ĐBSCL: sau hạn, mặn tàn khốc sẽ là mưa lũ lớn?

 14:00 | Thứ ba, 19/04/2016  0

Cho biết hạn mặn năm nay là hiện tượng dị thường với tần xuất 90 năm xảy ra một lần (so với số liệu đền năm 1026 do Pháp để lại – PV) do El Nino, PGS.TS Lê Tuấn Anh, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu biến đổi khí hậu Đại học Cần Thơ cảnh báo: chu kì El Nino đang giảm tác động đến khoảng tháng 6.2016, và chu kì La Nina sẽ bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 8.2016. Đây là kết quả từ tổng hợp các kết quả quan tắc của Cơ quan Quan trắc khí tượng của Mỹ (climate.gov).    

Sở dĩ các nhà khoa học nhấn mạnh đến yếu tố này bởi câu chuyện hạn mặn do El Nino cực đoan năm nay là một bài học lớn trong công tác ứng phó của chính quyền VN hiện nay.

Theo ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập nghiên cứu về sinh thái ĐBSCL, chuyện xâm nhập mặn ven biển ta có thể đoán trước được vài tháng qua quan sát mà không cần phải có hệ thống cảnh báo cao siêu gì. Ở vùng Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên, thay vì hàng năm lũ ngập 2-3m, thì mùa lũ 2015 vừa qua chỉ ngập tới đầu gối. Điều này cho thấy rõ ràng là mùa khô tiếp theo, tức năm 2016, vùng ven biển sẽ bị xâm nhập mặn sâu; và vì vậy hoàn toàn có thể khuyến cáo người dân các tỉnh ven biển tránh thiệt hại bằng cách không xuống giống vụ Đông Xuân, và tăng cường trữ nước cho sinh hoạt.

“Cũng vì vậy, chúng ta cũng phải dè chừng tiếp sau El Nino có thể là La Nino gây mưa lũ lớn, vỡ đê lúa vụ ba ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên trong những mùa lũ sau. Biết chính xác số liệu thì khó, nhưng khi lường trước thì chúng ta hoàn toàn có thể giảm được thiệt hại”, ông Thiện cảnh báo. 

Mặn hạn ở Cà Mai - ảnh: TL

Cũng theo nhiều nhà khoa học, trong rủi cũng có… may, vì đây là dịp chính quyền cần nhìn lại để có một chiến lược lâu dài, trong đó có dự trù tình huống cực đoan như năm nay.

Tuy nhiên, một chiến lược lâu dài cần dựa vào xu thế diễn biến nhiều năm, chứ không phải dựa vào trên một thực trang chưa được khẳng định là xu hướng.    

Theo đó, cần nhìn lại chiến lược an ninh lương thực và hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất, đặc biệt là người dân nghèo không đủ nguồn lực để tự chuyển đổi để thích ứng, mà cần có sự giúp đỡ của nhà nước trong quy hoạch sử dụng đất và hệ thống thủy lợi.

Cũng theo TS Dương Văn Ni, ĐH Cần Thơ, ngoài việc tính đến đất, nước, con giống thì trong quy hoạch cần tính đến xu thế biến đổi khí hậu, vấn đề cơ giới hóa và lực lượng lao động địa phương (đang rất thiếu hụt).

Kiến thức bản địa của người dân trong ứng phó với hạn mặn, lũ (đang bị mai một dần) cũng là một trong những cơ sở cho những thay đổi chính sách.  

ĐBSCL hiện đang trong tình trạng hạn hán nặng nề do hiện tượng El Nino hoàng hành, khiến nguồn nước ngọt từ thượng nguồn bị thiếu hụt trầm trọng. Hệ quả là nước mặn do thủy triều biển Đông và biển Tây xâm nhập mặn sâu hơn 90 km vào nội đồng, khiến khoảng 40% diện tích canh tác vùng châu thổ bị nhiễm mặn. Hiện đã có 9/18 tỉnh vùng ĐBSCL công bố tình trạng hạn mặn.

Lê Quỳnh  

» Mekong - dòng sông bị bức tử

» Miền Tây trong cơn khát - Kỳ 1: Thượng điền tích thủy hạ điền khan?

» Miền Tây trong cơn khát - kỳ 2: Pháp lý cho nguồn nước và giải pháp sống chung hạn, mặn

bài viết liên quan
TAGS
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.