Để chủ động đề phòng bụi mịn khi ra ngoài đường, đầu tiên nên đeo khẩu trang, loại khẩu trang được khuyến cáo là N95 hoặc N99 vì lọc được các hạt bụi nhỏ hơn 5 micromet, tuy nhiên rất khó chịu. Do đó chỉ cần khuyến cáo đeo khẩu trang, ví dụ như khẩu trang y tế.
Ngoài ra nên tập thói quen rửa mũi, khi đi trên đường từ nhà đến xí nghiệp thì nên rửa mũi, hiện tại có các loại dung dịch nước biển sâu, chi phí khá rẻ khoảng 30.000 VNĐ/ chai. Lưu ý cần rửa đúng cách, dùng tay phải, cúi đầu xuống, xịt nhiều vào trong cánh mũi trái để nước bẩn chảy ra ngoài, sau đó đổi tay xịt qua cánh mũi trái.
Lưu ý không nên xịt vào chính giữa vì vị trí đó không có xoắn mũi, chỉ có vách mũi mỏng manh, không nên hỉ mũi vì có thể bắn ngược vào đường thông tai giữa. Nên rửa mũi ngày 3 lần sáng, chiều và tối trước khi đi ngủ. Đây là cách đơn giản mà ai cũng có thể thực hiện.
Sau khi rời nhà máy về đến nhà, việc đầu tiên là rửa mũi vì đã có thời gian phơi nhiễm trong nhà máy và ngoài đường. Theo kinh nghiệm của bác sĩ chuyên về hô hấp sau khi tiếp xúc với nhiều bệnh nhân hen suyễn, viêm mũi dị ứng, việc đầu tiên là nhà phải thông khí tốt, đây là biện pháp đơn giản nhất và an toàn nhất, làm sao để tạo được luồng khí, khi đó các chất ô nhiễm sẽ giảm xuống.
Để chủ động đề phòng bụi mịn khi ra ngoài đường, đầu tiên nên đeo khẩu trang. Ảnh: TL
Thứ hai là không tạo thêm ô nhiễm trong nhà. Người đàn ông hút thuốc đến trên 40%. Khói thuốc lá cực kỳ độc, chứa tới 7.000 chất độc và hơn 70 chất gây ung thư, vì vậy rất xót xa khi trong nhà có một người đàn ông là ba, ông ngoại, ông nội… hút thuốc. Như vậy khói thuốc sẽ bám vào các vật dụng trong nhà và một người hút thuốc lá dù đã súc miệng nhưng vẫn còn lưu lại 4 tiếng đồng hồ. Do đó, không bao giờ hút thuốc lá là điều tốt nhất. Nếu đã bị nghiện phải tìm cách cai, chưa cai được nên ra ngoài hút thuốc, không được hút thuốc trong nhà.
Thứ ba là vấn đề đốt nhang. Nhang hiện tại cực độc, từng có một trường hợp bé gái 15 tuổi có nền hen suyễn, tử vong do một nén nhang, vì vậy không ai được đốt nhang trong nhà. Tuy nhiên việc thờ cúng vẫn nên tôn trọng, do đó nên thay bằng nhang điện.
Thứ tư, một số sản phẩm khác do con người dùng trong nhà như tinh dầu, thuốc xịt phòng, thuốc xịt muỗi, thuốc xịt dán đều rất độc, kể cả các sản phẩm tẩy rửa, do đó hiện tại đang khuyến cáo nên sử dụng các sản phẩm xanh, ví dụ như chanh, giấm, baking soda là các chất tẩy rửa rất tốt, không gây hại.
Thứ năm là thú nuôi, hiện nay càng ngày con người càng gần gũi với các con thú nuôi sẽ rất có hại do lông, vảy da, chất tiết, nguồn ký sinh trùng có thể truyền cho người, vì vậy đối với các bác sĩ chuyên về hen suyễn “kỵ” nhất là mèo, bởi vì mèo là loài gây dị nguyên rất mạnh và độc. Có những em bé đi học ngồi bên cạnh một bạn có nhà nuôi mèo và em này lên cơn hen suyễn. Vì vậy không nên nuôi mèo. Đối với chó có thể nuôi, một tuần tắm một lần nhưng không nên ôm ấp hay cho vào phòng ngủ, đặc biệt nên để xa người và khu vực sinh hoạt.
Khi thông khí tốt, giảm các nguồn gây ô nhiễm không khí trong nhà nhưng vẫn không hoàn chỉnh, nếu được nên dùng các loại máy lọc. Hạt bụi mịn nhỏ hơn 2,5 micromet con người không thể thấy, đặc biệt là các hạt siêu mịn 0,1 micromet càng không thấy bằng mắt thường. Do đó nên chọn các loại máy lọc có bộ lọc HEPA (High efficiency particulate air), thông thường sẽ lọc được các loại bụi mịn có kích thước 0,03 micromet hay những loại máy có thể lọc bụi mịn kích thước nhỏ hơn như 0,01 micromet sẽ rất tốt giúp gia đình làm sạch được môi trường sống.
Nên khởi động máy khoảng 1-2 tiếng trước khi về nhà sẽ cảm thấy được không khí trong lành và sạch sẽ trong nhà mình. Ngoài ra có thể trồng các loại cây xanh để lọc bớt không khí, cây xanh được NASA (cơ quan không gian của Hoa Kỳ) khuyến cáo, tại Việt Nam có rất nhiều loại cây, phổ biến như lưỡi hổ, trầu bà, dương xỉ, lan ý…
Tóm lại, nên cảnh giác đối với vấn đề ô nhiễm không khí và làm hết sức để bảo vệ cho người thân, cộng đồng và xã hội.
PGS-TS-BS. Lê Thị Tuyết Lan (Phó Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM)