Trải qua gần 60 năm cuộc đời, Elvis Phương là một tượng đài giúp đưa dòng Rock’n’Roll và nhiều cách tân độc đáo vào âm nhạc Việt. Lấy tựa Dòng đời theo tên bài jazz nổi tiếng My Way, nam danh ca đã có những giãi bày riêng qua lời kể chân thành, từ đó tiết lộ rất nhiều câu chuyện, hình ảnh, tư liệu sống động mà trên ánh đèn sân khấu ít người biết đến.
Thời thơ ấu và tiếng gọi của âm nhạc
Được viết theo dòng thời gian từ khi sinh ra đến khi lớn lên, ở những chương đầu, Elvis Phương cho thấy được niềm đam mê âm nhạc ngay từ rất sớm. Như mối lương duyên đã được số phận sắp đặt, đó là việc ông thích phim ảnh và đã xem nhiều thể loại, thế nhưng tác phẩm để lại ấn tượng sâu nhất vẫn là bộ phim cao bồi O’Cangaceiro, nơi tiếng harmonica ở phần cuối phim vẫn luôn đọng lại. Từ chiếc harmonica ấy, ông dần sở hữu những “gia tài” khác, như chiếc radio, máy phát đĩa than, cây guitar bị hỏng dây… và cũng từ đó mà niềm khát khao đối với âm nhạc ngày càng đậm thêm.
Elvis Phương lúc 16 tuổi. |
Tại đây ông cũng tiết lộ một chuyện ít nhiều buồn thương, khi gia đình đã không ủng hộ ông theo con đường âm nhạc. Trong đó cha ông là người phản đối có phần quyết liệt, bởi tư tưởng cũ “xướng ca vô loài” cũng như mong muốn con mình nối nghiệp thầu khoán. Thế nhưng như một câu nói càng cấm càng làm, đam mê âm nhạc cứ thế lớn lên, cũng kèm theo đó là sự kình chống khó thể giảng hòa giữa ông và thân phụ mình.
Ông viết: “Tôi chắc chắn được một điều là mình rất mê âm nhạc, nghe tiếng nhạc tôi thấy yêu đời, thấy tâm hồn nhẹ nhõm lâng lâng. Lúc nào, giờ nào tôi cũng có thể nghe được, nhiều lúc còn mang cả radio vào trong toilet để nghe. Tiếng gọi của âm nhạc đến với tôi từ thời thơ ấu, nhìn lại những người thân trong họ hàng chung quanh, tôi nhận thấy mình chẳng hề chịu ảnh hưởng văn nghệ của bất kỳ ai, phải nói tôi nghĩ mình sinh ra đời để được ra phải được hát mà thôi”.
Dẫu vậy ông không hờn giận cha mình, mà khi ngày càng trưởng thành, ông nhận ra đó sẽ trở thành một “kim chỉ nam” để mặc cho sống giữa nhiều cám dỗ trong các vũ trường, những sân khấu ca nhạc… thì ông vẫn giữ được mình sao cho thuần chất. Có thể nói rằng những chia sẻ này là lời riêng tư và cảm xúc nhất mà Elvis Phương viết ra trong cuốn hồi ký, như lời tạ ơn cho vị thân sinh đã đưa "chú ngựa hoang dại" vào trong cánh đồng ca nhạc, dù bằng cách này hay cách khác.
Elvis Phương với Trung Lang Rockin' Star vào năm 1960. Ảnh: NVCC
"Ma lực" của Elvis Presley
Sau đó sẽ là quãng đời chạm ngõ bước vào trình diễn, khi ông gia nhập vào các ban nhạc nổi lên ở thời bấy giờ, từ Rockin’ Star, Les Vampire cho đến Phượng Hoàng cùng hai nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà. Ở mỗi thời kỳ ông luôn biết cách tạo ra được sự đặc biệt để thu hút khán giả, và cũng phần nào khẳng định “Âm nhạc là mùa Xuân trong tôi, đang nở hoa rực rỡ, không thể nào để cho mùa Đông của sách vở, của văn bằng tận diệt dưới lớp đá băng lạnh lẽo”.
Điểm hay của thể loại hồi ký đó là tuy phản ánh góc nhìn cá nhân, thế nhưng bối cảnh mà nó làm nên thường mang được tính phổ quát khi là ký ức của rất nhiều người. Ở Dòng Đời, qua những mô tả của Elvis Phương, lịch sử về sự du nhập âm nhạc cũng được trở lại theo từng thời kỳ phát triển của bản thân ông. Đó là những năm 1959 – 1969 với phong trào nhạc ngoại bắt đầu manh nha và các ban nhạc “kích động” chuyên trình bày nhạc ngoại quốc bắt đầu ra mắt. Cũng vào lúc này mà ông tìm thấy Elvis Presley – một cá tính có “sức lôi cuốn kỳ lạ, như có ma lực ghê gớm lôi kéo tôi vào thế giới của âm thanh đầy huyền hoặc”.
Elvis Phương tại nhà của Elvis Presley. Ảnh: NVCC
Ông cũng kể lại một thời thanh xuân thích sưu tầm những bài ca nước ngoài, chép lại trong một quyển tập được trang trí cẩn thận, với những hình ảnh được cắt từ báo ngoại quốc lúc đó vẫn còn hiếm hoi tại Việt Nam. Elvis Phương tiết lộ để có những hình ảnh ấy thì người ta phải nhờ người nhà ở nước ngoài gửi về, vì phải đến năm 1963 thì mới có các tạp chí ca nhạc Mỹ xuất hiện, khi quân đội Mỹ vào Việt Nam. Thời điểm này cũng đã đánh dấu nhạc Pháp thoái trào và sự thay đổi thành phần khán giả.
Theo đó nếu những năm trước người tham dự đa số là học sinh trường Pháp, thì thời kỳ này là sự góp mặt của nhiều “dân chơi” Sài Gòn và sự bành trướng của nhạc Anh, nhạc Mỹ với sự có mặt của những quân nhân Hoa Kỳ. Đó là làn sóng British Invasion, và cũng đánh dấu bước chuyển của thời kỳ ca hát tài tử để bắt đầu có sự kỳ kèo về giá cả của những hợp đồng ký kết.
Elvis Phương kể mình từng khiến tài tử Lưu Đức Hoa bất ngờ với việc thay trang phục sau mỗi tiết mục trình diễn. Ảnh: NVCC
Ban Phượng Hoàng và những cá tính
Bên cạnh bối cảnh được tái hiện lại, Dòng đời cũng là những cuộc gặp gỡ của Elvis Phương với những bạn nhạc đóng vai trò quan trọng trong cuộc đời ông. Đó là huyền thoại cải lương Thanh Nga – người từng ngồi kề bên ông ở trường tiểu học Jean-Jacques Rousseau, là Khánh Ly – người đã thu âm cùng ông băng nhạc đầu tiên ở Mỹ, là cố nghệ sĩ Chí Tài – người đã sẵn lòng đầu tư cho ông dù chưa hề biết kết quả sẽ đi đến đâu… Ngoài ra còn là những gương mặt khác đã từng xuất hiện trong các ban nhạc kề cận quanh ông thuở mới vào nghề, cũng như trong nhiều tấm ảnh được đính kèm theo.
Trong đó hai người nổi bật không thể không nhắc là hai thành viên của ban Phượng Hoàng. Elvis Phương không chỉ kể lại những chuyện thân tình mà còn đánh giá ảnh hưởng của họ lên sự nghiệp và cuộc đời mình. Ông viết: “Hai tâm hồn, hai tư tưởng, hai nghệ sĩ, hai khuynh hướng sáng tác khác nhau, nhưng khi kết hợp lại đã mang đến sự quân bình tuyệt diệu của nhân sinh quan cũng như nghệ thuật. Tôi không coi họ là những thiên tài, mà tôi coi họ như những nạn nhân của tuổi trẻ, người nói lên được những cảm nghĩ sâu xa của một tuổi trẻ bị xâu xé vì chiến tranh, bị giằng co giữa cái đẹp và cái xấu trong bối cảnh xã hội lúc đó”.
Ban Phượng Hoàng (từ trái qua): Elvis Phương, Trung Vinh, Nguyễn Trung Cang, Châu và Lê Hựu Hà. Ảnh NVCC.
Ở đó có một Lê Hựu Hà lạc quan với lòng yêu thiên nhiên, yêu người, yêu đời, còn Nguyễn Trung Cang thì sống trong sự bi quan, dằn vặt, nhìn cuộc đời này bằng một màu đen tang tóc, ảm đạm. Và chính sự quân bình ấy đã tạo nên ban Phượng Hoàng như tên tuổi lớn của một giai đoạn nhạc trẻ Việt Nam bắt đầu thành hình. Và không chỉ có cơ may được hợp tác cùng và làm việc với những yếu nhân, mà bản thân ông cũng là một người hướng mình đến sự hoàn hảo, để đáp lại lòng thương yêu của khán giả dành cho mình.
Ông kể về những lần mua sắm rất nhiều trang phục ở các kinh đô thời trang khác nhau với những nhà thiết kế nổi tiếng, không chỉ vì thích mặc đẹp mà còn vì để tôn trọng khán giả. Ông cũng nói về nỗ lực của mình trong việc tìm ra một lối đi mới, trong việc tiên phong hát các liên khúc, phối trộn chất liệu dân gian cũng như cách hát bày tỏ cảm xúc khác biệt… Chính những điều đó làm nên một Elvis Phương của ngày hiện tại, rằng dẫu chìm nổi theo dòng thời gian ở nhiều bối cảnh khác nhau, thì ông vẫn luôn thích nghi và tìm thấy được lối riêng cho bản thân mình.
Bìa cuốn hồi ký Dòng đời. Ảnh: Phương Nam Books
Xuyên suốt tác phẩm ông đã ví mình như chú ngựa hoang “phóng vào đồng cỏ mênh mông, bát ngát để khám phá biết bao điều mới lạ, được nhìn thấy đủ muôn mặt của cuộc đời này, từ những khuôn mặt khả ố đến những khuôn mặt đẹp đẽ dễ thương, từ những khuôn mặt tính toán thâm hiểm cho đến những khuôn mặt đầy bao dung và nhân hậu…”
Và sau 60 năm vùng vẫy vẫn chưa thấm mệt, cho đến giờ đây, ông vẫn là một tượng đài trong âm nhạc Việt Nam không chỉ trong quá trình làm nghề, mà còn là thái độ sống và lòng bao dung với cuộc đời này. Dòng Đời chính là những trải lòng ấy, để "ngựa hoang" giờ đã tìm thấy tình yêu cũng như chính mình.
Minh Anh