Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang tham vấn báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án Quần thể khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ, được kiến nghị phê duyệt bởi chủ đầu tư là Công ty cổ phần dịch vụ cáp treo Bà Nà (thuộc Tập đoàn Sun Group). Thời gian tham vấn đến cuối tháng 6.2025. Dự án hình thành từ sáp nhập và điều chỉnh các dự án thành phần trong khu vực quần thể, có tổng diện tích khoảng 806,19 ha trong đó diện tích đất chuyển đổi mục đích sử dụng rừng ở giai đoạn hiện tại khoảng 0,34 ha (0,3367 ha là đất rừng đặc dụng - rừng tự nhiên và 0,0084 ha là đất rừng sản xuất).
Dự án được xếp vào danh mục dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường ở mức độ cao.
Núi Chúa là vùng thượng nguồn quan trọng
Báo cáo cho biết khu vực Bà Nà - Suối Mơ thuộc xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) nằm trong hệ thống núi cao với đỉnh Núi Chúa đạt độ cao 1.487m. Đây là vùng thượng nguồn quan trọng của ba hệ thống sông lớn trong khu vực: sông Túy Loan (phía Đông) với Suối Mơ là nguồn cấp nước chính; sông Lỗ Đông (phía Nam); sông Vàng (phía Tây) nơi có Suối Nai - là điểm tiếp nhận nước thải sau xử lý từ các dự án. Địa hình khu vực có độ dốc lớn, hệ thống khe suối dày đặc, chia cắt mạnh, tạo điều kiện thuận lợi cho dòng chảy mặt và thoát lũ tự nhiên.
Là vùng đầu nguồn, khu vực Bà Nà - Suối Mơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều tiết dòng chảy và cấp nước cho hoạt động dân sinh và du lịch. Nơi đây tập trung nhiều rừng đầu nguồn có ý nghĩa bảo vệ môi trường sinh thái của thành phố Đà Nẵng.
Xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch trên Bà Nà có thể hủy diệt hệ động thực vật thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Trong ảnh: hiện trạng mở rộng Sun World Ba Na Hills tháng 6.2025. Ảnh: Văn Thuận
Khu vực thực hiện dự án Quần thể khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ là một phần hệ sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa. Cho đến nay khu bảo tồn đã ghi nhận 627 loài (77 loài thú, 214 loài chim, 78 loài cá, 38 loài lưỡng cư, 81 loài bò sát và 139 loài động vật không xương sống khác). Thực vật có 793 loài, trong đó có 12 loài thực vật thân gỗ có tên trong Sách Đỏ Việt Nam. Sự đa dạng về thành phần loài ở Bà Nà - Núi Chúa khá cao với nhiều loài đặc hữu, quý hiếm (56 loài động vật và 12 loài thực vật thân gỗ có tên trong Sách Đỏ Việt Nam).
Đặc biệt, có một số loài nguy cấp cần bảo tồn nghiêm ngặt như: vượn đen má hung phía bắc, voọc chà vá chân nâu, gấu ngựa, gấu chó… Khu hệ chim ở Bà Nà - Núi Chúa có yếu tố đặc hữu cao với sự có mặt của những loài đặc hữu hẹp (gà lôi trắng Beli, gà lôi lam mào trắng, khướu đầu vàng...). Cấu trúc thành phần loài chim ở khu vực Bà Nà khá phong phú và đa dạng, gần bằng 26% tổng số loài chim trên toàn quốc, bằng 65% số loài chim ở Vườn quốc gia Bạch Mã và đa dạng hơn 111,4% so với Vườn quốc gia Nam Cát Tiên; có 16 loài bò sát và lưỡng cư quý hiếm có tên trong Sách Đỏ Việt Nam, 15 loài trong IUCN, và 8 loài có tên trong Công ước CITES…
“Dự án thuộc một phần hệ sinh thái của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa, vậy nên hệ sinh thái và tài nguyên sinh học tại khu vực dự án rất đa dạng. Khi xây dựng dự án, quá trình san ủi, thi công xây dựng sẽ tác động đến hệ sinh thái này, ảnh hưởng làm mất đi sự cân bằng tự nhiên”, báo cáo nhận định.
Nguy cơ du lịch gây hại thiên nhiên
Theo báo cáo, do vị trí có mối tương quan đặc biệt giữa khu du lịch với Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa (Bà Nà - Núi Chúa là khu bảo tồn thiên nhiên đồng thời cũng bao bọc/giáp ranh khu vực Quần thể du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ) nên trong quá trình thực hiện và hoạt động của dự án, các vấn đề có thể phát sinh gây ảnh hưởng tới khu bảo tồn:
Định hướng phát triển du lịch không bền vững sẽ là mối đe dọa đối với đa dạng sinh học tại khu bảo tồn. Việc phát triển cơ sở hạ tầng, lượng khách du lịch tăng quá mức là tiềm năng gia tăng tình trạng cháy rừng, khai thác các loài thực vật làm cảnh cũng đang xảy ra hàng ngày bên trong khu bảo tồn.
Du lịch góp phần gây ô nhiễm môi trường khu bảo tồn: hoạt động du lịch, đặc biệt là tăng cường giao thông và sử dụng phương tiện di chuyển có thể gây ô nhiễm không khí. Khí thải từ xe cộ và phương tiện, thiết bị vận hành chứa các hợp chất gây hại như CO2, NOx và hạt bụi ảnh hưởng đến chất lượng không khí khu vực; nước thải chứa hóa chất và vi sinh vật gây hại cho môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái các suối và sông khu vực; sự tăng cường du lịch có thể dẫn đến ô nhiễm tiếng ồn, đặc biệt tại các điểm du lịch đông đúc. Tiếng ồn từ giao thông, nhà hàng và các hoạt động giải trí ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và động vật.
Voọc chà vá chân nâu là loài nguy cấp cần bảo tồn nghiêm ngặt được phát hiện ở rừng đặc dụng Bà Nà - Núi Chúa năm 2021. Ảnh: kiểm lâm cung cấp
Du lịch góp phần hủy diệt hệ động thực vật: việc xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch như khách sạn, khu nghỉ dưỡng, đường sá… có thể làm hủy diệt hệ động thực vật. Sự thay đổi môi trường gây mất đa dạng sinh học và làm ảnh hưởng tới cấu trúc hệ sinh thái, gây thiệt hại đối với môi trường cảnh quan tự nhiên vốn có.
Ngoài ra, trong quá trình thi công dự án sẽ có thể xảy ra nguy cơ xâm hại đa dạng sinh học do tập trung một lượng lớn công nhân. Các công nhân này có thể sẽ tranh thủ chặt phá cây, săn bắn chim, thú trái phép, và có khả năng gây ra các sự cố cháy rừng làm ảnh hưởng xấu tới môi trường sống của các động vật. Thảm thực vật được dọn dẹp và tập trung khi thi công dự án là nguồn vật liệu dễ cháy nguy hiểm khi có nguồn gây cháy là sự vô tình hay cố tình của con người, từ các thiết bị thi công, các yếu tố khách quan của tự nhiên...
Cam kết của chủ đầu tư
Báo cáo cho biết dự án Quần thể khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ khi đi vào hoạt động có nguy cơ gây tác động tiêu cực không nhỏ đối với các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của khu vực dự án. Nhìn chung, các tác động đối với cảnh quan môi trường và hoạt động hiện hữu của dự án có khả năng xảy ra cao. Quy mô tác động và mức độ thiệt hại do các tác động này rất khó xác định nhưng những ảnh hưởng sẽ tác động trực tiếp đến chất lượng dịch vụ và lợi ích kinh tế của dự án… Từ đây, chủ đầu tư đưa ra những biện pháp tổng thể góp phần bảo vệ và phát triển hệ sinh thái của khu vực dự án được thực hiện, giảm thiểu các tác động đối với hệ sinh thái và đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa:
Trồng và đảm bảo diện tích cây xanh theo đúng quy hoạch của dự án. Lựa chọn loại cây xanh mang tính địa phương có tác dụng tạo cảnh quan sinh thái cho khu du lịch (dương liễu, bàng, trúc, các loài hoa…); duy trì và phát triển diện tích cây xanh cảnh quan, diện tích đất rừng được giao quản lý phù hợp với mục tiêu khu du lịch sinh thái; thực hiện các biện pháp quản lý nhân viên, khách du lịch nhằm hạn chế các tác động do xâm hại đối với hệ sinh thái, thảm thực vật của khu vực dự án. Lập các bảng hiệu, bảng chỉ dẫn, biển cấm tại các khu vực cần thiết hoặc các khu vực bảo tồn, phát triển cảnh quan thiên nhiên của khu vực dự án...
Phạm vi ranh giới phân khu sinh thái phía Tây thành phố Đà Nẵng (khoảng 1.302,7 ha) và ranh giới đề xuất dự án Quần thể khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ (khoảng 806,19 ha). Ảnh trích từ báo cáo đánh giá tác động môi trường.
Ngoài ra, dự án sẽ thực hiện các hoạt động tăng cường quảng bá du lịch và bảo tồn các giá trị lịch sử, thẩm mỹ và đa dạng sinh học của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa nhằm nâng cao giá trị sinh thái của dự án nói riêng và khu bảo tồn nói chung; nghiêm cấm mọi hoạt động chặt phá cây cối, săn bắn chim thú và tiêu thụ các loài động thực vật hoang dã thuộc diện bảo tồn theo quy định của Nhà nước đối với toàn bộ công nhân lao động của dự án; tổ chức cam kết cho toàn bộ cán bộ nhân viên và khách du lịch của dự án không thực hiện việc mua bán, sử dụng động, thực vật hoang dã thuộc loài được bảo vệ - khi phát hiện những hoạt động này sẽ báo cáo kịp thời cho chính quyền địa phương nơi gần nhất; phối hợp với các cơ quan chuyên môn nghiên cứu khảo sát và xác định tính đa dạng sinh học của khu vực dự án. Xây dựng phương án bảo vệ, bảo tồn và sử dụng hợp lý nhằm phát huy các giá trị về mặt sinh thái, giữ gìn hệ sinh thái rừng hiện hữu của Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa...
“Dự án mang lại nhiều lợi ích tích cực về mặt kinh tế, du lịch và xã hội cho thành phố Đà Nẵng. Chủ dự án cam kết thực hiện nghiêm túc các biện pháp giảm thiểu các tác động xấu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường trong suốt quá trình chuẩn bị, thi công xây dựng và giai đoạn vận hành. Phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhằm ngăn chặn và giảm thiểu các sự cố ngập lụt, sạt lở phát sinh do việc xây dựng dự án; lập phương án và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ứng phó các sự cố môi trường khác phát sinh trong quá trình thực hiện dự án…”, báo cáo cho biết.
Chuyển đổi 36,34 ha đất rừng để làm dự án
Dự án Quần thể khu du lịch sinh thái và đô thị Bà Nà - Suối Mơ thực hiện tại xã Hòa Phú và xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Tổng diện tích dự án khoảng 806,19 ha thuộc phân khu sinh thái phía Tây thành phố Đà Nẵng (diện tích phân khu khoảng 1.302,7 ha). Trong đó, diện tích khu vực trên đỉnh núi Bà Nà khoảng 168,82 ha, bao gồm 36,34 ha rừng sản xuất đã được Thủ tướng Chính phủ cho chuyển mục đích sử dụng rừng (100,53 ha là rừng sản xuất cho thuê trả tiền hàng năm và 68,29 ha đất thương mại, dịch vụ); diện tích khu vực dưới chân núi khoảng 636,40 ha (không có rừng trong dự án), diện tích phần móng trụ ngoài hai ranh giới trên đỉnh và chân núi là 0,97 ha.
Tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 51.950 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu khoảng 7.792,5 tỷ đồng, vốn huy động khoảng 44.157,5 tỷ đồng. Tiến độ thực hiện gồm giai đoạn 1 (từ năm 2008 đến hết năm 2024) và giai đoạn 2 (10 năm kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư). Quy mô hạng mục công trình:
Khu vực trên đỉnh núi Bà Nà: Bố trí khu dịch vụ du lịch tập trung tại khu vực đỉnh núi Bà Nà (Khu Làng Pháp gồm khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 5 sao trên 4 tầng; trung tâm giải trí gia đình - FEC gồm khu vui chơi giải trí Fantasy và khu Club; khu lâu đài; khu nghỉ mát Bà Nà By Night; các khu khách sạn và vui chơi giải trí, dịch vụ nhà hàng; các dịch vụ vui chơi giải trí và các tiện ích đi kèm như khu hội nghị, bể bơi, dịch vụ karaoke, spa, massage; khu chữa bệnh bằng tắm khoáng nóng và các dịch vụ tăng cường sức khỏe tương tự; Các khối căn hộ du lịch (98.424m2 là khu biệt thự cao cấp, khu nhà biệt thự nghỉ ngơi, giải trí; 97.513m2 là khu căn hộ du lịch cao cấp) và nhà vui chơi giải trí, biểu diễn đa năng có tầng cao xây dựng lên đến 26 tầng, tầng ngầm từ 1 - 5 tầng); khu thể thao máng trượt; các nhà ga cáp treo, cáp kéo; nhà máy bia và khu vườn bia để giới thiệu về nghề làm bia, tổ chức các lễ hội uống bia; các công viên vườn hoa; chùa Linh Ứng Bà Nà…
Khu vực dưới chân núi Bà Nà: Bố trí khu dịch vụ du lịch kết hợp khu đô thị để ở (các công trình nhà ga, nhà lễ tân phục vụ cáp đưa đón khách du lịch; khu đô thị; khu nhà lưu trú nhân viên có tầng cao xây dựng; khu trang trại và khu vườn ươm để trống và chăm sóc cây cảnh; khu trường nghề; các khu căn tin, bãi đậu xe, các công viên thể thao dưới nước; khu khách sạn dịch vụ); các khu nhà ở thấp tầng liền kề và các tiện ích hạ tầng xã hội đi kèm.
Dự kiến xây dựng 3.611 căn hộ (biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở xã hội..., chủ yếu tại khu vực chân núi), với dân số thường trú khoảng 17.000 người. Dự án hiện đã xây dựng hoàn thiện 7 tuyến cáp treo. Theo kế hoạch, sẽ đầu tư bổ sung thêm 5 tuyến cáp treo.
Phạm Anh - Nguyễn Minh