Bỏ hình thức thanh tra thường xuyên để tránh chồng chéo

 13:45 | Thứ năm, 26/05/2022  0
Luật Thanh tra hiện hành có 3 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất. Dự thảo luật sửa đổi lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên.

Ngày 26.5, Quốc hội nghe Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, Luật Thanh tra năm 2010 đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Tuy nhiên, Luật Thanh tra năm 2010 còn chưa cụ thể hóa quan điểm đổi mới của Đảng trong hơn 10 năm qua và Hiến pháp năm 2013; mặt khác, Luật Thanh tra năm 2010 qua quá trình thực hiện đã bộc lộ những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, làm giảm hiệu quả, hiệu lực của hoạt động thanh tra, chưa đáp ứng tốt các yêu cầu, nhiệm vụ của tình hình mới trong bối cảnh phát triển kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo dự thảo luật, cơ quan thanh tra theo cấp hành chính bao gồm Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra huyện.

Về tổ chức, chức năng và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan thanh tra theo ngành, lĩnh vực, dự thảo luật quy định về thanh tra theo ngành, lĩnh vực gồm: thanh tra bộ, thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ và thanh tra sở. Ngoài ra, dự thảo luật quy định “Thanh tra tổng cục, cục được thành lập theo yêu cầu quản lý, trong những lĩnh vực mà pháp luật chuyên ngành có quy định hoặc theo quy định của Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày báo cáo thẩm tra.

Thẩm tra dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, Ủy ban Pháp luật nhất trí sự cần thiết sửa đổi toàn diện Luật Thanh tra với những lý do như được nêu trong tờ trình của Chính phủ.

Ủy ban Pháp luật đề nghị đẩy mạnh phân quyền trên cơ sở phân định rành mạch và đề cao trách nhiệm của các cơ quan thanh tra, tăng cường kiểm tra, giám sát; khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp với hoạt động kiểm tra, kiểm toán.

Việc đổi mới, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của các cơ quan thanh tra phải đặt trong tổng thể đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Luật Thanh tra và các luật khác có quy định về thanh tra.

Về hệ thống cơ quan thanh tra theo cấp hành chính, Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với việc tổ chức các cơ quan thanh tra theo cấp hành chính gồm Thanh tra Chính phủ và thanh tra tỉnh; đồng thời, đề nghị bổ sung quy định về việc thành lập cơ quan thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đối với nội dung về nhiệm vụ của thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật đề nghị chỉ quy định một đầu mối thực hiện thanh tra chuyên ngành tại bộ.

Theo đó, trường hợp tổng cục, cục thuộc bộ thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thì không giao thanh tra bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với lĩnh vực đó để phân định rõ trách nhiệm, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động của các cơ quan thanh tra; bảo đảm tinh gọn bộ máy và thực hiện đúng nguyên tắc “một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính”.

Một số ý kiến nhất trí với quy định của dự thảo luật là thanh tra bộ thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành đối với tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của bộ; những chồng chéo (nếu có) trong việc thực hiện nhiệm vụ thanh tra giữa thanh tra bộ và thanh tra tổng cục, cục thuộc bộ sẽ được khắc phục ngay từ giai đoạn xây dựng, ban hành kế hoạch thanh tra.

Đối với nội dung về thanh tra sở, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành giao UBND tỉnh quyết định thành lập thanh tra sở nhằm đổi mới tổ chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của thanh tra sở. Tuy nhiên, đề nghị làm rõ đối với các sở không thành lập tổ chức thanh tra thì nhiệm vụ thanh tra và những nhiệm vụ khác của thanh tra sở được giao cơ quan nào đảm nhiệm.

Ngoài ra, về các hình thức thanh tra, theo quy định của luật Thanh tra hiện hành có 3 hình thức thanh tra là thanh tra theo kế hoạch, thanh tra thường xuyên và thanh tra đột xuất.

Dự thảo luật lược bỏ hình thức thanh tra thường xuyên. Ủy ban Pháp luật tán thành với quy định của dự thảo luật về việc không tiếp tục quy định hình thức thanh tra thường xuyên nhằm phân định rõ giữa hoạt động thanh tra với hoạt động kiểm tra; góp phần khắc phục hạn chế đã được chỉ ra qua tổng kết về tình trạng “chồng chéo, trùng lặp” dẫn đến lạm dụng, khó phân biệt giữa thanh tra và kiểm tra.

Nam Phong

Nguồn Một Thế Giới
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.