ cho bữa ăn của toàn cơ quan. Còn Báo Giải Phóng, cơ quan ngôn luận của Mặt trận, là B5.

Ở căn cứ Trung ương Cục, “trụ sở” của tất cả các cơ quan đều là những căn nhà nhỏ lợp lá trung quân, loại lá khó cháy, dưới những tán rừng già trên đất Tây Ninh, giáp giới Campuchia. Thủ trưởng cơ quan MTDTGP, Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ, cũng ở trong một “tư dinh” như thế. “Tư dinh” là một căn nhà lá, giống như nhà của các nhân viên khác. Trong “tư dinh”, thường có một chiếc giường ngủ và một chiếc bàn làm việc làm bằng cây rừng, ráp nối bằng dây leo hay mộng gỗ. Bên cạnh là chiếc hầm tránh bom, “tiện ích” phải có của một căn nhà ở chiến khu. Tại “tư dinh” đó của mình, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã từng tiếp đón các nhà báo quốc tế Madeleine Riffaud và Winfred Burchett. 

Chủ tịch - Luật sư Nguyễn Hữu Thọ trong một lần đến thăm cán bộ, nhân viên Báo Giải Phóng trong chiến khu. Người bên phải Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là nhà báo Thái Duy. Ảnh: TL


2. Tôi gặp Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ lần đầu tại “tư dinh” của ông, vào đầu năm 1966. Là nhân viên nhỏ tuổi của B5, tôi hay được sai đi đưa bài hay tài liệu của báo qua B1 cho bác Ba Nghĩa. Báo Giải Phóng, ngay từ số đầu tiên vào ngày 20.12.1964, đã do bác Ba Nghĩa quan tâm chỉ đạo, dù đã có chú Kỳ Phương (nguyên Tổng biên tập Báo Cứu Quốc), làm chủ bút. Ấn tượng không quên của tôi về bác Ba Nghĩa là, dù ở rừng sâu, tiện nghi thiếu thốn, nhưng ông luôn ân cần và lịch sự. Năm 1966, tôi mới 13 tuổi. Việc tôi trở thành nhân viên của Báo Giải Phóng, từ đó có duyên may gặp bác Ba Nghĩa - Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là một câu chuyện “bây giờ mới kể”… 

3. Tháng 4.1965, khi tôi vừa đậu xong tiểu học loại giỏi nhưng thi rớt lên đệ thất (cấp 2 bây giờ), má tôi quyết định đưa tôi từ Long An vào chiến khu để học tiếp ở một trường dành cho con em cán bộ cách mạng. Do trường không nhận thêm học trò, tôi phải ở lại Ban Trí vận - Mặt trận của Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, đóng ở Bến Cát (Thủ Dầu Một), còn má tôi thì trở lại Sài Gòn để tiếp tục công tác.

Dù còn nhỏ tuổi, tôi vẫn được cơ quan giao công việc. Hàng ngày, hai buổi, tôi chép tin đọc chậm của Thông tấn xã Việt Nam phát từ Đài tiếng nói Việt Nam, để Ban Trí vận làm tài liệu gửi vào thành. Chép tin xong thì cắt giấy báo làm bao thư, để cơ quan sử dụng; rảnh nữa thì phụ “chị nuôi” nấu cơm. Thỉnh thoảng, có đợt học nghị quyết của các cán bộ hoạt động nội thành, tôi được giao việc “cơm bưng, nước rót” cho các anh chị ấy. Họ ngồi trong những chiếc võng, bịt mặt và cách ly nhau bằng những tấm ny lông để không nhận biết nhau sau khi trở lại Sài Gòn. Những người chỉ đạo học nghị quyết lúc đó thường là chú Tư Ánh (Trần Bạch Đằng), bác Tám Chí (Huỳnh Tấn Phát), bác Năm Thới (Tạ Bá Tòng), bác Chín Quyền (Vương Văn Lễ) …

4. Sau mấy trận bom pháo suýt chết và mấy lần chui địa đạo vì các trận càn lớn ở An Tây, An Thành, tháng 11.1965, tôi và Trần Phan Nam (con chú Mười Tân, nguyên phó giám đốc Sở Giáo dục TP.HCM), hai “thằng nhỏ” trong cơ quan, cùng một số anh chị nữa, được đưa lên “R”, vào Báo Giải Phóng.

Lên rừng, chúng tôi không bị càn, nhưng hay bị ném bom. Một lần, chúng tôi chịu một trận bom B52 ném toàn bom bi. Chúng tôi ở dưới hầm, bom nổ rền vang, muốn điếc tai, cứ sợ nó rớt vào hầm. Vì là bom bi nên số lượng rất nhiều và nổ dây chuyền rất lâu, tưởng như vô tận. Sau trận bom, may không ai thương vong. Những trái bom bi nhỏ chưa kịp nổ, màu vàng tươi, trông như những đồ chơi rất xinh, nằm la liệt khu căn cứ. Chúng tôi lấy về, cạy ngòi nổ, lấy thuốc súng làm nhiên liệu nấu nước pha trà. Ngoài những trận bom, còn vài lần bị rải chất độc hóa học. Cả cơ quan phải đeo khẩu trang, chế bằng mấy lớp vải mùng, ở giữa có một lớp than gáo dừa.

Nhà báo Thép Mới (người trong cùng bên trái) chủ trì một cuộc họp Ban biên tập Báo Giải Phóng năm 1969. 
Ngồi bên cạnh nhà báo Thép Mới là tác giả Trương Trọng Nghĩa. Ảnh: TL


5. Từ cuối năm 1966, Báo Giải Phóng có quyết định chuyển về căn cứ Lò Gò - Bến Ra, thượng nguồn sông Vàm Cỏ Đông, trở thành Tiểu ban Báo chí, thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, mật danh là B18. Tôi tiếp tục chép tin đọc chậm, giữ thư viện cho báo, thỉnh thoảng vác súng theo bảo vệ mấy “ông già” đi công tác đó đây bằng xe đạp. Đôi khi, tôi có gặp hai người con của bác Ba Nghĩa là anh Nguyễn Hữu Châu, công tác ở cơ quan đối ngoại, hay anh Nguyễn Hữu Phước, xướng ngôn viên Đài phát thanh Giải Phóng, vì cùng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, đóng chung khu rừng bên sông Vàm Cỏ. Nhưng tôi không có dịp gặp lại bác Ba Nghĩa. Sau ngày hòa bình, tôi chỉ gặp ông từ xa, trong các dịp lễ lớn. Tuy vậy, tôi vẫn còn có một duyên may nhỏ thời kháng chiến với ông.

6. Đầu năm 1967, quân Mỹ mở trận càn Junction City, đánh nát khu căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục. Xe tăng M41 của quân Mỹ cán lên cây rừng, dẹp nát như xác mía, tạo thành những con đường dọc sông Vàm Cỏ Đông. Phòng bá âm của Đài phát thanh Giải Phóng và nhà in của Báo Giải Phóng bị chà nát, máy in bị trực thăng cẩu đi. Theo chủ trương, mỗi cơ quan của Ban Tuyên huấn phải lập một tổ du kích ở lại bám trụ căn cứ, số còn lại thì sơ tán qua những cánh rừng bên kia biên giới. Cơ quan tôi để lại năm người, mỗi ngày vác súng ra chiến hào dọc trảng Cố Vấn rình xe tăng, chống càn.

Hơn hai tháng sau, trận càn kết thúc, ba trong năm du kích cơ quan hy sinh. Tổ trưởng là anh Nguyễn Hồ (lúc ấy là biên tập viên của Báo Giải Phóng) may mắn sống sót, sau này là phó giám đốc Đài Truyền hình HTV và giám đốc Hãng phim TFS trước khi nghỉ hưu. Sau trận càn, MTDTGP có một đợt trao tặng huân, huy chương theo niên hạn cho cán bộ, nhân viên của các cơ quan. Như mọi thành viên của Báo Giải Phóng, tôi cũng được tặng thưởng, và đó là tấm Huy chương Quyết thắng. Điều vinh dự là những tấm huân, huy chương này, đề ngày 31.12.1967, do chính Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ký bằng bút mực, có đóng dấu đỏ của Ủy ban Trung ương Mặt trận đàng hoàng. 

7. Đầu năm 1968, Tổng tấn công Mậu Thân nổ ra, cơ quan tôi có nhiều anh chị được cử về Sài Gòn để tác nghiệp báo chí, hoặc tham gia các lực lượng biệt động. Sau đó, người thì sống sót trở về, một số bị bắt, một số hy sinh, trong đó có chú Ba Hùng (liệt sĩ Trần Huân Phương, ba của PGS-TS-BS. Trần Diệp Tuấn, hiện là Hiệu trưởng Đại học Y Dược TP.HCM và TS. Diệp Dũng, hiện là Chủ tịch HĐQT Saigon Co.op).

Năm 1969, sau Tổng tấn công, Báo Giải Phóng mua được máy in để ra báo giấy trở lại. Chúng tôi có thủ trưởng mới là nhà báo Thép Mới và đội ngũ biên tập viên, phóng viên mà sau 30.4.1975 là những tên tuổi rất quen thuộc của làng báo Sài Gòn và Việt Nam, như Thái Duy, Trần Tâm Trí, Tô Quyên, Bùi Kinh Lăng, Đinh Phong, Vũ Tuất Việt, Hoài Vũ, Nguyễn Hồ, Cao Kim, Danh Lân, Tiểu Dân, Bến Hải, Mai Trang, Thế Phiệt... Lớp trẻ trong cơ quan, như Minh Hiền (sau này là Tổng biên tập Báo Doanh Nhân Sài Gòn), Trần Phan Nam và tôi, đã đến tuổi “bẻ gãy sừng trâu”, được học các lớp viết báo ngắn hạn và bắt đầu làm tư liệu, viết tin, viết phóng sự. Chúng tôi đã là “chủ lực” của cơ quan trong việc đào hầm, tải gạo, cáng thương, vận chuyển vũ khí xuống chiến trường.

Đầu năm 1969, MTDTGP lại tổ chức một đợt trao tặng huân, huy chương. Lần này, tôi được nhận Huân chương Quyết thắng hạng III. Không ngờ, tấm huân chương này cũng do bác Ba Nghĩa ký bằng bút mực, cũng có dấu đỏ.

Huân chương do Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ ký tặng nhân viên Báo Giải Phóng Trương Trọng Nghĩa


8. Mối duyên may lớn nhất của tôi với bác Ba Nghĩa, có lẽ là điều sau cùng này: sau mấy chục năm làm công chức, tôi đã theo bước chân ông trở thành luật sư và là đại biểu Quốc hội. Điều sâu sắc tôi chiêm nghiệm được ở ông là: vì là luật sư, nên khi nắm cương vị Chủ tịch Quốc hội hay Quyền Chủ tịch Nước, ông đặc biệt nỗ lực góp phần xây dựng một nhà nước pháp quyền thực chất.

Ông yêu cầu: “Quốc hội dứt khoát không thể là vật trang trí, là tổ chức hình thức. Các phiên Quốc hội họp không thể là dịp đại biểu tham luận, phát biểu cảm tưởng. Quốc hội phải tranh luận thẳng thắn và công khai mọi vấn đề”. Là luật sư, ông ý thức rõ nguyên tắc cao nhất của nhà nước pháp quyền là “thượng tôn pháp luật”. Ông từng nói: “Luật mà thi hành không nghiêm thì sẽ đẻ ra luật rừng, luật rừng đẻ ra xã hội rừng”. 

Ở trên những cương vị rất cao: Chủ tịch Quốc hội, Quyền Chủ tịch Nước, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ông luôn chú trọng thực hiện quan điểm dân chủ của Hồ Chí Minh: quyền lực nhà nước là của dân, do dân, vì dân; cán bộ, công chức là công bộc! Một nhà nước như vậy thì phải bảo đảm dân chủ, càng xã hội chủ nghĩa thì càng phải dân chủ.

Ông nói: “Dân chủ xã hội chủ nghĩa cần được tiếp nhận sự triển khai đồng bộ của một loạt động tác - tất cả đều quan trọng cơ bản: dân chủ nội bộ đảng cầm quyền, dân chủ trong tổ chức xã hội, dân chủ về chính trị và kinh tế, dân chủ ở bên trên và bên dưới, giữa bên trên và bên dưới… Dân chủ là thế mạnh của chúng ta, nhưng khi giành chính quyền trọn vẹn chúng ta lại làm xói mòn thế mạnh này”. Ông nhấn mạnh: “Tất cả vấn đề là phải đấu tranh để thực hiện… bởi lẽ dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh”.

GS-BS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng (nguyên Phó chủ tịch Quốc hội, nguyên Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ) vẫn nhớ lời ông khi Quốc hội thông qua Bộ luật Hình sự năm 1985 mà ông có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng: “Ông già nhắc đi nhắc lại phải luôn nhớ đến nguyên tắc “suy đoán vô tội”. Ông già nói dân Việt Nam mình mấy chục triệu, chỉ chừng một, hai hay chục ngàn người phạm tội. Vì vậy, ban hành luật ra không phải để trừng phạt mà để bảo vệ dân...”.

9. Với tư duy minh triết và những đóng góp xuất sắc cho đất nước cả trong thời chiến và thời bình, Luật sư Nguyễn Hữu Thọ luôn được xem là tấm gương tiêu biểu của đội ngũ luật sư và đặc biệt là luật sư ở TP.HCM, dù với các bậc lão thành như Trần Ngọc Liễng, Nguyễn Phước Đại, Ngô Bá Thành, hay lớp kế cận, như Triệu Quốc Mạnh, Nguyễn Đăng Trừng, Trịnh Đình Ban, Trần Anh Tuấn, Trương Thị Hòa, Nguyễn Ngọc Bích, hay với lớp trẻ hơn, sinh ra sau ngày hòa bình.

Nhớ đến Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ là nhớ đến một biểu tượng cao đẹp: dù đang là luật sư nổi tiếng thành đạt ở đất Sài Gòn, đã bỏ lại tất cả vinh hoa phú quý để dấn thân vào cuộc đấu tranh vì độc lập của tổ quốc, vì quyền tự do, dân chủ của nhân dân, vì công lý và chính nghĩa. Các con ông, trong những lần tâm sự với bạn bè thường kể: khi còn đương chức cũng như khi đã rời khỏi cương vị lãnh đạo, điều làm ông trăn trở, day dứt nhất là dân mình còn khổ, xã hội còn mất dân chủ, cán bộ, công chức còn quan liêu, tham nhũng. 

10. Trong kinh tế thị trường, luật sư thì phải sống bằng nghề, không được hưởng trợ cấp hay ưu đãi gì của nhà nước, người giỏi thì thu nhập khá, người kém thì vất vả kiếm sống. Vì thế, học theo cách sống dấn thân của bác Ba Nghĩa thật không dễ, nhưng đã chọn nghề luật sư, không thể không lấy những tấm gương sáng trong như ông để soi rọi bản thân mình. 

Luật sư Trương Trọng Nghĩa

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.