Thế nào là uống đúng trà ở cái thời chỉ vài cú nhấp chuột hay a lô cùng đôi ba ngày chờ đợi, trà từ địa đầu Tổ quốc Hà Giang dễ dàng đến tận cửa nhà miệt Năm Căn - Đất Mũi? Trà để uống: dễ. Riêng cái “đúng”, cần phải bàn. Đúng ở đây là đúng vùng nguyên liệu, đúng nhà sản xuất, đúng loại trà cần mua, đúng giá...
Tỷ như muốn mua trà shan tuyết cổ thụ Túng Sán, Hoàng Su Phì, kẻ bán ra rả quảng cáo trà thu hái từ Túng Sán, thậm chí đăng ký cả với địa phương vùng nguyên liệu để xin chứng nhận OCOP - mỗi xã phường một sản phẩm - nhưng chỉ là danh nghĩa, còn thực tế trong sản phẩm chả có cọng trà Túng Sán nào. Chuyện hỏi mua cân trà Thái Nguyên nhưng gốc gác Phú Thọ giờ là thường. Bởi thế, uống đúng trà ở vùng nguyên liệu người yêu trà cần tìm, tưởng dễ nhưng hóa ra chẳng dễ tí nào.
Trà trong nước uống đúng đã khó, trà ngoại nhập - chẳng hạn như trà từ thị trường Đài Loan - còn khó hơn bội phần.
Để góp phần hóa giải cái khó ấy, nhóm Uống Trà Đi (đã hơn 9 năm hình thành), thường xuyên tổ chức giao lưu, chia sẻ kiến thức cho người yêu trà. “Chân vị lưu hương” - tên gọi buổi giao lưu gần đây nhất của nhóm với các nhà sản xuất, sưu tầm, nghiên cứu trà đến từ Đài Loan tạo nên nhiều bất ngờ thú vị.
TS-NSƯT. Hải Phượng sáng tác và diễn tấu tại chỗ chuyện hạt trà sinh trưởng tự nhiên qua ngón đàn tranh bất hủ.
Uống Trà Đi!
Một câu mệnh lệnh, một lời mời, một công án thiền học, cũng là tên của nhóm những người yêu trà do nhà báo Uyên Viễn sáng lập và ra mắt cách đây gần 10 năm. Hoạt động họp nhóm, bàn về một chủ đề, uống những loại trà yêu thích đã trở thành quen thuộc, hữu ích cho người yêu trà thích tìm hiểu kiến thức về trà ở xã hội đương đại. Ngay dịp cuối hè, Uyên Viễn rủ rê: “Nhóm kết hợp với mấy bạn trà người Đài có thâm giao trước đây làm buổi họp trà nội bộ để anh em có cơ hội giao lưu, thưởng thức những phẩm trà cao cấp do các nghệ nhân tên tuổi ở Đài Loan thực hiện, cũng như tìm hiểu kỹ thuật sản xuất; cách cảm nhận hương, vị trong từng loại trà tiêu biểu như Bao Chủng, Oolong, Đông phương mỹ nhân… Uống trà đi!”.
Vậy là đi uống trà!
Trong giới chơi trà, những tên gọi và hương vị trà Đài kể trên không xa lạ, nhưng để được uống “đúng” trà 100% Đài Loan, rõ nguồn gốc, xuất xứ, chủng loại, ngày sản xuất, nơi sản xuất, tên tuổi nghệ nhân… không nhiều người yêu trà được trải nghiệm. Thế nên, việc giao lưu trực tiếp cùng những bạn trà đến từ Đài Loan là cơ hội chạm được vào “chân vị” những loại trà làm nên thương hiệu Đài khắp thế giới.
“Chân vị lưu hương”
Tên gọi “Chân vị lưu hương” với hàm ý khi tìm đến đúng loại trà sẽ hiểu được rõ thế nào là hương và vị trà một cách thuần khiết, chân thật, chuẩn xác nhất thông qua giới thiệu, giải thích và giao lưu cùng bạn trà đến từ Đài Loan. Trong nhóm bạn giao lưu, nhân vật được quan tâm nhiều là James Kuo, người được giao trọng trách kể về câu chuyện trà Đông phương mỹ nhân.
Ở góc độ khác, James cũng chính là thế hệ thứ hai người Đài Loan sống và theo nghề trồng - sản xuất trà Oolong, Đông phương mỹ nhân tại Việt Nam. Trong lịch sử trà Việt, giống trà Oolong xuất hiện tại Việt Nam chính do người Đài Loan du nhập từ thập niên những năm 1990, ba của James là một nhân vật kỳ cựu trong số ấy, ông tham gia trồng trà, sản xuất trà, James theo ba sang Việt Nam ăn - ngủ cùng nghề trà của gia đình.
James Kuo - thế hệ thứ hai người Đài Loan trồng và sản xuất trà tại Việt Nam.
Bốn bàn trà, bốn phẩm trà đặc biệt, đi kèm là bốn câu chuyện khác nhau, được các bạn trà chia sẻ trong không khí chân tình, ấm cúng.
Người thưởng thức hôm ấy cảm rõ hương vị nguyên bản của giống Oolong Thanh Tâm trong phẩm trà Bao Chủng. Độ thơm dịu ngọt, vị chát êm tạo cảm giác sảng khoái qua từng lượt pha. Thêm cái thú vị khi đắm trong chén trà nồng nàn là cách thức cảm nhận mùi bằng bộ chén thẩm hương đặc trưng trong văn hóa trà Đài, từng nước pha hương trà lại toát ra những nốt khác biệt, từ hương trà xanh cho đến hương đậu, hương hoa ngọc lan, hương cốm mới… lần lượt biểu hiện, tạo nên những cung bậc cảm xúc thú vị khi thưởng được phẩm trà Bao Chủng quen thuộc trong văn hóa uống trà của người Đài.
Andrew Shih (áo trắng), giới thiệu Phong Vị Luận (bánh xe hương vị) các phẩm trà Đài.
Ở bàn trà Đông phương mỹ nhân của James, câu chuyện về thức trà đặc biệt này được tái hiện, nhưng phẩm trà dùng cho hôm ấy do chính bác Quách - ba của James sản xuất ở vụ trà xuân 2024 trên cao nguyên Mộc Châu. Câu chuyện trà Oolong với những vùng sản xuất độc đáo trong đó có A Lý Sơn và Phúc Thọ Sơn được Andrew Shih - chuyên gia về thử nếm và cũng là nhà sưu tầm trà hơn 30 năm kinh nghiệm - thể hiện.
Có uống đúng trà mới thấy được cái hay, cái thi vị, sự hấp dẫn của nghệ thuật và kinh nghiệm chế biến Oolong từ các nghệ nhân xứ Đài. Cộng thêm việc mang đến bảng Phong Vị Luận - một nghiên cứu lâu năm về các dải hương, vị, màu sắc của từng loại trà Đài do Trạm Nghiên cứu và Khuyến nông trà (Tea Research and Extension Station) dày công nghiên cứu, nhờ đó những định dạng về hương - sắc - vị trong trà trở nên dễ dàng và chuẩn xác hơn, giúp cho việc cảm nhận thêm phần thú vị.
Khách thích thú "dụng chén thẩm hương", một đặc trưng văn hóa trà Đài.
Được thưởng thức, tiếp cận nhiều thông tin hữu ích một cách cụ thể, chi tiết về trà Đài thông qua những phẩm trà từ người am hiểu và có cùng đam mê, “Chân vị lưu hương” chỉ kéo dài trong một buổi sáng nhưng để lại nhiều ấn tượng đẹp. Andrew kể: “Ở Đài Loan, nhiều tiệm trà giúp trang bị kiến thức cho khách hàng, người uống trà dễ tìm được các quán trà phù hợp. Chúng tôi có nhiều quán trà trên trăm năm tuổi, họ có uy tín, kinh nghiệm, thương hiệu, kiến thức được chuẩn hóa nên khi truyền dạy hay chia sẻ về trà, họ biết làm cái đúng. Trong nghề trà, đúng thì sẽ bền”.
Nhìn lại ngành trà Việt hiện tại, vô số tiệm trà ra đời, trà sư, nghệ nhân, nghệ sư, giảng sư… cũng xuất hiện nườm nượp; các lớp dạy pha trà, truyền thụ kiến thức trà với học phí trên trời đang ra rả hàng tuần chiêu mộ đồ đệ mới. Người uống trà nhập môn sẽ thật khó chọn lựa khi lạc vào mê cung “sư” và lớp học kể trên. Những hoạt động cụ thể, thiết thực như “Chân vị lưu hương”, một trải nghiệm nhưng muôn vàn điều hay, rất cần lắm để trà Việt nhìn ra ưu khuyết rõ hơn mà cải thiện và tiến triển.
Bài và ảnh: Thiên An