Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cùng các lãnh đạo bộ ngành TP.HCM xem bản đồ quy hoạch TP.HCM. Ảnh: T.U
Phát biểu khai mạc hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cho biết, Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi năm 2022 được tổ chức với mục tiêu quảng bá hình ảnh địa phương, giới thiệu các dự án, chính sách thu hút đầu tư, khẳng định những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực… của hai huyện, góp phần khai phá tiềm năng, phát triển khu vực Tây Bắc TP.HCM trở thành khu đô thị sinh thái, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và dịch vụ hướng tới hình thành “Đô thị hiện đại và sinh thái” trong tương lai.
Bí thư Nguyễn Văn Nên tin rằng, với những chính sách hỗ trợ phục hồi kinh tế của TP, cùng với sự đồng lòng của các cấp chính quyền TP, việc kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư quan tâm, tìm hiểu, đề xuất đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi sẽ sớm hoàn thành được những mục tiêu đặt ra.
“Với phương châm mến khách, tôn trọng và thấu hiểu đối tác, mong muốn hợp tác phát triển có hiệu quả với các tỉnh bạn, các doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế và bè bạn gần xa, huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi luôn mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư, đặc biệt là trong các lĩnh vực: nông nghiệp; công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm; thương mại, dịch vụ và du lịch… Đến với huyện Hóc Môn và Củ Chi, các nhà đầu tư sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để thực hiện thành công dự án và đảm bảo phát triển bền vững trong tương lai”, Bí thư Nguyễn Văn Nên bày tỏ.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan triển lãm nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: T.U
Về định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi trong quy hoạch chung TP.HCM, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP Nguyễn Thanh Nhã cho biết, quy hoạch chung TP hiện hành được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025 đã xác định mô hình phát triển TP là mô hình tập trung - đa cực… Huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi là 2 huyện ngoại thành có tổng diện tích khoảng 544ha, chiếm gần trọn phần lãnh thổ phía Bắc - Tây Bắc của TP; là cửa ngõ kết nối TP với các đô thị Đức Hòa (Long An), Trảng Bàng (Tây Ninh), Thủ Dầu Một (Bình Dương) của các tỉnh cả miền Tây và Đông Nam Bộ.
Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung TP cũng đặt ra yêu cầu nghiên cứu định hướng phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi gắn với lộ trình chuyển đổi huyện thành quận hoặc TP. Trong đó, Khu đô thị Tây Bắc dự kiến có sự điều chỉnh mô hình phát triển, hình thành khu đô thị hiện đại với các thuộc tính đặc trưng của đô thị thông minh, kết hợp phát triển hài hòa về không gian kiến trúc đô thị hiện đại giữa quy hoạch chức năng khu đô thị mới và chức năng chỉnh trang khu dân cư hiện hữu, phát triển đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, hình thành một đô thị đa chức năng có môi trường sống chất lượng cao, ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững.
“Trong quá trình lập điều chỉnh quy hoạch chung TP hiện nay, các đề án đang được xây dựng như phát triển hạ tầng dịch vụ, hạ tầng công nghiệp, kinh tế dọc sông Sài Gòn, được tổ chức đã đóng góp nhiều luận cứ, ý tưởng, giải pháp… cho phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM nói chung và huyện Củ Chi, huyện Hóc Môn nói riêng. Vì vậy, TP.HCM mời gọi đầu tư từ nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước vào các dự án phát triển cơ sở hạ tầng giao thông vận tải…”, ông Nguyễn Thanh Nhã nói.
Về phát triển giao thông, ông Trần Quang Lâm - giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho rằng huyện Hóc Môn và Củ Chi là hai địa bàn được nhiều lợi ích trong quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông của TP. Đây là nơi xây dựng đường vành đai 3, 4.
Các dự án giao thông này cùng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ giúp hai địa phương kết nối với các tỉnh và Campuchia. Không chỉ vậy, trên địa bàn 2 huyện tương lai sẽ hình thành các tuyến đường sắt đô thị.
Ông Lâm cũng cho biết TP đang có 2 dự án để phát triển hệ thống hạ tầng giao thông, giảm ùn tắc. Theo đó, TP sẽ đầu tư phát triển hệ thống giao thông liên vùng, khai thác hiệu quả giao thông đường thủy, phát triển đường sắt đô thị và các đường vành đai.
Đến năm 2030, định hướng tỷ lệ đất giao thông trên đất đô thị đạt 17%. Mật độ đường giao thông bình quân là 3,1km/km2.
Sở GTVT cũng đang rà soát, lập danh mục dự án ngành giao thông cần được kêu gọi đầu tư đề xuất UBND TP cơ chế và kế hoạch huy động nguồn lực để đầu tư các dự án trọng điểm, trong đó có các dự án trên địa bàn huyện Hóc Môn và Củ Chi.
Đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh huyện Hóc Môn, Củ Chi là vùng đất cách mạng, lãnh đạo, nhân dân cả nước phải có trách nhiệm đền đáp nghĩa tình. 2 huyện này có nhiều lợi thế phát triển, là vùng đệm của TP HCM với các vùng kinh tế phía Nam, hướng về sông Sài Gòn.
Quy mô dân số của 2 huyện tương đương với TP Đà Nẵng, có thể nói Hóc Môn và Củ Chi được ví như con rồng đang ngủ bên cạnh với phần phát triển năng động còn lại của TP.
Tuy nhiên, mặc dù TP HCM đóng góp 1/3 ngân sách cả nước nhưng 2 huyện vẫn phát triển ở mức thấp. Như huyện Củ Chi thu ngân sách chỉ trên 1.000 tỉ đồng, trong khi cũng quy mô dân số ấy, TP Đà Nẵng thu hàng chục ngàn tỉ đồng mỗi năm.
"Phát triển huyện Hóc Môn và Củ Chi cũng là giúp TP giải bài toán mở rộng không gian phát triển cân bằng, thu hút nguồn lực, nhất là về kinh tế đô thị, du lịch, dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao… Qua đó, giải tỏa những áp lực về dân số, hạ tầng, nhà ở, công ăn việc làm, mở rộng không gian sinh tồn, phát triển khi chiếc áo TP HCM đã quá chật chội" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Không chỉ là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết với vai trò là Đại biểu Quốc hội ứng cử tại 2 huyện này, ông đề nghị các nhà đầu tư ký ghi nhớ thực hiện dự án phải nghiêm túc triển khai, không ký rồi để đó, nếu không thực hiện sẽ đưa ra trước Quốc hội.
Để phát triển bền vững, Chủ tịch nước nhắc nhở 2 huyện quan tâm đến vấn đề xử lý rác, nhà ở xã hội nhằm đạt mục tiêu phát triển đồng bộ, bền vững chứ không phải phát triển dịch vụ đơn thuần.
Ngoài ra, các cam kết đầu tư, quá trình triển khai phải dựa trên quy hoạch đã được phê duyệt. Nếu quy hoạch lỗi thời thì xem xét ý kiến chuyên gia để điều chỉnh bổ sung.
"Nguyên tắc xuyên suốt của phát triển Củ Chi, Hóc Môn phải đặt lợi ích của người dân vào vị trí trung tâm. Đó là đô thị sinh thái, thông minh, bền vững, không phải là mâm cỗ mới dành cho các nhà đầu tư bất động sản tận dụng cơ hội đẩy giá nhà đất" - Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Chủ tịch nước đã nêu ra những nút thắt kiềm chế sự phát triển của 2 huyện này, đó là hệ thống giao thông. Ông Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải quan tâm đến hệ thống giao thông, đường bộ, đường cao tốc, đường thủy, đường sắt đô thị trên địa bàn.
"Cần nhanh chóng xắn tay tháo gỡ những nút thắt về cơ chế chính sách để huy động nguồn lực đầu tư các tuyến giao thông có tính huyết mạch như cao tốc TP HCM -Mộc Bài, đường Vành đai 3, Vành đai 4, các tuyến đường ven sông… kết nối huyện Củ Chi, Hóc Môn với trung tâm TP, với sân bay, cảng biển" - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gắn Huân chương Lao động hạng Ba lên cờ truyền thống huyện Củ Chi.
* Trước đó, vào sáng 12.4, sau khi thăm và làm việc tại Khu nông nghiệp Công nghệ cao TP.HCM trong khuôn khổ chương trình Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và huyện Củ Chi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba, bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và bằng khen của UBND TP.HCM do huyện Củ Chi tổ chức.
Tại buổi lễ, Ban tổ chức đã công bố quyết định Chủ tịch nước về việc tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Củ Chi đã có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống dịch, góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.
Trưa cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đi thăm và tặng quà cho một số gia đình chính sách nhân kỷ niệm 47 năm ngày thống nhất đất nước.
Phan Anh - Thu Hồng - Quốc Anh (Người Lao Động)
Mời gọi đầu tư 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi
Cũng tại Hội nghị, TP.HCM mời gọi đầu tư cho 55 dự án vào huyện Hóc Môn và Củ Chi với tổng vốn đầu tư dự kiến hơn 12,4 tỷ USD (tương đương 285,524 nghìn tỷ đồng).
Trong đó, 18 dự án thuộc lĩnh vực hạ tầng giao thông – kỹ thuật có tổng vốn đầu tư mời gọi hơn 12,3 tỷ USD, tương đương 282,9 nghìn tỷ đồng (9 dự án cầu – đường bộ với tổng vốn đầu tư hơn 11,2 tỷ USD, tương đương 258,3 nghìn tỷ đồng; 1 dự án giao thông đường thủy với đầu tư 196 triệu USD, tương đương 4.500 tỷ đồng; 3 dự án đường nội đô với tổng vốn đầu tư 259 triệu USD, tương đương 5.950 tỷ đồng; 4 dự án xử lý rác thải với 566 triệu USD, tương đương 13.020 tỷ đồng; 1 dự án giảm ngập nước với tổng mức đầu tư 49 triệu USD, tương đương 1.122 tỷ đồng); 12 dự án chỉnh trang đô thị với tổng vốn đầu tư 33 triệu USD, tương đương 750 tỷ đồng; 3 dự án công nghiệp; 16 dự án nông nghiệp; 2 dự án thương mại – dịch vụ với tổng mức đầu tư 80 triệu USD, tương đương 1.845 tỷ đồng và cuối cùng là 4 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục – văn hóa – thể thao.
Tú Viên