Giám đốc Học viện Ngoại giao Anwar Gargash nhiệt liệt chào đón Thủ tướng Phạm Minh Chính. Ảnh: Nhật Bắc
Học viện Ngoại giao Anwar Gargash được thành lập năm 2014. Mặc dù có lịch sử tương đối non trẻ, song Học viện đã có nhiều đóng góp quan trọng vào việc định hình tầm nhìn ngoại giao của UAE, đặc biệt là chính sách ngoại giao hòa giải và tinh thần tương trợ, đoàn kết quốc tế.
Trước sự có mặt của 200 sinh viên, giáo sư, quan chức Chính phủ UAE và đại diện ngoại giao đoàn tại Thủ đô Abu Dhabi, Thủ tướng đã dành thời gian chia sẻ về 3 nội dung chính: Về tình hình thế giới và khu vực hiện nay; Các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam; Tầm nhìn về quan hệ Đối tác Toàn diện Việt Nam-UAE và quan hệ Việt Nam-Trung Đông thời gian tới.
Những thay đổi sâu sắc mang tính thời đại
Chia sẻ về tình hình thế giới và khu vực hiện nay, Thủ tướng cho rằng, cục diện thế giới và hai khu vực Vùng Vịnh, ASEAN đang trải qua những thay đổi sâu sắc mang tính thời đại.
Nhìn chung, tình hình thế giới về tổng thể thì hòa bình, nhưng cục bộ có chiến tranh; về tổng thể thì hòa hoãn, nhưng cục bộ có căng thẳng; về tổng thể thì ổn định, nhưng cục bộ có xung đột.
Thủ tướng cho rằng, trong quan hệ quốc tế hiện nay nổi lên 6 mâu thuẫn lớn: (i) Giữa chiến tranh và hòa bình: (ii) Giữa hợp tác và cạnh tranh; (iii) Giữa mở cửa, hội nhập và độc lập, tự chủ; (iv) Giữa đoàn kết, liên kết và phân tách, phân tuyến; (v) Giữa phát triển và tụt hậu; (vi) Giữa tự chủ và phụ thuộc.
Điều đáng mừng là hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng cháy bỏng của tất cả các dân tộc trên thế giới. Tuy nhiên, tính bất ổn, bất trắc và bất định của môi trường an ninh toàn cầu ngày càng tăng; chủ nghĩa đa phương, luật pháp quốc tế có lúc, có nơi bị thách thức nghiêm trọng; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt.
Người đứng đầu Chính phủ nhận định, tương lai thế giới đang bị tác động mạnh mẽ bởi 3 yếu tố chủ đạo và được định hình, dẫn dắt bởi 3 lĩnh vực tiên phong.
Trong đó, 3 yếu tố tác động chủ đạo là: Sự phát triển bùng nổ của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là số hóa và trí tuệ nhân tạo (AI); tác động tiêu cực của các thách thức an ninh phi truyền thống, như biến đổi khí hậu, già hóa dân số, thiên tai, cạn kiệt tài nguyên; sự phân tách, phân tuyến, phân cực dưới tác động của cạnh tranh địa-chiến lược và địa-kinh tế trên toàn cầu.
3 lĩnh vực định hình, dẫn dắt, tiên phong là: Phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế ban đêm; đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và cách mạng công nghiệp lần thứ tư; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và AI.
Thủ tướng nhấn mạnh, những vấn đề trên đây có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tác động, ảnh hưởng sâu rộng, toàn diện, đến mọi người dân trên thế giới. Vì vậy, cần có tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận mang tính toàn dân, toàn diện, toàn cầu trong giải quyết những vấn đề này.
Điều đó đòi hỏi tất cả các nước kiên trì đối thoại, hợp tác trên tinh thần đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, đề cao chủ nghĩa đa phương và luật pháp quốc tế; nỗ lực tìm ra các giải pháp hữu hiệu mang tính tổng thể, hệ thống, bao trùm, lấy người dân làm trung tâm, không để ai bị bỏ lại phía sau, mở ra các không gian phát triển mới, giữ vững môi trường hòa bình, hợp tác và phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Theo Thủ tướng, trong xu hướng chung đó, việc chung tay, góp sức định hình một trật tự quốc tế như vậy vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm của các nước, trong đó có Việt Nam và UAE.
Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình
Chia sẻ với các đại biểu về các yếu tố nền tảng, quan điểm phát triển, thành tựu và định hướng phát triển của Việt Nam, Thủ tướng cho biết, trên cơ sở chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, truyền thống văn hóa lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc, vận dụng sáng tạo vào điều kiện, hoàn cảnh đất nước và xu thế, tình hình thế giới hiện nay, Việt Nam nhất quán tập trung xây dựng 3 yếu tố nền tảng chủ yếu: Xây dựng nền dân chủ XHCN; xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Việt Nam nhất quán quan điểm xuyên suốt: Giữ vững ổn định chính trị-xã hội; lấy con người làm trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, là động lực và là nguồn lực quan trọng nhất của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội và môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Trên cơ sở đó, Việt Nam thực hiện 6 chính sách trọng tâm về đối ngoại, hội nhập; bảo đảm quốc phòng-an ninh; phát triển kinh tế; phát triển văn hóa; bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, an sinh xã hội; xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đồng thời đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược về thể chế, hạ tầng và nhân lực với quan điểm nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân.
Thủ tướng chia sẻ, Việt Nam là một trong những nước chịu nhiều đau thương, mất mất, thiệt hại nhất kể từ sau Thế chiến II, liên tục bị tác động bởi chiến tranh, bao vây, cấm vận. Việt Nam không khuất phục, song đã gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng đến tương lai để biến thù thành bạn.
Sau gần 40 năm Đổi mới, từ một nước bị tàn phá bởi chiến tranh, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam hiện có quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia, trong đó có quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện với 8 quốc gia, quan hệ Đối tác Chiến lược với 10 quốc gia, quan hệ Đối tác Toàn diện với 14 quốc gia (trong đó có UAE); là thành viên tích cực của hơn 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 253 đảng ở 115 quốc gia trên thế giới.
Từ một nước nghèo nàn lạc hậu, bị chiến tranh tàn phá, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình; thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 4.300 USD; thuộc nhóm 34 nền kinh tế lớn nhất thế giới và 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại, đã ký 17 hiệp định thương mại tự do (Hiệp định CEPA với UAE là hiệp định thứ 17); xếp thứ 11/133 về chỉ số đổi mới sáng tạo.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, bất ổn, tăng trưởng nhiều nền kinh tế và đầu tư toàn cầu suy giảm, tăng trưởng kinh tế và đầu tư của Việt Nam vẫn phục hồi tích cực (GDP năm 2024 ước tăng khoảng 7%; thu hút đầu tư nước ngoài khoảng 39-40 tỷ USD). Bội chi ngân sách, nợ công, nợ Chính phù, nợ nước ngoài được kiểm soát tốt.
An sinh xã hội, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Chính trị-xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả quan trọng.
Việt Nam cũng đi đầu trong thực hiện thành công nhiều Mục tiêu phát triển bền vững (SDG), nhất là về xóa đói giảm nghèo, y tế, giáo dục. Với thế và lực mới, Việt Nam ngày càng chủ động đóng góp cho các quan tâm chung của toàn cầu.
Thủ tướng chia sẻ về 5 bài học kinh nghiệm của Việt Nam: Nắm vững ngọn cờ độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân; không ngừng củng cố, tăng cường đoàn kết (đoàn kết toàn Đảng, đoàn kết toàn dân, đoàn kết dân tộc, đoàn kết quốc tế); kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh trong nước với sức mạnh quốc tế; sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Từ thực tiễn Đổi mới của Việt Nam, có thể đúc kết, nguồn lực bắt nguồn từ tư duy; động lực bắt nguồn từ sự đổi mới; sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân, doanh nghiệp.
Về định hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu rõ thông điệp đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Việt Nam lấy dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh làm mục tiêu tổng quát, là động lực phấn đấu. Xác định mục tiêu chiến lược đến năm 2030, trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá, dự báo bối cảnh tình hình thế giới, trong nước thời gian tới, Việt Nam tiếp tục xác định rõ khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi và cần bám sát thực tiễn, có phản ứng chính sách kịp thời, linh hoạt, hiệu quả.
Trong đó, tập trung thực hiện hiệu quả 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; làm mới những động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới (như khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, AI, chíp bán dẫn...); đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, tạo chuyển biến thực chất trong các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, kết hợp hài hoà giữa nguồn lực bên trong và nguồn lực bên ngoài; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; củng cố, tăng cường quốc phòng an ninh, đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế, tạo môi trường hoà bình, ổn định và điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước
6 ưu tiên lớn trong quan hệ Việt Nam-UAE
Thủ tướng cho biết, UAE là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến thăm khu vực Trung Đông lần này - chuyến thăm chính thức đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến khu vực sau 15 năm.
Việc hai nước đã nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác Toàn diện và ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) là sự khẳng định mạnh mẽ rằng, trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, khu vực Trung Đông và đất nước UAE có vị trí rất quan trọng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong chuyến thăm lần này, càng cảm nhận sâu sắc hơn câu nói của Tổng thống UAE Sheikh Mohamed bin Zayed Al Nahyan: "Đất nước UAE là miền đất của sự khoan dung, chung sống và mở lòng với người khác".
Theo Thủ tướng, con đường phát triển của Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với UAE. Lãnh đạo hai nước có điểm chung là rất coi trọng thời gian, trí tuệ và sự hợp tác hữu nghị, bình đẳng, góp phần vào hòa bình, hợp tác, phát triển trong khu vực và trên thế giới; cùng chung khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Thủ tướng bày tỏ ngưỡng mộ, ấn tượng với sự phát triển vượt bậc của thành phố Abu Dhabi, xứng đáng với tên gọi "kỳ tích trên sa mạc", những công trình cho thấy tư duy độc đáo, đột phá, vượt trội, mang lại nguồn lực, giá trị gia tăng to lớn của UAE, như Bảo tàng Tương lai, Đảo Cọ…
Đánh giá "UAE là quốc gia đã biến những gì không thể thành có thể", Thủ tướng nhiệt liệt chúc mừng thành công của Chính phủ và nhân dân UAE đã đưa đất nước vươn lên thành trung tâm kinh tế, tài chính và công nghệ hàng đầu khu vực.
Cùng nhìn về tương lai, với khát vọng không ngừng vươn lên, UAE đang nỗ lực hiện thực hóa "Tầm nhìn UAE 2031", "Tầm nhìn UAE 2071". Việt Nam đang nỗ lực hiện thực hóa 2 mục tiêu 100 năm: Đến năm 2030 (100 năm thành lập Đảng) trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, có thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 (100 năm thành lập nước) trở thành nước phát triển có thu nhập cao.
Thủ tướng cho rằng, hai dân tộc cần cùng nhau đồng hành, truyền cảm hứng, sát cánh cùng nhau trên hành trình hiện thực hóa tầm nhìn và khát vọng phát triển, hướng tới tương lai phát triển phồn vinh, hạnh phúc.
Theo Thủ tướng, việc nâng quan hệ Việt Nam-UAE lên Đối tác Toàn diện mở ra nhiều triển vọng hợp tác to lớn cho hai nước trên tất cả các lĩnh vực. Đây là kết quả của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác tốt đẹp được các thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công vun đắp trong hơn 3 thập kỷ qua, với tinh thần thiện chí, bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, chân thành, tin cậy.
Với các giá trị chung và những điểm tương đồng, với quan hệ Đối tác Toàn diện, hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần thúc đẩy hợp tác đa phương và đoàn kết quốc tế, xây dựng và định hình các cơ chế, chính sách, quy tắc, luật lệ, đóng góp có trách nhiệm vào các quan tâm chung của khu vực và toàn cầu.
Để hiện thực hóa quan hệ Đối tác Toàn diện vừa được thiết lập, Thủ tướng đề nghị Việt Nam và UAE tăng cường hợp tác 6 ưu tiên lớn.
Theo đó, tiếp tục gìn giữ, củng cố, vun đắp tin cậy chính trị, nhất là trao đổi đoàn cấp cao, thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, đoàn kết giữa Nhà nước, Chính phủ và nhân dân hai nước.
Cùng với đó, đưa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư trở thành trụ cột quan trọng của quan hệ song phương; triển khai hiệu quả Hiệp định CEPA vừa ký kết; khuyến khích các quỹ đầu tư, doanh nghiệp UAE đầu tư vào các dự án lớn, đột phá; tăng cường hợp tác trong phát triển ngành Halal tại Việt Nam, hợp tác nông nghiệp là lĩnh vực có tiềm năng hợp tác rất lớn giữa hai nước.
Tăng cường hợp tác về khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh; tăng cường hơn nữa hợp tác giáo dục-đào tạo, giao lưu nhân dân, hợp tác du lịch, văn hóa giữa hai nước.
Đẩy mạnh hợp tác đa phương, đề cao luật pháp quốc tế, kiên trì thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, tăng cường đoàn kết và hiểu biết giữa các dân tộc. Đóng góp tích cực, chủ động hơn cùng cộng đồng quốc tế giải quyết các thách thức toàn cầu.
Kết thúc bài phát biểu, Thủ tướng nhấn mạnh khu vực Trung Đông nói chung và Vùng Vịnh, trong đó có UAE là vùng đất của những tiềm năng lớn. Tuy xa xôi về địa lý, nhưng các nước khu vực, nhất là Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày càng gần gũi với ASEAN về tầm nhìn và định hướng phát triển.
"Những thành tựu phát triển và thành công ngoạn mục trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng của các bạn là tấm gương để ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng tham khảo, học hỏi. Phát huy những triển vọng hợp tác của khuôn khổ quan hệ Đối tác Toàn diện mới, những giá trị mà hai dân tộc của chúng ta cùng trân trọng và với tầm nhìn, quyết tâm và nỗ lực chung, chúng ta mong muốn và tin tưởng rằng, Việt Nam và UAE sẽ cùng nhau viết nên một chương mới rực rỡ hơn trong quan hệ hai nước, vì lợi ích thiết thực của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở hai khu vực của chúng ta và trên thế giới", Thủ tướng phát biểu.
Bài phát biểu và những chia sẻ chân thành, thẳng thắn, tin cậy của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt liệt của người nghe.
Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính và đoàn đại biểu Việt Nam trong chương trình chuyến thăm chính thức UAE, khép lại chặng đầu tiên rất thành công trong chuyến thăm tới 3 nước Trung Đông.
Sau hoạt động này, Thủ tướng và Đoàn đại biểu Việt Nam rời Abu Dhabi, lên đường thăm chính thức Saudi Arabia.
Hà Văn