Tôi kể chuyện ấy với bạn nhỏ đang học lớp một, trước ngày thi cuối năm học. Bạn nghe xong rón rén hỏi: “Vậy giấy khen có quan trọng không ba?”. “Cũng quan trọng, nhưng không quan trọng cho bằng việc con cảm thấy vui trong mỗi ngày đi học, con thấy việc học làm con thích thú”.
Kể lại chuyện đó, cũng chỉ để nói rằng, làm phụ huynh ở vào giai đoạn này, muốn khác đi “xu hướng điểm 10” thì cũng thật khó. Có những áp lực mà môi trường giáo dục tạo ra, có những áp lực mà chính mình vừa là “hung thủ” vừa là nạn nhân. Và ngay cả khi bạn đi ngược lại xu hướng “ai sao mình vậy, con ai sao con mình phải vậy”, bạn cũng phải chuẩn bị một tinh thần thật vững vàng, một niềm xác tín thật rõ ràng.
Sự bình tĩnh và thứ văn hóa từ tốn, thực học trong giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, chưa bao giờ cần thiết như lúc này.
Trong cuốn sách Under Pressure (sắp xuất bản tại Việt Nam với nhan đề Tuổi thơ tìm thấy - giải cứu con trẻ thoát khỏi những áp lực từ cha mẹ, Phanbook & NXB Văn Hóa Văn Nghệ), chuyên gia Carl Honoré dùng từ “cha mẹ trực thăng” để nói về các phụ huynh luôn giám sát và điều khiển con cái theo kỳ vọng của mình; tự biến mình thành những chiếc trực thăng quần thảo trên đầu con cái, tạo ra vô vàn áp lực cạnh tranh cho bọn trẻ. Đơn giản, họ nghĩ rằng, khi con mình cạnh tranh vượt trội trong mọi môi trường học vấn thì sẽ có cuộc đời dễ dàng, thành công, hạnh phúc về sau.
Điều này càng nặng nề hơn trong một thời đại xã hội “cạnh tranh và thiếu kiên nhẫn”, theo cách nói của tác giả cuốn sách trên. Bọn trẻ bị cha mẹ và nhà trường tước mất tuổi thơ, cơ hội phát triển bình thường theo đúng tâm lý lứa tuổi. Dù cho giáo trình tâm lý lứa tuổi được “nhằn” khá kỹ trong các nhà trường sư phạm, dù các biện pháp cải cách giáo dục hiện đại luôn nêu cao khẩu hiệu khuyến khích sự sáng tạo chủ động của người học nhưng điểm số, thành tích đang khiến môi trường học đường trở thành một sân đua triệt tiêu mọi năng lượng và hứng thú tiếp nhận tri thức. Chưa nói, trong sân đua ấy, khi cạnh tranh là yếu tố được đẩy lên hàng đầu, khi áp lực hợp thức hóa thành tích trở thành điều không còn xa lạ, thì giá trị thực học bị triệt tiêu.
Cuộc đua thành tích bề mặt dễ làm cho chính nhà trường là nơi phản giáo dục: sẵn sàng loại bỏ rất nhiều trẻ em thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương, hoặc đẩy các em ra bên lề của đời sống giáo dục bình thường thay vì kiên nhẫn và tạo điều kiện bình đẳng.
Theo đó, một số phẩm chất đạo đức tốt lành như sự chân thành, minh bạch, sự tự biết năng lực bản thân hay tôn trọng sự khác biệt nơi người khác không những không bảo vệ, khuyến khích, mà còn bị thay thế bằng các giải pháp tiêu cực, thiếu lành mạnh để đạt mục đích ưu thế trong thi đua.
Khi con trai tôi nói rằng, ba ơi, trong lớp con có những bạn không học được môn tiếng Anh, các bạn sợ ở lại lớp, tôi đã giải thích cho con rằng: không phải ba mẹ nào cũng biết tiếng Anh để tối về có thể ôn bài cho con, đó là còn chưa kể đến những trường hợp các bạn có hoàn cảnh không may mắn, không có cha mẹ, phải sống với ông bà, việc được đến trường đã là khó khăn, nói chi đến chăm lo ôn luyện bài vở. “Và con phải yêu thương các bạn ấy nhiều hơn, đừng coi thường hay chê bai các bạn, phải giúp đỡ các bạn để cùng vui học”, tôi dặn bạn nhỏ.
Cuộc đua thành tích bề mặt dễ làm cho chính nhà trường là nơi phản giáo dục: sẵn sàng loại bỏ rất nhiều trẻ em thuộc nhóm yếu thế, dễ tổn thương, hoặc đẩy các em ra bên lề của đời sống giáo dục bình thường thay vì kiên nhẫn và tạo điều kiện bình đẳng.
Tôi đã nghe một người bạn giáo viên tâm sự về sự khó khăn khi chỉ tiêu thi đua được áp xuống từng lớp, tôi cũng đã nghe nhiều bạn bè than thở rằng biết là không nên chạy theo thành tích điểm số, nhưng cứ có con đi học thì sẽ biết...
Điều quan trọng là từ nhà trường đến giáo viên đứng lớp - những người tham gia trực tiếp vào hoạt động giáo dục và phụ huynh trong bối cảnh hôm nay cần tư duy lại mục tiêu tối hậu của giáo dục là gì và cần sự xác tín, thậm chí, cả một dũng khí để lội ngược dòng về với sự giáo dưỡng trong từ tốn (slow parenting).
Trong một nhóm phụ huynh học sinh lớp một trao đổi trên mạng, giữa lúc nhiều người bày tỏ lo âu về chương trình thi cuối kỳ, thì tôi đặc biệt chú ý đến chia sẻ của một phụ huynh trẻ, đại ý, cô vẫn cho con chơi “tẹt ga”, ngày lễ cũng như ngày thường. Cô lấy ví dụ á quân Đường lên đỉnh Olympia ngày xưa còn học lớp một hai năm, bọn trẻ trong lớp giỏi chán. Nhiều người nhấn “like” cho ý kiến lạc quan đó, nhưng sáng hôm sau, trước phòng thi cuối năm của bọn trẻ lớp một, tôi còn gặp quá nhiều ánh mắt cha mẹ bồn chồn, lo âu, thắc thỏm…
Cay đắng, nhưng Carl Honoré trong cuốn sách đã nêu có thể giúp chúng ta phản tỉnh: “Con cái chúng ta lớn lên cùng nỗi lo sợ thất bại và kỳ vọng mọi thứ đều sẽ được bày sẵn tươm tất. Việc dạy con có nguy cơ trở thành một cuộc đua của sự hoảng loạn, tội lỗi và thất vọng, làm cho chúng ta khó lòng an tâm về sự an toàn của con hay thậm chí là tin tưởng tụi nhỏ”.
Sự bình tĩnh và thứ văn hóa từ tốn, thực học trong giáo dục nhà trường, giáo dục gia đình, chưa bao giờ cần thiết như lúc này, trong một bối cảnh văn hóa cạnh tranh khốc liệt trên mọi lĩnh vực và “thành công, vượt trội, dẫn đầu” luôn là những khẩu hiệu thời thượng.
Với cá nhân tác giả bài viết này, tự thấy điều đáng kể nhất mà một người cha làm được với đứa con lớp một, đó là một chiều kia đón con từ cổng trường, tôi hỏi: “Hôm nay con làm bài thi thế nào?”. Bạn nhỏ ngơ ngác một lúc, rồi trả lời: “Con đâu có thi”. “Ủa, bữa nay con thi cuối kỳ mà”. “Không, ba lộn rồi. Hôm nay cô phát cho con một tờ giấy, con làm bài vô đó rồi nộp cho cô, chứ đâu có thấy thi gì đâu”.
Kết quả thi cuối kỳ, bạn được 8 điểm môn toán. Nhưng không sao. Bạn vẫn lên lớp. Chúng tôi đều vui. Những việc còn lại đâu có quan trọng gì.
“Ngày xưa ba còn trốn lễ tổng kết, không nhận thưởng nữa là...”.
Bài và ảnh: Ba Harin