Giữ biển trong tay người

 09:03 | Thứ ba, 15/07/2025  0
Những vùng biển bị đánh bắt cạn kiệt, những bãi san hô chết vỡ vì lưới cào sát đáy biển, những làng đánh cá không còn người sống bằng nghề cá. Đó là thảm kịch diễn ra ở nhiều vùng biển ở khắp nơi.

Con người đông lên, biển hẹp lại. Lưới cá vươn xa, biển nghèo đi. Sự phai tàn của biển ngấm ngầm được chấp thuận trong những cái lắc đầu tiếc nhớ quá khứ của người dân làng chài khắp nơi. Nhưng ở một số nơi, nhà khoa học, đền thờ tôn giáo và cộng đồng địa phương đã cố gắng không để xảy ra hệ quả tất nhiên đó. Nghịch đảo họ tạo ra không phải là câu trả lời cho toàn thế giới, mà  cho chính con cháu họ. 

Sudarman, một người đánh cá ở West Java (Indonesia) kể: “Khi tôi mới đến Java hồi 26 năm trước, cả làng chỉ có 50 con thuyền. Mỗi ngày chúng tôi chỉ đưa thuyền ra biển cách bờ chừng 30 phút lái tàu, kéo lưới một buổi là về. Chủ thuyền trả tôi số tiền đủ ăn một tuần”.

Sau 26 năm, ngôi làng giờ có hơn 300 con thuyền. Mỗi đêm, vùng biển phía xa sáng rực ánh đèn như thành phố nổi. Số thuyền đánh cá xếp thành lớp nối dài, lưới giăng như mê cung. Ngôi làng đông dân cư thêm, thanh niên đánh cá ngày càng nhiều. Người ta ra biển bất cứ giờ nào có thể.

Số lượng tàu đánh cá ở các làng ven biển Indonesia cực kỳ lớn, nơi người dân phụ thuộc hoàn toàn vào biển về thu nhập, dinh dưỡng.


Có những ngày Sudarman trở về với thuyền trống, không bắt được con cá nào. Trong làng có một người ngư dân “nổi tiếng” vì ông ra biển hơn 50 ngày liên tiếp mà không bắt được con cá nào. Ông là một trong những ngư dân giỏi và giàu kinh nghiệm nhất ở làng. Ra biển thuyền không khi về thuyền trống trở thành chuyện gẫu của người làng, một biểu hiện của vùng biển ngày càng nghèo đi vì nguồn cá không còn như xưa nữa. 

Một vùng đất giữa đại dương giờ đang âu lo vì nguồn cá cạn dần. 

Chuyện kể như vậy tôi cũng từng được nghe ở Baja California (Mexico) khoảng thập niên 1980. Người ở Baja đánh cá bằng mìn. Mỗi thuyền đánh cá có thể tiêu diệt cả rạn san hô. Rùa biển xanh là loài bản địa gần như biến mất vì mắc vào lưới cá và thịt rùa được bán ở chợ biên giới. Những hòn đảo nhỏ nơi chim biển sinh sôi vắng dần bóng các loài chim, thậm chí có đảo cả quần thể chim biển biến mất. Mất nguồn cá là mất đi tất cả các loài ăn cá và sống gần cá. Kể cả con người. 

Ở làng đánh cá Punta Abreojos, Martin - một ngư dân săn tôm hùm kể: “Đúng ngày 29.8 thuyền mới được ra khơi. Mỗi làng đánh cá ở đây chỉ được đánh bắt trong khung thời gian quy định, sau đó nghỉ sáu tháng để tôm hùm có thể sinh sản”. Trong suốt dọc chiều dài bán đảo Baja gần 2.000 km, mỗi làng đánh cá theo lịch đánh bắt riêng, cách nhau chừng vài ngày đến vài tuần. 

Thông lệ mà Martin kể bắt đầu từ khi các cộng đồng sống dọc sa mạc Baja California đồng ý thỏa thuận với các nhà khoa học bảo tồn và chính quyền bang, cùng nỗ lực tái tạo hệ sinh thái ở vùng biển này. Đổi lại, trong 10 năm đầu tiên, ngư dân ngừng đánh cá được cấp một khoản “tem phiếu” thực phẩm đủ để sinh tồn mà không phải ra khơi. Gia đình ngư dân địa phương cũng được quyền khai thác du lịch dựa vào biển như dẫn khách đi xem cá voi, đi lặn, đi xem bãi biển đẹp. 

“10 năm đầu đó đúng là 10 năm đói, lúc đó người dân làng rất tức giận, nhưng họ vẫn nhận được tem phiếu như lời hứa của các bên bảo tồn” - Martin nhớ lại thời thơ ấu của anh. 

Rồi sau đó, những con rùa biển xanh trở lại. Số lượng gấp hàng chục lần trước kia. Những bãi trứng rùa đầy dọc vịnh biển. Cá voi lại về sinh con, chăm sóc con trong ba tháng con còn bé. Những bãi cá đuối khổng lồ xuất hiện trở lại. Cá mập voi trở về vùng biển Cortez. Đó cũng là lúc vùng đất này hồi sinh. 

Giới lặn biển chuyên nghiệp nói rằng Baja California là nơi hiếm hoi trên thế giới họ có thể thấy được cực kỳ nhiều loài sinh vật trong mỗi chuyến lặn. Baja California từ vùng đất tàn lụi trở thành địa điểm du lịch nổi tiếng toàn cầu. 

Một người làm công tác bảo tồn rùa biển theo thời vụ ở Baja California đang giải thích cho các em nhỏ về cách rùa biển con sinh tồn. 


Ở những ngôi làng nhỏ xíu nằm ở rìa sa mạc sát biển, gia đình ngư dân nhiều thế hệ như Martin trở thành doanh nghiệp du lịch, sở hữu tàu chở du khách, con trai lái tàu đưa du khách đi xem cá voi, cha hướng dẫn du khách đi lặn, đi câu cá thể thao. Họ cũng là lực lượng quan sát và hỗ trợ các nhà bảo tồn đếm số lượng cá voi, cá mập voi về sinh đẻ hoặc nuôi con mỗi năm. Đổi lại 10 năm nghèo đói, giờ họ trở thành những doanh nghiệp vừa bảo vệ vừa sống cùng thiên nhiên kỳ vĩ mà họ góp phần không tàn phá. 

Từ quá khứ bán thịt rùa ở chợ biên giới, các gia đình sống gần bờ biển có thể xin giấy phép hỗ trợ rùa đẻ trứng và để rùa con ra khơi an toàn. Đổi lại, họ được phép nhận những khoản tài trợ từ du khách khi hướng dẫn du khách đi xem rùa đẻ hay tham gia thả rùa. Giờ đây, ở bất kỳ bãi biển nào ở Baja California, người đi bơi đều dễ dàng gặp một chú rùa trưởng thành bơi gần đó. Hệ sinh thái từng bị hủy diệt đến cạn kiệt đã quay trở lại. 

Nhưng cách bảo tồn ở Baja California khó có thể áp dụng với những vùng đất khác. Vì Baja California nằm trong sa mạc, dân số ít ỏi, các làng ven biển rất nhỏ, dân thưa thớt. Sự đồng thuận giữa nhà khoa học, quỹ bảo tồn, chính quyền và người dân dễ dàng hơn rất nhiều so với những khu vực có dân số cực kỳ đông đúc như Indonesia. 

Một buổi chiều tôi đi ra xem người làng ở West Java kéo lưới. Lưới vào rất nặng. Hơn chục ngư dân hì hục kéo lên. Trong lưới có một con rùa biển. Người đàn ông đứng đầu lưới lại gần, gỡ con rùa ra, thả về lại mặt nước. Ở đây, đánh bắt rùa là phạm pháp, bị phạt rất nặng. Không ai muốn vi phạm và chịu hậu quả. 

Năm 2024, Sudarman khoe với tôi tấm ảnh một con cá to gần bằng người anh mắc vào lưới. Anh bảo cả đời anh chưa bao giờ bắt được con cá to như vậy. Tôi hỏi anh bán nó với giá bao nhiêu, Sudarman trả lời: “Tôi thả nó rồi. Nó to như vậy chắc còn sống lâu hơn tôi”.

Có thể con cá sẽ giúp anh kiếm được số tiền lớn hơn rất nhiều so với chuyến ra khơi thông thường. Nhưng “sống lâu” lại trở thành sự kính ngưỡng thầm kín mà người ngư dân trong anh dành cho con cá, khiến anh hành động khác với động cơ mưu sinh thông thường. Anh cho con cá một cơ hội. Thiên nhiên kỳ vĩ hơn sự tưởng tượng của anh. Anh không có quyền lấy đi sự kỳ vĩ đó. Anh cho bản thân một cơ hội. 

Tôm hùm là đặc sản đánh bắt ở Baja California, nơi cư dân tuân thủ nghiêm ngặt lịch đánh bắt hàng năm, cũng như các tháng nghỉ để cho tôm hùm sinh sản. Trong ảnh là một bãi vỏ tôm hùm đã lột xác trước mùa đánh bắt tại Punta Abreojos.


Ngày thứ Sáu hàng tuần, ngày cầu nguyện quan trọng của người Hồi giáo ngư dân, Sudarman và cánh đàn ông trong làng đổ ra bờ biển, ra đường làng. Họ quét dọn sạch bờ biển, nhặt hết rác du khách bỏ lại, quét sạch những con đường quanh xóm, gom rác lại thành nhiều bãi để đốt. Sau đó đến giờ cầu nguyện. Ngày thứ Sáu của ngư dân là ngày người làng bày tỏ sự kính trọng với đại dương của họ, không ra biển, không gây hại, làm sạch và chăm sóc bờ biển. 

Những ngư dân Indonesia không thể ngừng đánh bắt. Đó là nghề duy nhất họ kiếm sống bao đời này. Cá là nguồn dinh dưỡng quan trọng nhất của ngư dân ở các vùng biển Java. 

Sudarman kể ở đền thờ Hồi giáo, họ thỉnh thoảng được Imam (thầy/giáo sĩ Hồi giáo) nhắc nhở không được đánh bắt một số loài cá đang ngày càng khan hiếm, vì cá là quà tặng của Thượng đế cho con người. 

Ở Indonesia, phong trào “Hồi giáo xanh” đang phủ xanh những vùng núi lửa bị cạo trọc. Nhiều đền thờ dạy trẻ em biết cách chăm sóc môi trường sống quanh chúng và người lớn làm mẫu trong những hoạt động cuối tuần của người làng. 

Tôi không nhìn thấy giải pháp chung nào để biển không cạn kiệt giữa một vùng đất hoang hồi phục nhiệm mầu và một đảo quốc chịu áp lực dân số cực kỳ lớn. Nhưng giao tiếp gần gũi của những con người ở đây với thiên nhiên, theo cách nào đó, đã ban cho họ chìa khóa giữ gìn vùng đất mà họ sống nhờ bao đời nay. Sinh mệnh và tương lai của họ, họ được quyền chọn ở bên đại dương hay từ chối sinh tồn.   

Bài và ảnh: Khải Đơn

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.