Tại Khánh Hòa, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh hôm 8.6 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam, khám xét nơi ở đối với hai cựu chủ tịch UBND tỉnh này là ông Nguyễn Chiến Thắng (66 tuổi) và Lê Đức Vinh (56 tuổi) về tội “vi phạm các quy định về quản lý đất đai”. Cùng bị khởi tố, bắt tạm giam trong vụ án này còn có cựu giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Khánh Hòa: Lê Mộng Điệp (66 tuổi).
Theo cơ quan điều tra, 3 bị can này bị khởi tố vì có sai phạm trong quá trình cho thực hiện hai dự án trên núi Chín Khúc là dự án “sinh thái tâm linh Cửu Long Sơn Tự” và dự án “biệt thự sông núi Vĩnh Trung”, đều do Công ty TNHH Khánh Hòa làm chủ đầu tư. Theo các nguồn tin, hai ông Nguyễn Chiến Thắng, Lê Đức Vinh với chức trách chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa đã chỉ đạo thực hiện hai dự án trên, trong đó có chỉ đạo giao đất ở, đất dịch vụ - thương mại trên đất lâm nghiệp, quy hoạch trồng rừng - trái với quy định pháp luật về đất đai.
Theo quy hoạch chung phát triển thành phố Nha Trang đến năm 2025 được Thủ tướng phê duyệt năm 2012 thì núi Chín Khúc (diện tích chủ yếu nằm ở phía tây nam thành phố Nha Trang) không quy hoạch phát triển đô thị. Một lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm Khánh Hòa cho biết đất trên núi Chín Khúc là đất quy hoạch rừng sản xuất. Thế nhưng tính đến năm 2019, đã có 8 dự án được UBND tỉnh Khánh Hòa cho triển khai ở núi này. Trong đó có 2 dự án khu biệt thự, 2 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái, 1 dự án khu đô thị, 1 dự án công viên nghĩa trang, 1 dự án mở rộng khu dân cư và 1 dự án kinh tế trang trại.
Năm 2014, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Chiến Thắng ký văn bản cho Công ty CP Thanh Yến thực hiện dự án BT xây dựng Trường chính trị Khánh Hòa ở ngoại thành Nha Trang, với tổng mức đầu tư 149 tỉ đồng và được hoàn vốn bằng quỹ đất của Trường chính trị cũ tại số 1 Trần Hưng Đạo (TP.Nha Trang). Khu đất “vàng” nay thành cao ốc, trung tâm thương mại của tư nhân. Ngày 8.6, ông Thắng đã bị khởi tố thêm vụ án này. Ảnh: Hiền Lương
Còn tại Bình Dương, ông Trần Văn Nam (58 tuổi), ủy viên Trung ương Đảng khóa XII, vừa tái trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII hồi tháng 1.2021, đã không được Ủy ban Bầu cử Trung ương Quốc hội khóa XV công nhận tư cách đại biểu dù đã được bầu (trước đó ông Nam tự tuyên bố xin thôi làm đại biểu Quốc hội “vì lý do sức khỏe”).
Thông báo ngày 16.6.2021 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nêu kết luận của ủy ban: Đồng chí Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XIV của tỉnh chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020; chịu trách nhiệm trực tiếp khi giữ chức vụ phó chủ tịch UBND tỉnh đã ký văn bản áp dụng giá đất tính thu tiền sử dụng đất, vi phạm quy định pháp luật về đất đai, gây thất thoát lớn ngân sách nhà nước; thực hiện trái chủ trương về phương án sử dụng 43 ha đất tại Tổng Công ty 3/2; hợp thức hóa việc chuyển nhượng trái phép dự án Tân Phú cho tư nhân; để Tổng Công ty 3/2 đưa 145 ha đất góp vốn vào Công ty Tân Thành trái pháp luật.
Cả Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015-2020 và Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016-2021 cũng đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để một số tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật trong quản lý, sử dụng đất đai, vốn, tài sản tại Tổng Công ty Sản xuất và Xuất nhập khẩu Bình Dương (Tổng Công ty 3/2), gây hậu quả rất nghiêm trọng, thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước (...)
Nếu không kể những sai phạm trong vụ Thủ Thiêm (TP.HCM) mà hậu quả đến nay vẫn chưa khắc phục xong, và một số vụ án liên quan tới đất ở một số địa phương, một số ngành khác thì hai vụ việc ở Khánh Hòa và Bình Dương chỉ là hai vụ việc gần đây nhất cho thấy đất đai, tài nguyên thiên nhiên vốn được xem là tài sản toàn dân đã trở thành đối tượng của lòng tham của không ít quan chức có vị trí cao trong bộ máy Đảng và Nhà nước, quan chức lãnh đạo địa phương như thế nào.
Và trong hệ thống hiện tại, khi mỗi địa phương như là một vương quốc, một lãnh địa riêng mà không có cơ chế kiểm tra và cân bằng ở mỗi cấp, thì việc cán bộ lãnh đạo địa phương biến của công thành của tư để thỏa mãn lòng tham của mình là điều khó có thể ngăn chặn. “Học tập và làm theo” các tấm gương đạo đức nhiều lúc chỉ là phong trào, trên đầu lưỡi, cho có hình thức, thậm chí trở thành bức màn che đậy những hành vi được thúc đẩy bởi lòng tham trong bóng tối của một số quan chức. Những nguyên tắc để ngăn chặn có hiệu quả việc quan chức tham nhũng, biến đất đai, tài nguyên thiên nhiên của toàn dân thành của riêng hoặc của nhóm lợi ích riêng, bằng cách làm cho quan chức “không muốn, không dám, không thể” tham nhũng chưa trở thành những nguyên tắc sống còn trong sự vận hành của bộ máy, của cả hệ thống.
*
Ngày 20.7.2016, TAND quận Thủ Đức TP.HCM mở phiên tòa xét xử Ôn Thành Tân (18 tuổi, ngụ quận 9) và Nguyễn Hoàng Tuấn (18 tuổi, ngụ huyện Củ Chi) trong vụ án cướp giật bánh mì, trị giá tổng cộng 45.000 đồng, để ăn khi bụng đói. Vào thời điểm xảy ra vụ án, hai bị cáo Tân và Tuấn đều chưa thành niên. HĐXX “xét thấy các bị cáo thành khẩn khai báo, phạm tội khi chưa thành niên, bị cáo Tân có nhân thân tốt”… nên đã tuyên phạt Tuấn 10 tháng tù, tuyên phạt Tân 8 tháng 20 ngày tù (lúc ấy Tân đã chấp hành xong hình phạt).
Ngày 16.3.2017, TAND huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang tuyên xử Nguyễn Văn Khang (sinh năm 1997) 7 năm tù về hành vi “cướp tài sản”. Theo cáo trạng, Khang và Kiệt đang nhậu thì hết mồi, Khang rủ Kiệt đi kiếm mồi về nhậu tiếp. Lúc đi, Khang và Kiệt mang theo hai con dao và khi gặp đàn vịt của anh Ngân, Khang móc dao ra đe dọa và bảo Kiệt vào bắt một con vịt… về làm mồi nhậu. Con vịt tính ra trị giá 174.000 đồng (thời điểm ấy).
Không hiếm những vụ án ăn cắp vặt mà bị cáo, có khi còn ở tuổi vị thành niên, bị tuyên những án tù như thế cho những thiệt hại gây ra chỉ đáng giá vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Cũng là lòng tham, nhưng lòng tham của những người khố rách áo ôm chỉ gây thiệt hại đến thế. Còn lòng tham của những người có quyền lực trong tay, nếu quy ra tiền hẳn phải là tỉ tỉ. Còn gây thiệt hại cho cảnh quan, cho môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của nhiều người dân như trường hợp băm nát núi Chín Khúc bằng các dự án đã cấp phép thì khó có thể đo đếm.
Lòng tham cùng với quyền lực tha hóa mà không có cơ chế kiểm soát và cân bằng là thứ lòng tham gây hại vô cùng lớn đối với nền kinh tế, với xã hội và hoạt động lành mạnh của Nhà nước.
Bộ Chính trị đánh giá các sai phạm của Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Trần Văn Nam và một loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh này là “rất nghiêm trọng, gây thất thoát lớn ngân sách của Đảng, Nhà nước”. Ngày 18.6, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì họp Bộ Chính trị, họp Ban Bí thư để xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Dương nhiệm kỳ 2015 - 2020, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ 2016 - 2021 và một số cán bộ lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Bình Dương.
Đoàn Khắc Xuyên